Vũ Thảo – Lấy thiết kế làm nền cho chất liệu thăng hoa

Trồng nguyên liệu, gặt hái, se sợi, dệt, nhuộm… chuỗi công đoạn gian nan ấy của những người Nùng, người H’mông bản địa được NTK Vũ Thảo thuật lại bằng một ngôn ngữ đặc biệt, lấy các thiết kế thời trang đương đại của mình tôn vinh nghề truyền thống người miền cao.

Thời trang bền vững đang là một khái niệm rất mới và không dễ để ứng dụng trong ngành thời trang Việt. Vũ Thảo đang là NTK hiếm hoi tự chọn con đường thiết kế – sáng tác theo phong cách thời trang bền vững. Phiêu vào thế giới sáng tác của Vũ Thảo, như một hành trình tràn ngập những chuyện kể thú vị, gắn liền với vụ mùa, với tập tính dân tộc, với những kỹ thuật chế tác hoa văn, dệt nhuộm truyền thống mà nay đã phần nào mai một. Chuyện kể của Vũ Thảo về thời trang khiến người ta mải mê, cuốn hút đến quên luôn cuối cùng là những mẫu thiết kế mang đậm dấu ấn đương đại.

Góc trưng bày các thiết kế theo phong cách thời trang bền vững của Kilomet109.

Vũ Thảo từng chia sẻ quan niệm về thời trang, rằng: “Nếu cứ nhìn thời trang qua sàn diễn, qua hình ảnh lung linh trên tạp chí, chỉ vậy thôi thì thật nhạt bởi nó dễ làm người mới tiếp cận hình dung sai về nghề. Thời trang không cứ phải là hào nhoáng, chỉ quan tâm vẻ ngoài mà hờ hững nội dung”.

Trò chuyện với Vũ Thảo về thời trang, cái tôi của một NTK bị ẩn đi, chỉ thấy ở đó hình ảnh một nhà nông chính hiệu. Thảo miệt mài kể về những vụ lanh được mùa, ủ chàm màu thắm, về những âm thanh rộn ràng mùa gặt, về mối gắn kết cùng ăn, cùng ở với đồng bào miền cao để tạo nên chất liệu quý giá – làm nền cho thiết kế của Vũ Thảo. Trong suốt các công đoạn tạo nên sản phẩm thời trang hoàn chỉnh, Vũ Thảo khá ngược đời khi cho biết chỉ có chất liệu là thú vị, nhiều chuyện để sẻ chia, khâu thiết kế chỉ là công đoạn cuối cùng đúc kết lại, rất nhạt nhòa.

Vũ Thảo 9

Sứ điệp của Kilommet109 là sản phẩm thủ công truyền thống phải được đánh giá đúng ngay tại nơi nó sinh ra.

“Để làm việc được với cộng đồng dân tộc
phải là người phục vụ tư duy lao động cho họ,
là mắt xích trong chuỗi sản xuất,
nương theo cộng đồng, gạt bỏ tính kỳ thị, tự phụ,
ép người khác làm theo ý mình.

Có như thế kỹ năng thủ công
mới không bị triệt tiêu, thui chột”

Vũ Thảo 8

Vũ Thảo và công việc ủ chàm của người Nùng An, Cao Bằng.

Sống gắn bó, chân tình với đồng bào miền cao, Vũ Thảo đã xóa nhòa ranh giới tưởng chừng rất khó gần giữa nông thôn – thành thị, giữa truyền thống – hiện đại thông qua câu chuyện thời trang bền vững. Nhớ lại thời gian đầu làm việc cùng những người bản địa, Vũ Thảo kể: “Khi làm việc lần đầu tiên cùng nhóm người Nùng An ở Phúc Sen, Cao Bằng, thử nghiệm cách nhuộm gam màu chàm mới, tôi vấp phải nhiều rào cản bởi vốn kiến thức dân gian ít, giao tiếp giới hạn vì ngôn ngữ. Cách làm việc hoàn toàn không có tiếng nói chung, bởi tôi làm thiết kế, các chị nghệ nhân làm theo thói quen và bị định dạng nên khó thay đổi. Tôi muốn họ làm khác, do vậy hai bên đi ngược nhau, công việc chẳng đi đến đâu, tôi nản và vứt xó các thiết kế đến 8 tháng. Cùng lúc đọc tài liệu, tôi mới nhận ra kiến thức văn hóa vùng miền của mình hổng quá mà lại liều đi làm. Khi tôi quay trở lại, dành thời gian tìm hiểu cách ăn ở, trồng trọt, tìm hiểu nguồn nước, khí hậu, kỹ năng canh tác, tập quán, ngôn ngữ giao tiếp, nhờ vậy hiểu được họ. Tôi tự nhủ với bản thân, để thay đổi tư duy làm việc của người bản địa, mình phải là người thay đổi trước, tiếp nhận trước chứ không đưa tư tưởng áp đặt, bắt người ta phải làm theo ý mình”.

Vũ Thảo 7

Trong văn hóa người Nùng, con gái lấy chồng sẽ được mẹ tặng một thùng chàm mang theo.

Vũ Thảo 6

Sùng Y Khô, nghệ nhân dệt vải lanh và vẽ sáp ong cho các thiết kế của Kilomet109.

“Việc tôi làm là muốn thay đổi cách nhìn,
cách sử dụng truyền thống với tinh thần
vừa tôn trọng, vừa phát triển,
nếu không chính truyền thống tự chôn vùi nó,
không đi đến đâu cả”

Vũ Thảo 5

Hình ảnh người H’Mông bản địa bên cánh đồng lanh đang vào mùa gặt hái.

Làm việc cùng bốn nhóm dân tộc thiểu số gồm người Thái (Hòa Bình) công đoạn dệt, người Nùng An (Cao Bằng) vừa dệt vừa nhuộm, người H’Mông đen trồng lanh, dệt lanh, nhuộm chà, mài đá, người H’Mông xanh (Pà Cò) vẽ sáp ong và nhuộm chàm, Vũ Thảo thông qua thương hiệu thời trang Kilomet109 đã tạo nên nhiều mẫu thiết kế ấn tượng. Nhưng điều thú vị hơn là từ phong cách thời trang bền vững, Vũ Thảo đã mang lại nguồn cảm hứng, không chỉ cho người bản địa, mà còn các nghệ sĩ khác ở lĩnh vực nhiếp ảnh, vũ đạo, phim, nhạc thể nghiệm, nghệ thuật thị giác… có cùng mục đích kể lại câu chuyện thời trang hoặc sáng tạo nghệ thuật theo cách riêng. Tạo thêm cơ hội cho người tiêu dùng trang bị kiến thức về sản phẩm, khi đó ý thức và thói quen tiêu dùng cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực, văn hóa và bền vững.

Vũ Thảo 4

Lanh vào vụ, công đoạn gặt lanh khởi đầu cho một chuỗi chu trình sơ chế sợi lanh trước khi dệt thành vải.

Vũ Thảo 3

Tước và nối sợi lanh được coi là công việc của người già. Họ tranh thủ làm việc mọi lúc, mọi nơi, không có khái niệm nghỉ ngơi khi lanh vào vụ.

Thế nên trong các BST của Vũ Thảo, chị thường xa rời sàn diễn, sử dụng cách truyền tải ý tưởng và nội dung mẫu thiết kế bằng những sắp đặt hình ảnh, phim tài liệu, hiện vật, ánh sáng, kiến trúc… nhằm chia sẻ kiến thức về thời trang một cách chân phương, gần gũi, thiết thực, đi vào chiều sâu về văn hóa dân tộc, vùng miền cùng kỹ thuật chế tác đậm dấu ấn bản địa.

Vũ Thảo 2

Người H’Mông xanh ở Pà Cò, Hòa Bình đang thực hiện công đoạn vẽ sáp ong trên nền vải lanh.

Mỗi thửa ruộng chàm rộng 8 sào
có thể cho ra 500kg bột chàm,
một thành phẩm cần đến 15 lần nhuộm mới hoàn thiện.

Tùy cách pha màu với nồng độ,
cấp độ khác nhau sẽ tạo ra nhiều hiệu ứng đặc biệt.

Vũ Thảo 1

Bộ dụng cụ dệt lanh truyền thống của người H’Mông.

Ảnh: Bảo Khánh.


Xem thêm:

Dấu ấn bản địa trên hoa sắt Tây

Đi tìm hoa sắt nở chốn rào thưa