Tim Doling – Lưu trữ ký ức “then & now” cho người trẻ Việt Nam

Cộng đồng yêu thích bảo tồn kiến trúc cổ Sài Gòn đã quá quen thuộc với Tim Doling. Ông là một trong những người nước ngoài tại Việt Nam có am hiểu bài bản, tường tận lịch sử của những góc phố, tòa nhà qua từng thời kỳ. Tất cả những khám phá, tìm hiểu đó đơn thuần bắt nguồn từ tình yêu dành cho vùng đất này.

Vốn là một nhà nghiên cứu lịch sử bài bản, trước khi nghỉ hưu và chọn Việt Nam làm nơi sinh sống chính, Tim Doling đã từng quản lý nhiều nhà hát và trung tâm nghệ thuật ở Hong Kong cũng như quản lý chương trình phát triển giáo trình về quản lý nghệ thuật tại ba trường đại học ở Hà Nội do Quỹ Ford tài trợ. Muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và du lịch tại Việt Nam, ông đã chọn cách khai thác kiến thức rộng và khả năng nghiên cứu chuyên sâu của mình để hoàn thành những ấn bản chứa đựng nhiều thông tin và tư liệu quý giá cho những ai muốn tìm hiểu về Sài Gòn, Huế và nhiều địa danh khác của Việt Nam một cách thấu đáo.

Tim Doling 1

Tim Doling dành toàn bộ quỹ thời gian nghỉ hưu của mình để trở lại với công việc yêu thích: một nhà sử học “toàn phần” như cách ông tự miêu tả bản thân.

“Rất nhiều trí thức trẻ Việt Nam đang là thành viên tích cực
của những hội, nhóm nghiên cứu và thảo luận
về bảo tồn di tích kiến trúc cổ trên mạng xã hội”

Tim Doling 2

Những năm tháng đầu ở Việt Nam, Tim đặc biệt quan tâm đến mảng kiến trúc phong cách thuộc địa Pháp, vốn rất phổ biến ở Hà Nội, Sài Gòn. Khoảng vài năm trở lại đây, được sự giới thiệu của kiến trúc sư Mel Schenck, ông có dịp nghiên cứu và yêu thích mảng kiến trúc hiện đại (Modernist Architecture) với những công trình chủ yếu xây dựng ở Sài Gòn từ thập niên 50-70 của thế kỷ trước. Tim từng nhìn thấy những công trình riêng lẻ mang phong cách hiện đại, nhưng chưa từng nhận ra khu vực phía Nam lại chính là một bảo tàng sống động những dấu tích của trào lưu phong cách kiến trúc đặc biệt này. Quyển sách thứ hai của Tim viết về Sài Gòn, sẽ xuất bản trong năm nay với sự cộng tác của Mel Schenck cũng sẽ đề cập cặn kẽ đến những công trình kiến trúc Art Deco và Modernist còn sót lại này của thành phố.

Tim Doling 3

Những hình ảnh được cẩn thận lưu trữ và chú thích trong blog của Tim về sự phát triển của Sài Gòn.

Tim Doling 4

Tim Doling 5

Từ góc độ của một người quan sát, Tim Doling đánh giá cao tâm thế và trình độ cảm thụ văn hóa của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Bên cạnh guồng quay của chủ nghĩa tiêu thụ và sự phát triển của truyền thông mạng xã hội, những người trẻ có trình độ giáo dục cao ngày càng tỏ ra quan tâm và thích thú với đề tài di sản văn hóa và cội nguồn bản sắc của dân tộc. Họ cũng là những thành viên chiếm đa số và hoạt động tích cực trên những diễn đàn “Then & Now”, hay Vietnamese Modernist Architecture và những tour du khảo tìm về những lưu dấu văn hóa đặc sắc từ nhiều thập niên trước.

Tim Doling 7

Kiến trúc sài gòn qua góc nhìn của Tim Doling

Tiếp cận với nghiên cứu công trình kiến trúc qua góc độ của một nhà sử học, Tim Doling luôn hướng sự quan tâm của mình đến câu chuyện xoay quanh những tòa nhà, góc phố. Được bổ trợ cùng vốn hiểu biết bài bản về tên tuổi và phong cách của những kiến trúc sư chủ trì các công trình đó, bài viết của Tim Doling luôn đem đến những thông tin và dữ liệu mang tính khảo cứu cao cho những người quan tâm.

Tim Doling không chỉ hướng đến những công trình mang dáng dấp kiến trúc thuộc địa vốn thường được hình dung khi nghĩ về kiến trúc cổ Sài Gòn, mảng Modernist Architecture qua ngòi bút nghiên cứu của ông trở nên sống động bất ngờ.

“Những công trình kiến trúc Modernist đặc sắc
được xây dựng giữa thế kỷ 20
là một trong những yếu tố biến Sài Gòn
trở thành Hòn ngọc Viễn Đông thời kỳ đó”

Tim Doling 6

Thực hiện: Thùy Dương | Ảnh: Lê Happy.


Xem thêm:

Ngất ngây cùng sắc men gốm ngũ thái

KTS Kengo Kuma – Góc nhìn đương đại của kiến trúc Nhật Bản