Sử dụng thủ pháp “Nghệ thuật đại chúng” từ phong cách sáng tác trong hội họa để ứng dụng vào chế tác gốm, nghệ sĩ Bùi Quốc Khánh thực sự tạo nên một bất ngờ, đặc biệt với những ai đang quan sát mạch sáng tác của nghệ sĩ Việt trên chất liệu gốm.
Loạt tác phẩm Khánh mới cho ra lò, có thể thấy rõ gốm đã vượt ngoài giới hạn vốn có, không chỉ là một chất liệu, sản phẩm, tác phẩm thông thường để sử dụng hay trang trí, sưu tầm nữa mà là phương tiện tối ưu giúp chuyển tải chiều sâu đa tầng nghĩa nghệ sĩ muốn trao gửi. Để tải lượng thông tin khổng lồ chỉ trong một tác phẩm, với hội họa đã khó, chuyển sang gốm còn khó hơn bội phần.
“CŨNG LÀ TRÂU, NHƯNG TÔI THỂ HIỆN BẰNG NHIỀU TẠO HÌNH, NHÂN CÁCH HÓA TRÂU LÊN NHƯ NGƯỜI, MƯỢN DÁNG TRÂU CHUYỂN TẢI NHỮNG CHI TIẾT GỢI CẢM XÚC, TÔN VINH NGHỀ TRUYỀN THỐNG, HOẶC CHỈ GIẢN ĐƠN LÀ TRANG TRÍ”.
Lấy ý tưởng cho sáng tác gốm, Khánh nhấn mạnh: “Tôi bám vào tư duy phản biện xã hội, tạo cho từng tác phẩm một nội dung. Từ nội dung chính khi thành hình, những chi tiết phụ kéo theo, sẽ là thành tố gia tăng hiệu ứng thị giác, có chính, có phụ, để tự thân các chi tiết trong tác phẩm bổ sung cho nhau, tôn lên ý nghĩa chính, với tổng thể dung hòa, mạch lạc, chặt chẽ”.
Trong từng tác phẩm gốm của Bùi Quốc Khánh, có thể thấy rõ việc sử dụng lượng thông tin ngồn ngộn, từ kỹ thuật tạo hình đến chi tiết trang trí. Tạo hình là những gợi nhớ, tôn vinh nghề thủ công nặn tò he truyền thống, nay đang dần mai một. Ở “nghĩa đen”, tạo hình này gợi nhớ về một ngành nghề, một kỹ thuật dân gian của nghề tò he. Nhưng “nghĩa đen” ấy chỉ là bề ngoài, sâu thẳm trong gốm Khánh còn có một giá trị khác.
“GỐM VỐN TĨNH, KHI TẠO HÌNH, TÔI VẬN DỤNG THỦ PHÁP TẠO CẢM XÚC QUA CỬ CHỈ, ĐIỆU BỘ, HÀNH ĐỘNG NƠI CHỦ THỂ, ĐỂ TÁC PHẨM TRỞ NÊN SỐNG ĐỘNG HƠN”.
Tự tả gốm của mình, nghệ sĩ Bùi Quốc Khánh nói ngắn gọn: “Phải có nội dung”. Nội dung ấy, được Khánh vận dụng tài tình, với dẫn dắt khéo léo từ quá khứ vào hiện tại. Những linh thú như rồng – nghê – phượng, cả chi tiết trang trí gợi đẳng cấp “nhà quan”, chức sắc của xã hội phong kiến, khi đưa vào gốm được Khánh diễn đạt bằng những mâu thuẫn, đối lập, đấu đá nội bộ trong từng bố cục tác phẩm. Khánh lý giải: “Tôi sử dụng hình ảnh trang trí đều là chi tiết ngày xưa chỉ được dùng ở nơi tôn nghiêm, cung đình, hoặc quyền quý. Chi tiết ấy thể hiện rõ tầng lớp cao của xã hội. Khi tầng lớp trên cao ấy mâu thuẫn nhau, chắc chắn gây ảnh hưởng lớn đến xã hội. Nếu chỉ là dân đen, xóm giềng mâu thuẫn, sẽ chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến tổng thể xã hội”.
Một chiếc thuyền rồng, vẽ con phụng múa, cặp đôi rồng – phụng vốn hòa hợp, cao sang, quyền quý, nhưng trên thuyền có hai người, ông chèo xuôi, ông chèo ngược, sự đối kháng mạnh bạo ấy được diễn tả bằng cử chỉ, ngữ điệu, động tác đầy cảm xúc, với hối hả, hốt hoảng, tạo cho tác phẩm cực động trong bối cảnh đầy mâu thuẫn. Ý niệm phản biện xã hội với “trống đánh xuôi – kèn thổi ngược”, “trên bảo dưới không nghe”… được diễn tả thật tinh tế, hoàn hảo, và… đẹp, theo một cách rất riêng, đầy tính nghệ thuật của Bùi Quốc Khánh. Xem từng hiện vật trong chuỗi sáng tác của Khánh, cứ phải nghĩ, phải nghiệm, phải luận từ dáng, khối, họa, cả với sắp đặt theo cụm… mới thấy cái ẩn ý của người nghệ sĩ với gốm, trong gốm.
“TÔI SÁNG TÁC DỰA TRÊN TÍNH PHẢN BIỆN XÃ HỘI TRƯỚC MỘT VẤN ĐỀ BỨC XÚC, VÀ SỬ DỤNG NGÔN NGỮ TẠO HÌNH NGHỆ THUẬT CỦA MÌNH ĐỂ BIỂU ĐẠT, THAY VÌ VĂNG TỤC HAY NHỮNG LỜI NÓI SUÔNG”.
Chỉ mới dấn thân vào gốm, và đây là mẻ gốm đầu tay, nhưng dựa trên nền tảng sáng tác, kinh nghiệm Khánh từng thể hiện đề tài phản biện xã hội qua nghệ thuật hội họa, hiệu quả thực sự đem lại ấn tượng mạnh. Trong gốm của Khánh, không có chỗ cho khoảng hở, khoảng lặng, với những chi tiết dày đặc, diễn tả độ khó cao trong kỹ pháp chế tác gốm. Thủ pháp dày mà không rối, không thừa, khi từng chi tiết đều có vai trò cụ thể, không gợi ý thì tả hình, tả khối, tả nét, tả màu sắc với những đậm – nhạt có chủ ý, góp cho bố cục tác phẩm thêm chặt chẽ, hoàn hảo về mặt thị giác.
Lấy cái tứ của nghề thủ công gốm, nặn tò he làm nền cho tạo hình, tải trên đó là những vấn đề nóng của xã hội, thời cuộc, môi trường, tư tưởng phản biện… ở thực tại. Khánh có cách thể hiện gốm với tổng thể đậm chất đương đại, nhưng trong chi tiết, nét dân gian rất Việt lại được biểu lộ không hề nhầm lẫn. Gốm Việt có lịch sử lâu đời, nhưng để gốm Việt trong sáng tác đương đại được nhận diện dễ dàng, lại chuyển tải ngữ nghĩa sâu xa về truyền thống, hiện đại, thời cuộc… không nhiều người làm được.
Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình.
Ảnh: Đinh Công Đạt, Lam Phong, Xê Ra Mít Studio.
Xem thêm: