Vẻ đẹp của bê tông trong Chủ nghĩa Thô mộc

Với đặc trưng lặp đi lặp lại các mô đun thiết kế, những công trình bê tông theo Chủ nghĩa Thô mộc gây ấn tượng mạnh mẽ và trường tồn theo thời gian.

Brutalism – Chủ nghĩa Thô mộc được sản sinh từ Phong trào Kiến trúc Hiện đại. Với sự khan hiếm về vật liệu, suy thoái kinh tế và vô vàn các hậu quả tàn phá khác trong những năm sau Thế chiến II. Phong cách kiến trúc này có thể nhận biết qua đặc trưng về vật liệu bê tông, đã dần nổi lên như một giải pháp thiết kế hoàn hảo cho các mô hình nhà ở chi phí thấp và các công trình công cộng.

brutalism chu nghia tho moc be tong xi mang

Tòa án Tối cao Úc – một biểu tượng cho kiến trúc theo Chủ nghĩa Thô Mộc. Ảnh: Tư liệu

Sự mộc mạc của chất liệu

Chủ Nghĩa Thô Mộc – Brutalism không xuất phát từ nghĩa “tàn bạo” (brutal trong Tiếng Anh) mà có nguồn gốc từ béton brut (bê tông thô) – một thuộc tính vật liệu đặc trưng của kiến trúc Thô Mộc. Vào những năm 1920, kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Le Corbusier đã tiên phong đặt nền móng cho một dạng kiến trúc được đặc trưng bởi những khối bê tông thô đơn giản – đây chính là hình ảnh thu nhỏ của nền kiến trúc Chủ Nghĩa Hiện Đại.

Đối với những người theo đuổi Chủ nghĩa Hiện đại, xi măng là một loại vật liệu tương lai có thể thực hiện hóa ước mơ không tưởng của họ về nhà ở tập thể và công cuộc đổi mới đô thị. Với tính chất linh hoạt nhưng chắc chắn và bền bỉ, bê tông thô kết hợp với các hình thức kiến trúc đơn giản và kết cấu lộ thiên chính là sự thể hiện trung thực nhất cho mơ ước của họ.

chu nghia tho moc cong trinh be tong le corbusier

Tòa nhà quốc hội Ấn Độ – được thiết kế bởi kiến trúc sư Le Corbusier. Ảnh: Tư liệu

Với ưu điểm về sự độc đáo và đa dạng của chất liệu, sẽ không bao giờ có hai mặt bê tông nào có chất cảm và màu sắc giống nhau. Bên cạnh đó, những bức tường bê tông còn mang theo vẻ đẹp tinh tế khi được kết hợp với ván khuôn gỗ hoặc kỹ thuật phun cát, nhằm tạo ra những bề mặt sần sùi hấp dẫn. Tuy nhiên, dù sở hữu vô vàn ưu điểm về mặt thẩm mỹ và chất cảm, loại vật liệu này vẫn mang một số nhược điểm. Tất cả những công trình Brutalism đều cần được bảo trì thường xuyên bởi tình trạng xuống cấp. Sau một thời gian sử dụng, đa số các tòa nhà này sẽ xuất hiện những vết ố màu nâu rỉ ra từ các mối nối do cốt thép gia cố bằng kim loại bị rỉ sét từ bên trong lớp bê tông. 

cong trinh toa nha van phong chu nghia tho moc brutalism

Tòa nhà văn phòng Callam, Úc. Ảnh: Tư liệu

Sau Thế chiến II, với sự ra đời của cốt thép kim loại, bê tông trở nên phổ biến rộng rãi hơn và có kết cấu chắc chắn hơn. Sau đó, Brutalism nổi lên như một hiện tượng toàn cầu. Từ những  tổ hợp nhà ở tập thể của Khối Xô Viết đến các dự án nhà nước phúc lợi Tây Âu, Brutalism đã trở thành một giải pháp hiện đại, hiệu quả với mức giá phải chăng cho mô hình nhà ở tập thể. Kiểu kiến trúc này cũng dần trở thành một phong cách được ưa chuộng cho các công trình công cộng, đặc biệt là các tòa nhà hành chính chính phủ, khu phức hợp văn hóa, trường học, trường đại học và bệnh viện.

thu vien cong trinh kien truc chu nghia tho moc brutalism be tong

Thư viện Geisel tại Đại học California, Mỹ. Ảnh Tư liệu

Cách tiếp cận đạo đức

Trong ấn bản năm 1957 của Architectural Design, kiến trúc sư Alison và Peter Smithson đã  lập luận rằng Brutalism không đơn thuần là một phong cách:

“​Chủ nghĩa Thô mộc đang cố gắng đối mặt với một xã hội sản xuất hàng loạt. Nó tạo nên những thủ pháp thi vị giữa những thế lực mạnh mẽ và hỗn loạn ngoài kia. Mãi đến nay, Brutalism vẫn luôn được đem ra thảo luận về mặt phong cách, trong khi bản chất của nó là đạo đức.”

Một trong những công trình nổi tiếng nhất của Peter Smithsons là Robin Hood Gardens – một dự án nhà ở công cộng cao tầng tại London được hoàn thành vào năm 1972. Nó được xem là hình mẫu lý tưởng cho Chủ nghĩa Thô mộc ở Anh. Khía cạnh đạo đức của nó chính là cách tiếp cận mới đối với thể loại nhà ở tập thể, với các căn hộ rộng rãi và những khoảng hành lang lùi rộng 2 mét xuất hiện cách 3 tầng lầu, trải dài khắp xuyên suốt các dãy nhà. 

chu nghia tho moc brutalism be tong kien truc

Ảnh chụp công trình Robin Hood Gardens vào năm 2017 trước khi bị phá dỡ. Ảnh: Tư liệu

Trong những năm 1960 và 1970, Brutalism đã trở thành một hiện tượng kiến trúc toàn cầu. Với tính chất ít nhượng bộ về khí hậu và điều kiện địa phương, vô vàn các khối nhà bê tông được xây dựng ở nhiều nơi như Singapore, Sao Paulo… Chủ nghĩa Thô mộc trong thế giới hậu thuộc địa mang theo chức năng kinh tế, khiến các quốc gia mới có vẻ tiến bộ hơn.

chu nghia tho moc brutalism kien truc tran nha

Với sự ảnh hưởng của kiến trúc Thô Mộc ở Úc vào những năm 60s, vô vàn các công trình được ra đời. Hiện nay, phòng trưng bày nghệ thuật Western Australia đang tổ chức kỷ niệm 40 năm thành lập với triển lãm Perth Brutal: Dreaming in Concrete.

Sự hồi sinh của “quái vật” Brutalism

Tiến vào thập niên 80s, kiến trúc Thô mộc dần bị bỏ lại, chính bởi vì cảm giác lạnh lẽo và khắc khổ trong không gian mà nó tạo nên, gợi nhắc người ta nhớ đến một thế giới màu xám, thực dụng và chuyên chế. Anthony Daniel – một tác giả người Anh, đã gọi bê tông trong kiến trúc Brutalism là “quái vật”. Ông cho rằng những tòa nhà bê tông của Le Corbusier hoặc lấy cảm hứng từ Le Corbusier chỉ là những thứ “vỡ vụn, rỉ nước và mục nát”, phá hỏng cảnh quan xinh đẹp xung quanh.

blade runner brutalism chu nghia tho moc phim

Lấy cảm hứng từ Brutalism, bộ phim Blade Runner 2019 đã tái hiện một thành phố tương lai với vô số các tòa nhà từ bê tông. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, vào những năm gần đây, Brutalism đã dần dà quay trở lại với nhiều cách xuất hiện khác nhau, từ kiến trúc, thiết kế sản phẩm đến thời trang, âm nhạc,… Tiêu biểu như bộ sưu tập Dystopian Brutalist của nhà thiết kế người Hà Lan Martijn Van Strien, với những đường cắt xẻ táo bạo mang tính hình học cao. Đối với những người đam mê trượt ván, nghệ sĩ graffiti và người tập parkour, bề mặt bê tông của các công trình mang phong cách Thô mộc luôn mang đến cho họ sự yêu thích theo những cách sáng tạo khác biệt. Trong khía cạnh điện ảnh, kiến trúc Thô mộc cũng thường xuyên xuất hiện trong những bộ phim khoa học viễn tưởng đen tối – từ A Clockwork Orange đến Blade Runner 2049. Bản chất trắng – đen – xám vốn có của Brutalism có lẽ đã được đa dạng hóa và phối sắc nhiều hơn trong hiện tại, mang lại những điều bất ngờ.

Thực hiện: Vân Thảo | Theo: The Conversation


Xem thêm

Kiến trúc Art Deco: Vẻ đẹp kinh điển và sức hấp dẫn trường tồn

Phong cách Mid-Century Modern: Vẻ đẹp vượt thời gian

Kiến trúc Brutalism truyền cảm hứng cho thiết kế giày