Dior Haute Couture thu/đông 2023: Sàn diễn tôn vinh những vị nữ thần

Trong không gian trình diễn BST Haute Couture thu/đông 2023 của nhà mốt Dior, giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri đã đưa khách mời đến với thế giới thần thoại, nơi có dấu ấn của cây cối, động vật và những vị nữ thần.

Trong suốt hành trình 7 năm của mình tại thương hiệu Dior, NTK Maria Grazia Chiuri đã tạo dấu ấn cá nhân không chỉ thông qua những BST lấy cảm hứng từ phụ nữ trong lịch sử mà còn bởi những sự cộng tác với các nghệ sĩ nữ trong các thiết kế sân khấu của mình. Gần đây nhất, bà đã cộng tác cùng nữ nghệ sĩ người Ukraine Olesia Trofymenko trong show diễn couture thu/đông 2022 và Joana Vasconcelos cho show diễn ready-to-wear thu/đông 2023. Với show diễn couture thu/đông năm nay, bà cộng tác cùng họa sĩ đồng hương Marta Roberti để vẽ bức họa liền mạch bên trong lẫn bên ngoài sân khấu. Nổi tiếng với những bức vẽ trầm mặc với những nét vẽ phảng phất trên những mảng miếng rõ ràng, Marta đã vẽ nên bức tranh phong cảnh thần tiên chứa đựng những hình ảnh cây cối, sinh vật, những vị thần và những bức chân dung tự họa.

dior couture fall 2023 san dien thoi trang

Ảnh: Adrien Dirand

Trên tác phẩm của mình, Marta vẽ những nữ thần ở thời kì Đồ đá mới (Neolithic) với sự ảnh hưởng từ nhà khảo cổ theo phong trào nữ quyền Marija Gimbutas, người đã chỉ ra rằng các xã hội thời kỳ Đồ đá đầu tiên là bình đẳng và theo cách mẫu hệ, với nam giới và phụ nữ thống nhất trong việc thờ cúng các nữ thần. Họa sĩ Marta giải thích về nguồn gốc của tác phẩm ca ngợi những nữ thần của mình: “Trong quá trình thực hành nghệ thuật của mình trong vài tháng qua, tôi đã khám phá nhiều hiện thân khác nhau của nữ thần trong các nền văn hóa Địa Trung Hải, Châu Á và Trung Mỹ.”

dior couture fall 2023 san khau san dien

Ảnh: Andrea Adriani/The Impression

dior couture fall 2023 san dien thoi trang

Ảnh: Andrea Adriani/The Impression

Trong quá trình nghiên cứu hình tượng các nữ thần, Marta nhận thấy những người hầu gần như luôn gắn liền với động vật và qua đó, cô đã tái tạo bản thân bằng cách bắt chước tư thế của họ. Cô chia sẻ: “Tôi đã sao chép tư thế và chuyển động của họ bằng cơ thể của mình, thể hiện sự lạ lẫm cho đến khi tôi biến chúng thành của riêng mình. Trên những bức vẽ lớn được thêu thủ công tại các xưởng thêu tại Chanakya, tôi thể hiện chính mình trong vỏ bọc của các nữ thần cổ xưa. Dior cho biết, để hoàn thiện bức tranh trong không gian trình diễn, 360 nghệ nhân thêu tại Ấn Độ đã mất 480,000 giờ để thêu các nét vẽ của Marta Roberti.

theu thua thu cong nghe nhan thoi trang haute couture

Ảnh: Sahiba Chawdhary

Tác phẩm lần này của Marta có tên gọi “Ancestors of a Time to Come” (tạm dịch: Thủy tổ của tương lai), có sự liên hệ về ý niệm về thời gian với thời trang Haute Couture. Họa sĩ giải thích: “Thời trang cao cấp thay đổi theo nhịp điệu phụng vụ mà ở đó, quá khứ được hòa quyện vào từng nhịp đập của hiện tại.” Với BST này, sự liên kết giữa trang phục của Dior và hình tượng những nữ thần được thể hiện qua bảng màu trắng ngà, beige, bạc và vàng với vẻ đẹp óng ánh của những chi tiết thủ công tỉ mỉ và những đường xếp vải mềm mại, thướt tha.

dior couture fall 2023 san dien thoi trang

Ảnh: Victor Boyko

Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Wallpaper*


Xem thêm

Sàn diễn thời trang mang yếu tố cơ học độc đáo

Sàn diễn tôn vinh “fluid architecture” của Prada

Những sàn diễn thời trang ấn tượng mùa thu/đông 2023