Hơn 20 công trình nhà thờ Công giáo ở các nước thuộc khu vực châu Âu được đề cập đến trong chuyên trang số này đều là những kiệt tác về nghệ thuật, là biểu tượng nổi bật, đặc biệt không chỉ ở khía cạnh địa lý, vùng miền, quốc gia, mà còn bao hàm cả phong cách kiến trúc, tín ngưỡng. Ở các nước có Công giáo phát triển mạnh, không khó để nhận ra những thánh đường luôn được ưu ái xây dựng trên những vị trí đắc địa. Có thể là ven các dòng sông như nhà thờ Đức Bà Paris (sông Seine, Pháp), nhà thờ Bern Minster (sông Aare, Thụy Sĩ), trên các đỉnh đồi cao như nhà thờ Thánh Tâm (đồi Montmartre, Pháp), hay trong lõi các vùng di sản đô thị như Vương cung thánh đường Sagrada Família (Barcelona, Tây Ban Nha), nhà thờ Tổng lãnh thiên thần San Michele (Lucca, Ý), nhà thờ York Minster (York, Anh)… Kiến trúc đô thị theo đó được quy hoạch tổng thể, với giáo đường chính là trái tim của cả vùng cảnh quan, đô thị.
Nhiều thánh đường mang thiết kế dị biệt
cả về kiến trúc, khoa học, mỹ thuật,
thách thức thời gian, công sức
và giá trị để hoàn thiện.
Công trình thế kỷ ở Vương cung thánh đường
Sagrada Família, Barcelona
là ví dụ tiêu biểu.
Từ góc độ tín ngưỡng, thánh đường Công giáo đóng vai trò là đền thờ của Thiên Chúa, là nơi phụng sự thánh, với niềm tin (thần tính) xác tín rằng đấng tối cao đang hiện hữu trong nhà tạm (nơi lưu trữ bánh thánh phụng vụ Bí tích Thánh Thể), nơi tượng trưng cho sự hiện diện của giáo hội Công giáo trong cộng đồng sở tại. Công trình này còn là nơi đặc biệt để con người gặp gỡ đấng
tối cao, thông qua các nghi thức, các giờ nguyện, thăm viếng giáo đường, qua đó thắt chặt hơn mối liên kết giữa con người với con người trong sinh hoạt cộng đồng của Công giáo.
Con người luôn cho mình là loài thọ tạo khôn ngoan, thông thái, nhưng cũng đầy ích kỷ, tính toán đến mức quên đi sự khiêm nhu, tín thác vào thượng đế. Thánh đường được thiết lập, là điểm liên kết giữa tín hữu và đấng tối cao. Đứng trước kiến trúc thần thánh, tôn nghiêm, linh thiêng, tuyệt mỹ, cao vợi, phi thường, những tư tưởng chiếm hữu, ích kỷ, thông thái, tính nhỏ nhen của con người trở nên hư vô. Vẻ đẹp của công trình dễ khiến tín đồ Kitô hữu rung cảm, từ đó biết nhìn lại mình, thức tỉnh bản ngã con người với thái độ thống hối, khiêm cung, thành kính.
Thánh đường là nơi những gì tuyệt mỹ nhất
được tác tạo dâng đấng tối cao,
với niềm tin “cho đi sẽ được nhận lại”.
Được xem là nơi Thiên Chúa ngự trị, thánh đường còn có thêm chức năng vỗ về, an ủi tín hữu Chúa. Trong các ghi chép Phúc Âm, thánh sử Mattheus đoạn 11, câu 28 có viết: “Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến đây ta sẽ vỗ về ủi an”. Vẻ đẹp của kiến trúc, hội họa, điêu khắc kết hợp cùng âm nhạc, lời ca từ các nghi thức phụng vụ thường nhật, ngoài góc độ tín ngưỡng, còn là giải pháp hữu hiệu để xua tan căng thẳng, bộn bề cuộc sống, thức tỉnh rằng: Bản thân người tín hữu cũng là đền thờ đấng tối cao ngự trị. Do vậy phải luôn biết chuẩn bị tâm hồn đón nhận đấng ấy vào lòng với mong vọng tìm được an nhiên, thư thái giữa đời trần thế, ngày sau được hưởng vinh quang với Người.
Sự hiện diện của ngôi thánh đường còn là chìa khóa tâm linh, nắm giữ giá trị đạo đức, hướng thiện cho con người. Kiến trúc giáo đường ở khía cạnh nhất định, như một lời nhắc nhở sự hiện diện, dõi theo của đấng toàn năng, tín hữu luôn biết sống tuân phục, vâng lời theo những điều răn, luật định, được ghi rõ trong kinh sách, được nhắc nhở mỗi ngày qua các bí tích cử hành nơi thánh đường. Qua đó, giúp con người hướng thiện, sống bác ái, yêu thương, và càng trở nên gần gũi hơn với đấng sáng thế.
Thánh đường có tính thống nhất, có quy tắc tổng thể,
nhưng chi tiết kiến trúc được hoàn thành lại thích nghi
theo từng vùng miền, giai đoạn phát triển,
chất liệu ứng dụng tạo nên giá trị không chỉ về tín ngưỡng
mà còn là di sản nhân loại.
Ở góc độ nghệ thuật, từng chi tiết cấu thành nên các giáo đường đều biểu đạt những gì thăng hoa nhất của thợ thủ công, người nghệ sĩ, nhà làm quy hoạch, các công trình sư… mà thành. Kiến trúc giáo đường cũng biểu trưng cho tính thẩm mỹ, óc sáng tạo trước hết là của cộng đồng tín hữu sở tại, của những phong cách về kiến trúc, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… lúc đương thời. Tất cả được sàng lọc, bổ sung, cải tổ để đạt đến sự hoàn thiện, viên mãn và truyền đời nhờ giá trị cốt lõi của tổng thể kiến trúc ấy.
Bên cạnh nét đẹp cảnh quan, nhà thờ Công giáo còn gợi cảm giác về sự chở che, bao bọc với tòa kiến trúc giáo đường làm vị trí trung tâm để cả vùng đô thị tiếp biến, phát triển xoay quanh không gian ấy. Rất nhiều giáo đường qua ngàn năm vẫn là linh hồn của đô thị ở trời Âu, bởi một cơ thể không có linh hồn, chỉ là xác chết.
Bài & Ảnh: Nguyễn Đình.
Xem thêm: