Ứng dụng hình tượng Nghê trong kiến trúc Việt

Nghê ứng dụng vào kiến trúc lăng tẩm, chỉ tồn tại đến cuối thời Lê. Sau đó không kiến trúc lăng mộ ông bà hoàng chúa triều Nguyễn sử dụng hình tượng Nghê. Hiện tượng mai một này chỉ xảy ra trong đời sống hoàng tộc triều Nguyễn khi Nghê bị Kỳ Lân thay thế. Riêng trong tín ngưỡng và kiến trúc dân gian. Nghê vẫn âm thầm một sức sống mãnh liệt.

Kỳ Lân, Sư Tử, Nghê… cả ba linh vật này khi xuất hiện trong kiến trúc dân gian thấy rất dễ nhầm lẫn. Để phân định, Kỳ Lân là linh thú họ móng guốc, có sừng. Sư Tử thường thấy trong bộ dạng hí cầu, một chân dẫm lên trái châu. Còn lại là Nghê. Nhưng Nghê cũng có sự kết hợp các dáng hình với Rồng để thành Long Nghê, với Sư Tử để thành Sư Tử Nghê, với Kỳ Lân để ra Lân Nghê.

hình tượng Nghê 1

Hình tượng Sư tử – Nghê trấn giữ cầu đá chùa Bút Tháp. Ảnh: Nguyễn Đình.

hình tượng Nghê 2

Nghê hiện hữu uy dũng trên nóc mái chùa Tây Phương. Ảnh: Nguyễn Đình.

Một điều thú vị là trong hàng trăm, hàng vạn đình, đền, chùa, miếu ở khu vực phía Bắc từ cổ chí kim, đều thấy xuất hiện hình tượng Nghê. Nghê hiện hữu từ ngoài cổng, lên nóc mái, chen trong vì nách, kẻ bảy, chui tuột cả xuống chân cột…

hình tượng Nghê 3

Mảng điêu khắc Kỳ Lân – Nghê trên lan can đá chùa Bút Tháp. Ảnh: Nguyễn Đình.

Kiến trúc Thăng Long Tứ Trấn, với Trấn Đông có đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, Thành Hoàng Hà Nội, xây dựng từ thế kỷ thứ IX. Trấn Tây là Đền Voi Phục, thờ Linh Lang, hoàng tử thời Lý, xây dựng từ thế kỷ XI. Trấn Nam là đền Kim Liên, thờ Cao Sơn Đại Vương, xây dựng từ thế kỷ XVII. Trấn Bắc là đền Quán Thánh, thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, xây dựng ở thế kỷ thứ X. Cả bốn ngôi đền này đều xuất hiện hình tượng Nghê trong chi tiết trang trí kiến trúc… nhưng rõ nét và dễ nhận nhất là vị trí của Nghê đặt trên các cột trụ biểu trước cổng đền.

hình tượng Nghê 4

Nghê trên kiến trúc mái chồng diêm ở chùa Tây Phương. Ảnh: Nguyễn Đình.

Nghê có vảy, xuất hiện ở thời Lê Trung Hưng,
khẳng định tính thiêng hóa của Nghê thành linh vật.
Nghê thời Lê Trung Hưng còn có điểm khác biệt
là cặp đôi với Phượng,
tuy Phượng thường sánh đôi với rồng.

Từ khởi hình của chó,
Nghê trở thành con vật đẳng cấp cao hơn hẳn
khi sánh đôi với Phượng.

hình tượng Nghê 5

Hình tượng Nghê ở tàu đao chùa Bút Tháp. Ảnh: Nguyễn Đình.

hình tượng Nghê 6

Không gian cổ kính ở chùa Bút Tháp, nơi lưu giữ nhiều mảng chạm giá trị liên quan đến hình tượng Nghê. Ảnh: Nguyễn Đình.

hình tượng Nghê 7

Đôi Nghê chầu trên đường vào đền Chử Đồng Tử. Ảnh: Nguyễn Đình.

Nói về kiến trúc dân gian, người xưa tạo ra sự linh diệu nơi đường đi lối lại bằng cách xây dựng lên các cột trụ biểu gồm bốn cột. Theo cổ lệ, hai cột bên trong luôn cao hơn hai cột bên ngoài. Vị trí Nghê nằm ở đỉnh cột bên ngoài, còn hai cột bên trong là vị trí của Phượng Hoàng. “Làm Phượng thì múa – làm Nghê thì chầu”, chính để miêu tả vị trí của cặp đôi Nghê – Phượng trên hàng cột trụ biểu, cũng là ranh giới phân định giữa phàm trần và chốn linh thiêng.

Nghê đứng trên cột trụ biểu, có khả năng kiểm soát tâm hồn người ra vào chỗ linh thiêng, xem có xứng đáng hay không, nếu xứng đáng thì hãy vào, trải lòng với thần linh nhưng nếu tâm không thiện, không tốt sẽ bị sự kiểm soát này trừng phạt.

hình tượng Nghê 8

Nghê sánh đôi với Phượng trên hàng cột trụ ở đền Quán Thánh. Ảnh: Nguyễn Đình.

hình tượng Nghê 9

Nghê có dáng Kỳ Lân trên cột trụ biểu ở đền Quán Thánh. Ảnh: Nguyễn Đình.

hình tượng Nghê 10

Nghê chầu trên cổng đình làng Á Lữ, nơi tôn thờ thủy tổ Kinh Dương Vương là Thành Hoàng làng. Ảnh: Nguyễn Đình.

Một vị trí quen gặp khác ở Nghê, ấy là trên các bờ nóc, tàu đao. Nghê ở đây được tạo hình phóng khoáng, bay bổng, lả lướt với chiếc đuôi dài, hình thể uyển chuyển theo đường lượt của nếp cong nơi góc mái. Trong tạo hình dân gian, những con thú khi trở nên linh hiển, thiêng hóa, thường có vảy và đuôi rất dài. Xét về mặt tạo hình, chiếc đuôi dài tạo cảm giác rõ rệt về hướng đi, tốc độ, đồng thời tăng thêm độ sang trọng, uy dũng, đài các cho linh thú.

hình tượng Nghê 11

Các dạng thức của Nghê trên Cung Hữu Võ, được hoàn thiện từ năm 2018 ở lăng Kinh Dương Vương, Bắc Ninh. Ảnh: Nguyễn Đình.

Từ một con vật không có thật, Nghê bám rễ sâu trong văn hóa dân gian Việt Nam. Nghê xuất hiện ở đủ mọi chất liệu, kiểu dáng, vị trí, đẳng cấp, hội tụ đủ cảm xúc của hỉ – nộ – ái – ố, cả những điệu bộ động, tĩnh, kinh, nghi không khác gì Lân.

Nghê không hề có biểu hiện hung dữ, hăm dọa
mà rất gần gũi, thân thương.
Điều này thể hiện tâm thức người Việt
và cũng rất phù hợp cảnh quan, nhân tình thế thái
của người Việt.

hình tượng Nghê 12

Cổng làng Cựu với kiến trúc quyển thư, nổi bật với đôi Nghê chầu. Ảnh: Nguyễn Đình.

hình tượng Nghê 13

Sự xuất hiện giản dị, gần gũi và thô mộc của Nghê ở cổng làng Cựu. Ảnh: Nguyễn Đình.

Trong kiến trúc xưa, hiển nhiên có sự xuất hiện của Nghê, ngay ở các công trình phục dựng mới trong dân gian, Nghê vẫn chiếm giữ vị trí quan trọng, được ưu ái hiện diện trên nóc mái, tàu đao chứ không hề mai một, lãng quên như thường nghĩ.

Những ứng dụng hình tượng Nghê vào kiến trúc Việt, ngoài khía cạnh bảo tồn, phục dựng hình ảnh Nghê, đó còn là cơ hội để khám phá và hiểu hơn về con linh thú thuần Việt, đẹp từ ngoài hình đến nội tâm, giống với cốt cách và khí phách hiền lành của người con đất Việt.

hình tượng Nghê 14

Đình làng Nôm cũng với đôi Nghê chầu trên mái. Ảnh: Nguyễn Đình.

hình tượng Nghê 16

Nghê xuất hiện nơi cổng vào tư gia ở làng Nôm, Hưng Yên. Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Tranh kính, những sắc màu huyền diệu

Ngưỡng vọng trước kiến trúc niềm tin