10 tác phẩm nghệ thuật tại ELLE Decoration Pop-up Office 2

10 ý tưởng được trình bày ở nhiều hình thức khác nhau, thể hiện màu sắc, cá tính 10 người bạn của ELLE Decoration, nhằm truyền tải chủ đề “The Story of Our Time” theo góc nhìn của mình, từ tranh vẽ, nhiếp ảnh cho đến sắp đặt hay mỹ thuật đa phương tiện.

The Apartment của PSYCHE SAIGON X CALLIMOTION

Đứng sau Psyche Saigon là Tuýp Trần – một nghệ sĩ không qua đào tạo nhưng luôn gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ trong các tác phẩm ngồn ngộn về màu sắc, họa tiết, hình khối và đầy những ẩn dụ sâu xa, phức tạp về văn hóa, giới tính, cái đẹp. Bằng những bức tranh đan xen chằng chịt và dồn dập tự sự, anh mở ra cánh cửa soi thấu tâm tư mình cũng như khiến người xem phải dừng lại để ngắm nhìn và tìm hiểu. Kết hợp với Psyche Saigon trong không gian lần này, Callimotion – một studio chuyên về animation và 2D motion graphic tại Sài Gòn – đã biến tấu 4 bức tranh của Tuýp Trần thành video chuyển động, mang lại sinh khí mới cho các tác phẩm hội họa độc đáo này.

tác phẩm popup office 1

The Arpartment là bộ 4 tác phẩm thuộc một series dài của Tuýp Trần về hình ảnh những người phụ nữ qua trí tưởng tượng của tác giả, giản dị và giàu chất thơ, được thể hiện qua những hoạt động như chơi đùa, ngắm cảnh, nghịch ngợm. Kết hợp line art và nghệ thuật điểm chấm, cùng với bảng màu đơn sắc, Tuýp Trần khéo léo mô tả tương tác giữa con người và không gian, giữa văn hóa và kiến trúc. Thoạt nhìn, các tác phẩm toát lên nét cổ điển khi gợi cảm giác như tranh khắc gỗ hay họa tiết men lam trên gốm sứ. Nhưng khi lại gần, một đời sống đô thị Á Đông hiện ra qua những bộ sofa thoải mái, chiếc ghế nhựa, nền gạch bông, lam cửa gỗ… được điểm xuyết các chi tiết văn hóa cổ truyền như mão hát bội, đèn lồng xưa, rồng quấn trụ… đầy bất ngờ, hóm hình và duyên dáng.

Tác phẩm “Saigon” của họa sĩ Nguyên Trần

Nguyên Trần là họa sĩ minh họa đang sống và làm việc tại Seattle, Mỹ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM và trường Savannah College of Arts and Design (Mỹ), anh thường xuyên cộng tác với The New York Times, Amazon, Forbes, ELLE Việt Nam… Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm báo, dưới ảnh hưởng của mẹ là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, Nguyên Trần vốn mang trong mình một tâm hồn nhiều rung cảm. Anh luôn hướng đến xây dựng câu chuyện trong tác phẩm của mình, phản ánh những vấn đề xã hội, con người và gửi gắm nhiều xúc cảm của bản thân.

tác phẩm popup office 2

Trước đề tài “The Story of Our Time”, Nguyên Trần muốn nhìn lại cảm xúc từ những chuyến hồi hương. Mỗi lần về Việt Nam, anh thường ghé thăm những nơi chất chứa nhiều kỷ niệm để quan sát và cảm nhận những biến chuyển tình cảm bên trong mình. Đó là lý do anh lấy hình ảnh một người mở rèm cửa nhìn ra phố xá để kể câu chuyện của thời đại mình. Với hình thức minh họa digital và khả năng sử dụng màu sắc linh hoạt, Nguyên Trần đã tái hiện sống động sự chuyển mình của Sài Gòn – một đô thị có sự đan xen giữa những giá trị mới và cũ, cổ điển và hiện đại, Đông và Tây… thông qua các công trình biểu tượng của thành phố được đặt để đầy ý nhị. ELLE Decoration đã chọn đặt tác phẩm ở cuối một hành lang dài và hẹp, nơi điểm nhìn bị thu lại, để khi đến gần, người thưởng lãm có cảm giác như tiến lại một ô cửa sổ và mở ra khung cảnh thành phố thân quen.

Travipome với “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ”

Travipome là một studio sáng tạo ẩn mình trong một con hẻm ở Sài Gòn, gồm 6 người bạn được gắn kết qua khoảng thời gian dài học tập và làm việc cùng nhau. Hoạt động của Travipome bao gồm sáng tạo ý tưởng (concept provider) và sản xuất (production) cho các sản phẩm hình ảnh (thiết kế đồ họa, bối cảnh mỹ thuật, nhiếp ảnh). Trong hành trình nghệ thuật của mình, Travipome luôn muốn tạo ra nhiều phép thử và những tổ hợp mới, thế nên, các sản phẩm của nhóm thường là mixed media (kết hợp nhiều hình thức, chất liệu). Các thành viên của Travipome đều thuộc thế hệ cuối 8X và đầu 9X, sinh ra và lớn lên trong thời đại chuyển giao giữa các phương tiện công nghệ, điều đó đã tác động khá nhiều đến những trải nghiệm và tư duy của nhóm.

tác phẩm popup office 3

Với bộ 4 tác phẩm trải dài từ chiếu nghỉ cầu thang đến hành lang tầng 3 của Villa Medium, Travipome là nhóm “chơi” với không gian nhiều nhất trong trưng bày lần này. Ứng tác trên cấu trúc và cốt cách sẵn có của biệt thự Modernist còn giữ nguyên hiện trạng từ những năm 70, 4 tác phẩm bao gồm: phản chiếu gương như khung cửa sổ giữa hai bức tường, nghệ thuật street art trên mặt sàn theo thủ pháp Stencils, thiết lập đồ họa trên bậc cầu thang mô tả dòng chảy thời gian, 6 “hư ảnh” trên tường gạch kính thể hiện sự mờ nhòe của ký ức. Các tác phẩm trông có vẻ độc lập nhưng lại thống nhất ở mặt ý tưởng: cảm thức trước sự chảy trôi của thời gian và niềm tiếc nuối tuổi trẻ. “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ” ý chỉ năm tháng vụt qua như bóng ngựa non lướt qua khe cửa hẹp, đó cũng là lý do bạn dễ dàng tìm thấy dư hình của những con ngựa trong bộ tác phẩm này.

Weplay cùng tác phẩm “Vô”

Tập hợp 11 lãnh đạo các văn phòng thiết kế kiến trúc tại Hà Nội, Weplay là nơi các thành viên có cơ hội được hiểu hơn về bản thân và về nhau. Mỗi người mang một cá tính riêng, nhưng tất cả đều mong muốn được trưởng thành hơn và “người” hơn. Nhận thấy kiến trúc là sự tổng hòa giữa lịch sử, hiện tại và tương lai, Weplay luôn tìm kiếm sự phù hợp cho hiện tại, có ích cho tương lai và phát huy giá trị của lịch sử. Đó là quá trình không phụ thuộc vào hình khối hay chất liệu cụ thể nào. Nghệ thuật sinh ra là để phục vụ xã hội và làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, chính vì thế, quan điểm phục vụ cộng đồng là tiêu chí chính của nhóm.

tác phẩm popup office 4

Căn phòng hoàn toàn được sơn màu hồng từ trần đến sàn, cùng với các khối hộp gương được sắp xếp ngẫu hứng. Khi trải nghiệm trong không gian, người xem được thưởng thức đoạn phim ngắn giới thiệu một số hoạt động của Weplay trong triển lãm Phù Sa, triển lãm Lộ và 3 pavilion trong Lễ hội Sáng tạo Hà Nội thuộc chuỗi hoạt động Hà nội thành phố sáng tạo của UNESCO. Các khối hộp gương có thể di chuyển, sắp xếp tùy theo sở thích của người thưởng lãm, chính vì vậy, mỗi vị khách đều đang góp phần kiến tạo không gian, để lại một “sắp đặt” hoàn toàn mới cho người đến sau. “Vô” có nghĩa là “vào đây” – một lời mời gọi thân tình. “Vô” cũng có nghĩa là “không” – không cần làm gì cả, chỉ chơi và cảm nhận thôi. “Vô” cũng có nghĩa là “đi vắng” – một không gian vắng mặt Weplay nhưng vẫn đủ để hiểu về Weplay. Với không gian được sắp đặt đơn giản, nhóm mong muốn người xem có thể tìm thấy những trải nghiệm bất ngờ và tưởng tượng ra nhiều điều, tùy vào cảm xúc của từng cá nhân tại mỗi thời điểm khác nhau.

“Hành Lý Cho Một Chuyến Xe Đêm” của Từ Phương Thảo

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Nghệ thuật chuyên ngành Đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Từ Phương Thảo đã dành 25 năm cho công việc liên quan đến sản xuất hình ảnh và phụ trách thiết kế tạp chí tại TP.HCM. Chị cũng chính là người giữ vai trò Giám đốc Mỹ thuật của tạp chí ELLE Decoration Việt Nam suốt 10 năm qua. Đối với chị, 10 năm cộng tác với ELLE Decoration Việt Nam cũng là 10 năm chị bồi đắp thêm sự hào hứng trong hành trình tìm kiếm và thưởng ngoạn những sản phẩm thủ công Đông Nam Á cho dự án cá nhân có tên Sadec District. Sự va chạm văn hóa trong những chuyến đi đã khơi lên nguồn cảm hứng cho các thiết kế của chị, tạo nên chất riêng không thể trộn lẫn.

tác phẩm popup office 5

Với cảm giác man mác của một người dễ thấy lạc lõng khi chứng kiến những giá trị đẹp đẽ bị bỏ quên, không ngạc nhiên khi Từ Phương Thảo thường nghĩ đến một chuyến đi về chốn xa xôi – nơi chị tìm thấy những khoảng lặng riêng tư, một nơi “kỳ lạ và đẹp đẽ như một bức tranh”. “Tôi tự hỏi, một chuyến đi như thế, nếu vào một ngày trăng sáng, hành trang của tôi sẽ có gì?”. Câu hỏi trên là tiền đề của tác phẩm mà Từ Phương Thảo thực hiện riêng cho ELLE Decoration Pop-up Office mùa 2. Hối hả mà chậm rãi, bằng chất liệu giấy, gỗ, gốm, kim loại phủ acrylic, “hành lý” của chị như bước ra từ bức tranh mới vẽ còn ướt sương, ngái ngủ, nguyên vẹn màu-xanh-của-nửađêm. Máy tính, kính mát, tách cà phê, chiếc bình gốm, thậm chí là một… chú trâu, “hành lý” của Từ Phương Thảo không phải là những thứ có thể bỏ vào trong túi xách hay vali, mà là sở thích, tình yêu, công việc, những giá trị đẹp đẽ mà chị hằng nuôi dưỡng – những thứ mà dù có đi bất cứ đâu, chị cũng sẽ mang theo trong tâm tưởng, vì đó là những thứ tạo nên bản sắc con người chị. Thế nên, đây là một tác phẩm mang tính ý niệm nhiều hơn.

“Vietnam Rambling” của nhiếp ảnh gia Naoto Ohike

Naoto Ohike là một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên cộng tác chụp ảnh không gian kiến trúc – nội thất cho tạp chí ELLE Decoration Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Tokyo và làm việc tại một công ty sản xuất hình ảnh, nhiếp ảnh gia người Nhật Bản bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh tự do từ năm 1995. Dù từng cộng tác với các tạp chí về du lịch, nội thất cũng như một số dự án thương mại, chụp ảnh đối với Naoto không chỉ đơn thuần là công việc. Bên cạnh nhiếp ảnh không gian và nội thất, Naoto còn có tình cảm đặc biệt dành cho ảnh phong cảnh. Ông thường rong ruổi trên chiếc xe máy đến các miền quê để ghi lại hình ảnh của cuộc sống.

tác phẩm popup office 6

Trưng bày lần này lại giới thiệu một khía cạnh khác, tình cảm và gần gũi hơn, của một nhiếp ảnh gia người Nhật đã sinh sống tại Việt Nam gần 20 năm. Những bức ảnh chụp phong cảnh và sinh hoạt đời thường của Naoto Ohike gợi lên cảm xúc khó giải thích thành lời, quen thuộc mà lạ lẫm. Ngôn ngữ hình ảnh dù dựa trên trải nghiệm và ký ức của Naoto về một miền quê mộc mạc ở Nhật bản nhưng vẫn “bắt” được rung cảm về sự sống con người ngay trong đô thị tấp nập ở Việt Nam. Đời sống dù bộn bề nhưng qua lăng kính của một nhiếp ảnh gia không gian vẫn có những đặc trưng dễ nhận biết, đó là sự chỉn chu, mực thước và cân đối. Xem ảnh của ông, chúng ta có thể cảm nhận một Việt Nam vừa ồn ào vừa tĩnh lặng, vừa tấp nập vừa gọn gàng. Với những tác phẩm trưng bày lần này, Naoto không hướng đến một concept rõ ràng. Có lẽ ông muốn những người Việt Nam đến thưởng lãm có thể tự cảm nhận một quê hương của riêng mình. Sẽ là thân quen hay xa lạ? Chỉ bạn mới có câu trả lời.

Hà Đỗ với tác phẩm “Meditation Room”

Hà Đỗ không phải là cái tên xa lạ trong lĩnh vực sáng tạo tại Việt Nam. Tốt nghiệp Chuyên ngành Thiết kế đồ họa tại Trường School of Visual Arts (New York), Hà Đỗ từng giữ vị trí Giám đốc Mỹ thuật tại JWT và LOWE Việt Nam (2007-2010). Đến tháng 10/2010, chị trở thành Giám đốc Sáng tạo của Tạp chí Đẹp và giữ vai trò đó cho đến tận bây giờ. Không chỉ là “người phụ nữ quyền lực” trong thế giới thời trang, vài năm gần đây, Hà Đỗ còn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh khi liên tục đảm nhận vai trò Production Designer (Thiết kế Bối cảnh) cho một số phim Việt nổi tiếng. Với tác phẩm nghệ thuật sắp đặt Meditation Room tại ELLE Decoration Pop-up Office, lần đầu tiên Hà Đỗ ra mắt với vai trò nghệ sĩ thị giác sau gần hai thập kỷ “đứng sau hậu trường” của sân chơi sáng tạo.

10 artwork EDPO2 1

Meditation Room là một không gian biểu hiện, kể câu chuyện về sự biến chuyển cảm thức tính nữ theo hành trình trưởng thành của Hà Đỗ. Tương phản với tên gọi “Phòng Thiền”, Meditation Room có chiều kích không gian chật hẹp, trống rỗng vật thể nhưng đông đặc ánh sáng với hai sắc độ đỏ – đen, mặt sàn như tráng gương phản chiếu tác phẩm, tạo cảm giác như bước vào một vùng không gian lơ lửng, hẫng hụt, chông chênh và bất toàn. Điểm nhấn của không gian là một bông hoa khổng lồ màu đen được làm từ composite trên nền ánh sáng đỏ, gợi liên tưởng đến sinh thực khí nữ. Bông hoa này được phát triển từ hình vẽ trong chuỗi phác thảo từ năm 2005 của Hà Đỗ, khi cô còn trẻ và mang nhiều biểu đạt về mặt tính dục. Đến nay, khi đã làm mẹ, biểu đạt ấy được giảm bớt đi, nhưng lại trở nên dữ dội về mặt bản năng. Tràn ngập không gian là âm thanh ngân rung tựa như tiếng chuông xoay hoặc tiếng “om” – khởi nguồn của vũ trụ. Vũ trụ bên ngoài và vũ trụ bên trong người phụ nữ được kết nối bởi hình ảnh bông hoa – sinh thực khí nữ. Liệu ta đang ngồi trong bào thai của một người mẹ hay ngồi trong không gian tâm tưởng của một người nghệ sĩ? Mỗi người sẽ có một hành trình soi chiếu tự thân khác nhau khi bước vào căn phòng này.

“At Each Encounter” từ Behalf Studio

Behalf là studio chuyên cung cấp các giải pháp sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau: xây dựng thương hiệu – đồ họa – thiết kế kỹ thuật số. Mỗi sản phẩm của Behalf đều được khởi tạo từ ý tưởng, dẫn đường qua nghiên cứu, nung nấu bởi trực giác và thúc đẩy bằng thể nghiệm. Studio tin rằng không có một công thức nào cho việc sáng tạo và mỗi dự án là một cơ hội để đặt ra những vấn đề và giải pháp độc nhất. Bên cạnh sản phẩm phục vụ khách hàng, Behalf cũng khởi xướng nhiều dự án thú vị với mục đích phát triển ngành sáng tạo bản địa, gửi gắm lại cho cộng đồng địa phương cũng như tạo sân chơi và nền tảng để khai thác các tài nguyên, kỹ năng mới cho tương lai.

10 artwork EDPO2 2

Bộ tác phẩm được trưng bày bao gồm 1.700 mô-đun hoa văn có kích thước 4x4cm được trích xuất từ cuốn sách lưu trữ “L’Art à Huế” (1919) của Léopold Cadière, một cuốn tài liệu về những chi tiết trang trí truyền thống của Huế (thủ đô cũ của Việt Nam). Sau đó, chúng được kết xuất bằng một quy trình tính toán có tên Cellular Automaton để tạo ra các hình ảnh kỹ thuật số giả lập hiệu ứng số hóa. Các mô-đun này (với khoảng 350 kiểu khác nhau) được tái lập thành bảng chữ “Gặp Gỡ” (Encounter) và các poster tạo thành chữ “Time” (Thời Đại) bằng lập trình tạo sinh. Tác phẩm là sự kết hợp giữa cổ xưa và hiện đại, giữa thủ công và kỹ thuật số, giữa di sản truyền thống và thiết kế đương đại. Nó cũng là một ví dụ tiêu biểu cho quan niệm toàn cầu về việc tìm kiếm những điểm chung và gieo mầm cho nhận thức bản sắc riêng.

“My Friend Saw Something in The Sky” của Tim Phạm

Là người gốc Huế sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Tim Phạm đam mê hội họa từ nhỏ nhưng đều là tự học và chưa từng được đào tạo bài bản. Đối với Tim, hội họa như một sở thích cá nhân và anh dùng việc sáng tác như một cách để giải tỏa căng thẳng. Tim từng học thiết kế nội thất tại Việt Nam và tốt nghiệp thiết kế đồ họa tại Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, anh trở về Việt Nam và làm việc trong ngành quảng cáo, giải trí, thời trang. Đến nay, anh đã có một design studio chuyên thiết kế nhận diện thương hiệu. Tim Phạm mang vào các thiết kế của mình những góc nhìn hiện đại nhưng lại dựa trên nền tảng “classic”. Anh thích việc “làm mới” lại tinh túy của những người đi trước, đặc biệt là những gì đang dần bị lãng quên.

10 artwork EDPO2 3

Khi nghe đến chủ đề “The Story of Our Time” của ELLE Decoration Việt Nam, Tim Phạm bồi hồi nhớ về khoảng thời gian học đại học, khi có thể dễ dàng hòa mình vào thiên nhiên, về những điều tưởng như giản đơn nhưng lại vô cùng giá trị mà anh đã vô tình đánh mất theo thời gian. Được vẽ bằng màu acrylic trên canvas, tác phẩm tái hiện lại khung cảnh một nơi Tim Phạm từng đi qua trong khoảng thời gian du học, đồng thời pha lẫn thêm cảm xúc tò mò của bản thân anh khi lắng nghe một người bạn mô tả về những gì nhìn thấy trên bầu trời, trong một lần hai người cùng nhau ngắm mặt trời mọc tại Việt Nam. Đây là một tác phẩm được kết hợp giữa ký ức và trí tưởng tượng, giữa hai không gian và thời gian khác nhau.

Nhà thiết kế Vũ Thảo với tác phẩm “Vuông-Tròn”

Thành lập thương hiệu Kilomet109 năm 2012, hành trình sáng tạo của Vũ Thảo bắt đầu khá muộn vào tuổi 30. Trước khi tốt nghiệp ngành Thiết kế thời trang tại trường London College for Design & Fashion tại Hà Nội, Vũ Thảo từng có thời gian tham gia giảng dạy và viết báo. Việc tích lũy được nhiều vốn sống, nhất là mảng văn hóa địa phương đã giúp cho hành trình của chị dù dài nhưng bớt gập ghềnh hơn. Ban đầu, chị chỉ làm việc với 1, 2 cộng đồng chế tác chất liệu bản địa, nhưng đến giờ phút này, con số đã lên tới 7 cộng đồng ở các vùng khác nhau, từ miền núi tới đồng bằng.

10 artwork EDPO2 4

Đến với “The Story of Our Time”, Vũ Thảo mang một trạng thái phấn khởi với BST mới nhất sau gần 3 năm gián đoạn và chưa có cơ hội để giới thiệu với công chúng. Đã ấp ủ từ lâu, “Thổ” là một tiêu đề gãy gọn, hàm chứa tuyên ngôn nhưng không quá đao to búa lớn. Để phản ánh chân thực những thực hành thiết kế, Vũ Thảo đã hợp tác trong suốt 3 năm liền với các cộng đồng nghệ nhân bản địa. Đó là cộng đồng dân tộc thiểu số Lào tại Điện Biên, Nùng An tại Cao Bằng, Mông Dua tại Hòa Bình và làng lụa Nam Cao tại Thái Bình. Được bồi thêm những khám phá chất liệu mới nhất, tác phẩm của Vũ Thảo gồm 2 phần: trưng bày thiết kế từ BST “Thổ” và sắp đặt thời trang mang tên “Vuông – Tròn”. Đối với phần sắp đặt, Vũ Thảo kết hợp kiến trúc, điêu khắc và thời trang để kể về mối liên hệ mật thiết của chất liệu, phục trang với những nhân tố tự nhiên như đất, nước và ánh sáng – những nhân tố cơ bản đã làm nên mỗi thiết kế của Kilomet109. Vuông – tròn là một khái niệm phổ biến trong đời sống văn hóa thường nhật của người Việt, giàu tính tượng trưng, thể hiện khát vọng về sự cân bằng, sự hòa hợp của càn khôn.

Hình ảnh:  Duong Rkudo


Xem thêm

The Story of Our Time Office & Art Space Season 2: Hà Đỗ

The Story of Our Time Office & Art Space Season 2: WEPLAY

ELLE Decoration Pop-up Office – Không gian kể chuyện thời gian