Katrijin De Graef – Bảo tàng hoạ tiết

Ngôi nhà của Katrijin và chồng cô luôn ấm áp vì sắc vải. Niềm đam mê du lịch và tình yêu dành cho những tấm vải, những chiếc thảm cổ xưa khiến cuộc đời cô thăng hoa và hạnh phúc hơn. Ngôi nhà nhờ thế cũng có một cuộc sống đặc sắc riêng, bởi đây giống như một bảo tàng của vải và họa tiết.

Thú vui lớn nhất khi đi du lịch của Katrijin là ghé thăm những khu làng, những bộ tộc ít người biết. Ở đó, cô có thể mua những tấm vải được dệt theo các kỹ thuật truyền thống hoặc những chiếc mũ thổ dân làm từ lông vũ. Cô nói: “Tôi vô cùng trân trọng tình yêu và kĩ thuật điêu luyện của những người dệt vải. Nhiều sản phẩm phải mất tới vài tháng để hoàn thành và tôi có thể thấy người dệt vải đã dành cả trái tim cho chúng ra sao”. Trong khi đó, những chiếc mũ khiến cô tiếp tục giấc mơ về những vùng đất xa xôi và những người đã từng đội chúng.

Điều đặc biệt là các tấm vải và những chiếc mũ của người thổ dân hay dân tộc thiểu số đều có thể trở thành những vật trang trí nội thất độc đáo. Mỗi một đồ vật trong nhà Katrijin nhờ thế đều có một câu chuyện. Khi cô dạo bước trong ngôi nhà của chính mình, cô thấy mình như sống lại một thời đã qua.

Đồ vật trong nhà có nguồn gốc từ khắp nơi ở châu Á: Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam. Các tấm thảm tới từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ma-rốc, Tây Tạng. Cũng có những món được mua từ châu Phi, châu Đại Dương.

Những món nội thất trong nhà Katrijin đều là vật lưu niệm của các chuyến đi đến châu Á, châu Phi và nhiều nơi khác.

Dù rất nhiều đồ đạc, nhưng gia đình cô vẫn khéo léo phân bổ ánh sáng để giữ cảm giác thoải mái, dễ chịu ở một xứ nhiệt đới.

Katrijin thừa nhận mình là một người đặc biệt kiên nhẫn trong việc tìm kiếm cho bằng ra những món đồ mình mong muốn. Khi đi đến một nơi nào đó, cô thường tìm đến các cửa tiệm đã được bạn bè giới thiệu hay đã được các tờ báo uy tín đề cập đến. Cô kể, đã có lần cô lùng sục quanh khắp thành phố Côn Minh (Trung Quốc) chỉ để tìm cho ra một cửa hiệu nhỏ. Chẳng ai biết chính xác cửa hiệu nằm ở đâu, và cuối cùng cô phát hiện ra nó nằm ngay phía đối diện khách sạn nơi cô ở.

Khi ở Sài Gòn, Katrijin thường đi tìm mua những món đồ độc đáo ở các kho đồ cũ tại Quận 4. Cô thích việc được đi lang thang qua các khu này và chọn những món đồ tưởng chừng không còn biết dùng vào việc gì. Cô hài hước nhận xét: “May mắn là tôi không thấy sợ những con chuột”.

Bức phù điêu lớn mang về từ châu Phi được đặt như một vật trang trí trong nhà, tại một góc riêng để không bị các đồ đạc khác lấn át. Bàn ăn sơn đen không quá lớn trong nhà bếp được bao quanh với những chiếc ghế trong suốt để không cạnh tranh với các mảng vải nhiều họa tiết.

Với một ngôi nhà có rất nhiều họa tiết như vậy, việc tạo ra sự cân bằng cho thị giác là cả một nghệ thuật và Katrijin đã thực hiện rất thành công.

Có tới hai khu vực ăn được sắp xếp trong căn bếp, một nơi chỉ dành cho hai người những lúc vội vàng, một nơi thịnh soạn và cầu kì hơn, để sẵn sàng cho các bữa tối đông người và đầm ấm.

Một ngôi nhà đẹp luôn là kết quả của sự dụng công, và trong trường hợp này, là kết quả của cả một quá trình tìm kiếm những gì mình yêu mến nhất.

Góc trang điểm được nhấn mạnh với một tấm thảo treo có họa tiết chim phượng hoàng mạnh mẽ, như một tuyên ngôn của người phụ nữ trong nhà.

Những đồ vật đã cũ được Katrijin đưa về và tìm lại tiếng nói, vị trí riêng của chúng . giữa những đồ nội thất và những tấm vải đã đi qua nhiều chặng đường trước khi đến ngôi nhà ấm áp này.

Thực hiện: SARAH NGUYỄN – Hình ảnh: HẢI ĐÔNG – Chuyển ngữ: PHƯƠNG HUYÊN