Shigeru Ban: “Tôi luôn tránh chạy theo xu hướng”

Shigeru Ban, KTS người Nhật từng đạt giải Pritzker nổi tiếng với những công trình có cấu trúc tân tiến làm bằng gỗ và chất liệu sinh học đã có những chia sẻ về quan điểm trong xu hướng kiến trúc và chất liệu.

Là một trong những KTS nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Shigeru Ban được biết đến với cách sử dụng các chất liệu mới lạ và táo bạo có thể kể đến như ống giấy cardboard, chất liệu sinh học thân thiện với môi trường và gỗ. Tuy nhiên, ông cho rằng chúng ta không thể xây dựng công trình chỉ sử dụng một loại chất liệu sinh học, giấy hay gỗ mà phải kết hợp cả thép và bê tông, dù ông vẫn muốn sử dụng chất liệu thiên nhiên nhiều nhất có thể.

shigeru ban nha tho new zealand kien truc

Công trình nhà thờ ở New Zealand do Shigeru Ban thiết kế có phần khung mái làm bằng ống giấy cardboard. Ảnh: Shigeru Ban Architect

Trước xu hướng kiến trúc sử dụng hoàn toàn cho đến đa số chất liệu gỗ hoặc giả gỗ, ông chia sẻ: “Tôi cảm thấy mệt mỏi khi thấy cách sử dụng chất liệu này trở thành một thứ như xu hướng thời trang. Tôi luôn tránh các thiết kế hợp mốt và chạy theo xu hướng.” Các công trình của ông dù sử dụng rất nhiều gỗ nhưng ông khẳng định ở các thiết kế của mình, gỗ không phải để trang trí mà nó là một phần của cấu trúc và sự cải tiến. “Rất khó để người thường có thể phân biệt được đâu là sáng tạo và đâu là trang trí. Ngày nay công nghệ in ấn tốt đến nỗi nhiều chất liệu giả gỗ trông giống thật đến mức khó phân biệt.” Shigeru nói.

shigeru ban cau truc vat lieu go cong trinh

Kết cấu gỗ chắc chắn được Shigeru Ban lấy cảm hứng từ cấu trúc nón tre đan của Trung Quốc. Ảnh: Masako Ban

Dẫu vậy, ông cũng công nhận rằng ngành kiến trúc đã trải qua một chặng đường dài kể từ lần đầu tiên ông sử dụng chất liệu tái chế gần 40 năm trước. Ông cho biết: “Tôi bắt đầu sử dụng chất liệu tái chế từ năm 1985 khi chưa một ai nói về yếu tố thân thiện với môi trường hay bền vững. Đây thực sự là điều tích cực khi người ta bắt đầu bàn về nó vì những vấn đề môi trường thực sự quan trọng. Tuy nhiên, vẫn có những người nói và làm về sự bền vững nhưng không hiểu rõ ý nghĩa của nó. Vì thế, tôi cho rằng chúng ta phải thay đổi nhận thức một cách quyết liệt hơn.”

Nine Bridges Country Club Hiroyuki Hirai kien truc go

Theo KTS, gỗ nên là một phần của cấu trúc và sự cải tiến của công trình. Ảnh: Công trình Nine Bridges Country Club. Chụp bởi Hiroyuki Hirai.

Các quy định về xây dựng ngày càng được áp dụng để cố gắng khuyến khích các KTS sử dụng vật liệu sinh học nhiều hơn, nhưng Shigeru lại cho rằng việc thiết kế mọi thứ theo một tiêu chuẩn có thể gây lãng phí. Rất nhiều quy định về xây dựng đã trở nên rất nghiêm ngặt, buộc các KTS phải chi nhiều tiền hơn và nhiều vật liệu hơn để xây dựng một tòa nhà có khả năng cách nhiệt. Ông lấy ví dụ khi thiết kế các tòa nhà văn phòng, đặc biệt là ở châu Âu, dù không có ai làm việc vào mùa hè nhưng họ vẫn phải làm cho tòa nhà có thể cách nhiệt nhiều nhất có thể, ngay cả trong mùa hè khi mọi người không làm việc trong văn phòng.

Thay vào đó, mục đích của ông là thiết kế một tòa nhà có thể điều chỉnh các mục đích sử dụng khác nhau tùy theo mùa. Ông nói: “thay vì chỉ sử dụng vật liệu để làm tòa nhà mát hơn, tôi nghĩ rằng tòa nhà có thể linh hoạt hơn bằng cách đóng và mở, giống như con người mặc thêm áo ấm vào mùa đông và cởi bớt đồ ra vào mùa hạ. Vì thế, ước mơ của tôi là thiết kế được một tòa nhà có thể “thay đồ” theo thời tiết.”

Curtain Wall House Hiroyuki Hirai kien truc nha o

Công trình Curtain Wall House. Ảnh: Hiroyuki Hirai

Trong năm 2025, Shigeru Ban được vinh hạnh là người thiết kế pavilion cho sự kiện World Expo ở Osaka. Mang tên ‘Blue Ocean Dome’, thiết kế sẽ gồm có ba mái vòm được làm từ các vật liệu khác nhau – ống giấy, tre nhiều lớp và nhựa gia cố sợi carbon, một vật liệu nhẹ thường không được sử dụng cho các tòa nhà vì giá thành cao. Với ông, triển lãm nên là cơ hội để các kiến trúc sư suy nghĩ lại về cách họ thiết kế các tòa nhà theo cấu trúc, thay vì cố gắng thiết kế những hình thức khác thường nhất. Ông nói: “Trong những thiết kế pavilion gần đây, người ta chỉ chăm chăm và những hình dạng khác thường mà không quan tâm đến phát triển cấu trúc. Tôi mong muốn có thể phát triển được một hệ thống cho công trình tương lai, không phải so đo về những hình thù kì lạ.”

expo 2025 osaka shigeru ban kien truc su

Công trình pavilion của Shigeru Ban tại World Expo 2025 Osaka có cấu trúc 3 vòm nối liền.

shigeru ban kien truc su pritzker

KTS Shigeru Ban được trao giải thưởng Pritzker năm 2014. Ảnh: Dmitry Kostyukov

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Dezeen


Xem thêm

Shigeru Ban – Theo đuổi chất thơ của kiến trúc nhân văn

KTS Shigeru Ban và chuỗi nhà giấy cho người vô gia cư