Kiến trúc sư Cho Byoung Soo – Mối giao hòa của tự nhiên, sự bất hoàn và kết nối

Đề cao cảm xúc và yếu tố ngoại cảnh, phong cách thiết kế của kiến trúc sư Cho Byoung Soo mang sự hài hòa và tư duy nghệ thuật mới mẻ.

Là người đã làm nên những tác phẩm ấn tượng trong thế giới kiến trúc và thiết kế, Cho Byoung Soo không chỉ đơn thuần là một kiến trúc sư, mà còn là một nghệ sĩ với tầm nhìn độc đáo về cách thể hiện mối giao hòa giữa con người, thiên nhiên và kiến trúc. Tốt nghiệp Đại học Harvard và Đại học Công lập Montana, ông là người sáng lập văn phòng kiến trúc BCHO Partners, đồng thời là giảng viên tại nhiều trường đại học như Kaiserslautern, Yonsei, HanYang, GyoungGi và Harvard. Ngoài ra, ông còn là tổng giám đốc của Triển lãm Kiến trúc và Đô thị Seoul Biennale 2023.

cho byoung soo kien truc su chan dung

Kiến trúc sư Cho Byoung Soo. Ảnh: Kim Jae-kyung

Byoung Soo thường nói về thiên nhiên khi giới thiệu kiến trúc của mình. Tuy nhiên, sự kết nối đó không thể hiện qua các phương tiện vật lý như vật liệu hoặc phương pháp xây dựng công nghệ thấp. Các dự án của ông không chỉ được thực hiện trong bối cảnh thôn quê, mà còn ở các khu đô thị hiện đại có mật độ các tòa nhà cao tầng dày đặc. Kiến trúc sư họ Cho luôn quan tâm đến việc kết hợp và trung hòa tất cả các yếu tố với nhau, nhằm tạo ra một công trình quy tụ được mọi yếu tố một cách trọn vẹn nhất.

Cho Byoung Soo đặt “tính chất phụ thuộc lẫn nhau” (interdependent nature) – một quan điểm linh hoạt và phụ thuộc vào ngữ cảnh về kiến trúc làm cốt lõi trong sự sáng tạo của mình và xoay quanh ý tưởng về sự cân bằng. Ông trích dẫn từ Dalai Lama, người đầu tiên nói về khái niệm này trong cuốn sách “The Path to Tranquility” (Tạm dịch: Hướng đến sự thanh bình): “Chúng ta cần có một ý thức rõ ràng về tính chất phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia, con người và động vật, cũng như con người, động vật và thế giới. Tôi cảm nhận được nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề do con người gây ra, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về tính chất phụ thuộc lẫn nhau này.”

tilt roof cong trinh nha o byoung cho

Nhà Tilt Roof là một trong những công trình phản ánh tính chất hòa mình giữa kiến trúc và thiên nhiên của kiến trúc sư Cho Byoung Soo. Ảnh: Sergio Pirrone

Ông bị mê hoặc bởi cách mọi thứ trên thế giới kết nối với nhau, định hình cuộc sống của chúng ta, cũng như chúng ta định hình môi trường của chính mình. Mối quan hệ này đang được ông và văn phòng của mình tìm hiểu  thông qua các dự án của mình. Hơn nữa, ông còn lồng ghép vào thiết kế khái niệm truyền thống Hàn Quốc ‘ubuntu’, có thể hiểu là ‘tình người với người,’ nhằm nâng cao nhận thức về hành động của một cá nhân ảnh hưởng đến người khác như thế nào và cách chúng ta liên kết với nhau. 

Lớn lên trong một ngôi nhà Hàn Quốc kiểu hanok, ông đã trải nghiệm trực tiếp kiến trúc truyền thống của đất nước mình và cách kiểu nhà tương tác với mặt đất. Kiến trúc ấy cũng khiến ông nhớ về sự phát triển và thay đổi của Hàn Quốc trong những năm 1970, khi đất nước ngày càng bị ảnh hưởng bởi các phong cách quốc tế, và điều đó đã truyền cảm hứng cho ông trở thành một kiến trúc sư.

Với quy mô công ty gồm 30 nhân sự, ông muốn xây dựng sự nghiệp của mình một cách bền vững. Các dự án đầu tiên của ông là một loạt các biệt thự tư nhân, như ngôi nhà Concrete Box House (2004) và Earth House (2009). Kiến trúc sư coi chúng như sự tiếp nối của luận án tại Harvard về tác động cảm xúc của một địa điểm. Byoung Soo chia sẻ: “Cả hai đều là các công trình đồng nhất có thiết kế tối giản, nằm ở vùng nông thôn, với mục tiêu “hạ mình xuống đất  và hòa mình vào tự nhiên.”

concrete box cong trinh nha o kien truc su byoung cho

Công trình nhà Concrete Box. Ảnh: Julian Broad

Một trong những dự án nổi bật của ông là Khách sạn South Cape tại Gyeongsangnam-do (2014), được chính ông đánh giá là dự án mang tính bước ngoặt, đưa ông lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc tại Hàn Quốc nhờ thiết kế thanh lịch nhưng táo bạo với quy mô lớn và tính chất công cộng của nó. Dự án đang được mở rộng, và được chính kiến trúc sư điều chỉnh lại thiết kế. Ngoài ra, Saemanguem Seed cũng là một dự án lớn của ông, nhằm cải tạo khu đất cũ bị ô nhiễm để trở thành khu vực công cộng. Mặc dù các công trình của mình có cả các tòa cao ốc, nhưng phong cách của ông vẫn không thay đổi, luôn dựa vào ngữ cảnh và tìm kiếm một cảm giác bình yên, đĩnh đạc giữa những gì ông xây dựng và môi trường xung quanh. 

South cape tại Gyeongsangnam-do khach san

Khách sạn South Cape. Ảnh: Kim Yong Kwan

Công trình mới nhất của ông là AYU Space, một khuôn viên nghệ thuật có cấu trúc uốn cong bao gồm triển lãm, nhà hàng và quán cà phê nằm ngay ngoại ô Seoul cho doanh nhân Miyoung von Platen. Đây là một dự án thể hiện cách tiếp cận của Byoung Soo đối với mối quan hệ giữa con người và cảnh quan, vì hình dáng của tòa nhà được thiết kế dựa trên địa hình của khu đất. Cách đó không xa là một ngôi nhà hanok truyền thống để tổ chức triển lãm. Toàn bộ công trình tạo ra khung cảnh hướng về dòng sông gần đó và thiên nhiên xung quanh, mang đến cảm giác bình yên và cho du khách cơ hội thưởng thức cùng lúc nghệ thuật, kiến trúc và cảnh quan.

ayu space kien truc su byoung cho

Công trình AYU Space là sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống hòa mình vào thiên nhiên. Ảnh: Sergio Pirrone

ayu space byoung cho

Ảnh: Sergio Pirrone

Cho Byoung Soo hiện đang là người đứng đầu Triển lãm Kiến trúc và Đô thị Seoul Biennale 2023. Theo đuổi niềm đam mê của mình, chủ đề của ông tập trung vào kiến trúc đất đai, nhằm đặt cảnh quan, thiên nhiên và các hiện tượng văn hóa, xã hội lên hàng đầu. Trong sự kiện, kiến trúc sư đã thiết kế hai tác phẩm sắp đặt dành riêng cho từng địa điểm – the Earth và Sky Pavilion. Phần trước là một phần “lõm vào trong đất” tạo điều kiện cho khách tham quan có thể trải nghiệm toàn cảnh hướng về những ngọn núi phía bắc và thành phố phía nam. Phần sau ở Songhyeon-dong sử dụng đất từ bốn địa điểm khai quật trên khắp đất nước. Sự khác biệt về màu sắc và kết cấu của chúng trở thành một phần không thể thiếu trong thiết kế, tượng trưng cho sự thống nhất và kết nối như một phần suy nghĩ về bản chất phụ thuộc lẫn nhau của ông. Byoung Soo cũng đặc biệt hào hứng về các đóng góp của sinh viên trong phần Global Studio tại sự kiện, nơi những người tham gia được yêu cầu tái hiện lại những cây cầu – chủ đề về sự kết nối.

kien truc su byoung cho seoul biennale

Tác phẩm sắp đặt của Cho Byoung Soo tại Triển lãm Seoul Biennale | Photo: BCHO

Mặc dù công trình của ông luôn trông sắc sảo và lịch lãm, dường như nghiêng về phong cách tối giản, nhưng ông vẫn tin rằng hình thức biểu đạt và ý tưởng duy trì một diện mạo cố định đã bị đánh giá quá cao trong thế giới kiến trúc. Cho Byoung Soo ưa chuộng các hướng tiếp cận mang tính tư duy hơn, nơi có không gian cho cảm xúc và nhược điểm. Đối với ông, việc ghi dấu ấn cá nhân và cho phép những điểm không hoàn hảo xuất hiện trong từng dự án có giá trị với mình. Kiến trúc sư chia sẻ: “Tôi thích những không gian thiền định có cảm giác thô và độc đáo hơn. Tôi hoàn toàn đánh giá cao việc nhiều người thực sự quan tâm đến môi trường hơn là những dự án mang tính “greenwash”. Việc thận trọng và nhạy bén đối với những gì đang diễn ra xung quanh bạn là một kỹ năng quan trọng mà một nhà thiết kế cần có”.

Từ khi còn là sinh viên, ông đã là một họa sĩ nhiệt huyết, thể hiện sự sáng tạo mang tính chất tiền định. Cho Byoung Soo nói rằng: “Nghệ thuật và kiến trúc đều bắt nguồn từ cùng một quá trình. Phần duy nhất khác biệt là phương tiện sử dụng. Trong nghệ thuật của tôi, tôi tạo hình các tòa nhà bằng bút vẽ trên giấy. Dù ở lĩnh vực nào, tôi đều cảm thấy được hướng dẫn bởi phản ứng ngẫu nhiên và năng lượng mà tôi gọi là “Mahk” – liên quan đến hành động khiêm tốn của việc kiến tạo và để lại dấu ấn trên sản phẩm hoàn thiện. Các tác phẩm của tôi và thói quen phác họa vào buổi sáng là cách để bảo tồn bản chất “Mahk” này. Trong một thế giới luôn bận rộn, những khoảnh khắc này như tiếp thêm năng lượng và động lực cho tôi.” 

Cho Byoung Soo kien truc su phac thao thu phap

Tác phẩm vẽ bằng cọ lông và mực nước của Cho Byoung Soo. Ảnh: Cho Byoung Soo

Chuyển ngữ: Quốc Huy | Theo: Wallpaper*


Xem thêm

Nhà thiết kế Luca Guadagnino: “Thẩm mỹ được định hướng bởi kinh nghiệm”

Shigeru Ban: “Tôi luôn tránh chạy theo xu hướng”

Victor Horta: Kiến trúc sư tiên phong cho phong trào Art Nouveau