Kỹ nghệ bạc cung đình triều Nguyễn

Vào thời Nguyễn (1802 – 1945) nghệ thuật chế tác bạc cũng rất được chú trọng nhằm phục vụ nghi lễ triều đình và đồ nhật dụng hoàng gia. Từng sản phẩm khi hoàn thiện đều là tuyệt tác kỹ nghệ.

Bạc trang sức của người miền cao ra đời từ ngàn xưa, nhưng ở miền đồng bằng, đất kinh kỳ, nghề thợ bạc có xuất phát khá muộn. Tương truyền vào năm 1790, vua Quang Trung lập Cơ vệ Ngân tượng và thâu nhận Cao Đình Độ và con là Cao Đình Hương về nghiên cứu, chế tác trang sức cung đình cho triều Tây Sơn. Khi Nguyễn Ánh chiếm lại đất Thuận Hoá, lập nên triều Nguyễn (1802) lấy hiệu là Gia Long, những gì liên quan đến Tây Sơn đều bị xóa bỏ, riêng Cơ vệ Ngân tượng được duy trì, và các nghệ nhân ở Cơ vệ ấy vẫn được lưu dụng. Cao Đình Độ giữ nguyên chức Lãnh binh từ triều Tây Sơn. Đây là việc làm vô tiền khoáng hậu, cũng cho thấy tầm quan trọng của nghề thợ bạc trong đời sống cung đình và sự trọng dụng nhân tài của triều Nguyễn.

Kỹ nghệ bạc cung đình triều Nguyễn 1

Rồng mặt nạ qua lối chạm tinh xảo trên nền bạc triều Nguyễn.

Kỹ nghệ bạc cung đình triều Nguyễn 2

Trúc hóa long cài trong đồ án Long hàm phúc, một thiết kế theo điển tích quen thuộc.

Kỹ nghệ bạc cung đình triều Nguyễn 3

Nắp hộp xi đánh giày với hình rồng được chạm nổi, thể hiện mạnh mẽ, oai vệ.

Lư hương thời Nguyễn

Lư hương thời Nguyễn, trang trí rồng – lân qua các kỹ thuật chạm, đậu trên nền bạc.

lưỡng long triều nhật

Đề tài lưỡng long triều nhật trang trí trên thành hộp đựng nữ trang.

Từ sau đó, nhà Nguyễn tiếp tục duy trì trưng tập công tượng (thợ thủ công) giỏi nghề khắp nơi về kinh đô, phiên chế vào các nhóm thợ cùng nghề, gọi chung là “tượng cục” do quan xưởng quản lý để phục vụ triều đình. Cũng từ mô hình “tượng cục”, nghề thợ bạc phát triển mạnh, “ngân tượng cục” triều Nguyễn hoạt động xuyên suốt, có quy định rõ ràng từ chuyện mua nguyên liệu đến chế tác. “Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ” có viết: Gia Long năm thứ 18, triều đình quy định: “Gia Định mua nộp bạc, mỗi phiến cân nặng hơn 7 tiền, giá 1 quan 6 hoặc 1 quan 7 tiền”. Việc định lượng sản xuất triều Gia Long quy định: “Bạc công chế làm mâm cổ bồng khắc rồng phượng, lại mài đánh tốt đẹp, những bạc khắc ra đúng lệ mỗi hốt trừ hao 3 đồng cân. Còn mài và đánh bóng mỗi hốt trừ hao 1 đồng”. Đồ bạc cung đình không đột phá về thiết kế, trang trí, nhưng trình độ gia công vô cùng cao bởi tay nghề tượng nhân đã ở mức thượng thừa.

Ngân tượng cục sản xuất sản phẩm nhật dụng cho hoàng triều, từ chậu, bình, lọ, ống nhổ, đến ấm, chén, đĩa, gạt tàn, văn phòng tứ bảo, hộp nữ trang, các loại khay… tất cả được chạm khắc tinh xảo – một đặc trưng riêng trong mỹ thuật thời Nguyễn. Triều Nguyễn lưu dấu người có công khai sáng ngành kim hoàn việt là đệ nhất tổ sư Cao Đình Độ (1744 – 1810) và con trai, đệ nhị tổ sư Cao Đình Hương (1773 – 1821). Đề tài trang trí tuân theo quy định hoàng triều, dễ nhận diện là hình tượng rồng, từ lưỡng long triều nhật, lượng long tranh châu, cho đến song long ẩn vân, long hí thủy, lưỡng long triều phúc… nhưng đều phải theo niêm luật, quy chế chặt chẽ, do vậy, để tạo nên sản phẩm có tính “sáng tạo”, hay “đột phá” trong kỹ nghệ chế tác bạc cung đình là điều không đơn giản.

Hộp hiệu đề “Nguyễn”

Hộp bạc hiệu đề “Nguyễn” với hình tượng rồng chầu.

Kỹ nghệ bạc cung đình triều Nguyễn 4

Bàn chải đánh giày với thiết kế hình rồng giun khác lạ.

Dụng cụ đón gót và móc dây giày

Dụng cụ đón gót và móc dây giày cũng được chạm nét công phu.

Kỹ nghệ bạc cung đình triều Nguyễn 5

Tinh tế, chuyên sâu vào tiểu tiết là điểm quen dễ nhận trong chế tác bạc cung đình.

Trong số sản phẩm bạc nhật dụng triều Nguyễn, bộ dụng cụ đánh giày của vua Bảo Đại giới thiệu trong chuyên san lần này là số ít được chế tác đặc biệt. Bộ đồ bạc có 9 món, gồm 2 hộp bột xi, 5 bàn chải, 1 móc dây giày và 1 đón gót giày mặt ngà cán bạc… tất cả đều chạm đề tài lưỡng long. Rồng ở đây thể hiện gương mặt oai vệ, tinh xảo, riêng phần thân tạo hình tuy đơn giản, nhưng chi tiết là lớp vảy và phần nền thể hiện sự kỳ công – chạm không chừa một nét trống. Chỉ giản đơn là bộ đồ đánh giày, nhưng cũng đủ để tượng nhân phô diễn kỹ nghệ chạm bạc kinh điển, đẹp tiêu biểu trong kỹ nghệ bạc thời Nguyễn.

Thực hiện chuyên đề: Nguyễn Đình | Hiện vật của: Hội cổ vật TP.HCM


Xem thêm

Đưa kỹ thuật chế tác bạc vào trà cụ

Thiên nhiên trên trang sức miền cao

Xứ sở thần tiên bên trong cửa hàng trang sức của Irene Neuwirth