Cầu Rồng tỏa sáng!

Nghề chiếu sáng ở Việt Nam là một nghề mới, số lượng công ty chiếu sáng chuyên nghiệp hiện đếm trên đầu ngón tay, thế nên khi công trình chiếu sáng cầu Rồng Đà Nẵng được trao giải “Biểu dương đặc biệt” tại Mỹ, đã tạo nên tiếng vang lớn trong lĩnh vực chiếu sáng ở phạm vi khu vực và thế giới. Elle Decoration đã gặp gỡ TS.KTS Trần Văn Thành, tác giả của dự án chiếu sáng cầu Rồng để nghe anh chia sẻ về lĩnh vực chiếu sáng, một nghề đang có nhiều tín hiệu tốt ở thị trường Việt Nam.

Công trình chiếu sáng Cầu Rồng, Đà Nẵng.

Chiếu sáng công trình nhà ở, công trình công cộng, là một nghề khá mới ở Việt Nam, anh có những cảm nhận gì về phong cách chiếu sáng ở các nước phát triển và riêng ở Việt Nam?

Mỗi quốc gia đều có lối chiếu sáng riêng, Pháp mạnh về chiếu sáng kiến trúc cổ, Las Vegas chiếu sáng ở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, có thể nói mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận với kỹ thuật chiếu sáng khác nhau. Văn hóa phương Đông và phương Tây cũng gây ảnh hưởng trong chiếu sáng, chẳng hạn đèn lồng đỏ treo ở châu Á về đêm sẽ thấy vui nhộn, màu sắc, còn treo ở châu Âu lại là sự trầm lắng.

Yếu tố thời tiết cũng tác động lên chiếu sáng,ở Anh dùng màu đỏ chiếu sáng thì rất ổn vì khí hậu quanh năm sương mù, còn ở khí hậu nhiệt đới dùng đỏ quá thì không ổn. Khoảng cách thế hệ cũng ảnh hưởng lên chiếu sáng, nhất là ở Việt Nam, thế hệ ông bà, cha mẹ quen sử dụng đèn Neon, chiếu sáng cả nhà chỉ với một nguồn sáng đơn sắc, người trẻ giờ biết sử dụng nhiều nguồn sáng khác nhau, tạo nên không gian nhà sinh động và ấm cúng hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề chiếu sáng vẫn là thứ yếu, khi thực hiện công trình nhà cửa thường vấn đề đèn là điểm quan tâm sau cùng, khi công trình hoàn thiện mới mua đèn gắn vào.

Thời gian học tập và làm việc tại Đức vàAnh chắc hẳn mang lại cho anh nhiều kinh nghiệm chuyên ngành trong lĩnh vực chiếu sáng?

Lĩnh vực chiếu sáng ở Đức chú trọng về công năng, tính thực tiễn, khi làm việc đều có những quy trình nhất định về công nghệ, kỹ thuật lắp đặt, công năng của từng loại đèn. Ở Anh lại là sự uyển chuyển, gần như không có một quy tắc riêng cho từng dự án chiếu sáng, nhưng họ có những giới hạn nhất định để hài hòa từ văn hóa, kỹ thuật, công năng, tìm ra được những điểm nhấn khác biệt trong từng dự án. Hơn nữa, ở Anh trung tâm tài chính thế giới đặt trụ sở ở đó rất nhiều, 50% côngtrình thực hiện đều do các chủ đầu tư đến từ khắp thế giới, do vậy yêu cầu cũng khác biệt và đa dạng, còn ở Đức có đến 80% công trình là nhà đầu tư trong nước, do vậy tính nguyên tắc được đề cao. Và tôi may mắn được thụ hưởng cả hai phong cách đó.

Cầu Rồng Đà Nẵng là công trình Việt Nam đầu tiên đoạt giải ở cuộc thi quốc tế về chiếu sáng. Là người thực hiện dự án chiếu sáng này, anh có thể chia sẻ điểm mạnh của công trình là gì?

Phần ý tưởng cho công trình là điểm quan trọng, Hiệp hội các nhà thiết kế chiếu sáng chuyên nghiệp thế giới (IALD) có bình luận rằng công trình mang tính ma thuật, khi đưa một nét thần thoại linh thiêng trong tâm thức Á Đông thành một công trình chiếu sáng công cộng. Điểm mạnh của công trình là dùng ánh sáng tích hợp vào con rồng, tạo cho hình ảnh rồng được giản đơn hóa, không phải biểu trưng sức mạnh, sự uy phong vốn có của rồng, mà đem lại sự thân thiện, gần gũi.

Nét uốn lượn của cầu Rồng kết hợp hài hòa cùng non nước Đà Nẵng qua hiệu ứng ánh sáng đã tạo nên một biểu tượng kiến trúc mới trên sông Hàn.

Cầu Rồng hiện có 5 màu chủ đạo là vàng, bạc, xanh da trời, xanh lá và xanh ngọc, cảm giác có gì đó rất… phong thủy, anh có thể chia sẻ lý do chọn các tông màu này trong trang trí cầu Rồng?

Chọn màu chiếu sáng là một công đoạn khó, công trình phải qua quá trình thử nhiều lần mới rút ra được 5 tông màu trên, đều là những màu hiền hòa, thân thiện. Ban đầu trong thiết kế rồng, tôi chọn có màu đỏ, nhưng khi lên đèn, hình ảnh rồng trông rất dữ, dễ khiến người ta xem và sợ. Tôi cũng đưa màu tím vào công trình, nhưng khi thử lại thấy quá thơ mộng, không phù hợp với một Đà Nẵng đang phát triển nhanh mạnh. Chuyển hình ảnh rồng qua thân đỏ, vây vàng lại mang tính tả thực rõ quá, dẫn đến tầm thường hóa con rồng, mất đi vẻ tôn nghiêm vốn có.

Dự án chiếu sáng cầu Rồng là một côngtrình có thể nói mang tính trọng điểm củaĐà Nẵng, cảm nhận của anh khi thực hiện công trình?

Cầu Rồng là một công trình mang tính biểutượng mới của Đà Nẵng, được nhiều ngườiquan tâm nên cũng là một thách thức lớn, vàcũng có những lúc tôi cảm thấy thiếu tự tin, bởilẽ rồng là con vật không có thật. Ban ngày aicũng biết, nhưng khi vẽ nó lên màn đêm, mọingười chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái ngược,do vậy tôi phải tả con rồng sao để mọi ngườinhìn vào đều cảm thấy hài lòng, điều đó thựckhông hề đơn giản.

Cầu Rồng khiến tên tuổi của ngành chiếu sáng non trẻ của Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn, với riêng anh, khi thực hiện một công trình chiếu sáng công cộng, điều quan tâm đầu tiên là gì?

Khi thực hiện bất kỳ công trình nào tôi thường tìm hiểu cuộc sống của người dân xoay quanh nó, trước lúc bắt tay vào dự án chiếu sáng cầu Rồng, tôi đi khảo sát quanh khu vực, khi ấy chỉ là một vùng mới giải tỏa, buồn tẻ, hoang vu,chẳng có dịch vụ gì. Nhưng cầu Rồng giờ đã phát triển nhộn nhịp, người địa phương và du khách khi qua cầu Rồng ban ngày, tối đến họ muốn quay trở lại để xem hình ảnh khác biệt của cầu Rồng về đêm. Khi nói đến chiếu sáng, năng lượng, mọi người thường đề cập đến nhu cầu phát triển bền vững, tiết kiệm tiền, tiết kiệm điện năng, nhưng lại quên đi yếu tố bền vững văn hóa. Cầu Rồng hình thành, đem lại sự tự hào cho người dân, tạo một cá tính mới về chiếu sáng mang tinh thần phương Đông, dịch vụ xoay quanh cầu Rồng phát triển, cuộc sống của người dân được cải thiện, đem lại lợi nhuận cao cho con người, xã hội, tạo cho con người sự tự tin, lạc quan vào cuộc sống, tôi nghĩ đó mới là giá trị thực của công trình.

Liệu có một công thức gì cho sự thành công ở lĩnh vực chiếu sáng?

Chiếu sáng không có quy luật cụ thể, cái chính là đem lại sự hòa hợp chứ không phải theo những quy chuẩn đo sáng và thiết kế ánh sáng định sẵn. Phải kết hợp không gian, bối cảnh, tính cách và nhu cầu cũng như thói quen sử dụng. Tôi lấy ví dụ, một nhà hàng đẹp, món ăn ngon, không gian trưng bày bắt mắt nhờ chiếu sáng sẽ là một điểm đến thú vị, nhưng cũng có chuỗi nhà hàng “Dining in the dark” (Ăn trong bóng tối), thực khách nườm nượp đến đăng ký, xếp hàng để chờ được phục vụ một bữa ăn mà mình không nhìn thấy gì. Thế nên nói về ánh sáng, chẳng có gì là quy chuẩn cả.

“Điều quan trọng nhất mỗi khi thực hiện một công trình chiếu sáng là tôi luôn đặt mình vào vai trò người sử dụng chứ không phải nhà thiết kế hay một chủ đầu tư” – TS.KTS Trần Văn Thành.

Giữa đam mê nghề nghiệp và kinh doanh, anh thích thực hiện những công trình như thế nào?

Trong công việc, tôi thích làm những công trình mang tính triết lý, ẩn sau đó là câu chuyện thú vị, mà qua ánh sáng người ta sẽ hiểu thêm về công trình đó. Cầu Rồng là một ví dụ cụ thể. Có rất nhiều công trình tôi làm chỉ vì yêu thích, thậm chí lỗ cũng làm bởi nó thể hiện cá tính, sự thách thức và niềm đam mê.

Quan niệm về cái Đẹp của anh trong lĩnh vực chiếu sáng đô thị?

Không có thang số nhất định, chuẩn mực nào để định nghĩa cái Đẹp trong chiếu sáng và cũng không có phong cách chiếu sáng xấu, chỉ có thể là cách nhìn nhận chưa phù hợp theo thời điểm, hoặc những khác biệt về văn hóa, mục đích sử dụng mà thôi.

Có thể gọi ASA là một trong những công ty tiên phong ở Việt Nam trong lĩnh vực chiếu sáng do anh sáng lập, va chạm với nhiều khách hàng ở một thị trường khá tiềm năng, anh nhận thấy ở đó điều gì thú vị?

Chiếu sáng ở Việt Nam là một nghề hoàn toàn mới, do vậy cơ hội phát triển rất rộng. Người Việt thường hay có những suy nghĩ cực đoan trong chiếu sáng, vấn đề năng lượng thường được quan tâm, chi phí vận hành công trình sao cho đẹp, bền mà phải rẻ. Khi đề cập về hướng tiết kiệm năng lượng, nghe rất có lý, mọi người đua nhau sắm đèn Led, quy chụp cho các loại đèn khác là không tiết kiệm năng lượng. Theo tôi, tiết kiệm năng lượng là quan trọng phải dùng sao cho hợp lý, còn mỗi loại đèn, nó mang công năng chiếu sáng riêng, không thể dùng  một loại để thay thế tất cả được.

Thực hiện: NGUYỄN ĐÌNH – Minh họa: LEFT STUDIO – Ảnh: NGUYỄN QUANG BÌNH