Tranh kính, những sắc màu huyền diệu

Chi tiết nổi bật, ấn tượng trong nội thất thánh đường Công giáo La Mã là các mảng tranh kính với đề tài trích dẫn từ kinh thánh, nhằm trang trí, lấy sáng, giáo huấn cộng đồng, và đều là những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao.

Trong tổng thể các chi tiết cấu thành nên đại thánh đường khắp vùng châu Âu, thứ long lanh sắc màu nhất, nhưng cũng mong manh dễ vỡ nhất, không gì khác hơn là hệ tranh kính trang trí.

tranh kính 1

Tranh kính thể hiện chân dung 12 vị tông đồ của chúa Giêsu ở nhà thờ chính tòa San Petronio, Bologna.

tranh kính 2

Đề tài tranh kính rất đa dạng, chủ yếu được trích dẫn từ Kinh Thánh.

Dựa theo bố cục kiến trúc giáo đường, thường theo trục Đông – Tây, tranh kính ở hai đầu trục luôn được bố cục mang kích cỡ lớn nhất. Mặt Tây – mặt tiền và là lối vào chính của thánh đường, thường có mảng tranh cửa sổ hình hoa hồng. Công trình tiêu biểu có thể kể đến như nhà thờ Đức Bà Paris, nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả, Lyon, nhà thờ chính tòa Strasbourg… Đối diện cửa sổ hoa hồng là gian cung thánh, nơi cử hành phụng vụ, cũng thường có các mảng tranh kính trang trí. Trong thánh đường Công giáo La Mã thường bố trí các nhà nguyện, nơi thờ kính các vị thánh Công giáo. Ở mỗi gian thờ cũng điểm xuyết các mảng tranh kính với đề tài miêu tả về chân dung hoặc cuộc đời các vị thánh ấy. Không gian áp mái cũng là nơi nghệ thuật tranh kính phô diễn vẻ đẹp qua các đề tài tôn giáo. Có thể là cuộc đời Chúa cứu thế, chân dung các vị thánh sử viết tin mừng, hoặc những tích truyện trích dẫn từ kinh sách Phúc Âm.

tranh kính 3

Huy hiệu các giáo hạt ở Anh thể hiện trên tranh kính trong gian nguyện nhà thờ Canterbury.

tranh kính 4

Tranh kính ngoài chi tiết trang trí còn cung cấp nguồn sáng cho không gian nội thất.

tranh kính 5

Một tác phẩm đồ sộ trong số 1.200 mét vuông tranh ở nhà thờ Canterbury.

Việc thắp sáng thường xuyên một không gian cao rộng như thánh đường là điều không đơn giản, hệ tranh kính là chi tiết hóa giải, không chỉ mang hiệu ứng trang trí ấn tượng cho kiến trúc mà còn có chức năng dẫn nguồn sáng tự nhiên. Ánh sáng trời khi lọc qua các ô kính màu li ti, đa sắc lại tạo nên nguồn sáng lung linh, đem lại cho không gian giáo đường thêm phần long trọng, linh thiêng, huyền ảo.

tranh kính 7

Ngoại thất với những vòm cong gắn tranh nhìn từ bên ngoài nhà thờ Canterbury, Anh quốc.

tranh kính 8

Tranh kính ở nhà thờ chính tòa Seville giúp công trình thêm uy nghiêm, huyền diệu hơn.

Tranh kính có niên đại lâu đời nhất
trang trí trên thánh đường công giáo
hiện ở nhà thờ Canterbury (Anh quốc),
bức tranh thể hiện hình ảnh ông Adam
được xác định niên đại từ năm 1176.

Hàng cột tựa rừng cây, ánh sáng xuyên qua kẽ lá như đang đi trong tán rừng ở Vương cung thánh đường Sagrada Família, Barcelona, thiết kế của Antoni Gaudí.

Ban đầu, khi tranh kính hình thành, tác phẩm được các nghệ nhân ráp ghép những gam màu đơn, kết lại thành tranh, có thể là chân dung, phong cảnh, muông thú, hoa lá. Công trình giáo đường càng lớn, mảng tranh cũng được thiết kế mang tỷ lệ tương xứng nhất định, mỗi tác phẩm đều sở hữu những câu chuyện đầy thú vị. Ở nhà thờ York Minster của Anh, tác phẩm tranh kính trên khung cửa sổ hoa hồng (mặt hướng Nam) là sự lắp ghép của hơn 8.000 mảnh kính rời, được các thợ thủ công Flemish thực hiện từ năm 1486 nhằm kỷ niệm hôn lễ của vua Henry VII. Vụ hỏa hoạn 9/7/1984 khiến tác phẩm ấy bị vỡ thành hơn 40.000 mảnh (tương đương một mảnh kính đặt lọt lòng bàn tay vỡ thành 300 mảnh). Chịu trách nhiệm phục chế tác phẩm là chuyên gia tranh kính hàng đầu của Anh, Peter Gibson. Công trình mất 4 năm để hàn gắn tác phẩm, trả lại vẻ nguyên bản như hiện nay.

Hệ thống lấy ánh sáng trời của nhà thờ chính tòa Barcelona là các mảng tranh. Màu vàng, cam, đỏ trên tranh kính ở cánh Tây Sagrada Família, biểu trưng cho sự khổ nạn và phục sinh của Chúa.

Màu sắc trên tranh còn là biểu trưng của niềm tin,
truyền tải cảm xúc, giúp tín đồ tĩnh tâm
hướng lòng đến đấng tối cao.

Cuối thế kỷ 19, kỹ thuật chế tác tranh kính phát triển mạnh, thợ thủ công có thể chế tác trên cùng tiết diện kính hội tụ nhiều màu, nhiều sắc độ đậm – nhạt, sáng – tối khác nhau (các thiết kế của Tiffany là tiêu biểu), tạo cho tác phẩm trở nên mềm mại, sinh động, giàu cảm xúc, gần với kỹ thuật hội họa hơn là mảng ghép màu đơn như tranh kính nguyên thủy.

Bài & Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Hoa lam Chu Đậu, gốm mỹ thuật xuất khẩu

Dấu ấn hoa nâu trên bản đồ gốm Việt