Ký ức Đông Dương viễn mơ và những cuộc ảo hóa

Nghệ thuật hay suy tư về Indochinoise – Đông Dương sau cùng luôn là một sự rộng mở ra cõi viễn mơ, liên tục ảo hóa ra vô số hình tướng. Đó là thế gian mà thực tại trở nên mờ nhạt, còn ký ức và sự tưởng tượng thì cứ phát triển nở ra vô tận, sự mơ màng liên tục khai hoa trong ánh sáng và tất cả là để họa lên một không-thời gian chứa một xứ sở nào đó đã từng nằm bên bờ biển Đông; đó là chốn tận cùng của mọi con đường trên bản đồ địa lý mà bằng đôi chân – con người có thể băng từ phương Tây đến.

Đông Dương không chỉ là một vùng địa lý hay một thời kỳ, nó đã trở thành một cảm thức thẩm mỹ đi cùng con người đến nay đã trăm năm, và nếu cảm thức Đông Dương đã là tiến trình thẩm mỹ thì sẽ có những câu chuyện của riêng nó. Đông Dương của nghệ thuật và ký ức đôi khi rất khác với Đông Dương thực tại đã qua. Nghiên cứu nghệ thuật về Đông Dương là nghiền ngẫm những si mê và run rẩy trong ước mơ của con người khi cố gắng tìm kiếm một vùng đất đẹp đẽ để an ủi tâm trí chán nản trong suốt thế kỷ 19-20. Tất cả những hoài cảm Đông Dương suy cho cùng vẫn là những tình cảm đẹp đẽ về một xứ từng được tin là chứa nhiều sự nên thơ… Nếu nghĩ theo cách này thì đến ngày nay, cảm hứng Đông Dương vẫn chứa nhiều giá trị xứng đáng để con người khám phá lại.

Ký ức về Đông Dương đã bước một bước lớn từ “Ký ức cá nhân sống trong thời kỳ Đông Dương” để trở thành “Ký ức của cộng đồng quốc tế”. Đầu tiên là vì thời đại ấy đã qua lâu và chẳng còn chứng nhân nào tồn tại, còn hậu bối – chúng ta đâu tự sống trong thời gọi là “Đông Dương”, thay vào đó chúng ta chỉ là những kẻ thừa hưởng gia tài của những giai thoại Đông Dương, dẫu là thực hay ảo, mê hay tỉnh thì cũng chỉ là những thông tin được phát lại trên mọi phương tiện truyền thông, hay chuyện kể được lưu trữ trong ký ức gia đình và dân tộc. Nghĩ như thế thì ký ức Đông Dương đã trở thành một loại di sản thuộc về nhân loại và là thứ di sản đem theo cả cái đẹp lẫn trách nhiệm đối diện với những sai lầm. Và khi Đông Dương đã trở thành một đề tài, cảm hứng, một kho lưu trữ mỹ cảm của toàn nhân loại thì không ngạc nhiên khi giờ đây bất kỳ ai cũng có thể có quyền “bước vào” và tham dự sáng tạo tiếp tục câu chuyện Đông Dương trong mọi loại hình nghệ thuật, lẫn trong mơ.
Và khuynh hướng Ký ức, cảm hứng quay quanh thời Đông Dương đã dần trở nên mạnh mẽ với nhiều nghệ sĩ Việt. Hãy thử bước vào cuộc ảo hóa của Ký ức Đông Dương cùng họ.

Hôm nay, khi chúng ta kể về Đông Dương cũng là ta thuật lại ký ức của thế hệ ông-bà, của sách báo, của những diễn ngôn và truyền thông, hình ảnh hay tư tưởng của các tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là “sự thực chân xác về Đông Dương”.

1. Dòng nghệ thuật của những vết may ký ức Đông Dương

Nghệ sĩ Võ Trân Châu có thể xem là đại diện cho khuynh hướng này. Chị là nghệ sĩ của vải vóc, kim chỉ… người thêu nên câu chuyện của ký ức bằng những mảnh vỡ. Tác phẩm về quá khứ của Trân Châu là những mảnh vải màu từ tha phương trôi về Việt Nam, được bàn tay người phụ nữ may lại như chiếc chăn “hoa” chắp vá qua từng mảnh nhỏ để phảng phất lên những hình ảnh xa vời của các công trình ngày cũ, nhà thờ Pháp thuộc, những ngôi đình cuối cùng thời Đông Dương… Ngắm nhìn tác phẩm của chị, ta sẽ chợt nhận ra rằng chúng ta thực sự đã biết gì về Đông Dương, hay ta biết gì về cái gọi là ký ức? Khi chúng ta hồi tưởng, nhớ lại quá khứ, thứ chúng ta thấy là những ảnh rời rạc được chính ta tưởng tượng và tái tạo lại… Trí nhớ không phải một cái máy quay chính xác, nó là ánh nhìn “ứ đầy” cảm xúc và suy tư của đời sống con người. Tác phẩm của chị biểu đạt chính tính chất mơ hồ của quá trình ráp nối các hình ảnh, câu chuyện rời rạc trong tâm trí trước khi chúng ta tự thuật ra thứ được gọi là “Ký ức”.

Trân Châu nhặt khung cửa cũ 1

Ký ức Đông Dương 1

Hai ảnh Trân Châu nhặt khung cửa cũ để nhìn xuyên qua chúng và thấy lại bao bóng dáng dung mạo kiến trúc đã từng hiện lên qua những khung cửa này, dẫu giờ đây chúng chỉ còn là những đường viền tòa nhà trong ký ức. Ảnh: Tư liệu

BST khá ấn tượng của chị về đề tài Ký ức có thể kể chuỗi tác phẩm “Đã từng là nhà của ai đó?” (It was someone’s home) – series, 2020. Ta nhìn thấy những khung cửa gỗ mở ra những quang cảnh, tòa nhà đã mờ nhạt sau tấm màn của hồi tưởng, của năm năm tháng tháng. Những khung gỗ này được nhặt lên sau những tàn hoại thời gian đi qua những ngôi nhà cổ, có nơi là kiến trúc Pháp, có chốn là nhà của người Hoa, có kia là những ngôi nhà đơn sơ và trơ trọi cuối cùng trên những dãy phố đã đổi thay quá nhiều… Chúng ít nhiều đến từ cùng một thế giới dĩ vãng, cũng như có cùng cảm giác rỗng không khi tiếng cười, niềm vui hay bất hạnh của những gia đình đã từng nương náu trong chúng tan biến mất vào lịch sử. Trân Châu nhặt khung cửa cũ để nhìn xuyên qua chúng và thấy lại bao bóng dáng dung mạo kiến trúc đã từng hiện lên qua mấy khung cửa này, dẫu giờ đây chúng chỉ còn là những đường viền tòa nhà trong ký ức.

Có lần khi đến đảo Jeju, đứng trước bí mật của nghi lễ tín ngưỡng Muism chị đã đồng điệu mà tìm ra những nghĩa lý mới cho việc thực hành nghệ thuật của mình… Dường như chị muốn qua việc may lại những tàn tức ngày cũ để mong cầu làm lành lặn lại những vết thương của lịch sử vẫn đang ngấm ngầm chảy trong những chuyện kể hay tinh thần bao thế hệ. Hôm nay, khi chúng ta kể về Đông Dương cũng là ta thuật lại ký ức của thế hệ ông-bà, của sách báo, của những diễn ngôn và truyền thông, hình ảnh hay tư tưởng của các tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là “sự thực chân xác về Đông Dương”… Chính sự truyền lưu đó đôi khi đã dần ghi lại sâu thêm những tổn thương cho bao thế hệ, và tác phẩm của Trân Châu là một lời nhắc nhở để chúng ta hồi tưởng và nhận ra những vết tích ấy rồi tự thấu hiểu cách để chuyển chúng thành những dư cảm ấm áp hơn.

2. Ký ức về những linh thần và cuộc đối diện Tây Phương

Thực hành của Nguyễn Mạnh Hùng là sự truy vấn các cảm giác, ký ức, sự kết nối với cõi thiêng và linh thần trên xứ Việt Nam trước và trong thời Pháp thuộc. Mạnh Hùng là nghệ sĩ thuộc thế hệ tiên phong thứ hai tại Hà Nội, anh theo đuổi sự kết hợp đôi khi hài hước và chơi đùa về những liên kết linh thiêng và những “cổ thần” trong ký ức lịch sử Việt Nam. Trong tiến trình dài biểu đạt sự hiển hóa của các linh thần với việc phù trợ cho quyền lực người Việt cũng như các vương triều trên đất nước này anh đã có những biểu đạt đặc biệt về giai đoạn Đông Dương, Pháp thuộc.

Chuỗi tác phẩm Thời hậu Thánh (時後聖) – The Age After Divinity kể về sự kết nối xưa xa khi các linh thần còn bước đi cùng loài người trên mặt đất, cùng hiệp lực loài người đẩy lùi bóng tối và kẻ thù xâm lăng. Thái Tổ Hoàng Đế tôn các thần là “Hộ Quốc Thánh” 護國聖 và ban thưởng bổng lộc cho cả các thế hệ con cháu của thần. Nhưng kết nối thiêng liêng chẳng là vĩnh cửu, trong cuộc trình hiện nghệ thuật của Nguyễn Mạnh Hùng thì chư Thánh hiện lên cùng loài người trong thời Pháp thuộc chỉ còn là những loài vật hay vỏ ngoài vô tri; các hóa thân của Thánh không biết tự lúc nào đã mất sự linh thiêng kỳ vĩ và quyền năng… chỉ còn con người đơn độc với hiểm họa.

Ký ức Đông Dương của Nguyễn Mạnh Hùng

Ký ức Đông Dương của Nguyễn Mạnh Hùng về mối liên kết nghìn năm của các hoàng đế với đất nước và tinh thần Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Qua các triển đạt ký ức trong thời đại nhập nhằng giữa quyền lực hoàng triều với tiếng nổ súng từ phương Tây, ký ức Đông Dương mà Nguyễn Mạnh Hùng đưa đến vừa như âm thanh chấn động chuông thần, lại vừa tếu táo cười ra nước mắt trước sự phong hóa của cái thiêng và mối liên kết nghìn năm của các hoàng đế với đất nước và tinh thần Việt Nam. Nhìn vào những bức tranh này ta vừa thấy quái dị, vừa thấy đầy những mâu thuẫn của niềm tin đã bị thay đổi trước và sau thời thuộc địa: niềm tin về cõi thiêng, quyền lực vua chúa, của các nghi lễ, hay cảm nhận về mô hình thành phố – nông thôn, nghịch dị giữa cảm giác về không-thời gian.

3. Khung ảnh hé mở ký ức cá nhân và lại hé ra quang cảnh thời đại đã qua

Cuộc truy vấn những sợi liên kết trong chính sự hiện diện cá nhân với ký ức của dòng họ và vận mệnh dân tộc đã đặt ra nhiều câu hỏi lớn cho cả giới nghiên cứu lẫn giới sáng tác. Cảm hứng này đã khiến nhiều nghệ sĩ Việt quyết định lên đường tìm kiếm câu trả lời, trong đó tiêu biểu có Quỳnh Lâm – người tha thiết bước về một xứ nay gọi là xứ Đông Dương.
Biểu đạt cho sự truy vấn ký ức của Lâm là dự án lâu dài “Lâm Mnemonics”, dự án sẽ lần theo các dấu vết của quá khứ đi xuyên qua chiến tranh, để đến xứ Ký ức – Đông Dương. Đó là nơi của những ký ức riêng tư đã chết cùng những chứng nhân của nó, giờ đây ký ức xứ sở tận cùng phía Đông ấy chỉ còn trong vô số bức hình trôi nổi trên khắp các phương tiện truyền thông. Hiểu rõ những vách ngăn lịch sử, không gian và thời gian, thực tại này… Lâm đã diễn đạt lại những cảm xúc, suy tư của cô về các gãy vỡ giữa thực tại trong nhiếp ảnh với những tàn tích ngày hôm nay trong hàng loạt tác phẩm được dựng cận kề nhiều biểu tượng của vương triều cuối cùng của Việt Nam như: Lăng Thiệu Trị (1848), Lăng Tự Đức (1889), Lăng Khải Định (1920). Qua sự nắm bắt mối quan hệ giữa lịch sử gia đình cô với các di chỉ ký ức trong thời Đông Dương, hoàng triều Nguyễn… các tác phẩm dần dần bộc lộ nhiều khả năng chưa được khám phá về việc con người
hiện đại đã tư duy để tái tạo và kể lại quá khứ ra sao so với thực tế đã xảy ra.

ế Tác phẩm của Quỳnh Lâm

Ký ức Đông Dương tác phẩm của Quỳnh Lâm

Tác phẩm của Quỳnh Lâm về những ký ức xứ sở tận cùng phía Đông chỉ còn trong vô số bức hình trôi nổi trên khắp các phương tiện truyền thông. Ảnh: Tư liệu

Xứ Đông Dương ngày nay là một cánh đồng bát ngát của những ký ức, ký ức nửa thực-nửa hư, nửa xây dựng bởi cả người phương Tây lẫn cả thế hệ người sinh ra nơi các xứ này.

Đến cuối cùng, các tác phẩm của nghệ sĩ Lâm còn bộc lộ cái gì đó khác trong hệ thống lưu trữ ký ức của loài người, rằng chủ thể của ký ức không chỉ có sự kiện – con người – kiến trúc mà còn có thiên nhiên đang nuốt chửng lấy hết mọi tạo vật. Quyền lực của tạo hóa này có lẽ gắn bó với những cảm giác dai dẳng của những người bị ly tán khỏi quê hương, của những ngôi nhà vĩnh viễn không gặp lại cố nhân.
Như thế Xứ Đông Dương ngày nay là một cánh đồng bát ngát của những ký ức, ký ức nửa thực-nửa hư, nửa xây dựng bởi cả người phương Tây lẫn cả thế hệ người sinh ra nơi các xứ này – và cả các
du khách đến tham quan và gửi lại cảm xúc cùng kỷ niệm hay những câu chuyện của họ. Thực tế của lịch sử Đông Dương có thể trở nên mơ hồ dần theo năm tháng, nhưng những rung động trong các tác phẩm, câu chuyện sẽ còn hình thành liên tục kể từ khi những ước vọng truy tìm một xứ sở cho cái mơ màng Đông Dương được sinh ra đến mãi sau này.

Bài: Vương An Nguyên | Hình ảnh: Tư liệu


Xem thêm

Đông Dương – Một thời đại, vùng địa lý và phong cách kiến trúc