Triển lãm “về Huế”

Một triển lãm ấn tượng do các KTS, nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu đã được tổ chức tại Huế và TP.HCM, đánh dấu sự mở đầu cho dự án nghiên cứu về văn hóa truyền thống Huế theo chiều “từ dưới lên”. Chủ nhiệm dự án – KTS Nguyễn Yến Phi – đã chia sẻ về chặng đường của họ qua một tản văn nhân ngày đầu Xuân.

Ngôi làng trung cổ nằm bên mép hồ Leman trong vùng di sản UNESCO, sau lưng làng là những vườn nho bất tật; người dân vẫn sống bằng nghề làm rượu cả trăm năm qua. Tôi vừa đi vừa tấm tắc, “Kỳ diệu không! Họ cứ như đang sống trong quá khứ. Sống trong di sản. Những di sản này thực sự vẫn sống.” KTS. Ngô Quốc Dũng, người bị tôi rủ rê cùng làm “về Huế” quay sang nói, “Không phải các làng ở Huế cũng thế sao?”.

Ừ nhỉ, ở Huế cũng thế, phát hiện đó làm tôi cảm thấy vô cùng bồi hồi. Những ngôi làng cổ nằm bên bờ sông Hương, phía sau làng là những cánh đồng lúa trùng điệp, có những người dân nay vẫn còn sống bằng nghề trồng lúa, nghề đan lát, làm thuyền của cha ông.

Ký ức đưa tôi quay lại những chuyến đi thực địa ở Huế trong gần hai năm, 2017-2019, đôi khi trong cái nóng hơn 400C, lúc một mình, lúc đi cùng các anh em trong nhóm: anh Ngô Quốc Dũng – KTS và cộng sự của tôi – người gốc Huế sinh sống ở Sài Gòn; anh Trần Văn Dũng – người con của Huế – bấy giờ đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, với niềm đam mê và sở thích có phần kỳ lạ là đi tìm chụp di sản Huế xưa; ông Archi Pizzini – KTS và nhiếp ảnh gia người Mỹ – trót yêu và chọn ở lại Việt Nam ngót nghét gần hai mươi năm qua. Chúng tôi đi theo những tìm tòi và phát hiện của nhóm, từ những gợi ý của các anh chị, nhà nghiên cứu ở Sở Văn hóa, Trung tâm bảo tồn di tích Huế, VICAS, và nhất là những người dân địa phương. Sự nhiệt tình hào hứng của người Huế, đặc biệt là dân làng nơi chúng tôi tới thăm, là động lực thúc đẩy lớn nhất với chúng tôi trong quá trình thực hiện dự án này. Dọc theo bờ sông Hương, chúng tôi khảo sát, chụp ảnh, và ghi chép những công trình chưa được công nhận nhưng được coi là di sản đối với cộng đồng và đang được gìn giữ tiếp nối bởi chính người dân. Chúng tôi chọn cách tiếp cận “từ dưới lên” thay vì thái độ “từ trên xuống” với di sản như chúng ta thường thấy hiện nay.

Châu Hương Viên. Ảnh: Archie Pizzini.

Đình Phú Vĩnh. Ảnh: Archie Pizzini.

Bảo tồn di sản xuất hiện vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, ở thế giới phương Tây, như một phản ứng chống đối lại sự đứt gãy với quá khứ do quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Qua hơn hai thế kỷ, nó đã trở thành một mối quan tâm toàn cầu, đánh dấu một thế giới bị ám ảnh bởi việc ghi chép, lưu trữ, giữ gìn, cùng việc nhiều quốc gia tìm cách tái tạo những câu chuyện lịch sử để xây dựng bản sắc mới thông qua việc chọn lọc di sản để bảo tồn. Những ký ức được thể chế hóa và tái tạo ở nhiều cấp độ khác nhau đã tạo ra vô số những địa điểm ký ức rời rạc (lieux des memoire, Nora 1989) như bảo tàng, kho lưu trữ, lễ hội, tòa nhà lịch sử. Sự liên hệ trực tiếp với cộng đồng dân cư từng sinh sống ở những công trình này phần lớn không còn nữa. Chúng được cải tạo để phục vụ cho những người bên ngoài như khách du lịch bằng những ký ức mà chúng dự định lưu giữ. Vô hình chung chúng bị tách rời khỏi nhịp sống hiện tại, là hiện thân cho chính sự biến mất của những gì chúng đại diện và mong muốn hồi sinh: một nỗ lực gượng ép xây dựng “một sự liên tục không còn nữa,” hay theo cách nói của Pierre Nora, là “minh chứng của sự gián đoạn ”(Nora 1989, 12-16). Phương thức đóng băng quá khứ này thể hiện xu hướng lưu trữ của bảo tồn có chủ ý, giống với một hành động hồi tưởng từ trên xuống (retrospective and top-down), đối lập với những gì Nora coi là ký ức thực – “một hiện tượng thực tế vĩnh viễn, một sợi dây ràng buộc chúng ta với hiện tại vĩnh cửu” (Nora 1989, 8).

Chi tiết đầu rồng ở Nhà Rường làng Phương Đúc, vẽ trên giấy truyền thống của tác giả Ngô Quốc Dũng.

“Ký ức mù mịt đối với tất cả trừ cộng đồng mà nó gắn kết” (Nora 1989, 10). Sự hiểu biết và cách tiếp cận di sản được đề cập ở trên, hay Diễn ngôn Di sản được Ủy quyền (Authorized Heritage Discourse) theo thuật ngữ của Laurajane Smith nhằm thiết lập ký ức tập thể độc tài với các giá trị phổ quát, làm cho di sản “cuối cùng trở thành một thực hành văn hóa” (Smith 2006, 11), thuộc về “mọi người và không cho riêng ai” (Nora 1989 , 9). Nó ám chỉ một thiên hướng vật chất, ngụ ý rằng ý nghĩa văn hóa vốn có trong bản thân hình thái kiến trúc, độc lập với tư duy tình cảm của con người. Sự thiên vị này đặt quyền xác định và bảo tồn di sản vào tay các chuyên gia, bỏ qua cộng đồng – những người tạo nên và sống cùng di sản, cũng như tối giản hóa khái niệm di sản và các giá trị liên quan. Di sản không còn được nhìn nhận trong một tổng thể văn hóa với những tương quan giữa vật thể và phi vật thể, tự nhiên và con người, mà được coi là những địa điểm hoặc các vấn đề kỹ thuật rời rạc (L. Smith, 2006, 29, 31). Hệ thống lý giải di sản một cách nhị phân như vậy không những ảnh hưởng không nhỏ tới công cuộc bảo tồn và quản lý di sản cũng như các chiến lược phát triển đô thị đương đại, tạo nên những đô thị na ná giống nhau, mà còn khó lòng phản ánh được các thực tế đô thị khác, đặc biệt là sự phức tạp và mơ hồ về sắc thái của các thành phố hậu thuộc địa như Huế.

NẾU NHƯ QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ LÀ LỚP TRÊN CÙNG, DỄ NHẬN THẤY THÌ CÒN CÓ RẤT NHIỀU LỚP KHÁC VỀ KIẾN TRÚC VĂN HÓA HUẾ, VẪN CÒN LẪN KHUẤT, TỒN TẠI TRONG CHÍNH KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ VÀ LÀNG XÃ.

Huế 7

Văn Thánh, vẽ trên giấy truyền thống của tác giả Ngô Quốc Dũng.

“Về Huế” là dự án đầu tiên về di sản tôi thực hiện với các anh em nghệ sĩ, KTS, nhà nghiên cứu tại Việt Nam, cũng là dự án dài hơi nhất, là những nỗ lực đầu tiên của chúng tôi để kể về những vật thể văn hóa vẫn còn tồn tại ở mảnh đất cố đô nhưng dần bị lãng quên và rơi vào hoang phế, những công trình quý giá không có tên trên Bản đồ du lịch. Chúng tôi tập trung vào kiến trúc địa phương, bởi lẽ, tuy nổi tiếng là một thành phố di sản, người ta biết đến Huế nhiều hơn qua những di sản cung đình. Nếu như Quần thể Di tích Cố đô Huế là lớp trên cùng, dễ nhận thấy thì còn có rất nhiều lớp khác về kiến trúc văn hóa Huế vẫn còn lẩn khuất, tồn tại trong chính không gian đô thị và làng xã. Trong những năm gần đây, nhiều công trình kiến trúc địa phương như đình làng, miếu, nhà cổ, hay các công trình thời Pháp thuộc bị bỏ hoang hoặc phá hủy, dù rằng chúng vẫn còn đang sống và tồn tại trong cộng đồng. Tuy là những nhân chứng sống động nhất của lịch sử và văn hoá, chúng đang dần bị bỏ rơi. Chúng tôi muốn khai quật một phần những lớp trầm tích văn hóa này.

Huế 6

Ngôi miếu cổ làng Vân Thê. Ảnh: Ngô Quốc Dũng

Việc lên kế hoạch và thực hiện dự án có khá nhiều khó khăn. Thứ nhất là chúng tôi đến từ những nơi khác nhau, với những kỹ năng và công việc khác nhau. Thứ hai là những câu chuyện chúng tôi muốn kể không phải là những câu chuyện đã được kể nhiều hay dễ tiếp cận. Tôi vẫn nhớ những ngày rong ruổi ở làng miền núi Hải Cát, dò dẫm theo ôn trên con đường vào sâu trong rừng, đi qua những khoảng ruộng đầy bùn nhão sau mấy ngày mưa âm u dai dẳng, vừa đi vừa nghiêng người để tránh những cành cây mọc dại không đúng quy củ, để rồi ngơ ngác thấy giữa lùm cây đơn côi là cả một không gian tâm linh đã rơi vào quên lãng: những bức tường vụn vỡ, những bức tượng đá một thời linh thiêng giờ cuốn chặt trong những dây gai chằng chịt. “Ôn ơi, con hỏi bao nhiêu người trong làng mà không ai chỉ được ra chỗ này. Cứ đi loanh quanh hoài”. Ôn vừa thắp nén hương, vừa chậm rãi nói, “Người trẻ không biết đâu. Chỉ có người già như chúng tôi mới biết thôi”. Tự nhiên thấy buồn mang mác, một khi họ rời đi, thì phần ký ức này về cộng đồng, về quá khứ của một nơi chốn, sẽ không còn ai gìn giữ nữa. Một ngày nào đó, chúng sẽ bị san bằng dưới chiếc bánh nặng nề của xe ủi. Minh chứng sống động nhất cho dòng chảy văn hoá của nơi chốn sẽ lặng lẽ biến mất. Những ý nghĩ đó nhen nhóm trong tôi mong muốn làm người kể chuyện, hay theo cách nói của Walter Benjamin, đi nhặt nhạnh và ghép lại những mảnh vỡ của quá khứ trước khi chúng hoàn toàn biến mất (Benjamin 1974, Thesis X).

Huế 5

Đình làng Vân Thê.

“VỀ HUẾ”, VỚI CHÚNG TÔI, TRƯỚC HẾT LÀ MỘT PHƯƠNG THỨC ĐỂ TIẾP CẬN VÀ GOM GÓP NHỮNG “MẢNH VỠ CỦA QUÁ KHỨ”, NHẰM HIỂU THÊM VỀ NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÔNG CÓ TRONG SÁCH VỞ, NHỮNG ĐỊA DANH KHÔNG CÓ TRÊN BẢN ĐỒ DU LỊCH.

Huế 4

Biệt thự cụ Ưng Thông. Ảnh: Archie Pizzini.

“Về Huế,” với chúng tôi, trước hết là một phương thức để tiếp cận và gom góp những “mảnh vỡ của quá khứ,” nhằm hiểu thêm về những câu chuyện không có trong sách vở, những địa danh không có trên Bản đồ du lịch nhưng vô cùng sống động trong hình dung về nơi chốn với người dân địa phương. Những chuyến đi thực địa khiến chúng tôi nhận ra sự gắn kết không thể tách rời giữa những công trình kiến trúc và đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa vật thể và phi vật thể, tự nhiên và văn hóa. Bởi thế, khi thực hiện triển lãm “Về Huế,” chúng tôi, tuy còn nhiều hạn chế về thời gian, nội dung, muốn sử dụng nghệ thuật thị giác nhằm tái hiện lại mối tương quan này. Những góc nhìn và hình thức biểu hiện đa dạng như ảnh chụp, tranh vẽ, ký họa, bản đồ cách điệu, và các bài nghiên cứu về kiến trúc và lịch sử, cho phép xen kẽ hiện tại và quá khứ, thế giới thực và tưởng tượng, cũng như khơi gợi những cách hiểu, thái độ khác với di sản và khả năng sáng tạo trong tương lai. Triển lãm “Về Huế” 2019 là một trưng bày mang tính tương tác cao, xoay quanh một chiếc đèn kéo quân cỡ lớn với nhiều lớp với những câu chuyện thực và mộng của nghệ sĩ, ẩn dụ cho sự chồng chéo lớp lang của lịch sử, cho phép khách thăm quan sống cùng lúc trong nhiều chiều không gian, thời gian khác nhau, khơi gợi những ý tưởng và ký ức. Tựu trung lại, những con người đến từ những nơi khác nhau, qua nghệ thuật của mình, kể những câu chuyện khác nhau. Người xem bởi vậy sẽ không bị gò ép theo một cách nhìn của riêng ai. Chúng tôi, cuối cùng, chỉ là những người kể chuyện.

Huế 3

Đình Phú Vĩnh.

Chúng tôi thực hiện “Về Huế” ở cả hai nơi là Huế và TP.HCM. Điều ngạc nhiên và hạnh phúc nhất đối với chúng tôi chính là sự quan tâm và chào đón chúng tôi nhận được so với quy mô khiêm tốn của triển lãm. Những chia sẻ của lượng khách tham quan rất lớn thuộc nhiều lứa tuổi cho thấy sự trân trọng với các giá trị kiến trúc địa phương và mong muốn tìm hiểu thêm về một thành phố tưởng quen mà lạ. Nhiều người trong nhóm chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về Huế. Bản thân tôi đã bắt đầu chương trình nghiên cứu tiến sĩ của mình, đi sâu tìm hiểu di sản đô thị địa phương ở Huế một cách có hệ thống hơn. Anh Trần Văn Dũng đã hoàn thành xong bằng tiến sĩ về Lịch sử Huế, tiếp tục công tác tại Sở Văn hóa Tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh Ngô Quốc Dũng, ông Archie Pizzini hay anh Trần Hoành vẫn tiếp tục vẽ, chụp ảnh và nghiên cứu những di sản kiến trúc địa phương ở Huế cũng như trên khắp Việt Nam. Mối nhân duyên kỳ lạ đưa chúng tôi, những con người rất khác nhau, cùng “Về Huế.”

Huế 2

Đình làng Xuân Dương. Ảnh: Archie Pizzini.

Huế 1

Đình làng Xuân Dương. Ảnh: Archie Pizzini.


NGUYỄN YẾN PHI

NGHIÊN CỨU SINH – TIẾN SĨ

– Thạc sĩ kiến trúc Đại học Harvard.

– Cử nhân toán và mỹ thuật Đại học Berea (Hoa Kỳ).

– Đồng sáng lập văn phòng Kiến trúc atelier NgNg.

– Thành viên nhóm nghiên cứu Huế (thuộc chương trình Không gian và Nơi chốn ở Đông Nam Á, Đại học Sydney, Úc).


Bài: KTS Nguyễn Yến Phi | Hình ảnh: Tổng hợp từ dự án “về Huế” | Minh họa: Bùi Ngân.


Xem thêm:

Dấu ấn hoa nâu trên bản đồ gốm Việt

Hoa lam Chu Đậu, gốm mỹ thuật xuất khẩu