KAZUYO SEJIMA
Kazuyo Sejima sinh năm 1956 tại Mito, Ibaraki, Nhật Bản – Cô là một trong những nữ KTS hiếm hoi tại Nhật Bản đạt nhiều thành tựu lớn được thế giới công nhận. Cùng với người cộng sự tài năng Ryue Nishizawa, Kazuyo Sejima đã tạo nên rất nhiều công trình kiến trúc ấn tượng trên khắp thế giới, từ quê hương Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Anh cho đến Hà Lan, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha.
KHỞI ĐẦU ÂM THẦM
Năm 1979, Kazuyo Sejima tốt nghiệp Japan Women’s University và tiếp tục hoàn thành khóa học Thạc sĩ chuyên ngành kiến trúc năm 1981. Cùng năm đó, cô bắt đầu quá trình thực hành kiến trúc tại công ty Toyo Ito and Associates cho đến năm 1987. Sau khi rời khỏi Toyo Ito and Associates, Sejima thành lập Kazuyo Sejima & Associates và Ryue Nishizawa – một trong những sinh viên thực tập tại công ty cũ đã trở thành người đầu tiên làm việc cùng cô. Năm 1995, Sejima và Nishizawa cùng nhau thành lập công ty SANAA (Sejima and Nishizawa and Associates), đặt trụ sở tại Tokyo. Kể từ đây, tên tuổi của Kazuyo Sejima dần được khẳng định trên toàn cầu.
GHI TÊN VÀO LỊCH SỬ
Năm 2010, cùng với Ryue Nishizawa, Kazuyo Sejima đã ghi tên mình vào lịch sử với giải thưởng Pritzker Architecture Prize, cô cũng trở thành nữ KTS Nhật Bản đầu tiên sở hữu danh hiệu danh giá này. Trong cùng thời gian ấy, Sejima còn được bổ nhiệm làm giám đốc kiến trúc của Venice Biennale, nơi cô từng phụ trách Triển lãm Kiến trúc Quốc tế Thường niên lần thứ 12 (12th Annual International Architecture Exhibition). Đây cũng là lần đầu tiên một nữ nhân được chọn vào vị trí này.
Bên cạnh việc thực hành kiến trúc, cô còn giảng dạy tại Tama Art University và Japan Women’s University với tư cách Giáo sư thỉnh giảng. Tại Vienna, cô điều hành một studio thiết kế kiến trúc thuộc University of Applied Arts Viene, nơi cô kế nhiệm Zaha Hadid năm 2015. Từ 2005 đến 2008, cô giữ chức Giáo sư tại School of Architecture thuộc Princeton University. Ngoài ra cô cũng từng giảng dạy tại Polytechnique de Lausanne và Keio University.
Việc đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở cương vị nữ KTS, cô gần như trở thành một trong những hình mẫu tiêu biểu thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về lĩnh vực kiến trúc. Khi được hỏi về vai trò của người phụ nữ trong kiến trúc, Kazuyo Sejima trả lời sau một thời gian yên lặng: “Hãy kiên nhẫn. Khi tôi còn trẻ, điều ấy thật khó khăn, gần như tôi đã bỏ cuộc. Nhưng giờ đây tôi thật hạnh phúc khi có thể thực hiện những dự án lớn như thế”.
TÁI ĐỊNH HÌNH QUAN ĐIỂM THIẾT KẾ
Triết lý thiết kế của Kazuyo Sejima thường mang xu hướng kết hợp các loại vật liệu đặc trưng như kính hay một số bề mặt trơn, bóng. Nhiều công trình lớn của cô nhấn mạnh vào đường nét cong trong tạo hình kiến trúc, đồng thời kết hợp hiệu ứng bề mặt. Cô luôn tâm niệm về khả năng hợp nhất của công trình với bối cảnh xung quanh – chính suy nghĩ đó đã hình thành trong Sejima nên quan điểm sáng tạo đặc biệt dựa trên một số hình thái vật liệu điển hình. Việc sử dụng nhiều loại kính cho phép ánh sáng tự nhiên đi vào không gian, đồng thời kính cũng phản xạ lại các hình ảnh đa chiều, tạo ra sự chuyển tiếp linh hoạt về thị giác lẫn cảm giác giữa nội thất – ngoại thất.
Sejima đã chủ đích xoay chuyển lại các triết lý thiết kế vốn tuân theo khuôn mẫu. Ý tưởng của cô không chối từ truyền thống nhưng thách thức hoàn toàn quy trình thiết kế thông thường. Cô cho rằng không thể để công trình phát triển dựa trên một hình thức hay lý thuyết rập khuôn. Kazuyo Sejima đã định nghĩa ngược lại “quy trình thiết kế” thành “thiết kế quy trình”. Nghĩa là giai đoạn công việc sẽ quyết định hướng phát triển thiết kế thay vì một ý tưởng thiết kế duy nhất được chỉnh sửa dần theo quá trình.
“CÂU CHUYỆN CỦA MỘT TÒA NHÀ ĐƯỢC KỂ QUA KÍCH THƯỚC, VÀ CẢ CHI TIẾT CỦA CHÚNG NỮA. QUY MÔ CHỈ LÀ MỘT PHẦN TRONG RẤT NHIỀU YẾU TỐ, NHƯNG LÀM SAO ĐỂ CÔNG TRÌNH HÒA HỢP VỚI BỐI CẢNH MỚI LÀ QUAN TRỌNG NHẤT”.
NHỮNG CÔNG TRÌNH NỔI BẬT
THÀNH TỰU CỦA KAZUYO SEJIMA
1988: Nhận giải thưởng Kashima Prize.
1989: Nhận giải thưởng Yosioka của The Japan Architect. Nhận giải đặc biệt về Kiến trúc Nhà ở của Tokyo Architecture Association.
1990: Nhận giải thưởng SD Prize.
1992: Nhận giải KTS trẻ của năm do Tokyo Architecture Association công nhận.
1994: Nhận giải Grand Prize tại Commercial Space Design Awards.
1995: Nhận giải Kenneth F.Brown Asia Pacific Culture and Architecture Design Award – University of Hawaii trao tặng.
2006: Nhận giải Japan Architecture Award.
2009: Nhận giải StellaRe Prize và Erna Hamburger Prize.
2010: Nhận giải Pritzker Architecture Prize (cùng với Ryue Nishizawa).
Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu.
Xem thêm: