Maya Lin – Nữ KTS và tượng đài thế kỉ

Sớm khẳng định tài năng từ cuộc thi thiết kế với công trình đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam năm 1981, Maya Lin – nữ KTS gốc Á đã vượt qua nhiều định kiến xã hội lúc bấy giờ để trở thành một trong những tên tuổi KTS nữ hàng đầu trên thế giới.

MAYA LIN

Năm 1959, Maya Lin sinh ra tại Athens, Ohio trong một gia đình di cư người Trung Quốc, cha cô là nghệ nhân gốm, từng giữ chức trưởng khoa Mỹ thuật thuộc Đại học Ohio, mẹ là nhà thơ – giáo sư. Cô là KTS kiêm nhà điêu khắc từng theo học tại Đại học Yale, trở thành Cử nhân Nghệ thuật năm 1981, Thạc sĩ Kiến trúc năm 1986 và hiện đang điều hành Maya Lin Studio ở New York.

Cô là một trong số ít các KTS trẻ lúc bấy giờ chú ý đặc biệt đến vấn đề môi trường, thực tế Maya Lin đã dành phần lớn thời gian theo học trên giảng đường cho các hoạt động này. Mối quan tâm tự nhiên được hình thành từ quá trình trưởng thành ở vùng nông thôn Ohio – khu mộ người da đỏ Hopewell và Adena tại địa phương đã truyền cảm hứng cho cô trong suốt quãng thời gian thơ ấu. Chính quan điểm này đã nuôi dưỡng, định hình nên một KTS Maya Lin tài năng của ngày nay.


VIETNAM VETERANS MEMORIAL – THÀNH TỰU ĐẦU TIÊN

Maya Lin đón nhận thành tựu lớn đầu tiên trong sự nghiệp từ khá sớm, năm 1981 – khi vẫn đang theo học tại Đại học Yale, cô đã chiến thắng cuộc thi thiết kế quy mô quốc gia nhờ công trình Vietnam Veterans Memorial (Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam) tại National Mall, Washington D.C. Thiết kế tạo nên từ hai dãy tường đá granite đen xếp theo hình chữ V, trên bề mặt đá khắc tên của 57.939 người lính đã hy sinh. Một mặt tường hướng về Đài tưởng niệm Lincoln, mặt còn lại hướng về Đài tưởng niệm Washington. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 11/1982.

Maya Lin 2

Vietnam Veterans Memorial. Ảnh: Geoff Livingston.

Maya Lin 3

Maya Lin và mô hình thiết kế Vietnam Veterans Memorial năm 1981.

KTS cho biết, ý định của cô là tạo nên một vết thương trên mặt đất tượng trưng cho nỗi đau chiến tranh. Thiết kế ban đầu gây nên nhiều tranh cãi vì một số lý do: quá khác biệt về quy mô và tính hoành tráng vốn được mong đợi ở dạng kiến trúc tưởng niệm, đậm chất Á Châu, KTS thiếu kinh nghiệm chuyên môn, màu đá granite quá tối, thể hiện thái độ tiêu cực về chiến tranh. Vượt lên trên tất cả, Maya Lin đã bảo vệ sáng tạo của mình trước Quốc hội Hoa Kỳ và hội đồng chuyên môn để giữ nguyên ý tưởng ban đầu của mình.

“TÔI TƯỞNG TƯỢNG MÌNH CẦM MỘT CON DAO, CẮT TRÊN NỀN ĐẤT, TÁCH ĐÔI CHÚNG RA. THEO THỜI GIAN, DẤU TÍCH BẠO LỰC VÀ NỖI ĐAU ẤY SẼ DẦN LÀNH LẠI”.

Maya Lin 4

Maya Lin 5

Vietnam Veterans Memorial là biểu tượng cho sự tôn vinh và ghi nhận của Hoa Kỳ đối với những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến gây chia rẽ nhất lịch sử quốc gia. Năm 2007, một cuộc khảo sát của Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ đã xếp hạng công trình đứng thứ 10 trong danh sách Những công trình Kiến trúc được yêu thích nhất Hoa Kỳ. Đây cũng là một trong những địa điểm có lượng khách tìm đến nhiều nhất với gần 5 triệu lượt tham quan mỗi năm. Hiện nay, đài tưởng niệm còn được dùng để tưởng nhớ các cựu binh trong chiến tranh Afghanistan và Iraq.

Maya Lin 6


CÂN BẰNG & KẾT NỐI

Sau tiếng vang từ Vietnam Veterans Memorial, sự nghiệp của Maya Lin ngày càng phát triển đa dạng qua các tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, công trình kiến trúc, triển lãm,… Trái ngược với những nhận định rằng cô sẽ không thể vượt qua cái bóng quá lớn khi tiếp nhận thành công từ sớm.

Niềm tin và tầm nhìn của Maya Lin trong thiết kế nằm ở tương lai, sao cho không gian/tác phẩm phải đạt đến ngưỡng cân bằng, kết nối thiên nhiên, đồng thời đặt ra ý nghĩa tích cực đối với con người. Ở góc nhìn chuyên môn, trước khi tiếp cận mọi dự án, cô luôn cố gắng thấu hiểu và ghi chép thành câu chữ trước khi chuyển dự án thành hình ảnh. Maya Lin muốn viết lại nguồn cảm hứng xuất hiện trong đầu thành dạng ký tự, sau đó đọc, ngẫm nghĩ rồi hoàn thiện sang dạng khối. Lối tư duy này có thể xem là mấu chốt để nữ KTS tạo nên những tác phẩm khó quên.

“TÔI CẢM GIÁC MÌNH ĐANG TỒN TẠI TRÊN CÁC RANH GIỚI. Ở ĐÂU ĐÓ GIỮA KHOA HỌC – NGHỆ THUẬT, NGHỆ THUẬT – KIẾN TRÚC, CỘNG ĐỒNG – CÁ NHÂN, ĐÔNG – TÂY. TÔI LUÔN CÓ GẮNG TÌM RA TRẠNG THÁI CÂN BẰNG GIỮA CÁC VÙNG TƯƠNG PHẢN, TÌM RA NƠI NHỮNG ĐỐI LẬP GIAO NHAU. TÔI KHÔNG TỒN TẠI Ở BẤT KỲ BÊN NÀO MÀ Ở NGAY GIỮA RANH GIỚI PHÂN CHIA”.


MỘT SỐ TÁC PHẨM/CÔNG TRÌNH CỦA MAYALIN

Maya Lin 7

Triển lãm Il Cortile Mare về thiết kế sản phẩm nội thất, mô hình và ảnh chụp các tác phẩm tại American Academy, Rome.

Maya Lin 8

Confluence Project – một loạt các công trình sắp đặt ngoài trởi dọc theo sông Columbia, bang Washington và sông Snake, bang Oregon. Đây cũng là dự án lớn nhất cô từng thực hiện tính đến nay.

Công trình Eleven Minute Line ở Thụy Điển lấy cảm hứng từ chiếc cầu xoắn ốc Spiral Jetty, thiết kế cho Quỹ Wanas.

Thiết kế tòa nhà cho Bảo tàng Người Hoa (Museum of Chinese) gần Chinatown, thành phố New York.

2 x 4 Landscape. Tác phẩm tạo nên từ nhiều mảnh gỗ, nặng 30 tấn. Trưng bày tại Bảo tàng Tưởng niệm de Young, San Francisco. Ảnh: Maya Lin Studio.


THÀNH TỰU

1981: Chiến thắng cuộc thi thiết kế quốc gia với chủ đề Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam.

1994: Nhân vật chủ đề trong bộ phim tài liệu từng đoạt giải Oscar – Maya Lin: A Strong Clear Vision.

1999: Nhận giải thưởng Rome Prize.

2000: Ra mắt sách Boundaries. Nhận giải thưởng Golden Plate Award của Viện Hàn Lâm Thành tựu Hoa Kỳ (American Academy of Achievement).

2003: Nhận giải thưởng Finn Juhl Prize. Trở thành ban giám khảo cho cuộc thi World Trade Center Site Memorial Competition.

2005: Được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn học Hoa Kỳ. Được bầu vào National Women’s Hall of Fame tại Seneca Falls, New York.

2007: Nhận giải thưởng AIA Twenty-five Year Award.

2009: Tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương Nghệ thuật Quốc gia (National Medel of Arts).

2014: Nhận giải thưởng Dorothy and Lilian Gish.

2016: Tổng thống Barack Obama trao tặng Huân chương Presidential Medal of Freedom.


Bài: Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu.


Xem thêm:

Antonio Citterio – Tinh hoa của thiết kế đương đại Ý

Philippe Starck – Người đi trong cõi mộng