Kiến trúc sư Junya Ishigami và mối quan tâm đến tính bền vững và cân bằng trong kiến trúc

Tại triển lãm Triennale di Milano 2023, kiến trúc sư Junya Ishigami đã chia sẻ những quan điểm về các vấn đề về môi trường, bền vững, tính ứng dụng của công nghệ trong ngành kiến trúc hiện nay.

Là một trong số những kiến trúc sư ưu tú của Nhật Bản, Junya Ishigami được biết đến với những công trình giàu tính thể nghiệm và gần gũi với môi trường. Tham gia triển lãm Triennale di Milano năm nay với chủ đề In Focus: Radical Repair, kiến trúc sư nêu ra cuộc hành trình khám phá và đi sâu vào những cách tiếp cận triệt để về kiến trúc, cảnh quan và sinh thái thông qua bài diễn văn của mình. Ngoài ra, ông cũng có thêm một số chia sẻ về những vấn đề của kiến trúc hiện đại.

kien truc su junya ishigami

Kiến trúc sư Junya Ishigami. Ảnh: Renaud Monfourny

Nội dung bài phát biểu của Junya Ishigami tập trung vào khái niệm kết nối kiến ​​trúc nhân tạo với thiên nhiên. Kể từ khi bắt đầu với công việc này, kiến trúc sư đã luôn nghĩ về cách chúng ta tạo ra môi trường và tìm kiếm giải pháp tốt nhất để kết nối kiến trúc với cảnh quan. Theo ông, môi trường tự nhiên xung quanh vô cùng quan trọng, kể cả khi có sự can thiệp của các yếu tố nhân tạo. Vì lẽ đó, ông muốn nhìn thấy hai trường đối lập này hiện hữu một cách cân bằng cùng nhau.

water garden junya ishigami

Kiến trúc sư lấy ví dụ công trình Water Garden nằm tại khu vực có những phần đất không còn tự nhiên, nơi có khu rừng được trồng cách đây 3-400 năm trước. Kiểu môi trường này thể hiện trạng thái trung gian giữa thiên nhiên và các yếu tố nhân tạo. Ảnh: Nikissimo Inc.

Mặc dù đề cao yếu tố tự nhiên trong kiến trúc và đưa vào các công trình của mình những phom dáng hữu cơ, nhưng đây không phải là khía cạnh Junya Ishigami muốn tập trung mà mấu chốt chính là ông không muốn tạo ra những hình dáng cụ thể. Môi trường xung quanh liên tục thay đổi và chúng ta cũng cần phải điều chỉnh một phần đặc biệt nào đó để trở nên phù hợp. Vì thế, bối cảnh tác động và phần nào quyết định sự khác nhau của hình dáng hay điều kiện không gian cuối cùng.

nha hang house and restaurant kien truc su junya ishigami

“Mục đích cuối cùng là tạo ra những thứ trông thật tự nhiên trong từng bối cảnh nhất định” – Kiến trúc sư Junya Ishigami nhận định. Công trình nhà hàng House & Restaurant. Ảnh: junya.ishigami+associates

Nhật Bản là quốc gia gặp phải nhiều thách thức về môi trường và khí hậu. Vì lẽ đó, ngành kiến trúc tại đây phải có những điều chỉnh trong thiết kế và các nguyên tắc để phù hợp với sự thay đổi và nhu cầu đặc trưng của quốc gia. Theo kiến trúc sư, sự thay đổi của kiến trúc không chỉ thể hiện ở đô thị mà cả thiên nhiên. Ông cho biết, trong thế kỷ 20, mối quan tâm của đất nước tập trung về thành phố với những công trình đồ sộ. Ngày nay thì khác. Ông tin rằng thành thị đã trở nên quá nhỏ bé để khai thác tiềm năng của kiến trúc. Ông cũng cho rằng mối quan tâm hiện tại của chúng ta được toàn cầu hóa và quan trọng hơn, liên quan đến các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu.

kien truc su junya ishigami venice biennale

Công trình của Junya Ishigami tại Venice Biennale 2008. Ảnh: junya.ishigami+associates

Liệu trung hòa yếu tố thẩm mỹ, công năng và bền vững trong lĩnh vực kiến trúng ngày nay có khả thi không? Theo kiến trúc sư, định nghĩa công năng trong kiến trúc là một thử thách. Ông cho biết, trong quá khứ, cao ốc văn phòng là giải pháp tiêu chuẩn để đi làm. Nhưng cùng hạng mục công trình đó ngày nay, lại có nhiều sự thay đổi lớn. Bên cạnh những tòa nhà lớn, ngày càng có nhiều người thích làm việc tại nhà hơn, hoặc ở một không gian thứ ba khác. Sự đa dạng này đã phần nào làm thay đổi khái niệm về “văn phòng” của nhiều người và chúng ta không thể xác định một chức năng cụ thể nào. Ông nghĩ rằng suy nghĩ “một cho tất cả” đã không còn phù hợp mà thay vào đó, các kiến trúc sư cần cung cấp thêm những giải pháp khác nhau dựa trên sự khác biệt về lối sống và tư duy của những công dân hiện đại.

van phong kait kien truc su junya ishigami

Cụ thể hơn, kiến trúc sư đưa ra dẫn chứng một dự án đời đầu của mình là công trình KAIT hiện đại nhưng không phụ thuộc vào công nghệ tân tiến. Không gian làm việc hoàn toàn không có tường nhằm giúp người sử dụng có thể thay đổi sơ đồ mặt bằng một cách linh hoạt cho các hoạt động và mục đích sử dụng khác nhau. Ảnh: junya.ishigami + associates

Sự phát triển của công nghệ mở ra cánh cửa mới cho nhiều ngành nghề, nhưng với kiến trúc, quá trình diễn ra đòi hỏi nhiều thời gian hơn. Theo kiến trúc sư, sử dụng công nghệ và những hệ thống mới trong kiến trúc là điều cần thiết, nhưng tích hợp một cách liền mạch lại là một thách thức. Công nghệ có tốc độ phát triển nhanh chóng nhưng kiến trúc lại có xu hướng tiến hóa chậm hơn để trường tồn với những thử thách của thời gian, đôi lúc kéo dài hàng thế kỷ. Điều này khiến chúng ta phải thay đổi góc nhìn, thay vì ngành kiến trúc cần áp dụng những công nghệ mới thì ngược lại, công nghệ phải thay đổi để phù hợp với nhu cầu của kiến trúc.

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Designboom


Xem thêm

Kiến trúc sư Cho Byoung Soo – Mối giao hòa của tự nhiên, sự bất hoàn và kết nối

Shigeru Ban: “Tôi luôn tránh chạy theo xu hướng”

Kiến trúc sư Chánh Phương: Muốn có sản phẩm thì phải có con người toàn cầu