Kiến trúc Thần – Phật, những mảnh ghép kỳ diệu

Thần Đạo (Shinto) là tín ngưỡng lâu đời nhất Nhật Bản, thống kê toàn nước Nhật hiện có khoảng 100.000 ngôi đền, hình thành nhiều phong cách kiến trúc bản địa, du nhập (Phật giáo) và trang trí khác lạ, đẹp hoàn hảo từ tổng thể đến từng chi tiết nhỏ.

Hầu hết đền thờ Thần Đạo được xây dựng ẩn trong một khu rừng với rất nhiều cây đại thụ bao bọc, hoặc trên các đỉnh núi cao, bởi theo quan niệm ngàn xưa của Shinto giáo, chốn rừng thiêng và đỉnh núi là nơi các vị thần ngự trị. Kiến trúc khởi thủy của đền Thần Đạo, giản đơn với hai mái dốc, lợp tranh, được cho là có khởi hình từ kho chứa thóc lúa, dựa trên đặc thù canh tác của cư dân bản địa làm nông nghiệp.

Kiến trúc khởi thủy ấy (hai mái dốc, lợp tranh) nay vẫn còn lưu dấu ở một số ngôi đền cổ của Nhật Bản như Izumo Taisha (Xuất Vân Đại xã) tỉnh Shimane, Sumiyoshi Taisha (Trú cát Đại xã) tỉnh Osaka hay Nishina Shinmeigu (Nhân khoa Thần minh cung) tỉnh Nagano… cũng là đại diện tiêu biểu cho ba phong cách kiến trúc Thần Đạo nguyên thủy của Nhật Bản được định danh là Taisha Zukuri (Đại xã tạo), Sumiyoshi Zukuri (Trú kiết tạo) và Shinmei Zukuri (Thần minh tạo).

Kiến trúc Thần-Phật Nhật Bản chua sensoji

Goju-no-to (tháp năm tầng) tượng trưng cho Đất – Nước – Lửa – Gió – Trời ở chùa Sensoji – Thiển Thảo Tự, Tokyo, khởi lập năm 628.

Kiến trúc Thần-Phật Nhật Bản chua sensoji than dao

Đầu hồi trong kiến trúc chùa Sensoji, trang trí các gam màu chủ đạo như đỏ, trắng, xám quen gặp trong kiến trúc Thần Đạo.

Kiến trúc Thần-Phật Nhật Bản 3

Vẻ đẹp trong trang trí kiến trúc của đền Fushimi Inari, Kyoto thật hợp với cảnh quan thiên nhiên mùa lá đỏ.

Chùa Zenkoji Yamanashi cham khac go

Mảng chạm sư tử trên cấu kiện kiến trúc đầu dư ở chùa Zenkoji, tỉnh Yamanashi.

Bộ mái Kirizuma-yane cham khac go

Bộ mái theo phong cách Kirizuma-yane (thiết thế ốc căn), với đầu hồi biến tấu tạo thành mái cổng ở chùa Zenkoji.

Kiến trúc Thần-Phật Nhật Bản cham khac go

Trang trí chóp mái đền thờ lãnh chúa Date Masamune ở Sendai với hình tượng hoa cúc, quốc hoa Nhật Bản.

Những hình ảnh bắt mắt với chi tiết trang trí và màu sắc sặc sỡ quen gặp trong kiến trúc đền Thần Đạo ngày nay, mang nhiều ảnh hưởng từ sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản (từ thế kỷ thứ 6). Sự du nhập này kéo theo các phong cách kiến trúc từ bên ngoài, tiếp biến vào kiến trúc Thần Đạo và phát triển rực rỡ ở thời kỳ Nara (710 – 794). Từ đó cho ra các khái niệm Shinbutsu Shugo (Thần Phật Tập Hợp) hay còn gọi là Shinbutsu Shu (Thần Phật Tông), và kiến trúc đền thờ Thần Đạo xuất hiện các chi tiết mới chưa từng có trước đó như Romon (lầu môn – tháp cổng), Kairo (hành lang), Ishi Doro (thạch đăng lung – đèn đá), Komainu (khuyển sư – chó sư tử)… Với các chi tiết du nhập này, kiến trúc chùa ở Nhật Bản thuộc các phong cách như Shitennoji (Tứ thiên vương tự), Todaiji (Đông đại tự), Zenshuji (Thần tông tự) cũng mang kiểu thức tương tự.

Bố cục cơ bản của một đền Thần Đạo được định hình rõ nét với cổng Torii (điểu cư – nơi loài chim cư ngụ), đây cũng là ranh giới phân biệt giữa cõi phàm tục và linh thiêng, giữa thế giới con người và nơi cư ngụ của thần, khi bước chân qua cổng điểu cư, nghĩa là chạm vào đất thiêng các Kami (linh thần) ngự trị. Trục chính dẫn lối vào đền gọi là Sando (tham đạo), đến Temizu-ya (thủ thủy xá – bồn nước thanh tẩy), Kagura (thần lạc – nơi diễn ra các hoạt động múa hát), Haiden (bái điện – nơi cầu nguyện), Heiden (tệ điện – nơi tiếp nhận vật cúng) và cuối cùng là tòa kiến trúc quan trọng nhất Honden (bổn điện – nơi thờ thần).

Zuihoden den chua ton giao than dao

Zuihoden (thụy phụng đền), nơi yên nghỉ của lãnh chúa Date Masamune, kiến trúc này là báu vật quốc gia Nhật Bản từ 1931.

Kiến trúc Thần-Phật Nhật Bản mai chua

Sắc đỏ của kiến trúc chùa Kiyomizu-dera trong khoảng rừng xanh ở cố đô Kyoto.

Đền Thần Đạo nhat ban

Đền Thần Đạo là ngôi nhà dành cho các vị thần, không chỉ Đẹp về kiến trúc, trang trí, mà còn hội tụ sự cân bằng, hài hòa cùng thiên nhiên.

Karasu Tengu bieu tuong den chua ton giao nhat ban

Karasu Tengu (thiên cẩu hình người mỏ quạ) và Hanataka Tengu (thiên cẩu hình người mũi dài) được thờ ở đền Fuji Yoshida Sengen, tỉnh Yamanashi.

Kiến trúc Thần-Phật Nhật Bản 6

Kiến trúc Torii theo phong cách Inari ở đền Fuji Yoshida Sengen, Nhật Bản có 32.000 đền thờ Inari (thần bảo hộ công – nông nghiệp).

Nội cung đền Ise Jingu

Kiến trúc Karugaden (thần lạc) ở Nội cung đền Ise Jingu, tỉnh Mie.

Vì là nơi thờ thần, bổn điện luôn được chăm chút công phu nhất thông qua các chi tiết trang trí, cùng nhiều kỹ thuật tác tạo kỳ công. Trong phong cách kiến trúc Thần Đạo nguyên thủy, ngôi đền mang phẩm hàm cao nhất, gọi là đền của các đền là Thần Cung Ise (Ise Jingu) ở tỉnh Mie, nơi đây đang lưu giữ một trong ba báu vật quý nhất Phù Tang là chiếc gương Yata no Kagami (Bát chỉ kính), vật biểu trưng của nữ thần mặt trời Amaterasu. Báu vật Phù Tang ngoài Bát chỉ kính – sự khôn ngoan thông thái, còn có Thảo thế kiếm (Kusanagi no Tsurugi – lòng dũng cảm) và Bát xích quỳnh khúc ngọc (Yasakani no Magatama – lòng nhân từ), ba báu vật này được gọi là Tam chủng thần khí (Sanshu no Jingi), tượng trưng cho sự hưng vượng qua các triều đại của Hoàng đế Nhật Bản.

Bổn điện ở Ise Jingu được xây dựng theo phong cách kiến trúc Thần minh tạo, do tầm quan trọng của “thần cung” ( jingu) – dành cho hoàng tộc, khác với “thần xã” ( jinja) – dành cho các đền Thần Đạo thông thường, nên phong cách kiến trúc Thần minh tạo ở Ise Jingu còn được gọi là Duy nhất Thần minh tạo (Yuitsu Shinmei Zukuri). Để duy trì phong cách kiến trúc cùng những kỹ thuật tác tạo, từ năm 773, cứ đúng sau 20 năm một lần, bổn điện Ise Jingu được hạ giải toàn bộ, và làm lại ngôi đền mới theo nguyên bản ngay trên phần đất cạnh đền cũ trong nghi thức có tên gọi Thức niên thiên cung tế (Shikinen Sengu-sai). Ý nghĩa của việc di dời thần cung, ở khía cạnh bảo tồn, chính là lưu giữ lại những kỹ thuật chế tác gỗ, lợp tranh, trang trí đền Thần Đạo theo cách nguyên bản nhất. Sau mỗi 20 năm, các thế hệ nghệ nhân thêm trưởng thành, đồng thời vẫn có cơ hội truyền nghề lại cho lớp kế thừa, nhờ vậy mà qua nhiều thế kỷ tồn tại, phong cách kiến trúc Thần minh tạo vẫn không hề mai một.

Đền Thần Đạo ở Ise Jingu

Kiến trúc nguyên thủy của đền Thần Đạo ở Ise Jingu, được dựng lại năm 2013 theo nghi thức Thức niên thiên cung tế.

Đền thờ Kawagoe Hikawa cham khac go

Những nét chạm trên kiến trúc gỗ bổn điện đền thờ Kawagoe Hikawa ở Saitama.

Mái tranh bổn điện đền Oarai Isosaki

Mái tranh bổn điện đền Oarai Isosaki ở tỉnh Ibaraki, thờ Onamuchi-no-Mikoto và Sukunahikona-no-Mikoto hai vị thần kiến thiết nên Nhật Bản.

Komainu đền Oarai Isosaki cham khac go

Vẻ oai phong của Komainu – khuyển sư bảo vệ đền Oarai Isosaki ở Ibaraki.

Kiến trúc Thần-Phật Nhật Bản den chua cham khac go

Lối dẫn lên bổn điện đền Kawagoe Hikawa được trang trí bằng các mảng chạm đầy hoa mỹ.

Kiến trúc Thần-Phật Nhật Bản den chua

Kiến trúc Tahoto (Đa Bửu Tháp) ở Kitain, Kawagoe với kiến trúc hai tầng đặc trưng của dòng Phật giáo Shingon-shu (Chân ngôn tông) và Tendai-shu (Thiên thai tông) ra đời từ thế kỷ thứ 9.

Ở góc độ trang trí, điêu khắc, ngôi đền phải kể đến là Kawagoe Hikawa, tỉnh Saitama, nổi tiếng là nơi cầu tình duyên, đặc biệt các mảng trang trí nơi bổn điện thể hiện kỹ thuật điêu khắc đẹp ngoạn mục. Toàn bộ kiến trúc bổn điện ở Kawagoe Hikawa phủ đầy các chi tiết chạm nổi, chạm lọng, chạm thông phong trên nền gỗ, tương truyền do lãnh chúa của Kawagoe là Matsudaira Naritsune (1897 – 1850) cung tiến, mời hai nghệ nhân chạm khắc hàng đầu vùng Kanto là Shimamura Genzo và Iwajiro Iida thực hiện trong suốt 7 năm ròng (từ 1842 – 1849). Công trình này cũng được liệt vào danh sách là Tài sản văn hóa quan trọng hàng đầu của tỉnh Saitama, một biểu trưng cho nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao thời Edo (1603 – 1868) trong lịch sử Nhật Bản.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm

Kiến trúc sư Junya Ishigami và mối quan tâm đến tính bền vững và cân bằng trong kiến trúc

Kiến trúc Nhật Bản truyền thống và hiện đại | ED Review

Kyoto House – Nghệ thuật trà đạo và gốm sứ Ukraine trong ngôi nhà Nhật Bản truyền thống