Hoa đối với nghệ sĩ Mai Lâm đã trở thành biểu tượng của ký ức, bản sắc văn hóa và khát vọng sáng tạo không giới hạn. Trong các thiết kế của Mai Lâm, hoa không chỉ nở trên vải vóc, kim loại, trên những tác phẩm điêu khắc tranh hay đồ nội thất, mà còn là mạch ngầm xuyên suốt nối liền triết lý nghệ thuật và phong cách sống.
Mai Lâm không yêu thích loài hoa nào nhất, bởi mỗi loài hoa đều mang một vẻ đẹp và câu chuyện riêng. Trước khi bén duyên với thiết kế thời trang và nghệ thuật sống, chị từng có thời gian làm việc trong lĩnh vực kinh doanh và quà tặng hoa tại Úc, điều này đã mang lại cho chị sự am hiểu và góc nhìn thấu đáo về giá trị của mỗi loài hoa. “Ngay cả những loài hoa dại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tôn lên vẻ đẹp của những loài hoa đắt tiền, giống như những bức tranh không thể thiếu đi phần nền để tạo chiều sâu”. Tư duy này được chị áp dụng trong các workshop Maike- bana của mình – kết hợp giữa “Mai Lâm Touch” (dấu ấn sáng tạo của Mai Lâm) và “Ikebana” (nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản). Đặc trưng của Maikebana là kết hợp Ikebana với phong cách English Garden, nơi sự tối giản, tinh tế và tập trung vào bố cục nghệ thuật dung hòa với nét sinh động, phong phú và sự tự do đầy ngẫu hứng. Mai Lâm đã tạo nên một quy trình 6 bước mà dù dừng ở bất kỳ bước nào, ta cũng có một tác phẩm hoàn chỉnh.
Nghệ sĩ Mai Lâm.
Một trưng bày nghệ thuật của Mai Lâm với tác phẩm thuộc bộ tranh Vườn Mai.
Một trong những bước đầu tiên của workshop Maikebana. Dây kim loại được uốn thành khung để định hình dáng hoa và hỗ trợ nâng đỡ các loại hoa có trọng lượng lớn.
Chuồn chuồn là một trong những chủ đề thường gặp trong sáng tạo của Mai Lâm.
Cái nhìn hài hòa mang tính tổng thể của Mai Lâm cũng được thể hiện qua kỹ thuật thêu mai tứ quý – kỹ thuật do chính chị tự sáng tạo nên. Hình ảnh hoa mai bốn cánh được cách điệu thành một loại họa tiết có khả năng lặp lại vô tận, tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Kỹ thuật này thường được Mai Lâm sử dụng để tạo nền cho các bức tranh hoặc hoa văn trên quần áo, để trên bức phông nền lấp lánh bất tận ấy, các kỹ thuật thêu nổi và tạo hình đa dạng khác được sử dụng để “điêu khắc” nên những cánh hoa căng tràn nhựa sống. Hoa trên hoa, tinh giản và phức tạp, quyện hòa nhiệm màu của hồn phách thiên nhiên và tài năng thiên phú của con người. Không khó để nhận thấy rằng hoa mai có ý nghĩa đặc biệt đối với Mai Lâm. Đó là sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại, là điểm neo đưa người con xa xứ tìm về với cội nguồn và căn tính bên trong mình. Trên website của thương hiệu, Mai Lâm được mô tả là: “Một người trong cuộc chứng kiến lịch sử qua những thời khắc đẹp đẽ nhất và tồi tệ nhất, nhưng đồng thời là một người ngoài cuộc có bản sắc bị đánh mất tại ngã tư Đông – Tây. Cuộc đời cô là dòng chảy của lịch sử đứt đoạn và quá khứ được hàn gắn”. Những đứt gãy nay đã được hàn gắn bởi sắc hoa quê hương.
Tìm về với hoa mai là tìm về với cái tên mẹ đặt, với mùa Xuân miền Nam nơi chị lớn lên. “Khi tôi chào đời, mẹ bồng một tạo vật mong manh trên tay, nhưng qua tiếng khóc, mẹ biết tôi cũng tiềm ẩn một tính cách mạnh mẽ, ngoan cường. Vì vậy, bà đặt tên tôi là Mai”. Những bông mai vàng cánh mỏng như lụa bừng nở trên một loài cây thân gỗ bền bỉ đã trở thành biểu tượng hoàn hảo cho cá tính của chị. Hoa mai báo hiệu mùa Xuân, khởi đầu và hy vọng sau một năm sương gió, cũng giống như cách Mai Lâm luôn nhìn thấy cái đẹp trong mọi hoàn cảnh và kiên cường vượt qua những giông tố của cuộc đời. Sau này, chị lấy họ Lâm của chồng để tạo thành cái tên Mai Lâm – khu rừng của di sản, tình yêu và bản sắc, nơi bình an bén rễ và mãi mãi trường tồn.
Một tác phẩm trong bộ tranh Vườn Mai, sử dụng kỹ thuật thêu 3D và kỹ thuật thêu mai tứ quý trên nền đính đinh tán hoa mai.
Thiết kế thuộc BST Kim Long.
Thiết kế Cánh Độc Lập được trình diễn tại ELLEMan Fashion Show 2024.
Thiết kế thuộc BST Kim Long.
Những sắc thái đối lập trong tính cách có ảnh hưởng lớn đến phong cách sáng tạo của Mai Lâm. Chị thường kết hợp kim loại, kẽm, sắt, gỗ với vải, chỉ, lụa và canvas. Sự tương phản giữa chất liệu cứng và mềm, giữa truyền thống và hiện đại phản ánh triết lý Âm Dương hài hòa, phi nhị nguyên, hướng đến trạng thái cân bằng trong cuộc sống. Chị cũng thường vận dụng các nguyên tắc phong thủy trong thiết kế, đặc biệt là lựa chọn màu sắc để tạo nên tính cân đối cho tác phẩm. Đinh tán hoa mai là một dấu ấn đặc trưng của Mai Lâm, xuất phát từ một trải nghiệm cá nhân đầy cảm xúc. Trong một lần nhảy xuống nước để cứu một đứa bé, chị nhìn thấy ánh trăng phản chiếu qua bọt bong bóng trên cánh tay, tạo nên những tia sáng lấp lánh như kim tuyến. Hình ảnh huyền diệu và đầy mê hoặc ấy được Mai Lâm tái hiện qua những hạt đinh tán kim loại mang hình ảnh hoa mai nhỏ, xuất hiện khắp nơi trong thế giới sáng tạo của chị.
Ngoài hoa mai, Mai Lâm còn đưa rất nhiều loài hoa khác vào thiết kế của mình, bao gồm những biểu tượng truyền thống như mai, lan, cúc, trúc và các loài hoa khác, từ kiêu sa như mẫu đơn cho đến dân dã như trứng cá. Các loài hoa được thể hiện qua nhiều phương thức khác nhau như thêu tay, đính kết đá quý, khắc kim loại, tạo hình 3D… Chỉ riêng kỹ thuật thêu thủ công cũng đã có vô số cách thức thể hiện, khiến cho mỗi sáng tạo của chị đều là độc nhất vô nhị. Sự kỳ công trong chế tác của Mai Lâm diệu dụng ở chỗ, các trang phục dù luôn có chi tiết trang trí bằng kim loại nhưng khi chạm vào lại vô cùng mềm mại, nhẹ nhàng. Chị gọi đó là “wearable art” – những tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ, tinh xảo nhưng vẫn thoải mái và tiện dụng trong cuộc sống hằng ngày. Thế nên, để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của những chi tiết trên trang phục do Mai Lâm thiết kế, không có cách nào khác ngoài quan sát trực tiếp và cảm nhận bằng cả thị giác lẫn xúc giác.
Mai Lâm thường phối hợp cẩn thận các gam màu theo phong thủy để mang lại cảm giác hài hòa: vàng kết hợp với đỏ, trắng đi cùng đen.
Mai Lâm thích nhấn mạnh sự tương phản của vật liệu: vải vóc – kim loại, mềm mại – sắc lạnh để phản ánh triết lý Âm Dương hài hòa.
Với BST Kim Long, Mai Lâm tạo nên những kết hợp bất quy tắc thú vị, khi con rồng bay lượn giữa vườn mai vàng, khi nam giới khoác lên mình trang phục làm bằng vải mềm mại và xuyên thấu.
Mai Lâm gọi thiết kế của mình là “wearable art”. Mỗi món đồ đều mang một câu chuyện riêng, được sáng tạo thủ công và độc bản.
Bên cạnh BST “Kim Long ” vừa ra mắt tại ELLEMan Fashion Show 2024, Mai Lâm đang chuẩn bị cho dự án lớn vào tháng 4, kết hợp với buổi công chiếu bộ phim Địa Đạo – nơi chị đảm nhiệm vai trò thiết kế phục trang. BST mang tên “Bốn Mùa” sẽ tái hiện câu chuyện lịch sử đấu tranh thông qua nghệ thuật thiết kế, được trình diễn trong một trunk show, với điểm nhấn là sự kết hợp tinh tế giữa yếu tố truyền thống và sáng tạo hiện đại. Đây cũng là dịp chị ra mắt một tác phẩm nghệ thuật ở cấp độ cao hơn của bộ tranh Vườn Mai, lần đầu thử nghiệm kỹ thuật thêu kim khí trên kim khí – một tác phẩm có cấu trúc 3D nhiều lớp và tạo nên hiệu ứng độc đáo khi có ánh sáng chiếu vào.
Mai Lâm có thể nói về nghệ thuật với một niềm say mê chân thật và thuần khiết. Đôi mắt chị sáng rực khi nhắc đến kỹ thuật, ý tưởng và câu chuyện ẩn đằng sau mỗi BST. Chị bảo rằng mình thường “đi lạc” trong thế giới nghệ thuật với nhãn quan sáng tạo là “sky limit”. Từ cắm hoa, thiết kế thời trang, hội họa, điêu khắc đến ẩm thực và trang trí nội thất, mọi thứ Mai Lâm chạm vào đều trở thành một tác phẩm có hồn, hay cái đẹp đã luôn có sẵn trong tạo vật bình thường nhưng chỉ chị mới nhìn thấy và khiến chúng hiển lộ?
Thực hiện: Đoàn Trúc | Ảnh: Khôi Lê, Tuấn Ngọc, NVCC
Xem thêm
Xưởng thời trang tại gia của NTK Mai Lâm
Hoa mai trong hội họa và thơ ca: Cảm hứng bất tận qua các thời đại