Triển lãm “Nocturne” của hoạ sĩ Đặng Dương Bằng: Có một Hà Nội đẹp bởi nhớ thương

Ký ức của một người xa Hà Nội được ký gửi từng lần qua nghệ thuật, nhờ năm tháng mà dày lên và đậm nét. Triển lãm “Nocturne” là một ký ức vừa đồng dạng vừa riêng tư, mở ra một Hà Nội thân thuộc của mọi người mà cũng rất đỗi thân mật của cá nhân qua mỹ cảm truyền thống Việt kết hợp với cái tôi nghệ thuật từ họa sĩ Đặng Dương Bằng.

Đặng Dương Bằng sinh năm 1951 tại Hà Nội, là Giáo sự về Công nghệ Nano trong ngành An toàn Thực phẩm tại Đại học Bách khoa Copenhagen, Đan Mạch. Nhưng với công chúng, ông lại được biết đến nhiều hơn với vai trò là một hoạ sỹ với mỹ cảm Đông Dương, kỹ thuật hiện đại và những sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân.  Sinh sống và làm việc tại Leiden (Hà Lan) từ 1990, và định cư tại Copenhagen (Đan Mạch) từ năm 1999, Đặng Dương Bằng đã có 40 triển lãm cá nhân tại Copenhagen, Paris, Amsterdam, Leiden, London, New York, Tokyo, Seoul, Melbourne.… Hơn 3000 tác phẩm đã được sáng tác và thuộc những bộ sưu tập tư nhân tại: Đan Mạch, Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Úc, Canada và Hoa Kỳ. Năm 2019, triển lãm solo đầu tiên của ông tại Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh – “Bến mơ”. 

hoa si dang duong bang

Hoạ sĩ Đặng Dương Bằng. Ảnh: Tư liệu

“Nocturne” 2024 là sự kiện đánh dấu nửa thế kỷ hội hoạ của Đặng Dương Bằng. Đây cũng là triển lãm đầu tiên của ông trên mảnh đất quê hương Hà Nội, sau gần bốn thập kỷ sinh sống và làm việc tại Châu Âu. Đây cũng là dịp để ông giới thiệu cuốn hồi ký về cuộc đời và nghệ thuật của mình: “Thương nhớ 13”, được viết song ngữ Việt-Anh và trình bày ở dạng artbook, gói trọn chân dung người nghệ sĩ hào hoa của một Hà Nội cũ. 

Với 37 tác phẩm, được tuyển chọn trong giai đoạn sáng tác 2020-2024, triển lãm đã bóc tách từng lớp ký ức khắc khoải đầy ngọt ngào của con người xa xứ tài hoa về Hà Nội với mỹ cảm rất riêng tư. Là Hà Nội trong trẻo, rộn rã của tuổi thơ, là Hà Nội với dáng hình thân thuộc, là Hà Nội với nỗi nhớ sâu kín,… “Tôi bắt đầu sự nghiệp hội hoạ năm 1974 với tư cách là Hội viên hội Mỹ thuật Hà Nội. Sau đúng 50 năm, Nocturne là sự tri ân của tôi dành cho Hà Nội, quê hương yêu dấu, hình ảnh luôn ngự trị trong trái tim, trong giấc mơ và trong từng nét bút của những đêm không ngủ”-Họa sĩ Đặng Dương Bằng.

trien lam nghe thuat nocturne dang duong bang

Không gian triển lãm “Nocturne”.

Hà Nội của những mùa hoa, mùa lễ hội

Ký ức của một người xa xứ được miệt mài ghi nhớ bằng nét hình rất nhiều tầng bậc, lớp lang nông sâu với nhiều khoảng thời gian khác nhau của năm tháng con người. Ở độ hoa niên tươi giòn, lớp ký ức miền ngoài của Đặng Dương Bằng nồng rực không khí miền Bắc mùa lễ hội. Là sắc Tết nền nã mà sinh động bày biện thỏa mắt nhìn. Tựa vài thước phim vẽ bằng chất màu Á Đông nồng ấm chầm chậm quay về ngày ấu thơ, đôi mắt tròn xoe, sáng trong của Bằng giữa tiết trời Hà Nội vào xuân thu vén đầy sắc hương vị: mâm hoa quả xứ nhiệt đới no nắng thơm ngọt, bình ấm men trắng ngà tô vẽ hoa văn rồng phượng xanh ngọc bích man mát, dáng hoa đương độ bung nở mạnh mẽ, hương thoảng lẫn vào vị trà trầm tĩnh, thơm tho… 

tinh vat tet tranh nghe thuat nocturne

Bức “Tĩnh Vật Tết” (Mừng Xuân Giáp Thìn số 15).

Và Hà Nội trong trí nhớ của Đặng Dương Bằng có những sắc xuân mơn mởn, có cả không khí náo nhiệt mùa thu, của đêm hội Rằm Tháng Tám. Ngạc nhiên thay, khác với bảng màu rực rỡ của Tết, Trung Thu trong tranh ông lại thiếu hẳn sắc sáng tươi, cũng chẳng có đâu ông phỗng bằng giấy bản, tò he ngộ nghĩnh hay mâm ngũ quả thơm bột nếp, đèn ông sao giấy kiếng lấp loáng,… mà vẫn đẹp đẽ, hồn nhiên đến ngỡ ngàng. Trên lớp giấy nâu sờn nhàu nhĩ là những cô cậu bé với gương mặt non nớt, má ửng đỏ hồng, tay và chân khấp khởi trong điệu múa đêm trăng. Đây là Trung thu của trẻ con Hà Nội ngày ấy, Trung thu của bom đạn chiến tranh, đơn sơ và thiếu thốn đủ điều nhưng vẫn đong đầy câu hát, điệu nhạc và bè bạn. Có lẽ, đây là ký ức dẫu không đủ sắc màu nhưng vẫn tươi vui, là hạnh phúc mà họa sĩ Đặng Dương Bằng luôn nhung nhớ mỗi dịp Trung thu nơi xứ người.

vui tet trung thu hoa si dang duong bang nocturne trien lam

Bức “Vui Tết Trung Thu”.

Ta thấy được rõ nét cảm thức mỹ thuật dân gian Việt khỏe khoắn, trong sáng đậm đà trong những tác phẩm mùa lễ hội của Đặng Dương Bằng bởi sự xuất hiện của màu hồng đào, đỏ lóe, vàng son, xanh biếc,…, trong nét vẽ dày đậm mà mềm mại hay tạo hình dung dị, giản lược nhưng có hồn. 

Hà Nội của dáng kiều thơm

Nỗi nhớ của một người không đơn giản chỉ lẩn khuất trong những đồ vật từng dùng, trong nơi ta từng sống, nỗi nhớ còn ký thác vào những người thương mến, người ta nhớ đất đôi khi cũng chỉ vì nhớ người. Họa sĩ Đặng Dương Bằng cũng chẳng thể thoát được vòng quẩn quanh của nỗi nhớ, Hà Nội không chỉ là những ký ức sáng trong, tươi màu của tự nhiên vốn có, Hà Nội còn có bóng hình mến yêu của mẹ hay bay bổng hơn là nét yểu điệu của phụ nữ đất kinh kỳ. 

dang kieu thom hoi hoa viet nam dang duong bang

Bức “Dáng Kiều Thơm 1”.

“Nếu Hà Nội là một con người, thì đó là người như thế nào?” và tất cả mọi câu trả lời của ông đều quy về người phụ nữ. Có lẽ vì vậy mà ông ưu ái để dáng hình phụ nữ chiếm giữ trong các tác phẩm của mình với tà áo dài e ấp, dịu dàng. Bởi được ảnh hưởng một phần bởi bóng dáng của người mẹ kính yêu, nỗi nhớ về những kỷ niệm trọn vẹn và ấm ấp trong nếp nhà xưa cũ. Và còn là bởi ký ức được nhân hóa của chính nghệ sĩ về Hà Nội: đẹp mặn mà, yêu kiều và đầy âu yếm. Một tình yêu rất đỗi yên bình, da diết tựa như đôi mắt khép hờ mơ màng trong những tác phẩm của ông. 

ta ao tim dang duong bang hoi hoa trien lam nocturne

Bức “Tà Áo Tím số 2”.

Tranh ông không có sự ngây ngô, tươi trẻ của thiếu nữ mà đằm thắm và giàu sức sống của phụ nữ ở thời điểm chín muồi. Đặng Dương Bằng đã dung hợp được chất Á Đông lúng liếng và sự phóng khoáng của Tây phương hiện lên sang trọng, đậm nữ tính, cổ điển xuyên suốt. Với cách phô diễn những dáng hình mơn mởn, gợi cảm song song cùng số lượng hoa dày đặc đương độ bung tỏa rực rỡ nhất, đây là phép chiếu cho tư tưởng văn hóa tín ngưỡng phồn thực của người Việt đi sâu vào tâm khảm nghệ sĩ: đề cao sức sống, sự trường tồn, nảy nở và đủ đầy.

Hà Nội của đêm sen trắng

Nỗi nhớ của một người xa xứ còn thấm tận vào trong vô thức, giữa những đêm mơ về sáng xứ cực Bắc. Là nỗi nhớ lẫn hơi thở thiêm thiếp, lẫn cánh tay trẻ thơ tròn trịa, quờ quạng giữa làn nước đêm, nhành sen chắc khỏe của đêm sáng trăng. Là lần hút chết ở hồ sen sau nhà họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vì ngây ngô tin vào lời truyền miệng dân gian “Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi”. Sen và chuồn chuồn cũng nhờ thế mà tự nhiên đi vào tranh Đặng Dương Bằng. 

Chuồn chuồn cánh mỏng, nhỏ nhắn, điểm nhẹ lên sự sống mãnh liệt của sen. Mà sen của Đặng Dương Bằng cũng thật lạ lùng, nét thanh khiết vẫn xuất hiện nhưng hơi mờ nhạt, nhường cho sự sống khỏe khoắn đến khó tin. Đường nét dày, các bộ phận hoa được mô tả tỉ mỉ, rất mực chi tiết, sắc trắng thanh thoát, chiếm trọn sự thu hút với nền tranh đơn màu đậm nét và không thể thiếu sự tròn đầy của trăng sáng. Tranh sen của Đăng Dương Bằng đơn bạc, tĩnh lặng, nhưng kiên cường và linh thiêng, một biểu trưng của đạo Phật, của sức mạnh ý chí, của sự nâng đỡ hàn gắn những nỗi đau. Như một nhà phê bình nghệ thuật đã tán dương: “Hoa sen – một loài hoa Á đông với vẻ đẹp đầy chất Thiền đã kết nối trái tim nhân loại”.

hoa sen tranh nghe thuat trien lam nocturne

Bức “Hoa Sen số 3”.

Hà Nội trong mỹ cảm của chất liệu truyền thống và những điều bình dị

Xa Hà Nội, xa quê hương 33 năm nhưng chất Việt vẫn đong đầy trong Đặng Dương Bằng. Sống giữa những hiện đại, tân tiến của châu Âu, ông vẫn trăn trở và mê đắm với nét sơn mài truyền thống. Với tư duy của một nhà khoa học, ông đã luôn thử nghiệm để có thể thực hiện hóa được giấc mơ sơn mài ở trời Tây với đầy những thử thách. Ánh sơn mài thoát khỏi những tấm vóc dày của gỗ để mài lướt trên những trang giấy báo, trên vải bồi giấy báo, vẫn lung linh và dịu dàng, dung chứa đầy đủ tinh thần Á Đông truyền thống nhưng cũng không kém phần canh tân, mới mẻ.

Những trang giấy của ông cũng là điều đặc biệt, không phải là những lớp giấy với chất lượng hoàn hảo, ông yêu thích việc thu thập những chất liệu tưởng chừng đã bị vứt bỏ như vé tàu, bìa hộp bánh pizza, giấy nâu gói bánh mì,… Những dòng tin của tờ nhật báo hay những hình ảnh cố tình không bị phủ kín màu hoàn toàn, lịch sử của từng khoảnh khắc dẫu bình dị nhất vẫn được ông trân trọng và gìn giữ bởi: “Đó là cuộc đời không bỏ đi của một tờ báo cũ, nó đã được sử dụng để làm nghệ thuật.” Với ông sức sáng tạo của người nghệ sĩ là không ở những điều sẵn có hay sang quý mà có thể khám phá được những cái đẹp bị phong kín và kỳ diệu hơn là tạo ra cái đẹp một cách tự thân từ những thứ bị bỏ đi. Chính nhờ việc đeo đuổi với nhiều chất liệu đặc biệt đã giúp Đặng Dương Bằng tìm ra “cái tôi” nghệ thuật không trộn lẫn của ông trong hàng ngàn nghệ sĩ khác. Mỗi tác phẩm được tái sinh với cuộc đời mới độc bản và đẹp đẽ đến lạ thường.

cho em mot ngay tranh dang duong bang trien lam nocturne

Bức “Cho Em Một Ngày số 4”.

Hà Nội, Hà Nội, Hà Nội,…

Chỉ hai thanh âm mà nén chặt cả bao bộn bề thương nhớ gom góp hơn nửa đời của người xa xứ. “Nocturne” của Đặng Dương Bằng là Hà Nội được miêu tả ở nhiều bình diện, là một chuỗi dài của ký ức từ ấu thơ đến hiện tại của người đã chạm chân ở quê hương mà nỗi nhớ vẫn thiết tha không thôi. Và khi được bóc tách bằng nghệ thuật, nỗi nhớ đẹp đẽ ấy… lan rộng đến vô cùng.

Thông tin sự kiện:

“Nocturne” 2024 được sự phối hợp tổ chức của Ginger Gallery – đơn vị đại diện của hoạ sĩ và đơn vị tổ chức Gate Gate Gallery.

Triển lãm diễn ra từ 24/10 đến hết 10/11/2024 tại Gate Gate Gallery – 55 Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội. 

Thời gian: 10:00 – 19:00 từ Thứ Ba đến Chủ Nhật

Thực hiện: Saya Nguyễn | Ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Bụi Tinh Vân: Vũ trụ sơn mài của họa sĩ Đinh Quân

Tranh sơn mài Trần Phúc Duyên: Nhất phiến tài tình, hai con hạc trắng…

Triển lãm hồi cố “Họa Duyên Tương Ngộ” của họa sĩ Trần Phúc Duyên