Yên Khê – “BORDERLINE” và hành trình đến bảo tàng Guimet

Tháng 10/2018, một hội đồng gồm 15 giám đốc bảo tàng và nhà giám tuyển đã quyết định đưa tác phẩm “Borderline” của nữ nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê vào BST của bảo tàng quốc gia Pháp. Đến tháng 4/2019, sự kiện này chính thức được công báo. Với Trần Nữ Yên Khê, hành trình đưa “Borderline” đến với bảo tàng Guimet cũng là hành trình tìm về ký ức đẹp đẽ và những cảm thụ nghệ thuật sâu lắng, thuần chất.

Borderline là một tác phẩm Yên Khê thiết kế vào giữa năm 2017 trong khuôn khổ của một cuộc bán đấu giá do Christie’s tổ chức. Quan tâm đến nghệ thuật và design đương đại của châu Á, Christie’s đã 3 lần tổ chức những cuộc bán đấu giá tại Thượng Hải. Christie’s đã chọn Yên Khê cùng với 15 designer người châu Á, và mỗi người trong số họ thiết kế một tác phẩm cho cuộc đấu giá tổ chức tại London ngày 18/10/2017.

Yên Khê 1

Cô Bénédicte Colpin (nhà sáng lập Lightboard – Paris) chính là cầu nối liên kết giữa Yên Khê, Christie’s và Hanoia để thực hiện dự án này. Không chỉ dừng ở đó, Bénédicte cũng chính là người giới thiệu “Borderline” cho viện bảo tàng Guimet. Ngay khi nhìn thấy “Borderline”, Musée Guimet lập tức muốn có tác phẩm này trong BST của viện bảo tàng.

Với “Borderline” (Ranh giới), Yên Khê muốn nêu lên những vấn đề về biên giới, lãnh thổ, di dân, những giới hạn về địa lý, tìm hiểu căn nguyên của những thực trạng đớn đau đang làm rung chuyển thế giới hiện nay, như việc di dân hàng loạt ở Afghanistan, ở Syria, ở vùng Địa Trung Hải và gần đây nhất là bi kịch của hàng triệu người Rohingya chạy trốn khỏi Myanmar.

Yên Khê 2

Để nói lên sự cân bằng mong manh của thế giới liên quan đến vấn đề di dân, Yên Khê đã tạo ra “Ranh giới” theo cách tương phản và đối lập như một hình nón đảo ngược. Đây là một kiến trúc căng thẳng, có nguy cơ bị phá vỡ. Hình nón là biểu hiện của nón lá. Chiếc nón truyền thống ở đây được tái hiện như một vật thể hiện đại.

Khi xem “Ranh giới”, chúng ta thấy một mô-típ hình hoa lan tỏa tự nhiên với tất cả các đường cong hài hòa và gợi cảm. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ hơn, chúng ta sẽ nhận thấy các đường vân ấy được làm bằng dây thép gai trườn mình hung bạo, tượng trưng cho đường biên giới bất khả xâm phạm. Những dây thép gai này bảo vệ một số người nhưng cũng cự tuyệt một số khác.

Yên Khê 3

Yên Khê 4

“Borderline” được Hanoia thực hiện bằng sơn mài theo thiết kế của Yên Khê.

Một cuộc trở về – cơ duyên của nghệ sĩ Yên Khê và bảo tàng Guimet

Trong những năm còn đang học về lịch sử mỹ thuật, Yên Khê thường đến viện bảo tàng Guimet vì bản thân theo đuổi ngành mỹ thuật châu Á và Guimet được coi là bảo tàng về nghệ thuật châu Á lớn nhất không chỉ ở Paris, mà còn ở châu Âu.

Ngoài việc đến xem và học hỏi từ những tác phẩm trường tồn qua bao thế kỷ, cô cũng rất thân thuộc với thư viện bên trong của bảo tàng.

Cơ hội trở lại bảo tàng Guimet thông qua việc “Borderline” được đưa vào sưu tập của bảo tàng là sự thú vị lớn đối với Yên Khê, vì cô lại được ngắm nhìn những tác phẩm mà mình đã yêu thích từ lâu. Nhưng bất ngờ là những tác phẩm cô thích trước đây lại không tạo được nhiều cảm xúc như dự đoán khi nhìn lại, mà có những tác phẩm làm cô xúc động hơn. Cảm xúc thẩm mỹ luôn tương đối ở một giai đoạn trong cuộc đời của mỗi người. Có bốn bức tượng, không có đầu và không có tay, đã tạo ấn tượng sâu sắc mà Yên Khê sẽ trình bày cùng độc giả.

Toàn bộ các tác phẩm này từng là những bức tượng để thờ. Nhưng cái hay và lạ là khi tượng đã mất khuôn mặt thì chức năng thiêng liêng ban đầu cũng mất theo. Như vậy chúng ta sẽ được phép thoải mái thưởng thức phần thẩm mỹ mà không bị ràng buộc bởi một cảm hứng tôn giáo nào cả. Ở đây chúng ta sẽ quan tâm đến sự cách điệu (stylisation) của những bức tượng này.

Yên Khê 5

“Borderline” chính là tác phẩm đương đại đầu tiên
của Đông Nam Á
được lọt vào BST của bảo tàng quốc gia Pháp

Yên Khê 6

Tượng Phật Đứng (1).

Tượng Đức Phật Đứng (1), cao 100cm, bằng sa thạch, thế kỷ 10 của Campuchia đem đến cảm xúc rất mạnh mẽ, vì bức tượng này không có chi tiết về trang phục. Khi xem kỹ, không thể nói là thời gian đã xóa mất các chi tiết trang phục, mà từ ban đầu, bức tượng đã được làm lên như thế. Trang phục, vừa được thực hiện một cách rất trừu tượng, lại có chức năng xóa đi những chi tiết của cơ thể như núm vú và rốn. Khi không có chi tiết như thế, hình khối của bức tượng được cảm một cách rõ ràng hơn vì mắt không bị vướng, hoặc bị lôi cuốn bởi những chi tiết hiện thực và cảm giác về trọng lượng của cả khối tượng cũng vì thế mà lớn hơn. Đây là một biện pháp cách điệu có hiệu quả lớn. Đối với Yên Khê, bức tượng này có một vẻ đẹp hiện đại vì nó dựa vào khả năng thưởng thức của chúng ta trước những bản phác thảo – đó hoàn toàn là một quan điểm mỹ thuật hiện đại. Có một chi tiết tuyệt vời và tế nhị mà máy ảnh khó biểu lộ được, đó là tư thế chân đứng chân nhón của bức tượng. Xem kỹ, trọng lượng của cơ thể này đặt bên chân phải nhiều hơn và, như thế, bức tượng có một độ duyên dáng và gợi cảm nhất định.

Nữ Thần (2), cao 50cm, bằng sa thạch, thế kỷ 11 của Campuchia là một bức tượng chỉ còn phần dưới, từ bụng đến hai bàn chân. Nhìn qua có thể thấy hình dáng của một con cá.

Yên Khê 7

Bức tượng Đức Phật Đứng (2).

Về mặt giải phẫu, chúng ta không thể đoán được hình dáng của cơ thể này vì trong cách thể hiện bức tượng, từ dưới phần váy, không có một khối gì nhô lên cả. Ngược lại với bức tượng của Đức Phật Đứng (1), tuy là cách thể hiện rất trừu tượng, chúng ta vẫn nhìn thấy khối của cặp đùi nhô lên vừa đủ để tạo một ý vị hấp dẫn.

Nhưng trong bức tượng Nữ Thần có một chi tiết rất hay để đưa chúng ta đến một cảm giác da thịt, là bụng, và chính xác hơn nữa, là đường cong xệ xuống rất thấp của vòng eo chân váy. Chính đường cong này đã tạo một cảm giác là Nữ Thần có một chút bụng tuy cái bụng không được thể hiện nhô ra khi nhìn từ phía nghiêng.

Yên Khê 8

Bức tượng Từ thân của Đức Phật (3).

Một tác phẩm được thực hiện với ý chí mãnh liệt
sẽ để lại dấu ấn rất rõ về mục đích ban đầu của nó

Yên Khê 9

Bức tượng Đức Phật Đứng (4).

Từ thân của Đức Phật (3), cao 110cm, bằng đá vôi, thế kỷ 3, của Ấn Độ toát ra độ hoàn hảo rất cao với sự hài hòa về khối và cơ thể rất tuyệt vời. Về phần giải phẫu, có thể nói 80% cơ thể đã bị trang phục che giấu. Tuy vậy, bức tượng vẫn thể hiện được cảm giác chính xác về cơ thể dựa vào hai điểm ở eo bên phải và nách bên trái.

Tay nghề thủ công của bức tượng này không cao lắm vì bộ trang phục không được thực hiện một cách sắc sảo như trên bức tượng thứ tư của Đức Phật Đứng (4), cao 110cm, bằng đá cẩm thạch, thế kỷ 6, của Trung Quốc.

Hai bức tượng này đã được làm với kích thước của người thật. Khi đi quanh hai bức tượng này, chúng ta có cảm giác rất gần gũi vì hai bức tượng này lớn bằng người thường. Nhưng nếu so sánh cảm giác về sự hiện diện của cơ thể, bức tượng Ấn Độ vẫn hoàn hảo hơn.

Cơ thể của bức tượng Trung Quốc bị cứng. Chúng ta có cảm giác như thân của Đức Phật được đặt lên hai cái ống thay vì là hai bàn chân. Tinh thần chung của bức tượng toát lên một cảm giác uy nghi. Có thể nói ở đây có một ý chí thánh thần hóa cơ thể của con người để tạo lên một nhân vật siêu việt.

Đấy, chúng ta lúc đầu có ý nghĩ là vì những bức tượng này không còn đầu nữa, ta sẽ thoát ra khỏi những suy nghĩ liên quan đến tôn giáo và chỉ tập trung vào cảm thụ mỹ thuật. Nhưng một tác phẩm được thực hiện với ý chí mãnh liệt sẽ để lại những dấu ấn rất rõ về mục đích ban đầu của nó tuy là những phần quan trọng nhất, như cái đầu, đã bị mất.

Đi đến kết luận, Yên Khê cho thấy chất da thịt được thể hiện trong những tác phẩm nghệ thuật vẫn là điều đáng ngưỡng mộ nhất. Yên Khê vẫn luôn luôn chuộng bức tượng Ấn Độ này hơn bức tượng còn lại.

Cách nhìn, cách nghĩ này cũng là phương pháp lập luận và tìm tòi đã đi cùng với Yên Khê trong công việc thực hành sáng tạo. Xin cùng chia sẻ một trải nghiệm thật đẹp tại Guimet vào tháng 4 năm nay, cho độc giả ELLE Decoration Vietnam.


TRẦN NỮ YÊN KHÊ

“Borderline”, tác phẩm tạo hình đầu tiên của Yên Khê cũng là tác phẩm đương đại đầu tiên của Đông Nam Á được vào bảo tàng quốc gia Pháp. Yên Khê đang ấp ủ một dự án thú vị khác sắp ra mắt, đem câu chuyện mỹ thuật của mình đến với công chúng qua một dòng sản phẩm mang cái tên rất đẹp của cô – YENKHE

Thực hiện: Trần Anh Hùng | Ảnh: Cao Trung Hiếu.


Xem thêm:

Tim Doling – Lưu trữ ký ức “then & now” cho người trẻ Việt Nam

Christian Pedelahore de Loddis – Kiến trúc sư Latinh “gốc Việt”