Shigeru Ban – Theo đuổi chất thơ của kiến trúc nhân văn

Là KTS người Nhật vinh dự nhận giải thưởng Pritzker lần thứ 37 vào năm 2014, những thành tựu mà Shigeru Ban cống hiến cho nhân loại không nằm ở “cuộc đua lên trời xanh” của công trình cao tầng mà chính bởi cách ông sáng tạo với nguồn vật liệu tự nhiên và dùng chúng như giải pháp cho tương lai ngành công nghiệp xây dựng.

KTS Shigeru Ban sinh ra ở Tokyo, Nhật Bản, ông từng theo học trường Đại học Nghệ thuật Tokyo (Tokyo University of the Arts). Sau đó ông tiếp tục con đường học vấn tại Viện Kiến trúc miền Nam California (Southern California Institute of Architecture) dưới sự hướng dẫn của John Hejduk và chính thức tốt nghiệp vào năm 1984. Đây là cột mốc quan trọng làm nên ngôn ngữ thiết kế sau này, làm nên khái niệm “thi pháp kiến trúc” và “thơ ca ba chiều” mà mọi người vẫn thường nhắc đến khi nói về ông.

Shigeru Ban 1

KTS Shigeru Ban. Ảnh: Benoit Tessier/Reuters

Shigeru Ban được biết đến thông qua cách vận dụng giấy, đặc biệt là bìa carton tái chế một cách hiệu quả vào các dự án phục hồi kiến trúc sau thảm họa. Ông thường kết hợp các yếu tố về cấu trúc vào ngôn ngữ thiết kế của mình, mỗi công trình của Shigeru đều ẩn chứa nhiều ý nghĩa lồng ghép tinh tế. Shigeru bỏ qua nhiều vật liệu cũng như kỹ thuật xây dựng tân tiến để quay về giải pháp truyền thống, với hướng đi thân thiện môi trường, giải quyết vấn nạn thiên tai hay hậu quả do chúng để lại. Shigeru là KTS đầu tiên tại Nhật Bản lấy vật liệu giấy làm chủ đạo trong thiết kế bởi chi phí thấp, có thể tái chế, thay thế, đồng thời đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ thực hiện đơn giản. Ông nhận thấy tính toàn vẹn của cấu trúc giấy tốt hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, đây lại còn là vật liệu có sẵn trên toàn thế giới, có thể dễ dàng tìm thấy nguồn cung cấp lớn tại các nhà máy sản xuất ống giấy để cung cấp cho xưởng dệt. Tương tự với các vật liệu khác, tiêu chí lựa chọn của ông luôn hướng đến tính bền vững, lượng chất thải tiêu thụ phải nằm ở mức thấp hay thậm chí là gần bằng không. Khía cạnh cuối cùng cần phải nhắc đến đó là tính nhân văn và hình mẫu kiến trúc sinh thái, đây là hai khái niệm đối với ông là vô cùng lôi cuốn.

Shigeru Ban 2

Phòng hoà nhạc Paper Concert Hall L’Aquila. Ảnh: Didier Boy de la Tour.

Ban giám khảo của giải thưởng kiến trúc Pritzker
nhắc về Shigeru Ban với hình ảnh một KTS
sử dụng vật liệu sáng tạo
cùng những nỗ lực cống hiến “kiến trúc nhân đạo”
không ngừng nghỉ trên khắp thế giới. 

Shigeru Ban 3

Dự án nhà ở Onagawa Temporary Container Housing xây dựng trong trận động đất năm 2011 tại Nhật Bản. Ảnh: Hiroyuki Hirai.

Shigeru Ban 4

Ảnh: Hiroyuki Hirai.

Chuỗi dự án nhà cứu trợ thiên tai do Shigeru thiết kế là một trong những công trình phổ biến và đáng chú ý nhất của ông. Có thể nêu lên một số cái tên nổi bật như Onagawa Temporary Container Housing, Paper Partition System, Paper Shelter… Tất cả đã được sử dụng trong nhiều sự kiện thiên tai trên khắp thế giới như động đất, sóng thần ở Nhật Bản, Haiti, Thổ Nhĩ Kỳ… vì kinh phí thấp, khả năng ứng biến tình huống nhanh, có thể tái sử dụng sau dự án và đồng thời đáp ứng được nhu cầu về thời gian lưu trú trong vài tháng của người sử dụng. Shigeru Ban đã sử dụng những ống giấy để tạo thành khung kết cấu, vách tường xây dựng theo nhiều kích cỡ từ nhỏ, thô sơ cho đến công trình lớn hơn; tuy không phục vụ cho việc cứu nạn nhưng vẫn đảm bảo tính thân thiện môi trường. Có thể kể đến nhà thờ Cardboard Cathedral tại New Zealand với những hàng cột trụ cao vút làm từ lõi giấy bìa carton, phòng hòa nhạc Paper Concert Hall L’Aquila ở Abruzzo thuộc Italia tạo nên từ nhiều hàng giấy xếp thành hình bầu dục. Đặc biệt, trong sự kiện Expo 2000 Hannover với chủ đề môi trường, Shigeru đã mang đến tác phẩm “Nine Bridges Golf Club” (Japan Pavilion) tại Hàn Quốc với mục tiêu sử dụng vật liệu tái chế gần như 100%. Ý tưởng đầu tiên cho công trình là một mái vòm cao nhưng vì chi phí sản xuất vượt mức giới hạn nên ông đã tạo thêm các hình khối lồi lõm trên trần để tăng kết cấu chịu lực mà không phải thêm thắt cấu tạo đắt tiền.

Shigeru Ban 5

Công trình Nine Bridges Golf Club tại Hàn Quốc, được thiết kế trong sự kiện Expo 2000 Hannover. Ảnh: Hiroyuki Hirai.

Shigeru Ban 6

Ảnh: Hiroyuki Hirai.

Các công trình của KTS Shigeru Ban
nổi bật bởi cách vận dụng giấy,
đặc biệt là bìa carton tái chế một cách hiệu quả
vào các dự án phục hồi kiến trúc sau thảm họa. 

Shigeru Ban 7

Nhà thờ Cardboard Catheral. Ảnh: Stephen Goodenough.

Shigeru Ban 8

Bên trong nhà thờ Cardboard Catheral. Ảnh: Stephen Goodenough.

Vật liệu giấy do KTS Shigeru Ban sử dụng hoàn toàn có thể thay thế cho bê tông, đảm bảo tải trọng kết cấu tương tự; quy trình tháo – lắp nhanh chóng, khả năng chịu nhiệt, cách âm tốt (nhờ cấu trúc dạng ống với lõi rỗng, giúp tạo ra lớp không khí bên trong), có thể phân hủy tự nhiên và không tốn quá nhiều kinh phí sản xuất đồng nghĩa với việc hạn chế chất thải ra môi trường khi đã lược bỏ được nhiều công đoạn trong quá trình này. Có thể thấy việc chủ động khước từ những tân tiến trong nền công nghiệp xây dựng không phải là bước lùi của Shigeru trước thế giới hiện đại mà thực chất là giải pháp tìm kiếm hướng đi nhân văn hơn để đồng hành cùng sự phát triển của nhân loại. 

Shigeru Ban 9

Trường học Hualin Temporary Elementary School. Ảnh: Li Jun.

Shigeru Ban 10

Khu tị nạn sau thảm hoạ Paper Patition System 4. Ảnh: Voluntary Architect’s network.

Shigeru Ban 11

KTS Shigeru Ban thực hiện dự án Paper Shelter tại Haiti. Ảnh: Shigaru Ban Architects.

Thực hiện: Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Những tên tuổi lớn trong lịch sử thiết kế – kiến trúc

KTS Ian McHarg và tư tưởng giá trị sau 50 năm