Dáng Nghê chầu chốn lăng thiêng

Dáng Nghê chầu, mặt ngửa trời, miệng mở rộng, như chuyển lời kêu than ai oán, những con Nghê nơi đền vua Đinh, vua Lê – cố đô Hoa Lư, nơi lăng tẩm các quan triều đình như Lăng Họ Ngọ, Lăng Dinh Hương – Bắc Giang… được chế tác với cùng ngôn ngữ hình thể, góp phần khẳng định vị trí tâm linh trọng yếu, đa dạng của Nghê trong đời sống người Việt xưa.

Suốt chiều dài phát triển của hình tượng Nghê trong tín ngưỡng dân gian Việt, Nghê là linh vật hiếm hoi mang khá nhiều tên gọi khác nhau, từ con sấu (thời Lý – Trần) – thường xuất hiện xuôi theo các cấp bậc trong kiến trúc, con Kìm (thời Lê trung hưng) – xuất hiện trên nóc đình, chùa… Còn ở vị trí khác, Nghê vẫn hoàn Nghê. Trong chuỗi lăng tẩm các vua quan trước thời Nguyễn, Nghê chiếm giữ một vị trí quan trọng. Các vị vua quan khi xây lăng mộ, Nghê bao giờ cũng là linh vật được tuyển chọn đưa vào chốn linh thiêng, có vị trí thân cận, gần gũi nhất với mộ phần.

dáng Nghê 1

Đôi nghê chấu trước hương án Linh Quang Từ (Lăng Họ Ngọ), có dáng Khuyển Nghê, bụng thon, uy dũng.

dáng Nghê 2

Lăng Họ Ngọ do Quận công Ngọ Công Quế xây dựng cho chính mình từ năm 1697 dưới triều vua Lê Hy Tông.

Để hiểu về hình tượng Nghê trong đền thờ, lăng tẩm, cố đô Hoa Lư với đền vua Đinh, vua Lê là điểm đến hoàn hảo, nơi có thể diện kiến những con Nghê vương triều. Bên cạnh đó, chuỗi lăng thiên của những vị quan thời Lê ở Bắc Giang như Lăng Dinh Hương, Lăng Họ Ngọ… đều mang nét tương đồng khi hình tượng Nghê được chạm khắc tinh xảo, biểu đạt tối đa cảm xúc Nghê khi làm nhiệm vụ chầu, phục, kính, thương, canh giữ cả phần âm cho chủ nhân. Điểm chung dễ nhận trong hình tượng Nghê chốn đền thờ và lăng tẩm là Nghê mang dáng hình con chó, nhưng không phải chó thông thường, với cơ bắp chắc khỏe, điệu bộ vững chãi, dáng oai nghiêm, thuần phục. Trở lại hình tượng Khuyển Nghê. Trong dân gian, chó là con vật gần gũi và được người thuần dưỡng sớm nhất. Bản chất của chó là thông minh, tình nghĩa, là bạn của con người. Khi con chó được thiêng hóa, hòa nhập với sư tử thành Nghê, bản chất Nghê hội tủ những đức tính của chó. Trong lăng mộ các quan ở Bắc Giang, có thể thấy bên cạnh hình tượng người hầu, ngựa, voi phục, bố cục đối xứng dọc trục thần đạo, Nghê bao giờ cũng ở gần với nơi lưu giữ thi hài nhất.

dáng Nghê 3

Con sấu – một tên gọi khác của Nghê ở Linh Quang Từ, Bắc Giang.

dáng Nghê 4

Tượng người, ngựa và sấu bố cục dọc theo trục thần đạo mang nhiệm vụ canh giữ ở Lăng Họ Ngọ.

Nghê ở lăng mộ thường là Khuyển Nghê (Nghê dáng chó).
Chó được xem có thể giao cảm với thế giới tâm linh,
bảo vệ hai cõi âm – dương, xua đuổi kẻ xấu, tà ma.
Vì vậy cổ ngữ có câu: “Nhanh nhách như chó cắn ma”.

dáng Nghê 6

Nghê chầu ở đền vua Lê Thánh Tông (Thanh Hóa) có niên đại thế kỷ XVII.

Từ ngay phần hương án, đôi Nghê chầu, đầu hơi ngẩng, miệng há to, không phải để đe dọa, trấn áp mà thể hiện một nỗi buồn đau thê thảm. Tạo hình của Nghê ở lăng tẩm cũng là tính toán chuẩn mực, Nghê có cảm xúc buồn, nhưng dáng vẫn uy nghi, vững chãi trong vai một linh vật hộ vệ canh giữ cho thân chủ.

Ví trí của Nghê ở lăng mộ, như một quy ước không gian, khẳng định cõi thiêng, nơi tôn nghiêm, mọi người khi đến phải trong tâm thế thành kính. Bố cục Nghê ở lăng Hương là một ví dụ. Lăng có đôi Nghê chầu trước hương án. Cạnh ngai thờ là một đôi nghê (mang dáng chó) phủ phục, đuôi cúp, bày tỏ sự thuần phục, gương mặt hướng lên ngai tòa của lăng như cung kính, chờ đợi.

dáng Nghê 7

Hình ảnh thống thiết, đau thương trên tạo hình Long Nghê trong dáng chầu ở Lăng Dinh Hương.

Vì sao Nghê ở lăng mộ thường có dáng Khuyển Nghê? Ở góc độ tâm linh, trong ý thức linh thiêng sâu xa của người Việt, hình tượng con chó và tiếng sủa có khả năng xua được tà ma. Hễ có ma về, là chó đuổi bằng tiếng sủa. Từ quan niệm ấy, khởi hình của chó được nâng tầm, hóa thành Nghê, linh vật này lại có thêm chức năng canh giữ, chở che cho chủ nhân khỏi bị tà ma quấy phá, ám hại.

Hình tượng đôi Nghê phủ phục trước ngai thờ mang dáng Khuyển Nghê, hàm ý của lòng trung thành, tiếc thương với người đã khuất.

dáng Nghê 6

Cung kính, phủ phục,
những tư thế Nghê nơi lăng thiêng
thể hiện niềm tiếc thương,
đau xót vô hạn với người đã khuất.
Nghê ở đây như được nhân cách hóa
thay cho hình ảnh con người.

Toàn cảnh Lăng Dinh Hương xây dựng từ năm 1727, nơi an táng Quận công La Quý Hầu.

Những công trình lăng tẩm sử dụng hình tượng Nghê, chỉ phát triển đến đầu thời kỳ Nguyễn và sau đó dần mai một. Con Nghê sau đó dần được thay thế bằng con Kỳ Lân mang nặng phong cách ngoại lai, du nhập. Vẻ đẹp Nghê nơi các đền vua, lăng tẩm cũng từng bị bỏ mặc, lãng quên. Có lẽ đã đến lúc cần có cái nhìn và đánh giá toàn diện, phân tích sâu rộng về thế giới Nghê với niềm mong ước không gì hơn , ấy là trả lại cho Nghê đúng vai trò, vị trí mà linh thú thuần Việt này từng gánh vác.

Bài & Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Linh thú trên kiến trúc giáo đường

Thánh đường, linh hồn đô thị ở trời Âu