Nhan sắc trên nền đá ngàn năm

Bầu ngực để trần, hông thon, hình thể săn chắc nuột nà theo từng đường cong mỹ miều của thiên nhiên, tạo hóa, đó chính là vẻ đẹp muôn thuở khi nhắc đến hiện thân của các nữ thần như Uma, Durga, Apsara… trong huyền tích Hindu.

Trong nghệ thuật trang trí kiến trúc các công trình mang vẻ đẹp phồn thực theo âm hưởng Hindu giáo, chi tiết hấp dẫn, quyến rũ nhất chính là hình tượng nữ thần. Khi tạc hình, các nữ thần tuy có khác nhau về vị trí, sự tích ra đời, niên đại, vai trò… nhưng có điểm chung là đẹp. Vẻ đẹp ấy được phô bày không e ấp, che giấu, không ngần ngại kín hở mà ngồn ngộn một tòa thiên nhiên; khi đứng một mình, khi kết nối liên hoàn thành chuỗi với chất liệu chủ đạo là đá núi.

đá 1

Nữ thần Durga mang phong cách điêu khắc đá Mỹ Sơn, Quảng Nam.

Dựa trên hiện vật lưu lại từ các kiến trúc cổ, các di chỉ khảo cổ liên quan đến Hindu giáo trong khu vực Đông Nam Á, có thể nhận ra vẻ đẹp của người phụ nữ mang hình thể quyến rũ nhất chính là nàng Durga thời kỳ tiền Angkor, thuộc thế kỷ 7. Nữ thần Durga, trong tín ngưỡng, được coi là cội rễ của sáng tạo, nuôi dưỡng, là năng lượng tinh khiết với rất nhiều hóa thân. Ở khía cạnh xã hội, các điêu khắc nữ thần Durga được xem là biểu trưng vẻ đẹp người phụ nữ thời kỳ tiền Angkor, xuất hiện với dáng đứng cao, hông hơi chếch, eo thon, khuôn ngực đầy đặn.

đá 2

Durga của thời kỳ Angkor với dáng đứng cao, phô diễn đường cong tuyệt mỹ của cơ thể.

Vũ đạo Tribhanga của tiên nữ Apsara trên đài thờ Trà Kiệu.

Cụm đền Sambor Prei Kuk ở tỉnh Kampong Thom hiện còn lưu giữ tượng nữ thần Durga. Tuy đã bị kẻ gian chiếm hữu đôi tay và phần đầu, nhưng thân thể còn lại với dáng đứng trứ danh và vòng eo tuyệt mỹ, xứng đáng là bảo vật để người đời chiêm ngưỡng và trân quý. Một hình tượng Durga tiêu biểu khác còn nguyên vẹn, được phát hiện ở tỉnh Kampong Speu, niên đại giữa thế kỷ 7, hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quốc gia Campuchia cũng là một minh chứng cho vẻ đẹp hình thể tuyệt mỹ của nữ thần này.

đá 3

Các mảng điêu khắc đá tiên nữ Apsara trên vách đền Angkor Wat.

đá 4

Tiên nữ trong trang trí kiến trúc bằng đá ở Sân Voi, Angkor Thom.

Qua đến Việt Nam, hình ảnh nàng Durga, được tìm thấy ở di chỉ Mỹ Sơn, có niên đại từ thế kỷ 10 – 11, mang tạo hình khác biệt với 10 cánh tay, cùng đôi chân co như đang khiêu vũ, gương mặt hơi thô, bờ môi dày, mũi to, khác nhiều với những hiện vật cùng đề tài mang niên đại sớm hơn.

Kiến trúc đền Banteay Srei được xây dựng để tôn thờ vẻ đẹp người phụ nữ thời kỳ Angkor.

Nghệ nhân xưa tạo hình tượng nữ thần diễn tả quan niệm,
tiêu chí cảm thụ cái đẹp của xã hội đương thời
qua hình thể, đường nét người phụ nữ.

Hình thể căng tràn sức sống của nữ thần thuộc văn hóa Óc Eo, được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với các nữ thần khác, trong đó có nàng Uma – vợ của vị thần hủy diệt Shiva. Ở Việt Nam, tượng Uma đứng độc lập được tìm thấy khá nhiều, tiêu biểu là hiện vật trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM thuộc giai đoạn hậu Óc Eo (thế kỷ 7 – 8). Một hình tượng Uma khác, được tìm thấy ở tháp Chánh Lộ, Quảng Ngãi hiện trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Cả hai mang nhiều nét tương đồng về hình dáng: đậm người, ngực nở, khuôn mặt vuông, miệng rộng, môi dày… biểu đạt phong cách điêu khắc Chăm Pa rõ nét, mang đậm dấu ấn bản địa.

Các mảng chi tiết điêu khắc hình dáng nữ thần Uma, tiên nữ Apsara trên kiến trúc đền Banteay Srei.

Hình tượng tiên nữ Apsara để ngực trần, trang phục bó sát với nhiều dáng thế tạo hình sống động cũng là nét đẹp đặc biệt, được trang trí nhiều trong kiến trúc đền đài Hindu giáo tiêu biểu ở Việt Nam, Campuchia… Tương truyền, các nàng tiên Apsara được sinh ra từ tích truyện khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh. Với vẻ đẹp kiều diễm, Apsara thường ca hát trong buổi tiệc vui của các vị thần.

Nét tạo hình nàng Uma, hiện vật khai quật từ tháp Chánh Lộ, Quảng Ngãi.

Bài & ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Vẻ đẹp biểu tượng của cổng rào hoa sắt

Đi tìm hoa sắt nở chốn rào thưa