Mơ giấc “Phồn” cùng Lê Anh Vũ

Trong vô số những triển lãm kín lịch trên họa đàn Việt, mỗi sự kiện trình làng đều có tứ đích riêng. Ngoài câu chuyện nghệ thuật, thị trường, chơi cho vui, hoặc chí ít là thêm một dòng thành tích hành nghề, số triển lãm khiến người ta phải xem – nghĩ – ngấm – sướng thì không nhiều. “Phồn” – một tập hợp các cao thủ điêu khắc và hội họa cùng chơi với gốm, thuộc số ít triển lãm làm được điều này.

“Phồn” là tên gọi triển lãm diễn ra ở không gian Bát Tràng Ceramic Art Space (CAS) – do điêu khắc gia Lê Anh Vũ sáng lập từ 2018. Phồn của 2024 tụ những tên tuổi điêu khắc và hội họa Việt như Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh, Lê Lạng Lương, Phạm Hà Hải, Nguyễn Xuân Lục… Đứng trước Phồn, bạn có thể thấy ở đó sự tồn hiện rõ nét những biểu hiện ngồn ngộn, đậm nét phồn thực. Đề tài xuyên suốt không gian là thế, cách thể hiện cũng rất “phồn” qua nét, hình, khối, chuỗi, cốt, men… Nhưng đằng sau tên gọi triển lãm, Phồn mở ra nhiều hướng đi mới thú vị cho nghệ thuật điêu khắc trên chất liệu chuyên biệt là gốm.

trien lam gom phon do co

Không gian triển lãm Phồn II ở đầu 2024 ở CAS là một tập hợp nhiều tên tuổi điêu khắc và hội họa Việt.

Ở tổng thể, mỗi nghệ sĩ mang đến Phồn một tư duy nghệ thuật đã định hình trong quá trình sáng tạo xuyên suốt. Lấy Lê Anh Vũ làm ví dụ, những “vòng tuần hoàn”, rồi “adam”… (tên gọi các tác phẩm gốm điêu khắc của Lê Anh Vũ), yếu tố hình – khối – nét mang hiệu ứng thị giác của tối giản, kiệm lời, trầm mặc. Cốt là gốm, qua kỹ thuật xử lí men, ta thấy ở đó phảng phất những nét mạnh mẽ, chắc khỏe, rắn rỏi của ngôn ngữ điêu khắc như trên chất liệu kim khí mà điêu khắc gia Lê Anh Vũ thường thể hiện trong hành trình sáng tác từ những năm 2010.

Đi len vào Phồn, những ngôn ngữ diệu kỳ đến khác lạ của gốm được bộc lộ, dễ thấy nhất là ở góc độ vượt qua ranh giới hạn định của chất liệu. Nhiều tác phẩm gốm mà như không phải gốm. Ý hình ấy khiến cho người xem phải nghĩ khác về gốm, và hiểu hơn rằng gốm làm được rất nhiều điều, đặc biệt với nghệ thuật đương đại.

trien lam do gom le anh vu phon

Một tác phẩm của Lê Anh Vũ.

Tạo lập không gian CAS cùng những chủ đề thường niên về gốm, Lê Anh Vũ bày tỏ: “Tôi quy tụ những điêu khắc gia, bạn bè nghệ sĩ đến với gốm và mong muốn hoạt động một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, mang lại hiệu ứng tích cực, xa hơn là để gốm đương đại cùng những sáng tạo của nghệ sĩ đến gần với người yêu gốm và yêu nghệ thuật”.

Ở khía cạnh nghề gốm, những hội ngộ sáng tác, triển lãm của nghệ sĩ là hoạt động tạo nên sự kết nối xuyên suốt giữa nghề truyền thống, giữa kỹ thuật của sản xuất thủ công và tư duy sáng tạo mang tính nghệ thuật. Khi đặc thù của nghề gốm là gắn với kỹ thuật, từ cốt, men, trang trí, đến lửa lò, điểm yếu của thợ sản xuất là tính sáng tạo ra sản phẩm mới. Bù lại khiếm khuyết ấy, nghệ sĩ điêu khắc hay hội họa có khả năng sáng tạo đa dạng, nhiều ý tưởng, nhưng chỉ mang thế mạnh ở riêng chất liệu mình đang dùng, chuyển vào gốm lại dễ vướng vì không nắm vững kỹ thuật. CAS ra đời, nhằm giải quyết những “nan giải” bấy lâu cho cả đôi bên.

Với lợi thế nghề gốm gia truyền, lợi thế đào tạo bài bản đến nâng cao trong hành trình nghệ thuật, lợi thế va chạm thực tế trong quá trình giảng dạy ở ĐH Mỹ thuật Công Nghiệp, Lê Anh Vũ mở ra cuộc chơi với gốm điêu khắc. Những chuyển thể sáng tác từ chất liệu kim loại vào gốm của Lê Anh Vũ thật mượt mà, vẫn là đồng ngôn ngữ sáng tác, đồng sắc màu đến nỗi có thể đánh lừa được cả thị giác nhưng lại gây bất ngờ với người xem khi chạm vào gốm để ồ à rằng: “Đây là gốm chứ không phải kim loại”.

trien lam phon le anh vu

Tác phẩm từ chất liệu gốm sa mốt phủ men trên chất liệu kim loại quen gặp ở Lê Anh Vũ.

Kinh nghiệm và vốn sống cá nhân của Lê Anh Vũ, khi triển khai vào CAS, như chìa khóa khai mở tinh thần kết nối, sáng tạo của đồng nghiệp. Mọi người mạnh dạn đến với gốm, ý tưởng thì ngồn ngộn trong đầu, muốn thể hiện ra, Lê Anh Vũ cùng đội ngũ thợ nghề của xưởng gốm gia đình giúp hóa giải những lấn cấn, vướng mắc, để từ ý tưởng cho đến thành quả là cung đường không thể ngắn hơn, kinh phí, thời gian, công sức lao động cũng giới hạn mức tối thiểu.

Phồn chỉ là một ví dụ trong chuỗi hoạt động của CAS. Các tác phẩm hiện diện trong Phồn cũng chỉ là những ví dụ cụ thể về sự vận dụng tính sáng tạo vào chất liệu gốm qua ngôn ngữ điêu khắc. Từ chuỗi tác phẩm ấy, nhìn xa hơn, đúng với quan điểm gốm không chỉ là gốm nữa, gốm không còn dừng ở giới hạn sản xuất đồ gia dụng, gốm xây dựng, gốm sân vườn… như đang đầy mứa trên thị trường, mà gốm được chọn làm phương tiện truyền tải ý niệm thành tác phẩm, qua đó, vị thế và kể cả giá trị của gốm, đạt đến một cảm nghiệm khác.

CAS là mô hình có thể tối ưu hóa những thế mạnh của làng nghề truyền thống và tư duy thẩm mỹ, sáng tạo của nghệ sĩ. Sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý và gắn kết giữa nghệ sĩ – nghệ nhân, giữa thợ thủ công – tư duy sáng tạo nghệ thuật, mang lại những kết quả ngoài mong đợi. Gốm vẫn là gốm, nhưng chất Phồn thực sự đang được sinh sôi. Ngày càng nhiều mô hình lò gốm kết hợp với nghệ sĩ sáng tạo, ngày càng nhiều nghệ sĩ ở đủ mọi phong cách tìm đến với gốm. Giấc mơ Phồn của Lê Anh Vũ, nay không còn là mơ, để điêu khắc Việt, gốm Việt, có thêm nhiều tự hào để xem – nghĩ – ngẫm và… sướng.

Bài và ảnh: Nguyễn Đình 


Xem thêm

Gốm Việt và những sắc thái riêng biệt

Đào – Vớt – Bờ trong thế giới cổ ngoạn (Phần 2)

Triển lãm White Blank – mượt mà & nguyên sơ