Xưởng thời trang tại gia của NTK Mai Lâm

Một không gian sống đan cài chặt chẽ mô hình nhà – xưởng – phòng triển lãm của nhà thiết kế Mai Lâm ở giữa trung tâm Sài Gòn.

Câu chuyện về cuộc đời của NTK Mai Lâm cũng rực rỡ, phong phú và đa diện như chính những tác phẩm của chị. Người phụ nữ từ lâu đã nổi bật trong thế giới thời trang Việt Nam với một vẻ ngoài không thể nhầm lẫn với ai – mái tóc dài tự nhiên, khuôn mặt tươi sáng và tràn đầy năng lượng. Trở về sinh sống tại Việt Nam từ vài chục năm qua, chị đã đủ thời gian để tạo nên một thương hiệu thời trang với cá tính Mai Lâm độc nhất, và một không gian sống, nhà, xưởng – sáng tạo cống hiến trọn vẹn cho đam mê nghệ thuật.

khong gian song nha thiet ke mai lam can ho thoi trang

Vừa ra mắt một triển lãm thời trang và tác phẩm cá nhân vào đầu tháng 11/2023, NTK Mai Lâm đang sắp đặt cho sự trở lại đầy chỉn chu và năng lượng sáng tạo dồi dào của mình.

can ho nha thiet ke mai lam khong gian song

Hành lang vốn trước đây là kết nối của hai căn hộ với chiều dài ấn tượng, được NTK Mai Lâm phủ kín bằng chất liệu thép bọc chi tiết đinh tán hình hoa mai tứ quý đặc trưng, đồng thời là kệ giày cho đại gia đình và nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật khổ lớn của chị.

nha thiet ke mai lam

Sự từng trải của người phụ nữ sống giữa văn hóa Á – Âu qua những biến thiên lịch sử, tình yêu thuần túy với văn hóa, nghệ thuật thủ công, và tâm hồn nghệ sĩ rung động trước cái đẹp sâu sắc – là khắc họa chân dung NTK Mai Lâm.

can ho thoi trang nghe thuat nha thiet ke mai lam

Bất cứ góc nhà nào có sự thoải mái khi ngồi làm việc đều có thể trở thành góc sáng tác của Mai Lâm.

Đón tiếp chúng tôi trong không gian nhà tại ngay trung tâm quận 1, nơi gia đình chị đã gộp ba căn hộ liền kề trên một tầng lầu lại để đủ chỗ ở cho 5 người con và một số cháu nội ngoại mỗi khi tề tựu về đầy đủ. Ở thời điểm hiện tại, khi con cái đã lớn khôn và ở nhiều nơi, toàn bộ không gian sống trở thành xưởng sáng tạo – phòng trưng bày – kho lưu trữ những dự án thiết kếcủa chị.

Với tình huống thiết kế rất đặc biệt này, căn nhà lại nảy sinh rất nhiều góc, hành lang và lối mở khác thường. Mai Lâm tận dụng chúng cho những hệ tủ lưu trữ và thể nghiệm chất liệu, trưng bày tranh khổ lớn mà chị sưu tập và sáng tác. Ở những tác phẩm sưu tập, chị muốn giữ cho mình một vệt ký ức về những biến thiên thăng trầm của lịch sử, xã hội Việt Nam. Còn ở mảng sáng tác, Mai Lâm say mê đặc biệt với ngôn ngữ của chất liệu, hình khối và những chi tiết thủ công tinh xảo tối đa.

 

khong gian song can ho thoi trang nghe thuat mai lam

Góc tiếp khách pha trộn tinh thần Phương Đông và châu Âu – bộ sofa được đặt làm riêng với chi tiết đinh tán Mai Lâm trên nền da của Ý.

khong gian song can ho thoi trang nghe thuat mai lam

Cổng vào của căn nhà cũng ngăn chia một nửa tầng của chung cư, tạo nên sự riêng tư cần thiết và là lời chào ấn tượng.

can ho thoi trang khong gian song nha thiet ke mai lam

Không chỉ dừng chân ở địa hạt thời trang, Mai Lâm còn có những thể nghiệm thiết kế sản phẩm nội thất vô cùng ấn tượng. Những dáng tủ, giường truyền thống được điểm tô thêm các chi tiết mang phong cách cá nhân của chị – tính chiết trung cao độ, sự tỉ mỉ tha thiết trong từng chi tiết, và một phông văn hóa sâu sắc.

phong ngu can ho khong gian song nha thiet ke mai lam

Sự gặp gỡ giữa Á và Âu lại được hiển lộ rõ ở thiết kế giường ngủ với tab đầu giường cao, được chạm khắc điêu luyện các chi tiết mỹ thuật phương Đông, mang yếu tố phong thủy, thể hiện mong ước bền vững, yên ấm.

Ngoài một xưởng gia công chính thức cho những sản phẩm của mình, Mai Lâm biến nhiều góc của ngôi nhà đang sống thành xưởng chế tác thời trang. Có những chi tiết thêu vá, đính kết chị sáng tạo ra mà người thợ phải đến tận nhà thực hành, làm đi làm lại nhiều lần mới đạt được đúng tinh thần của thiết kế. Những mảng hoa văn bông mai tứ quý, chuồn chuồn, cành trúc… đã từ lâu là một “chữ ký” ngầm mang dấu ấn cá nhân đầy tự hào của chị. Thiết kế sản phẩm nội thất của Mai Lâm đặc sắc, táo bạo và nhiều tầng ngữ nghĩa, hàm súc như một áng văn cổ.

Hình ảnh: Đỗ Sỹ | Bài: PinkQ | Stylist: Phạm Vương | Trợ lý: Huynh My, Hiếu Phạm


Xem thêm

Tự truyện của một nhà thiết kế

“More is more” trong không gian sống nhỏ

“Nhà Xương” của KTS Trần Lê Quốc Bình – Bảo tàng ẩn dụ