Nét kiến trúc đan thanh trên cung – tự xứ Hàn

Trong kiến trúc cung điện, cổ tự ở Hàn Quốc, có một phong cách trang trí đặc trưng, rực rỡ sắc màu, và đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, gọi là Dancheong (đan thanh).

Ở thời kỳ Joseon (Triều Tiên vương triều) 1392 – 1897, có quy định rõ chỉ kiến trúc cung điện, điện thờ chính chùa chiền hoặc phủ quan mới được sử dụng nghệ thuật trang trí Dancheong. Đẹp lộng lẫy, với muôn vàn họa tiết đan cài một cách khoa học, bố cục chặt chẽ, gồm năm màu sắc cơ bản, nổi bật và chiếm tỷ lệ lớn là màu xanh và đỏ (tên gọi đan = đỏ, và thanh = xanh chính từ hai sắc màu này), tiếp đến là vàng, trắng, đen, định hình nên bộ môn nghệ thuật trang trí Dancheong trên gỗ ở các công trình chùa và cung điện của xứ Hàn, với lịch sử đã qua gần hai thiên niên kỷ hình thành, tồn tại và phát triển.

Các vùng đất gắn liền với di sản như Jeonju, Gyeongju, Seoul… đều thấy ở đó nghệ thuật Dancheong. Dancheong hình thành, đề cao tính cân bằng và yếu tố hài hòa (phong thủy) trong trang trí kiến trúc, dựa trên nền tảng tổng hòa của âm dương, ngũ hành. Những gam màu trắng – xanh – đen – đỏ – vàng tượng trưng cho kim – mộc – thủy – hỏa – thổ, cũng đồng thời đại diện cho phương hướng với vị trí trung tâm là màu vàng, hướng đông màu xanh, tây màu trắng, nam màu đỏ, bắc màu đen. Thế nên, nhìn vào các mảng trang trí Dancheong, dẫu dày đặc, liên hoàn, lại mang nhiều chi tiết nhỏ, nhưng không bị cảm giác mất cân đối hay rối mắt, mà trái lại còn tăng thêm vẻ đẹp của quyền uy, cao sang, độc đáo nơi công trình.

Nét kiến trúc đan thanh trên cung - tự xứ Hàn 1

Nghệ thuật Dancheong rực rỡ trong ánh đèn đêm ở Donggung (Đông cung thái tử), Gyeongju kinh đô vương quốc cổ Silla (57 TCN – 935).

Nét kiến trúc đan thanh trên cung - tự xứ Hàn 2

Trang trí Dancheong ở góc mái chùa Bulguksa (Phật Quốc Tự), với đề tài hoa lá, vân mây.

Kiến trúc tự viện chùa Bulguksa

Kiến trúc tự viện chùa Bulguksa, một Di sản thế giới với trang trí Dancheong.

Đông cung thái tử, hồ Wolji

Nét trang trí Dancheong nổi bật trong quần thể kiến trúc Đông cung thái tử, hồ Wolji, tỉnh Gyeongju.

Nét kiến trúc đan thanh trên cung - tự xứ Hàn 3

Geunjeongjeon (điện cần chánh), Seoul, nơi thiết triều của các hoàng đế dưới triều đại Joseon (1392 – 1897).

Kiến trúc trang trí Dancheong luôn bề thế, nhưng không gây choáng ngợp bởi vẻ đẹp hài hòa, dựa trên nền tảng đi tìm cân bằng cùng thiên nhiên. Nguyên liệu tạo màu dùng trong nghệ thuật Dancheong đều là những khoáng vật từ thiên nhiên, do vậy ngoài công năng trang trí, Dancheong còn mang nhiệm vụ bảo vệ bề mặt các chi tiết gỗ khỏi các loài côn trùng gây hại. Những chi tiết về kỹ thuật ráp mộng, kết nối các cấu kiện kiến trúc ở các công trình gỗ, khi có trang trí Dancheong giúp che lấp các khiếm khuyết của bề mặt, để công trình đẹp hoàn hảo, tương xứng với quyền uy, vị thế đương triều hoặc vẻ đẹp oai linh chốn thờ tự thâm nghiêm.

Kiến trúc gỗ để mộc, càng qua thời gian, thấy ở đó sự thâm trầm, u tịch, nhưng khi đưa Dancheong vào trang trí, ngoài yếu tố hình họa, những kết hợp của các nếp gấp, đường cong, các mối ráp nối theo nguyên bản kiến trúc gỗ phủ đầy năm màu sắc đặc thù, biến các đường hình học dưới tầng mái công trình thành mảng trang trí đẹp đến kinh ngạc với người thưởng lãm. Việc đưa gam màu xanh vào dưới nếp mái – vùng tối nhất của công trình – làm nền chủ đạo, còn có công năng giúp làm giảm đi độ tương phản sáng tối, nhờ vậy các kiến trúc có trang trí Dancheong luôn mang vẻ diễm lệ, tươi sáng, tạo nên bầu không khí vui tươi và thanh bình.

di san han quoc mai nha den chua thu cong

Góc mái sử dụng nghệ thuật Dancheong trong quần thể Gyeongbokgung (Cảnh phúc cung) ở thủ đô Seoul.

di san han quoc mai nha den chua thu cong

Vẻ đẹp bề thế của tòa kiến trúc Gangnyeongjeon (điện khang ninh) nơi ở của các vị vua thời Joseon trong Cảnh phúc cung.

di san han quoc mai nha den chua thu cong

Các họa tiết đa dạng với mây, sóng nước, hoa lá, ký tự, các đường hình học… trên mái hiên điện thờ Gyeonggijeon ở Jeonju.

Điện thờ Gyeonggijeon kien truc di san han quoc

Kết cấu tương tự kiểu “chồng rường” trong kiến trúc Việt cổ, trang trí Dancheong, tạo vẻ đẹp thực sự ấn tượng ở điện thờ Gyeonggijeon.

kien truc di san han quoc Gyeonggijeon

Tòa kiến trúc Subokcheong trong quần thể Gyeonggijeon, nơi lưu bức chân dung Taejo, vị vua đầu tiên vương triều Joseon.

Hầu hết các công trình kiến trúc cổ mang nghệ thuật trang trí Dancheong thấy được ngày nay Ở Hàn Quốc có niên đại vào thời Joseon (1392 – 1897). Dancheong là một thế giới phức tạp của hình, họa, màu… đan xen. Những thiết kế hình học với tròn, vuông, tam giác, tứ giác, hình mắt cáo, các biểu tượng chữ vạn, các đường vạch song song. Đến cả các loại hoa dây, hoa cúc, rồi biểu tượng mặt trời, trăng, sao, vân mây, đá núi, sông, suối. Các loài hoa với sen, cúc, lan, mẫu đơn, lựu. Côn trùng sẽ gặp chim, cá, bướm. Linh thú có rồng, phượng, sư tử… đến cả các tiên thánh, thần Phật, những mảng trang trí về cảnh sinh hoạt của đời thường như câu cá, săn bắt, khiêu vũ, đại tiệc… tạo nên văn hóa nghệ thuật Dancheong đẹp và trường tồn theo dòng chảy lịch sử.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Kiến trúc Thần – Phật, những mảnh ghép kỳ diệu

Kiến trúc sư Dami Lee: Thành tựu quan trọng nhất chính là truyền được cảm hứng

Những tựa sách đa diện về kiến trúc, nghệ thuật và đời sống hiện đại