Không có nhiều nhà biệt thự mà từ khi khởi sinh ý định xây dựng cho đến lúc hoàn thành, lại nhận được sự mong đợi và quan tâm như vậy từ giới họa sĩ tại Việt Nam. Đơn giản là vì chủ nhân của căn nhà này – KTS Trần Lê Quốc Bình – là một người bạn thân quý của họa sĩ thuộc nhiều thế hệ. Vốn không có ý định làm một căn nhà lớn (dù bản thân là tác giả bản vẽ của rất nhiều biệt thự, quán xá đặc sắc cho khách hàng từ Bắc chí Nam), anh Quốc Bình có lối sống giản dị, hào sảng về tinh thần với bạn bè và giới nghệ sĩ. Ngôi nhà chỉ thực sự thành hình sau hơn 20 năm làm nghề, để anh tiếp tục… tiếp bạn, và để làm “kho” chứa BST tranh và nghệ thuật đồ sộ của mình.
Nằm sát bờ sông Sài Gòn ở một khu vực vẫn còn bình yên và vắng lặng, anh thậm chí còn chưa có nhiều hàng xóm xung quanh. Vậy nên từ xa đi đến đã có thể nhìn thấy một khối kiến trúc giản đơn và độc đáo, dễ nhận diện, khó bỏ qua. Với diện tích mặt sàn mỗi tầng thật ra chỉ hơn 70m2, căn biệt thự được dựng lên từ khung nhà tiền chế bằng thép vững chãi và nhẹ nhõm với sơn màu trắng, tháp chuông tròn vạt nửa ấn tượng.
Ngay từ sân trước, một thảm xanh và bóng mát của những cây trái miền Nam thân thuộc đã làm dịu đi cái nóng của một ngày trời không gợn bóng mây. Là người am hiểu về cây cũng nhiều như về tranh, Quốc Bình tâm niệm sẽ trồng và chăm sóc những giống cây bản địa, loài hoa dân dã thân thuộc với ký ức của anh và bạn bè đồng lứa thay vì theo đuổi trào lưu chọn các giống cây ngoại nhập. Với nghệ thuật cũng vậy, anh trước hết là một người bạn, người hỗ trợ và thậm chí bảo trợ của rất nhiều họa sĩ từ những triển lãm tranh đầu tiên của họ.
Không gian thoáng mở của phòng khách là điểm nhấn “đắt giá” ấn tượng nhất của căn nhà – chỉ cần mở hai hệ cửa, làn gió mát từ sông sẽ đem đến sự thoáng đạt, tươi mới cũng như mùi của thiên nhiên, đời sống vào bên trong. Chiếc bàn ăn độc bản do anh thiết kế là trung tâm của căn nhà, nơi Quốc Bình thiết đãi những vòng tròn tình thân mà anh đã tạo dựng được suốt năm tháng làm nghề sáng tạo. Gam màu sáng của sơn tường và nội thất khéo léo làm nền cho hiệu ứng phủ của hệ khung của nhà. ở nơi đây, những chi tiết vốn thường giấu đi trong xử lý không gian nay được trình bày một cách tự nhiên, kín đáo trong một sự ẩn dụ liền mạch.
Căn biệt thự được anh đặt tên “nhà Xương” vì lẽ nếu tinh ý, khách đến có thể nhận ra việc KTS cố tình để lộ phần cốt thép vốn hay được giấu đi trong xử lý không gian nội ngoại thất. Tại nơi đây, khung thép kiêu hãnh hiển lộ, được xử lý sơn hiệu ứng để tăng cảm giác hữu cơ, và cũng là một tiền đề kết nối câu chuyện về một nhà sưu tập rất đam mê vẻ đẹp của… đầu lâu xương sọ. Các họa sĩ, vì biết cảm nhận này của Quốc Bình, đã dành tặng anh khá nhiều bức vẽ với đề tài tôn giáo hoặc hình tượng bộ xương qua cảm quan của họ.
Thiết kế sản phẩm nội thất là một BST khác trong nhà thể hiện rõ quan điểm làm nghề của KTS Quốc Bình. Bên cạnh những chiếc ghế kinh điển đến từ các thương hiệu Ý lừng lẫy, không thiếu những thiết kế sản phẩm từ thương hiệu Việt Nam mới mẻ đầy tiềm năng. Không chỉ vậy, chiếc bàn ăn độc bản do anh tự thiết kế riêng cho nhà Xương cũng là một câu chuyện đầy ẩn dụ về niềm tin, tôn giáo và chiêm nghiệm của bản thân anh về thân phận con người.
Không gian phòng ngủ duy nhất khiêm tốn so với diện tích của căn nhà là cách anh liên tưởng đến ngôi nhà thuở nhỏ – nơi căn gác xép chật hẹp nhưng ấm cúng luôn khiến anh ngủ ngon hơn. Phòng tranh và cũng là không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt cho khách đến chơi được thiết kế với hệ vách xoay 3600 linh hoạt, là nơi anh cất giữ những tác phẩm khổ lớn tâm đắc trong BST của mình.
Bài: Phong Phạm | Hình ảnh: Đỗ Sỹ | Stylist: Hoàng Minh Huỳnh | Trợ lý: Phạm Tú, Trà Giang
Xem thêm
Luxury of Slow – KTS Quốc Bình QBI
Biệt thự Umah Hati – Yên nghe tiếng thiên nhiên
Biệt thự nghỉ dưỡng Mallorca: Di sản trong không gian tối giản