Đinh Công Đạt | Làm thiết kế “khó hơn cả lên giời”

Không trong chiếu người thích “phong thánh” cho sơn mài, sơn ta, Đinh Công Đạt chỉ xem đó là chất liệu thú vị để làm nghề, từ sáng tác, thiết kế sản phẩm, đến cách làm “sống” lại đồ vật cũ bằng điểm xuyết sơn mài, để rồi đối mặt với tàn nhẫn cuộc đời khi quá khắt khe với bản thân, tạo các thiết kế tinh, kỹ, bền, đẹp và chuẩn mực đến mức anh buột miệng: “Khó hơn cả lên giời!”

Một Đinh Công Đạt (bình thường) ở giai đoạn “bình thường mới”, không còn tí chút gì khù khoằm, gai góc như Đạt này Đạt nọ của thời xưa. Vẫn ngày ngày cần mẫn, cặm cụi ở xưởng chế tác hệt bộ dạng như công nhân chính hiệu, thật khó để xác định anh đang trong vai nghệ sĩ, điêu khắc gia, họa sĩ, hay nhà thiết kế cao cấp… những danh xưng đã làm nên tên tuổi Đinh Công Đạt.

Đinh Công Đạt 12

Chiếc ghế xưa trong sưu tập của họa sĩ Lê Thiết Cương được làm mới bằng sơn mài, với mặt mây đan do nghệ nhân làng nghề Phú Vinh thể hiện. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Quan sát sản phẩm, tác phẩm ít ỏi còn kịp lưu lại xưởng trước khi lên đường về cùng chủ mới, câu trả lời cho “bản ngã” của Đinh Công Đạt, dần hé lộ, anh bảo: “Làm nghệ thuật, với một bức tranh, chỉ cần bề mặt là đủ, nhưng khi làm thiết kế, sản phẩm là hàng hóa, không được phép cẩu thả dù chỉ sai sót một chấm nhỏ. Người tiêu dùng chấp nhận trả giá cho sản phẩm ấy, họ không có lỗi gì khiến người thiết kế hành xử cẩu thả trên sản phẩm ấy được. Thế nên trong thiết kế của tôi, không có khái niệm mặt trái, mặt phụ”. Triết lý thiết kế ấy, giản đơn chỉ vài câu từ, nhưng để thực hiện chuẩn, khó hơn cả lên giời. Bởi trong ngôn ngữ sơn mài, bao công đoạn chi li, phức tạp, thời gian đôi ba tháng trời, thậm chí vài năm, mới tạo được sản phẩm ưng ý. Tìm được khách hàng hiểu đúng giá trị, khó hơn mò kim đáy bể. Nhưng Đạt (bình thường), làm được, lại làm dễ nữa là khác. Sự thành danh ấy, Đạt mượn câu của Kim Dung giải nghĩa: “Thành danh, chẳng chỉ do may mắn” và xem đó là khoái cảm bản thân để cật lực cày cuốc, lăn lộn với nghề như một công nhân hơn là nghệ sĩ.

Đinh Công Đạt 11

Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Đinh Công Đạt 10

Bàn tròn sơn mài của Đinh Công Đạt, đường kính 84cm (cung Đăng Khoa), cao 32cm (cung Văn Chương), một tỉ lệ vàng trong thiết kế của người xưa. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

“MỌI THỨ XUẤT PHÁT TỪ LÕI, TỪ CÁI BẮT ĐẦU LÀ VÓC, RỒI ĐÁNH VẢI, ĐÁNH KEO… TÔI LUÔN LÀM ĐÚNG THEO CÁCH CÁC CỤ NGÀY XƯA, KHÔNG THIẾU CÔNG ĐOẠN NÀO, THẬM CHÍ LÀM TỐT HƠN”.

Đinh Công Đạt 9

Chi tiết trang trí côn trùng thêm vào thiết kế, tạo điểm nhấn sinh động. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Đinh Công Đạt 8

Cánh cửa tủ đóng kiểu tây còn gọi là đồ Đông Dương được làm giữa 1930-1950 xương lim ván gỗ dâu phủ sơn ta vẽ uyên ương. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Chứng minh thêm cho sự thành danh trong nghệ thuật, Đinh Công Đạt tự sự: “Nghệ thuật không là bay bổng, mơ mộng như thường nghĩ. Nó không hề dễ dãi, mà đòi hỏi, khắc nghiệt lắm và cũng rất rõ ràng, công bằng. Kể cả thằng làm nghệ thuật có ác, khốn nạn, khó chịu, mất dạy, nhưng có tài, người cảm thụ có thể căm hờn, giận dỗi về lối sống, nhân cách theo cảm xúc cá nhân, nhưng tài năng vẫn được trân trọng”.

Làm nghệ thuật, bản năng là một phần, quan trọng nhất, theo Đinh Công Đạt, chính là: “Giờ bay!”, anh nói thêm: “Không có đường tắt nào cho nghệ thuật hay sáng tạo cả. Chuyện ăn chênh thời bao cấp, mua đầu chợ, bán cuối chợ, xưa lắm rồi. Chỉ có cách làm thật kỹ, lao động đến nơi đến chốn, làm nhiều hơn nói, mới mong tồn tại”.

Đinh Công Đạt 7

Bên phải trên cao mặt trolley bar ván gỗ làm vóc vẽ cá và lau. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

“THÀNH CÔNG CỦA NTK LÀ GẶP ĐƯỢC KHÁCH HÀNG CHẤP NHẬN, HIỂU VÀ DÁM ĐỒNG HÀNH VỚI MÌNH. TÔI LÀM CHO KHÁCH HÀNG CẢM ĐƯỢC GIÁ TRỊ CỦA CHÍNH HỌ TRONG THIẾT KẾ ẤY”.

Đinh Công Đạt 6

Đôn gỗ, được đặt theo thiết kế của Đinh Công Đạt, kỹ về mộng – khóa, chắc bền ở cốt, đẹp ở thể hiện, cao 600mm phủ sơn mài xanh vẽ hoa lan. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Đinh Công Đạt 5

Tủ trưng đồ, thiết kế mang nét mới, nhưng trên tinh thần cũ của đồ xưa, tạo cảm giác lạ – quen thú vị. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Đinh Công Đạt 4

Một Đinh Công Đạt cần mẫn hàng ngày như một công nhân thuần túy ở xưởng vẽ. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Không “nức nở” với sơn mài, chẳng “phong thánh” cho sơn ta, càng không bao giờ tự làm khó mình, Đạt (bình thường) bảo: “Đã bất tài thì thiết kế cái gì cũng lởm, vẽ gì cũng xấu, chất liệu gì vào tay cũng hỏng”. Và thế là Đinh Công Đạt tung tẩy, thỏa sức tăng “giờ bay”, với nhiều thiết kế hiện đại, sang trọng, lịch lãm, nhưng phảng phất nét quen đâu đó của xưa cũ, hoài niệm, nguyên do ở chỗ: “Tôi vận dụng khá nhiều thiết kế của người xưa ở tỉ lệ, các cụ đã tạo nên nhiều thiết kế mang tỷ lệ vàng, nhưng công năng lại bất hợp lý. Tôi giữ lại những cái hay, cái lợi điểm ấy và ứng vào thiết kế hiện đại, nên sẽ thấy ở đó phong cách mới, giá trị mới, nhưng cũng rất thân quen”.

Đinh Công Đạt 3

Chiếc tủ xưa mục nát, được níu lại dáng hình, tạo giá trị mới qua thiết kế của Đinh Công Đạt. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

“VÀNG TÔI COI LÀ MỘT MÀU, MỘT CHẤT LIỆU, KHÔNG PHẢI CỨ LẮM VÀNG LÀ ĐẸP, LÀ SANG, VÌ NẾU ĐỂ SAI MÀU, SAI CHỖ, VÀNG CHỈ LÀ THỨ VỨT ĐI”.

Đinh Công Đạt 2

Chú chó làm từ chất liệu gỗ, sơn mài, với điệu bộ tinh nghịch, mang lại niềm vui cho người xem. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Đinh Công Đạt 1

Bộ tác phẩm trong dự án “Búp bê”, chế tác từ giấy bồi, phủ sơn, đang trưng bày tại Mỹ của Đinh Công Đạt. Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.

Làm mới lại các sản phẩm cũ bằng sơn mài, là một trong những thế mạnh khi nhắc về Đinh Công Đạt, hỏi về nguyên do, anh bắn liên thanh: “Nhiều đồ vật cũ, mục nát, giá rẻ mạt, bỏ đi thì tiếc, đem làm củi cũng không xong, nhưng tỷ lệ đẹp, có giá trị hoài niệm riêng. Tôi coi đó là thứ nguyên liệu để sáng tác, thiết kế, đưa sơn mài vào và tạo cho sản phẩm một giá trị mới, hợp thời. Quan trọng hơn là níu giữ được tinh thần xưa cũ, trong đó có vẻ đẹp của di sản, truyền thống, ký ức, hoài niệm, thời kỳ lịch sử… và làm rất kỹ, bền, đẹp, bán rất đắt, tạo cho sản phẩm có giá trị vượt ngưỡng, làm như thế có muốn bỏ đi cũng phải đắn đo. Khi thiết kế ấy đắt giá, người sở hữu sẽ sử dụng, bảo quản, chăm chút cho nó kỹ lưỡng hơn, vậy là nó tiếp tục sống và có thể truyền đời bởi độ bền chắc, cùng vẻ đẹp tôi tạo ra cho sản phẩm”.

“NGHỆ THUẬT VỚI TÔI, KHÔNG SÂU CAY – DÀY VỎ, KHÔNG THÔNG ĐIỆP, CHỈ CẦN VUI LÀ ĐỦ. VẬT LIỆU ĐƠN GIẢN, CHẾ TÁC GIẢN ĐƠN, NHƯNG ĐƯỢC ĐÓN NHẬN… NGƯỜI THỂ HIỆN PHẢI THỰC SỰ YÊU THÍCH VÀ KHOÁI CHÍ KHI LÀM VIỆC MỚI ĐẠT ĐẾN CÁI VUI ẤY”.


Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình | Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong.


Xem thêm:

Ứng dụng hình tượng Nghê trong kiến trúc Việt

Dáng Nghê chầu chốn lăng thiêng