Trên hầu hết mọi con đường của Việt Nam, những dãy nhà ống chạy dọc tăm tắp từ lâu đã trở thành dấu ấn độc đáo và đặc trưng. Phong cách nhà ở này có nguồn gốc từ thời nhà Lê (1428-1788), khi diện tích mặt tiền được tối ưu hóa để chứa được nhiều cửa hàng nhất trên từng khu phố sầm uất. Sự phổ biến của nó đến từ hiện trạng diện tích xây dựng ngày càng bị hạn chế ở những thành phố có mật độ dân cư đông đúc. Những ngôi nhà với mặt tiền hẹp chỉ từ 3m và chiều sâu lên đến 80m, cao từ ba đến năm tầng này đã trở thành biểu tượng kiến trúc đô thị, mang nhiều thách thức cho việc thiết kế và thi công.
Cùng ELLE Decoration điểm qua những công trình nhà ống ấn tượng từ Bắc vào Nam, được thiết kế để phù hợp với thẩm mỹ và lối sống đương đại của người Việt Nam.
1. LA House – Dat Tran Architect | Long An (2024)
Được bao quanh bởi cảnh quan thiên nhiên đa dạng, ngôi nhà LA House do văn phòng Dat Tran Architect thiết kế luôn được đón trọn ánh nắng ban mai và gió trời mát lành. Mặt tiền toát lên nét duyên truyền thống Nam Bộ qua mái ngói thanh thoát, hòa quyện tinh tế với phong cách hiện đại qua các chi tiết trang trí tinh xảo. Điểm nhấn nghệ thuật chính là những phù điêu xi măng đắp nổi quyến rũ, tạo dấu ấn riêng cho công trình.
Phòng khách và khu bếp mở rộng liền mạch, kết nối sinh hoạt một cách tinh tế. Các phòng ngủ hướng ra công viên xanh mát, giúp gắn kết con người với cảnh sắc thiên nhiên. Giếng trời trung tâm ngôi nhà cung cấp nguồn sáng tự nhiên và không khí trong lành, nơi có một chiếc cầu thang ép sát gọn gàng vào tường, giúp không khí trong nhà luôn thoáng đãng và tươi mới.
2. Nhà ống Mai Thúc Loan – Cong Sinh Architects | Huế (2023)
Một công trình nhà ống độc đáo tại Huế được thiết kế bởi Cong Sinh Architects đã khéo léo hòa nhịp với điều kiện khí hậu có phần khắc nghiệt của địa phương. Mặt tiền Đông Nam được thiết kế với hệ lam bê tông tích hợp các chậu cây xanh và cả bể cá nhỏ sinh động có thể tháo lắp dễ dàng, giúp lấy gió mát lành, tận dụng ánh sáng tự nhiên vào buổi sáng, che chắn khỏi bức xạ mặt trời vào buổi trưa và ngăn mưa hắt trong những trận mưa dầm. Hệ cửa kính phía trong cách hệ lam một khoảng đối lưu không khí, tạo nên lớp cách nhiệt kép, kết hợp với tường đá và mái nhà dày góp phần giữ cho nhiệt độ trong nhà mát mẻ.
Kiến trúc sư khéo léo mở rộng không gian bằng ba cột giếng trời, hệ cửa kính ngăn chia phòng ngủ, cho phép các thành viên trong gia đình dễ dàng giao tiếp và quan sát ngay cả khi ở các tầng khác nhau. Những người con có thể theo dõi sức khỏe của bố mẹ lớn tuổi ở tầng trệt, trong khi cha mẹ cũng có thể nhìn thấy các con làm việc và sinh hoạt thường xuyên. Vật liệu được lựa chọn mang đậm nét truyền thống xứ Huế, với tường và sàn ốp đá đen Huế cùng nội thất gỗ gõ tự nhiên màu cánh gián. Sự kết hợp gần gũi này giúp tôn vinh giá trị bền vững và phong cách sống tao nhã của người Huế qua nhiều thế hệ.
3. J House – CTA | Creative Architects | Đồng Nai (2022)
Công trình như một trái tim chứa những rung cảm với thiên nhiên của gia chủ, khi chỉ vài bước chân lại khám phá những cụm cây xanh tươi mát. Mặt tiền ngôi nhà khoác lớp áo trắng tinh khôi, đối lập với không gian nội thất màu trầm, gợi lên cảm giác của thân gỗ mộc và những lớp trầm tích, làm nổi bật mảng cây xanh mướt như chồi non vươn lên giữa nhà.
Việc đưa ánh sáng tự nhiên và mảng xanh vào nhà được đội ngũ thiết kế CTA | Creative Architects tính toán và điều tiết kỹ lưỡng để biến nơi đây thành chốn nương ẩn xanh mát. Khu vực giếng trời được lắp kính solar nhằm giảm 40–45% lượng nhiệt từ ánh nắng, kết hợp với lớp đá mi phủ lên bề mặt kính tạo hiệu ứng hoa nắng lung linh và dịu mát. Hệ thống thông gió theo trục đứng và ngang được thiết lập giúp dòng đối lưu luân chuyển từ các cửa trước ra cửa sau, đẩy hơi nóng lên giếng trời và thoát ra ngoài qua hệ lam Z gần mái kính. Những căn phòng giáp mặt tiền sử dụng vật liệu tường gồ ghề và trần khung rỗng xen kẽ hộp gỗ đục lỗ giúp hấp thụ tiếng ồn từ phố phường, trả lại sự an tĩnh và thư thái cho gia chủ giữa lòng đô thị.
Ký ức về hiên nhà xưa của gia chủ được kiến tạo trong ngôi nhà mới, nơi hai phần mái hiên bố trí đầu và cuối công trình, hai mái hiên khác lại vươn ra đối nhau ở khu vực trung tâm giếng trời. Ngói vảy cá gợi nhớ về những ngôi nhà Việt mộc mạc đơn sơ, nhưng mang đến hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ khi được tái sử dụng từ hiện trạng. Kết hợp cùng ngói là các bức tường gạch nung, gạch thô không tô, mang lại chất cảm mạnh mẽ, đồng thời tiết kiệm chi phí xây dựng và bảo trì hàng năm.
Ký ức về hiên nhà xưa của gia chủ được kiến tạo trong ngôi nhà mới, nơi hai phần mái hiên bố trí đầu và cuối công trình, hai mái hiên khác lại vươn ra đối nhau ở khu vực trung tâm giếng trời. Ngói vảy cá gợi nhớ về những ngôi nhà Việt mộc mạc đơn sơ, nhưng mang đến hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ khi được tái sử dụng từ hiện trạng. Kết hợp cùng ngói là các bức tường gạch nung, gạch thô không tô, mang lại chất cảm mạnh mẽ, đồng thời tiết kiệm chi phí xây dựng và bảo trì hàng năm.
Công trình không chiếm trọn diện tích mà ưu ái dành lại một phần lớn cho vườn cây xanh mát – không gian đáng mơ ước giữa thời đại mật độ xây dựng dày đặc. Nhà được chia thành hai khối, phòng khách và bếp kết nối với khu ngủ nghỉ thông qua hai mái hiên ở khu thông tầng
5. 26 Nam Ngư – Nemo Studio | Hà Nội (2020)
Dù sở hữu diện tích đất lên tới 226m², ngôi nhà số 26 phố Nam Ngư vẫn bị giới hạn bởi ba mặt phụ liền kề các công trình lân cận khi nép mình trong tuyến phố nhỏ giữa trung tâm thủ đô. Để giải quyết vấn đề tiếp cận chật hẹp này, các kiến trúc sư đã sử dụng các module lô gia lắp ghép tại mặt đứng, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công và hạn chế tối đa tác động đến hoạt động kinh doanh sôi nổi của khu vực.
Ngay lối vào là khu checkin và sinh hoạt chung rộng rãi, dẫn tới khoảng thông tầng lớn ở trung tâm, nơi ngôi nhà được chia thành hai khối riêng biệt nối với nhau bằng những cây cầu đỏ bắt mắt. Mặt cắt thông tầng được thiết kế theo đường nét chiếc phễu rộng dần lên cao, tạo điều kiện đón nhận ánh sáng tối đa và tăng cường lưu thông khí trời. Những bồn cây lớn nhỏ bố trí quanh mặt tiền và khu vực thông tầng, mang sắc xanh thiên nhiên len lỏi khắp các phòng và không gian chung. Trên tầng thượng, nơi dồi dào nguồn sáng và khí trời nhất, là hai tầng riêng biệt dành cho nhóm khách gia đình, có thêm một khoảng thông tầng, cầu thang riêng và sân vườn ngoài trời. Các mái kính lớn tích hợp cửa đóng mở để đón gió, cùng hệ mái bạt di động giúp kiểm soát thời tiết bốn mùa đầy biến đổi, tạo ra một không gian sống thông minh, xanh và tiết kiệm năng lượng nhờ hệ thống tấm năng lượng mặt trời lắp trên mái.
Nằm gọn ghẽ trong con hẻm nhỏ ở Quận 2, House 49 là một tổ hợp không gian đầy sáng tạo, phá vỡ những giới hạn hình mẫu nhà ở dân dụng Việt Nam. Từng góc cạnh trong ngôi nhà là một sự chuyển biến bất ngờ, phức tạp mà vui tươi, tưởng chừng chỉ phù hợp với lối sống năng động của giới trẻ, nhưng lại là chốn an cư ấm cúng cho đôi vợ chồng đến tuổi nghỉ hưu. Phép thử đến từ việc phân chia không gian đa tầng với nhiều hệ cao độ khác nhau, cắt xẻ mặt bằng thành nhiều gian nhỏ, kết hợp cùng các mảng tường hình học giúp che chắn tầm nhìn hợp lý và tối ưu hóa nguồn sáng tự nhiên – một điểm nhấn đắt giá. Nguồn sáng tự nhiên mà công trình hấp thụ không chỉ dừng lại ở ánh sáng mặt trời mà còn là cả ánh sáng mặt trăng. Những hành lang dẫn lối, khoảng yên bình đọc sách mỗi sáng hay cả mảng trời tận hưởng đặt trên hệ mái đều dựa trên lộ trình của ánh sáng. Màu sắc được lược giản để tập trung vào hình khối và cấu trúc.
7. Round House – atelier tho.A | Sài Gòn (2019)
Từ bên ngoài, căn nhà khiến nhiều người không khỏi tò mò và bật cười với những bình phẩm độc đáo “nhìn nhà như công ty cấp nước”, hoặc “sao giống mấy cuộn giấy vệ sinh chồng lên nhau”. Khu đất không quá rộng, lại chẳng quá vuông vức này vốn đã là nơi cư ngụ và lưu giữ nhiều kí ức đẹp của gia đình 10 thành viên qua nhiều thập niên. Chính vì cảm quan sâu sắc về hình dáng tròn trịa, gợi liên tưởng đến sự kết nối liền mạch, đại gia đình đã không ngần ngại cùng các kiến trúc sư của atelier tho.A thực hiện hóa bản thiết kế đầy hóc búa và nhiều trở ngại thi công này.
Không muốn các thành viên trở về lại khép mình trong những phòng hộp vuông vức, gia chủ yêu thích ý tưởng sáng tạo căn phòng thành những vòng tròn linh hoạt. Điểm nhấn đặc biệt là chiếc cầu thang xanh ngọc uốn lượn ôm sát đường cong không gian, vừa là hành lang kết nối các phòng, vừa đóng vai trò trang trí và dẫn sáng. Đối lập với cầu thang xanh ngọc và tường trắng là hệ thống đồ gỗ được đo ni đóng giày theo đường cong không gian, tiết chế và tinh giản để giữ cảm giác thoáng đãng, hiện đại. Điểm nhấn đá mài xanh hoài cổ tại bồn rửa và bồn tắm, bệ ngồi cong tạo cảm giác yên bình, trong khi đá mài trắng lát ở tầng trệt làm tăng vẻ rộng thoáng. Từ bất cứ căn phòng nào trong ngôi nhà này, ta đều có thể quan sát được không gian sinh hoạt chung tầng trệt, bố trí ít đồ đạc để có thể đón gần trăm thành viên trở về quây quần những dịp Tết.
8. Nhà phố Quận 2 | Sài Gòn (2018)
Ngôi nhà phố tại Quận 2 được ví như “resort house” này đưa ra một hướng đi mới cho cấu trúc nhà ống quen thuộc với cầu thang chia đôi với dầm bê tông được khéo léo che giấu và nhà vệ sinh được bố trí ẩn bên trong. Thiết kế nội thất theo phong cách modern tropical, gần gũi với thiên nhiên cây cối, chọn lọc một số màu sắc nổi bật như đỏ hoặc vàng, xanh sậm làm điểm nhấn. Các chi tiết từ chất liệu mây, tre và gỗ tự nhiên được điểm xuyết tinh tế, sắp đặt cân đối, thể hiện rõ phong cách đặc trưng của kiến trúc sư. Ngôi nhà, nơi tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ và hai con nhỏ, toát lên một phong cách sống riêng đầy sức sống, hòa hợp nhưng không hòa lẫn vào các khối nhà xung quanh vốn tuân theo quy hoạch chặt chẽ và nghiêm cẩn.
9. Nhà Đèn Lồng – Atelier NgNg | Sài Gòn (2018)
Công trình mang tên nhà đèn lồng, nằm trong khu dân cư đông đúc trên mảnh đất hẹp hướng Tây, là căn nhà/ studio chụp ảnh của cặp vợ chồng trẻ và hai con nhỏ nổi bật nhờ thiết kế hiện đại, đơn giản song vẫn thông thoáng gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là việc tổ chức không gian và kết hợp vật liệu một cách sáng tạo.
Mặt tiền hướng Tây được trang bị hệ lam gió tự động từ sàn lên đến trần, vừa giảm thiểu ánh nắng gay gắt, vừa làm dịu mát bên trong nhờ áp lực gió lưu thông qua những lỗ nhỏ li ti. Tính công năng của hệ lam được kết hợp với tính thẩm mỹ độc đáo: khi đóng lại, các tấm lam hình thành hoạ tiết người giã gạo cách điệu từ trống đồng Đông Sơn, và ban đêm, ngôi nhà sáng rực như một chiếc đèn lồng giữa thành phố.
Đội thiết kế Atelier NgNg đã chọn kiến trúc lệch tầng, sử dụng tường và sàn kính để liên thông không gian, tăng cảm giác rộng rãi hơn thực tế. Các nguyên tắc phong thuỷ được áp dụng tinh tế: bình phong bằng lam gió, hồ nước trên mái giúp làm mát và lọc không khí, cùng với kính màu và tường gạch cũ giúp cân bằng những gam màu trung tính, đồng thời góp phần tạo nên hiệu ứng ánh sáng đặc sắc.
10. Less House – H.A Workshop | Sài Gòn (2017)
Căn nhà yên bình của một gia chủ theo đạo Phật được H.A Workshop thiết kế theo hướng thiền định, mang vẻ ngoài xuyên thấu độc đáo cùng cách xử lý không gian nhỏ tinh tế. Mặt tiền công trình là một tấm lưới lớn màu trắng với các đường kẻ hình học, tạo hiệu ứng thị giác lạ mắt, mang cảm giác vừa hở vừa kín, cởi mở nhưng vẫn riêng tư, hòa hợp với xung quanh mà vẫn nổi bật. Với diện tích khiêm tốn 4x18m, không gian tầng trệt được chủ đích bố trí liền mạch từ phòng khách đến phòng ngủ cuối nhà mà không dùng tới vách ngăn. Khu vực bàn ăn đóng vai trò chuyển tiếp không gian, nơi cầu thang trắng thanh mảnh uốn lượn như dòng suối mềm mại.
Hiệu ứng ánh sáng được khai thác tinh tế, với khoảng sáng chính ở vị trí trung tâm cầu thang giúp mang hơi ấm cân bằng giữa hai mảng cây xanh mát lạnh. Trần cao với lưới thép thông khí uốn sóng biến vệt nắng hoàng hôn thành tấm vải dệt ánh sáng trên tường trắng. Phòng tắm được lắp kính màu, tạo nên những sóng màu huyền ảo khi ánh nắng đổ xuống. Nội thất tinh giản với màu gỗ sồi chủ đạo mang đến cảm giác mộc mạc, hiền hòa, làm cho không gian dù nhỏ nhưng lại rất êm chứ không nặng nề bí bách.
Tổng hợp: Hagomani
Xem thêm:
Nhà ống Mai Thúc Loan – Mối gắn kết bền vững – Cong Sinh Architects