Theo dấu nữ thần sắc đẹp Lakshmi

Trong tín ngưỡng Hindu giáo, ước tính có đến hơn 330 triệu vị thần, đa phần mang tính nữ. Trong số ấy, Lakshmi là nữ thần đặc biệt hơn cả. Nàng không chỉ là vợ của thần Vishnu mà còn tượng trưng cho sắc đẹp, vận may, sự sung túc và thịnh vượng.

Theo sử thi Ramayana, nữ thần Lakshmi được sinh ra từ tích truyện khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh. Truyện kể rằng thuở xa xưa, các vị thần vì bất kính với đạo sĩ trần gian nên bị lời nguyền sẽ không được trường sinh. Để hóa giải lời nguyền ấy, thần Vishnu đã cho các vị thần lời khuyên rằng dưới biển sữa có thuốc trường sinh, nếu khuấy cạn sẽ thấy và ai uống sẽ được trường sinh.

Lakshmi 1

Tượng thần Lakshmi được thể hiện theo phong cách Trà Kiệu, Quảng Nam (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM).

Lakshmi 3

Mảng điêu khắc tích truyện khuấy biển sữa ở hướng Đông đền Angkor Wat, nàng Lakshmi vừa nổi lên khỏi biển và đang đứng trên đầu thần Vishnu.

Để khuấy được biển sữa, các vị thần hợp sức cả với quỷ, lấy rắn thần Naga làm dụng cụ, dùng núi Meru (ngọn núi thiêng trong tâm thức Hindu giáo, nơi linh thần tối cao ngự trị) làm điểm tựa khuấy biển sữa. Tương truyền khuấy cả ngàn năm, núi Meru lún nên thần Vishnu hóa thân thành rùa nâng ngọn núi lên. Biển sữa cạn dần, nàng Lakshmi nổi lên đầu tiên, thần Vishnu liền giữ nàng làm vợ. Bọt biển tiếp tục nổi, nổ ra trong đó là bò Nandin (vật cưỡi của thần Shiva), chim thần Garuda (vật cưỡi thần Vishnu), ngỗng Hamsa (vật cưỡi thần Brahma) cùng vô vàn tiên nữ Apsara.

Lakshmi 2

Bức phù điêu khuấy biển sữa ở đền Preah Vihear trên núi Dangrek.

Từ câu chuyện ra đời của Lakshmi, có thể thấy vai trò và thứ bậc của nàng trong thế giới thần tiên Hindu giáo. Đề tài điêu khắc trang trí trên các công trình kiến trúc, tìm thấy nhiều ở thời kỳ Angkor và văn hóa Chăm Pa (Việt Nam), chính là tích truyện khuấy biển sữa cùng hình tượng nữ thần Lakshmi diễm lệ.

Lakshmi 4

Kiến trúc đền Preah Vihear nơi có mảng điêu khắc tích truyện khuấy biển sữa.

Đền thờ Kravan trong quần thể Angkor Wat, Siem Reap.

 

Trong tổng số 1.800 đền đài của thời kỳ Angkor,
duy nhất có Kravan là đền thờ được lập nên
thờ nữ thần sắc đẹp Lakshmi,
tọa lạc trong quần thể Angkor Wat, Siem Reap.

Lakshmi 4

Nàng Lakshmi cùng hai voi trắng trước lễ thành thân với thần Vishnu, điêu khắc ở đền Banteay Srei.

Có dịp chu du về cái nôi khởi phát của Hindu giáo là Ấn Độ, trong những ngày ở cổ thành Varanasi, nơi có dòng sông Hằng linh thiêng, tôi may mắn diện kiến được hình ảnh nữ thần Lakshmi ngự trị trên nóc mái đền thờ thần Shiva bên sông Hằng. Trải dọc sông Hằng ở Varanasi là chuỗi các công trình kiến trúc liền kề hàng ngàn năm tuổi, theo tiếng bản địa được gọi là Ghat. Hiểu một cách nôm na, Ghat là bến nước, nơi tín đồ chuẩn bị tâm hồn, thân xác trước khi thực hiện nghi thức tẩy rửa ở sông Hằng. Ghat cũng là ngôi đền, nơi diễn ra nghi thức thờ cúng mỗi ngày và là nơi tôn thờ các vị thần của Hindu giáo. Tòa kiến trúc tại nơi nữ thần Lakshmi ngự trị có tên gọi là Kedar Ghat. Đây cũng là một trong số những ngôi đền cổ xưa nhất ở Varanasi, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Hindu cổ đại.

Nữ thần Lakshmi được điêu khắc vào nền gạch nung ở đền Kravan.

Trên chính diện ngôi đền, cụm tượng thờ chính là thần Shiva cùng vợ là Uma ngự trên bò thần Nandin, kế đó là thần Ganesha mình người đầu voi, con trai thần Shiva. Ở góc ngoài cùng, nàng Lakshmi ngồi oai nghi, bên cạnh hai con voi trắng đang dùng vòi làm nghi thức thanh tẩy cho nàng trước khi tiến hành lễ thành thân cùng thần Vishnu.

Điều thú vị khi quan sát các tượng điêu khắc
trên mái đền ở Kedar Ghat
là các nữ thần được mặc trang phục
chứ không để ngực trần như ở các nước khác.

Hình ảnh nữ thần Lakshmi (bên trái) trên mái đền ở Kedar Ghat, Varanasi, Ấn Độ.

Trở lại các công trình kiến trúc thời kỳ Angkor, có thể tìm thấy nhiều hình ảnh nàng Lakshmi. Đó là mảng điêu khắc ở đền Preah Vihear trên núi Dangrek, giáp Thái Lan. Đó là bức phù điêu khổng lồ ở cửa Đông đền Angkor Wat. Trên trang trí của biểu tượng điêu khắc thời kỳ Angkor là đền Banteay Srei cũng tìm thấy hình ảnh nữ thần được điêu khắc cực kỳ tinh xảo.
Từ thuở bình minh của thời kỳ Angkor, hình tượng nàng Lakshmi đã được nhắc đến qua mảng điêu khắc trên nền gạch nung ở đền Sambo Prey Kuk (thế kỷ 7). Một công trình kiến trúc độc đáo khác gắn với hình ảnh nữ thần Lakshmi ở thời kỳ Angkor là đền Kravan (thế kỷ 10) với kiến trúc gạch nung không chất kết dính. Trong gian thờ của đền, hình ảnh nữ thần Lakshmi được tạc thẳng vào nền gạch nung vẫn còn khá nguyên vẹn. Giới khảo cổ học nhận định lối điêu khắc này gần gũi nhiều với phong cách nghệ thuật Chăm Pa, rất hiếm gặp trong kiến trúc đền đài Angkor.

Lakshmi và đôi voi trắng được thể hiện theo phong cách điêu khắc Đồng Dương, Quảng Nam (Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng).

Ở Việt Nam, nữ thần Lakshmi còn tượng trưng cho sự may mắn. Nghệ thuật Chăm thể hiện vẻ đẹp của nữ thần và tôn vinh là người mẹ xứ sở. Hình tượng nàng Lakshmi ngồi xếp bằng, tay cầm đóa sen, hay mảng điêu khắc bạch tượng tắm cho nữ thần Lakshmi thuộc phong cách Trà Kiệu, Đồng Dương… đều là những tác phẩm giá trị, đẹp vượt thời gian.

Bài & ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

Tìm an nhiên chốn thâm nghiêm cổ tự

Theo mâm cúng du xuân