Trong lần cộng tác với thương hiệu đồ nội thất Andreu World của Tây Ban Nha, nhà thiết kế Philippe Starck đã giới thiệu những sản phẩm có thiết kế tối giản, các chi tiết được uốn cong và có thể lắp ráp với nhau mà không có các phần cứng bằng kim loại. Thông qua bộ sưu tập này, Philippe muốn tiếp cận các vấn đề từ sinh thái đến xã hội, trong đó, thử thách lớn nhất cho thiết kế đương đại là giới tính. Theo ông, thế hệ nhà thiết kế tương lai cần nghĩ đến cuộc khủng hoảng giới và hướng đến ngôn ngữ thiết kế phi giới tính.
Trên thực tế, Philippe Starck đã dành cả sự nghiệp của mình để đấu tranh chống lại việc đưa vào những yếu tố hướng đến một giới tính nào quá nhiều. Ông nói: “Tôi đã phải cố gắng để triệt tiêu khía cạnh nam tính nhằm làm các sản phẩm trở nên mềm mại hơn, linh hoạt với mọi giới hơn trong suốt 15 năm qua.” Theo Philippe, phi giới tính sẽ là cuộc cách mạng lớn bởi loài người ngày nay cảm thấy rất đơn lẻ. Vì thế, ông sẽ loại bỏ yếu tố về giới ra khỏi các thiết kế bất cứ khi nào có thể. Nhà thiết kế cho biết: “Thị trường thiết kế phi giới tính sẽ mang tính cách mạng lớn bởi mọi thứ chúng ta sản xuất trên thế giới đều chịu sự điều hướng bởi giới tính và tất cả mọi thứ. Vậy các sản phẩm cho con người không có yếu tố giới tính sẽ ra sao? Hẳn sẽ rất thú vị!”
Bên cạnh giới tính, Philippe Starck cũng chia sẻ thêm một số quan điểm về hệ sinh thái và trí tuệ nhân tạo.
Vật liệu chính của bộ sưu tập là gỗ ép và hoàn toàn không dùng keo hay đinh vít. Với những thiết kế này, Philippe muốn đẩy tính sinh thái trong từng sản phẩm lên mức cao nhất. Giống như những chiếc ghế làm bằng nhựa sinh học mà ông thiết kế cho Kartell, bộ sưu tập này là giải pháp thiết thực về đồ nội thất có giá cả phải chăng nhưng không làm từ nhựa. Ông chia sẻ: “Sự nghiệp của tôi từng gắn liền với nhựa vì nó từng là vật liệu thân thiện với môi trường nhất bởi theo tôi, đó là vật liệu do con người làm ra mà không đốn cây hay giết hại động vật. Nhưng giờ đây thì chúng ta thấy rõ rằng nó chẳng hề tốt chút nào.”
Một trong những lý do để Philippe Starck sử dụng gỗ ép dù ông từng phản đối sử dụng gỗ nguyên khối đó là cách kiến trúc sư/nhà thiết kế Charles Eames dùng vật liệu tự nhiên này. Gỗ ép có lợi thế về sự bền bỉ, giá thành thấp, phù hợp cho các sản phẩm hiện đại mang tính sinh thái. Theo Philippe, khi chúng ta nói về sinh thái, yếu tố quan trọng là giảm thiểu, trong mọi khía cạnh, từ vật chất cho đến hành động. Vì vậy, ông tập trung vào làm ra những thiết kế kinh điển, thoải mái và giá cả phù hợp với số lượng tối thiểu.
Khi được hỏi về AI, nhà thiết kế nhận định ứng dụng này giống như sự tiên đoán của loài người, chứa đựng mặt tích cực lẫn tiêu cực. Ông ví trí tuệ nhân tạo như công nghệ hạt nhân, vốn có thể có nhiều lợi ích nhưng cũng là mối nguy hại khi người ta sử dụng nó làm vũ khí. Là một người lạc quan, ông muốn tập trung vào những tiềm năng mà AI có thể đem lại để giải quyết những vấn đề chúng ta gặp phải. Philippe nói: “Loài người sẽ trở nên thông minh hơn để có thể tạo ra những thứ có trí tuệ. Nếu nhân loại muốn tiến hóa, chúng ta cần sự giúp sức của một người bạn, mà ở đây là AI. Nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem liệu nó có trở thành kẻ thù hay không.”
Thực hiện: Hoàng Lê | Tổng hợp từ Dezeen và Azure| Ảnh: Andreu World
Xem thêm
Philippe Starck – Người đi trong cõi mộng