Tuyệt tác từ sa thạch Chămpa

Mềm mại, sống động, uyển chuyển, tinh tế, chi tiết… những tác phẩm trang trí kiến trúc đền tháp, đài thờ, tượng thờ… từ chất liệu đá sa thạch minh chứng thời huy hoàng của nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa từ thế kỷ thứ 7, ở đó khái niệm “cứng như đá” không tồn tại.

Sa thạch trong nghệ thuật Chămpa

Sa thạch – đá cát (sandstone), chất liệu trầm tích nguyên sinh, có kết cấu là sự hợp thành của thạch anh, cùng nhóm khoáng vật tạo đá là tràng thạch (felspat), đá có độ mềm nhất định, hợp dụng chế tác những chi tiết trang trí kiến trúc. Từ khi nghệ thuật Chămpa ở vùng duyên hải miền trung hình thành và phát triển, đá sa thạch là một chất liệu xa xỉ, được tuyển lựa tạo nên các chi tiết trang trí kiến trúc mang tính chịu lực, là điểm nhấn thể hiện biệt tài điêu khắc trên đá của nghệ thuật Chămpa.

Sa thạch Chămpa Đài thờ Đồng Dương

Đài thờ Đồng Dương với những mảng điêu khắc tuyệt mỹ theo phong cách Đồng Dương (thế kỷ 9 – 10) miêu tả về cuộc đời đức Phật. Ảnh: Nguyễn Đình

Sa thạch Chămpa Tiêu bản thần Shiva

Nét đẹp trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa thể hiện ở tỷ lệ và đường nét. Tiêu bản thần Shiva trong thế thư giãn tọa. Ảnh: Nguyễn Đình

Chămpa Cụm tháp Bà Ponaga ở Nha Trang

Cụm tháp Bà Ponaga ở Nha Trang. Ảnh: Nguyễn Đình

Sa thạch Chămpa Bức phù điêu đản sinh Brahma

Bức phù điêu đản sinh Brahma, một trong ba vị thần cao cả nhất của Hindu giáo, thuộc phong cách Mỹ Sơn E1, niên đại cuối thế kỷ 7. Ảnh: Nguyễn Đình

Vương quốc Chămpa (192 – 1832), để lại những thành tựu rực rỡ từ chất liệu đá, mà nay còn lưu lại, được xác định từ khoảng thế kỷ 7 trở về sau, với nhiều công trình kiến trúc có điêu khắc đá, trang trí các đề tài về tín ngưỡng Hindu giáo và Phật giáo. Trong kiến trúc Chămpa, gạch nung là chất liệu chủ đạo xây nên tổng thể tòa tháp, nhưng ở các mảng trang trí như mi cửa, trụ bổ tường, vòm cửa, đầu cột, đài thờ, tượng thờ… sử dụng đá sa thạch. Tùy từng thời kỳ, niên đại, ngôn ngữ điêu khắc thể hiện sự khác biệt, tạo nên hình thái trang trí kiến trúc theo các phong cách như Mỹ Sơn E1 (thế kỷ 7 – 8), phong cách Đồng Dương (thế kỷ 9 – 10), Mỹ Sơn A1 (thế kỷ 10 – 11), nối tiếp với các phong cách khác như Khương Mỹ, Bình Định, Tháp Mẫm (thế kỷ 11 – 15)…

Ngôn ngữ điêu khắc trên đá của Chămpa

Với một nền tảng về văn hóa, tín ngưỡng là Hindu giáo, cùng nghệ thuật đã phát triển rực rỡ trải dài từ Ấn Độ, qua Java, đến khi du nhập vào Chămpa, nghệ thuật điêu khắc đá tiếp tục được ứng dụng. Chất liệu sa thạch với sự “mềm mại” sẵn có, tính chịu lực cao cùng độ bền nhất định, giúp người nghệ nhân dễ dàng thể hiện các chi tiết điêu khắc một cách sắc xảo, tinh tế, diễn tả được tối đa vẻ đẹp từ các huyền tích của Hindu giáo, Phật giáo đẹp mãi theo thời gian. Mỗi tác phẩm điêu khắc đá Chămpa không chỉ đại diện một thời kỳ, một phong cách nghệ thuật, mà còn phản ánh tư duy thẩm mỹ của nghệ nhân khi tạo nên tác phẩm ấy.

Sa thạch Chămpa hình tượng đấu sĩ

Các chi tiết trang trí mi cửa, đài thờ với hình tượng đấu sĩ, đặc biệt là hình ảnh bầu sữa mẹ – Uroja theo tiếng Sanskrit, được các vương triều Chămpa tôn thờ. Ảnh: Nguyễn Đình

Điêu khắc đá Chămpa

Ảnh hưởng văn hóa Ấn vào Đông Nam Á thể hiện nổi bật qua các tácphẩm điêu khắc đá và nghệ thuật Chămpa là một điểm nhấn đặc biệt. Ảnh: Nguyễn Đình

Sa thạch Chămpa hình tượng chim thần Garuda

Nét điêu khắc chi tiết, tinh xảo và thần bí hình tượng chim thần Garuda, vật cưỡi của thần Vishnu. Ảnh: Nguyễn Đình

Sa thạch Chămpa tiên nữ Yang Naitri

Vũ điệu uyển chuyển của tiên nữ Yang Naitri (Apsara) mang phong cách Trà Kiệu. Ảnh: Nguyễn Đình

Nhìn lại các tác phẩm điêu khắc Chămpa còn lưu lại hôm nay, có thể thấy người xưa đã làm chủ và khai thác triệt để thế mạnh của vật liệu này. Những mảng điêu khắc của đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Đồng Dương, các hình thái
tượng thờ miêu tả hình ảnh các vị thần của Hindu giáo, các mảng phù điêu, tạo thành ngôn ngữ điêu khắc đặc trưng riêng Chămpa, mang nét chung về tín ngưỡng Hindu, Phật giáo với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan ở cùng thời kỳ, nhưng ngôn ngữ điêu khắc trên đá của Chămpa mang bản sắc riêng, khác biệt hẳn. Độ mịn của đá sa thạch tạo cho các mảng điêu khắc Chămpa được đi sâu vào chi tiết đến mức có thể so sánh các mảng chạm trên đá đã đạt đỉnh cao, đủ để sánh với nghệ thuật chạm khắc trên chất liệu gỗ, hay vàng, bạc. Một điểm lợi của đá sa thạch mà các chất liệu khác không có được, ấy là theo thời gian, tùy vào từng khu vực, sự phong hóa trên bề mặt đá tạo nên một lớp ten – tương tự một lớp da, khiến tác phẩm thâm sâu hơn, đẹp một vẻ trường tồn.

Sa thạch Chămpa hộ pháp Dvarapala

Bức tượng đá sa thạch cao đến 2,18m miêu tả hộ pháp Dvarapala dẫm lên lưng ác quỷ, phong cách Đồng Dương. Ảnh: Nguyễn Đình

Sa thạch Chămpa Mảng điêu khắc đài thờ Đồng Dương

Mảng điêu khắc đài thờ Đồng Dương tả hình ảnh người hầu Sa Nặc (Channa) và con ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) sau khi đưa Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia tầm đạo. Ảnh: Nguyễn Đình

Điêu khắc Chămpa sư tử đá

Sư tử đá của vương triều Vijaya ở thành Đồ Bàn, Bình Định – một kinh đô của Chămpa, tồn tại từ năm 999 – 1471. Ảnh: Nguyễn Đình

Kỹ thuật tạo hình đá Chămpa

Kỹ thuật tạo hình trên đá sa thạch của Chămpa đạt đến kiệt tác về nghệ thuật. Ảnh: Nguyễn Đình

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình


Xem thêm:

Điêu khắc đá trong hội quán người Hoa