Anh hãy giới thiệu đôi chút về triển lãm Neo Nirvana lần này. Nguồn cảm hứng của triển lãm đến từ đâu và những nét đặc sắc nhất của triển lãm.
Triển lãm này có thể xem là hành trình của sự chữa lành với cá nhân tôi. Tên gọi “Neo Nirvana” có nghĩa là “Tân Niết Bàn”. Khi bắt đầu tìm kiếm chủ đề cho triển lãm, tôi bắt đầu bằng từ khóa “sự tái sinh”. Tôi nhận thấy trong cuộc sống, sẽ có lúc chúng ta phải có nhu cầu làm mới hoặc tái thiết cuộc sống. Khi tìm hiểu sâu hơn về chủ đề đó, hình ảnh cõi Niết Bàn-điểm cuối của mọi cuộc hành trình và cũng là khởi đầu mới trong Phật Giáo được hiện ra.
Không gian triển lãm được hình thành từ những quan sát và góc nhìn riêng của bản thân tôi về tôn giáo, như: Những ký ức về sự choáng ngợp trước cấu trúc trần cao hay những pho tượng uy nghiêm và mùi hương khói của đền chùa, hoặc nghe thánh ca và nhìn ngắm ánh sáng lung linh từ những ô cửa sổ kính của nhà thờ gothic, hay cách chúng ta thay thế đèn cầy bằng đèn LED ở bàn thờ… Tôi chọn màu xanh lá cây làm chủ đạo trong không gian cũng bởi nó mang ý nghĩa của sự hồi phục và tái sinh. Một điểm thú vị ở triển lãm lần này tôi muốn nhắc đến là chiếc cầu thang hình tròn đặc trưng của De la Sol cũng là hình ảnh gắn liền với ý niệm Niết Bàn.
Triển lãm có ba gian phòng với ba sắp đặt khác nhau. Anh hãy chia sẻ cụ thể hơn về từng gian triển lãm và chúng liên kết với nhau như thế nào?
Ba gian phòng này đại diện cho ba trạng thái mà theo tôi con người cần có để đạt được sự tái sinh.
Không gian đầu tiên có tên “Cảm” với pho tượng ở giữa được thờ phụng tượng trưng cho chính chúng ta ở thì hiện tại, là tuyên ngôn về cuộc sống, rằng tôi chính là tôi-một bản thể giữ được lập trường, đang sống cho hiện tại mà không phải quá khứ hay tương lai, chính là hai pho tượng bên cạnh.
Không gian “Thoát” mang ý nghĩa về sự buông bỏ những định kiến và áp đặt của người khác lên mình, vứt chúng vào chiếc giếng để bản thể Quá khứ và Tương lai bay lên còn Hiện tại ở trạng thái thư giãn quan sát và cảm nhận thế giới xung quanh.
Cuối cùng là không gian “Nhập” gồm có một chiếc hộp pandora, tượng trưng cho bộ não vô đáy với tiềm năng vô hạn để tiếp nhận những tri thức và góc nhìn mới. Bức tượng là hợp thể của Quá khứ, Hiện tại và Tương lai, đang đọc cuốn sách của cuộc đời, tìm thấy trí tuệ và cảm xúc chân thực, và đó là lúc ta tìm thấy Niết Bàn.
Triển lãm đem đến trải nghiệm đa giác quan cho người xem với sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ tạo hình, dàn dựng, ánh sáng, âm thanh và cả công nghệ. Anh đã gia giảm, sắp đặt và lồng ghép các yếu tố này như thế nào để có thể đem lại trải nghiệm đặc biệt?
Toàn bộ không gian được kết hợp bởi tổ hợp màn hình và đèn LED, khói, âm thanh, được đồng bộ với nhau qua timecode. Các hiệu ứng visual và ánh sáng được thực thi đồng bộ giữa các gian phòng. Chính vì vậy, các vách ngăn mặc định của không gian triển lãm được bỏ đi và thay thế bằng hai hệ cửa tam quan. Có cơ hội được tham gia những sự kiện mang tính “immersive” (nhập vai) trước đây, tôi đã áp dụng những kinh nghiệm có được vào triển lãm lần này, tạo ra một không gian tối, monotone và sử dụng ánh sáng để kết nối người xem với tác phẩm.
Vì đây là một triển lãm đa giác quan, đa phương tiện pha trộn giữa thế giới thực và ảo, anh đã cộng tác với những đối tác nào? Anh đã tổ chức và làm việc với nhân sự ra sao để có thể phối hợp con người ở nhiều lĩnh vực với nhau một cách mượt mà?
Từ ý tưởng gốc, chúng tôi phát triển nó giống như việc thực hiện các dự án sự kiện chuyên nghiệp. Core team của Neo Nirvana gồm 5 người: Minh Liên đến từ gallery Partron là giám tuyển và phụ trách nội dung truyền thông, Bebe phụ trách sản xuất, Cherry Khánh phụ trách accounting, Thư Madelin là nhà thiết kế thời trang, và tôi chịu trách nhiệm đưa ra định hướng sáng tạo. Bên cạnh đó, phần âm thanh cuốn hút của Neo Nirvana được thực hiện bởi nhà sản xuất âm nhạc Dustin Ngo, cũng như phần trình diễn múa đặc sắc được hiện thực hóa bởi hai nghệ sĩ Kim và Thảo.
Nói về chiều không gian thực tế Ảo của Neo Nirvana, các hiệu ứng AR đã được thực hiện bởi Formalia XR studio và Polaris Arthub. Ngoài ra còn sự hỗ trợ rất nhiều đến từ các đối tác công nghệ khác nữa như Zegal, Minhky Laser và K-Show Solution. Tôi cảm thấy may mắn khi được tích lũy nhiều kinh nghiệm trước đó để có thể điều phối và kết nối được nhiều con người trong dự án lần này. Nhân đây tôi cũng muốn cảm ơn các đối tác đã tin tưởng và đồng hành cùng tôi trong một cuộc chơi có ý nghĩa.
Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên đánh dấu chặng đường 15 năm trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật thị giác. Nhìn lại khoảng thời gian đó, anh thấy bối cảnh sáng tạo nói chung và nghệ thuật thị giác nói riêng ở Việt Nam đã thay đổi ra sao?
Neo Nirvana là triển lãm đầu tiên thể hiện ý tưởng và phong cách của tôi một cách trọn vẹn mà ở đó, tôi sử dụng các yếu tố giải trí vào những sắp đặt nghệ thuật đương đại, đó là ước mơ từ bấy lâu của tôi. Tôi muốn ước lệ những cảm xúc của giới trẻ khi đứng trước những sân khấu thần tượng vào không gian của Neo Nirvana… Nói cách khác, triển lãm này là sự đối chấp giữa những thay đổi trong cuộc sống – niềm tin và thần tượng giữa các thế hệ, và cũng giống như sự kiếm tìm về những giá trị văn hóa tín ngưỡng trong thời đại của tôi với tư cách là một nghệ sĩ thị giác.
Riêng với bản thân anh, anh thấy mình đã có những sự chuyển biến như thế nào?
Trong sự nghiệp sáng tạo của mình, tôi đã trải qua nhiều sự thay đổi trong phong cách. Tôi bắt đầu ứng dụng đồ họa số vào công việc sáng tác qua những bức minh họa trên Photoshop, và việc tiếp cận với VJing cách đây tròn 10 năm đã mở ra rất nhiều cánh cổng cho tôi cả về việc sử dụng phần mềm cũng như phương thức sắp đặt ánh sáng. Tôi ví “Neo Nirvana” như một bài tốt nghiệp, nơi tôi được vận dụng tất cả những kiến thức và kinh nghiệm đã gây dựng được.
Dân gian và đường phố là hai chất liệu được anh khai thác nhiều. Chúng đã truyền cảm hứng cho anh như thế nào và làm sao để anh luôn tạo được sự mới mẻ và hấp dẫn từ chúng?
Tôi yêu thích sự “phồn thực” của văn hóa dân gian Việt Nam, nơi những câu truyện rất đỗi bình dị được thể hiện một cách hấp dẫn và vui vẻ. Với tôi, việc thực hành nghệ thuật cũng nên phản chiếu cuộc sống với một nhãn quan vui tươi như vậy, và tôi luôn hướng tới điều đó như một kim chỉ nam của mình. Và như một sự đồng điệu, năng lượng của nghệ thuật đường phố cũng rất “đời” và tích cực, đã luôn là một nguồn cảm hứng bất tận của tôi trên mọi hành trình.
Chú bé KU như một nhân vật đi cùng với hành trình làm nghề, khám phá và trải nghiệm của anh. Anh hãy kể ra những cột mốc đáng nhớ mà anh sử dụng hình tượng này cho các sản phẩm sáng tạo của mình.
Có hai cột mốc đáng nhớ liên quan đến hình tượng này. Gần 10 năm trước, tôi nhận lời tham dự một sự kiện có tên “Saigon Art Book” và nhiệm vụ của tôi là vẽ và in các tác phẩm với một nhân vật. Trong những ngày cuối cùng gần deadline, nhân vật KU được hình thành, dựa trên đứa con trai đầu lòng của tôi vừa ra đời. Tôi ấn tượng bởi hình tượng đứa bé tròn trĩnh, với phần thóp trên đỉnh đầu do xương sọ chưa hoàn thiện. Đối với tôi, chi tiết này như một con mắt thứ ba, kết nối đứa bé với vũ trụ. Đó là lý do nhân vật KU có một chiếc lỗ trên đầu, đại diện cho mối liên kết giữa con người với thế giới ngoài kia. Nó cũng thể hiện quan điểm làm nghệ thuật của tôi, đó là tôi luôn muốn thực hành nghệ thuật như một đứa bé hồn nhiên và vô tư, tự do trải nghiệm và làm quen với những điều mới mẻ.
Triển lãm lần này là lần đầu tiên nhân vật KU xuất hiện dưới dạng những pho tượng, thay vì trước kia chỉ là những hình vẽ 2D. Đây cũng chính là một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của tôi.
Anh có thể chia sẻ về những xu hướng trong công nghệ mà anh đang tìm hiểu và theo đuổi không?
Tôi đang tìm hiểu và theo đuổi nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Thực ra điều này xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Càng làm việc với kỹ thuật số và công nghệ nhiều, tôi càng muốn trở về với những gì mang tính cơ học. Tôi nghĩ đó là một trải nghiệm thú vị đầy bất ngờ. Có thể mọi người kỳ vọng triển lãm Neo Nirvana của Tùng Monkey sẽ là một “bữa tiệc” của các công nghệ như 3D mapping, VR hay tương tác…, nhưng cuối cùng những pho tượng lại là nhân vật chính còn yếu tố đồ họa, ánh sáng chỉ mang yếu tố bổ trợ.
Khi đã quen thuộc và chìm đắm trong công nghệ, sáng tạo với những công cụ nguyên thủy và cơ bản sẽ rất khó khăn nhưng đầy hứng thú. Chính vì vậy, tôi muốn bước tiếp theo của mình sẽ là sự tập trung hơn vào những ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống để kể tiếp về cuộc sống đương đại đang đổi mới từng ngày.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này.
Thông tin triển lãm:
Địa điểm: Sun Life Flagship – De La Sól, 244 Pasteur, Quận 3
Thực hiện: Hoàng Lê
Xem thêm
Tùng Khỉ – Gã ngông chinh phục visual art