Triển lãm White Blank – mượt mà & nguyên sơ

Cánh hoa trắng mong manh, đài hoa sâu thẳm mọc lên từ củ thô nhám và ngát hương là những nét thơ mộng của loài hoa thủy tiên trong ngày Tết âm lịch tại Hà Nội, nó dễ đưa người ta vào một linh cảm tương lai bí ẩn, vô chừng. Đó là những cảm xúc quyến rũ tôi khi đến triển lãm “White Blank” của Trần Nữ Yên Khê, chiêm ngưỡng những tác phẩm nhẹ nhàng đưa kẻ nhìn vào một tâm hoa xa xôi… để khám phá cảm giác về màu trắng và sự trống rỗng.

Sắc trắng nguyên sơ trải lên mềm mại ngỡ như vải, lại hóa cứng bởi bản thân vật liệu. Triển lãm White Blank tái tạo những hốc sâu mài mòn của địa chất ven biển, hay lòng của những con sông băng và những tảng băng khổng lồ, chúng gợi nhắc quang cảnh lạ lùng khi sự mềm mại vô chừng của nước qua thời gian lại có thể khiến đá, khiến khoáng thể mòn đi mà phơi lộ ra những vết lạ lùng mang hương vị của cả sự hủy diệt lẫn sự tĩnh lặng. Có lẽ bởi tất cả các biến động thiên nhiên kia đều đã qua đi chỉ còn lại các dấu vết ẩn tàng chìm trong tĩnh mịch, một sắc trắng nguyên sơ? Có lẽ đây là lý do khiến chị Yên Khê chia sẻ về tác phẩm trong triển lãm rằng: “Tạo hình cầu kỳ của những điêu khắc này khơi gợi sự phức tạp của cây cỏ và đại dương, cũng như cái nguyên sơ của hang động, dấy lên dòng cảm xúc và thôi thúc trong sắc trắng, thông qua tương phản và giản lược, hàm chứa và vẫy gọi vào một trải nghiệm tĩnh lự”.

Tất cả những hiện tượng trên đều đến từ việc nước biến mất khỏi đá, khỏi lòng băng, sự mềm mại để lại những khoảng trống, những vết tích hàng triệu năm yên tĩnh cho đến khi có kẻ lữ hành đưa ánh sáng vào soi tỏ chúng, đánh thức chúng, để màu trắng “hiện hình”. Tác phẩm của Yên Khê dùng sắc trắng như một yếu tố nền tảng để chỉ một ý niệm về cái gì đó vốn đã luôn “sinh-diệt” trong nước và đá, băng mà chẳng cần con người biết đến, bởi sự thán phục trước chúng chỉ đơn thuần là bản năng của sinh linh trước cõi vô tận. Và vô tận, giữa những tầng mây trắng không giới hạn có thiên đàng…

Triển lãm White Blank yen khe tranh nghe thuat duong dai

Tác phẩm BCD.22

Từ sắc trắng thiên nhiên đến sắc trắng cõi thiêng liêng, sắc trắng tuyền tuôn theo đài hoa, trong bóng tối của các “hang động” hay hình dáng Yên Khê tìm kiếm là cái đẹp vừa kính sợ mà cũng vừa liên kết trực tiếp đến những ví von về bí mật buổi tạo hóa hay cõi thiên đàng. Như Hermann Hesse, một trong những nhà văn giàu nhạy cảm với cái thiêng, đã viết về vẻ đẹp hoa huệ: “Khi cậu cúi nhìn vào đài hoa, theo dõi say sưa bằng ý tưởng con đường nhỏ trong sáng mơ mộng và gặp gỡ lòng hoa còn u minh giữa những hàng cây màu vàng kỳ ảo, tâm hồn cậu đã nhìn thấu vào chốn “nhập môn”, nơi mà mọi sự xuất hiện đều trở thành bí nhiệm và mọi sự “thấy” đều trở nên linh cảm. Nhiều đêm, cậu bé mơ nhiều lần về cái đài hoa đó; thấy đài hoa mở rộng vô cùng ở trước mặt như cánh cửa Thiên đường, thấy mình cưỡi ngựa hay ngồi trên thiên nga bay vào trong đó và cả thế giới cũng theo cậu nhẹ nhàng lướt, bay, trượt như bị thu hút bằng ảo thuật vào trong yết hầu mỹ miều của hoa, vào sâu xuống dưới, ở đó mọi sự chờ đợi đều được đền đáp và mọi linh cảm đều trở thành chân lý”[1]. Sắc trắng của Thiên đàng trong truyền thống Cơ Đốc mang nghĩa tinh huyền, và cũng gợi về hiệp ước với sự linh thiêng và nâng con người vượt lên chính hạn hữu của hắn, dù trong cuộc kết hôn nơi màu áo cưới hay sự nhập vào dòng thánh nơi cổ áo các Cha sứ, một phân cảnh song đôi của sắc trắng đã được dùng trong phim Vĩnh cửu (2016).

Và sắc trắng nở bình yên trên hoài mộng về bầu trời, ta nhớ đến những đám mây cũng trắng vô tận, đôi khi to lớn như những khu rừng, khi lại thơ thẩn và thảng hoặc như khói… vô định tựa “giấy dâu tằm mỏng Trung Quốc”, loại vật liệu đang dần tan nhòa ra trên những bức tranh của Yên Khê. Loại giấy mịn màng này còn có tên là “giấy Xuan” hay là “giấy Xuân” nghe như mùa tươi mới, một vật liệu vốn được lòng giới thủy mặc từ lâu bởi sắc trắng thách thức tháng năm như một lời tuyên thệ thiêng liêng. Dường như sự hư ảo của giấy trắng được dùng ở đây là để đối lập với khối hình sắc cạnh và đa sắc, cảm giác này có thể dễ dàng nổi lên chuỗi tranh mang sẵn cái tên “Giữa Chắc chắn và Hoài nghi”. Nhưng với tôi, cái tên trên giống như một câu thơ tự ngân nga, hay một câu hỏi hơn là một câu khẳng định về sự đối lập, vậy nên tôi lại thấy những khối hình sắc cạnh kia tựa những cánh diều đang muốn “trở vào” cõi trắng trong.

Cánh diều là một hình ảnh tự do rất quen thuộc trong văn hóa Việt, một giấc mơ đơn sơ của trẻ em, một sự phó thác tâm tình để có thể bay vào những đám mây thơm của trời. Chuỗi tranh này như một cảnh hoàng hôn nhẩn nha ta ra khoảng đất trống thả diều, nhìn nghìn con diều rực rỡ rong chơi trong cung mây thuần khiết… Đến BST này, chị gợi tôi nhớ những gam màu rực rỡ trong khu vườn hoa mùa Hè phim Vĩnh cửu, hay những tấm rèm trắng buông lơi trong cơn mưa miền ký ức từ Mùa Hè chiều thắng đứng (2000).

Triển lãm White Blank yen khe tranh nghe thuat duong dai

Tác phẩm WB.6

Tài năng và những bóng hình trong khiết thoáng hiện ra trong các tác phẩm của Yên Khê, như đã được khẳng định khi chị đảm nhiện vị trí Production Designer và Costume Designer của Rừng Na Uy (2010) mang lại đề cử Best Costume Design tại Giải thưởng Điện ảnh châu Á lần thứ 5 ở HongKong, một bộ phim cũng miên viễn sắc trắng với hình ảnh hai con người dần lang thang trong đồng cỏ và tuyết. Sự hài hòa nhiều năm trong các thành tựu về điện ảnh mang tính duy mỹ của Yên Khê có lẽ đã sớm hé lộ cho chúng ta về sự nhạy bén với cái đẹp nữ tính và những quan tâm đặc biệt của chị với tính bí ần của màu trắng, sự mềm mại tựa nước, tựa hoa. Sắc trắng có thể đã hiện hình trong giọt nhựa ứa ra trên lá đu đủ – Mùi đu đủ xanh tinh tế cho tuổi xuân thì của người, ánh sáng và bóng nước Vịnh Hạ Long cùng mưa Hà Nội – Mùa Hè chiều thẳng đứng, hoặc sự im lặng sợ trong khiết của chiều Hạ trên biển – Vĩnh cửu (2016). Còn ở nghệ thuật đương đại, ta sớm thấy chị mê mẩn bọt “nước” trắng xóa trong tác phẩm tựa xoáy nước khổng lồ Vortex, Living Water (2020) của chị. Vào 2018, tác phẩm Borderline với những vệt màu tuôn chảy cháy đỏ tựa “hoa”, “nước” cùng những khoảng trống, đây là tạo tác kết hợp giữa chị và Hanoia, nó đã ghi dấu được ấn tượng khi trở thành tác phẩm đương đại đầu tiên của Đông Nam Á được mua bởi Bảo tàng Guimet tại Paris.

Trong thế giới nghệ thuật, rất hiếm những nghệ sĩ có thể chuyển mình mượt mà sang nhiều loại hình nghệ thuật cùng lúc, bởi mỗi loại hình lại sở hữu những vật liệu và cách xử lý cũng như khả năng tự sự của riêng chúng. Do đó, con đường nghệ thuật của Trần Nữ Yên Khê khi bước vào thế giới nghệ thuật đương đại hẳn cũng còn cần nhiều thời gian để công chúng và giới phê bình có thể đưa ra những nhận xét nhất định về phong cách của chị. Với sự nhạy cảm với cái đẹp và sắc trắng tinh khiết như đã được chị dùng trong triển lãm này, hay các băn khoăn của chị về chủ đề mong manh, về hình sáng nước, cây cỏ, sự nữ tính của Yên Khê, thì ta hoàn toàn có thể hy vọng sẽ sớm gặp lại chị trong nhiều tác phẩm và triển lãm hấp dẫn hơn trong tương lai.

Bài: Vương An Nguyên, Gấu Thiên Thể


Xem thêm

Triển lãm WHITE BLANK: Đánh dấu chặng đường nghệ thuật của Trần Nữ Yên Khê

Yên Khê – “BORDERLINE” và hành trình đến bảo tàng Guimet

Triển lãm Giao Lộ Thời Trang & Kiến Trúc – Cuộc chơi liên ngành