Nghệ thuật cắt dán, in khuôn trong gốm Lái Thiêu – Quảng Đông

Màu men sâu lắng, dân dã, lối tạo hình cầu kỳ, phức tạp với cảnh muông thú, chim hoa quần hội tạo nên các chủng loại sản phẩm đa dạng kiểu dáng, công năng sử dụng… Gốm Quảng vì thế mà mang một tinh thần rất riêng so với những sản phẩm gốm Lái Thiêu cùng thời.

gốm Lái Thiêu 1

Các mặt trang trí in khuôn trên thân chậu kiểng đặt ở sân vườn của trường phái gốm Lái Thiêu – Quảng Đông. Lối trang trí này thường thể hiện đề tài cổ điển như bát bửu, cổ đồ.

Tương truyền khi các lò gốm vùng Cây Mai – Sài Gòn giải thể, thợ gốm lần tìm về Lái Thiêu lập nghiệp. Trong số này có rất nhiều thợ xuất thân từ vùng Phật Sơn, Quảng Đông, được gọi là Công Tử Sư, biệt tài làm hình tượng kích thước nhỏ, dùng trang trí trên đền miếu, hội quán. Khi về đến Lái Thiêu, hình thái đình chùa quanh vùng, kể cả các tỉnh lân cận hầu như đã được xây dựng và hoạt động ổn định, việc trang trí miếu vũ không còn nhiều.

gốm Lái Thiêu 2

Giới thợ thuyền Quảng Đông bắt nhịp chế tác những sản phẩm phục vụ nhu cầu nhật dụng của cư dân bản địa và khắp vùng Nam bộ. Đồ trang trí sân vườn với bình, chóe, đôn, chậu được thể hiện với kỹ thuật dán, in khuôn, thể hiện trên đó các đề tài mang tính truyền thống như bát bửu, cổ đồ. Sau khi ép khuôn hình trang trí lên cốt gốm, công đoạn chấm men với các gam giản đơn như vàng (màu nền) đến xanh ve chai, trắng ngà, xanh đậm… đủ tạo nên những mảng miếng trang trí thú vị trên sản phẩm gốm Quảng.

gốm Lái Thiêu 3

Hình ảnh con cò trên ống đũa theo phong cách cắt dán – một kỹ thuật đặc trưng trong chế tác gốm Cây Mai xưa.

gốm Lái Thiêu 4

Hình ảnh con chim phượng trên chóe rượu theo lối in khuôn theo phong cách cắt dán – một kỹ thuật đặc trưng trong chế tác gốm Cây Mai xưa.

Hình ảnh con cò trên ống bút theo phong cách cắt dán – một kỹ thuật đặc trưng trong chế tác gốm Cây Mai xưa.

Nét tạo hình trong gốm Quảng
thừa hưởng từ kỹ thuật làm gốm Cây Mai – Sài Gòn.

Cũng với lối in khuôn, cắt dán, phủ men,
nhưng đề tài được thể hiện giản đơn, gần gũi hơn.

gốm Lái Thiêu 6

Phụng – Hồng, đề tài khá hiện đại trong trang trí gốm Lái Thiêu xưa.

gốm Lái Thiêu 7

Bộ ống cắm với kiểu dáng đa dạng, đề tài trang trí quen thuộc nhưng được thể hiện sinh động bằng kỹ thuật phủ men.

Kỹ thuật cắt dán cũng là một biệt tài khác của thợ gốm Lái Thiêu – Quảng Đông. Lấy ví dụ cái ống bút, ống đũa có gắn hình ảnh con cò, cùng là một đề tài, nhưng mỗi người thợ lại có lối thể hiện khác biệt. Cò khi xoay trái, xoay phải, khi đứng một chân, khi đứng hai chân, đầu lúc hướng về trước, lúc ngoẹo ra sau. Mỗi dáng thế, mỗi chi tiết thay đổi đều thấy ở đó sự sống động, dáng hình uyển chuyển của cò.

gốm Lái Thiêu 8

Ống cắm đặc sắc đắp nổi đề tài cua – sậy, hàm ý ước vọng thi đỗ đạt cho người sở hữu.

gốm Lái Thiêu 9

Đề tài phụng ngậm cuốn thư rất quen gặp trong gốm Cây Mai, chuyển thể thành đồ gia dụng ở gốm Lái Thiêu.

Việc vận dụng từ kỹ pháp làm gốm trang trí chuyển qua gốm gia dụng đã tạo nên một kiểu thức, hình thái gốm hết sức độc đáo. Nhìn trong đó có sự trau chuốt, tỉ mỉ bởi tạo hình, nhưng cũng có nét gì đó hồn nhiên, đơn giản nhờ gam màu và những đề tài bình dị. Dù là đôn, chậu, lu, hũ, chóe, đến ống cắm hoa, ống bút, ống đũa… từng sản phẩm gốm Lái Thiêu phong cách Quảng Đông đều dễ được người tiêu dùng tiếp nhận, sử dụng, sưu tầm, nâng niu như một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

gốm Lái Thiêu 10

Dáng đứng rất duyên của cò trong chế tác ống cắm đũa.

Thực hiện: Nguyễn Đình – Ảnh: Nguyễn Đình.


Xem thêm:

“Chơi với Gốm”: Xem gốm hoa nâu của Trịnh Vũ Hiếu

“Chơi với Gốm”: Nguyễn Hồng Tân – làm duyên cho gốm