Họa sĩ Lê Huy – Khai phá mảnh đất vốn liếng dân gian

Hóm hỉnh, mạnh mẽ nhưng cũng sâu sắc, thâm trầm là những gì ta có thể cảm nhận ở họa sĩ Lê Huy và cả những sản phẩm trang trí của Lamphong Studio. Đó là dấu ấn toàn vẹn của một con người lớn lên trong xã hội phương Đông, một xã hội chậm rãi, nơi những sáng tạo mang tính thủ công, gần gũi, “con người” hơn và giàu chiêm nghiệm hơn.

Lê Huy 11

Họa sĩ Lê Huy | Ảnh: Lê Lai.

Lamphong Studio mang tên con trai của họa sĩ Lê Huy, với hy vọng mang lại một cơn gió mát xanh trong đời sống và cộng đồng những người làm sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo thủ công. Kể từ khi thành lập năm 2015 đến nay, Huy vẫn là người làm việc chính và gần như duy nhất trong tất cả các dự án của Lamphong. Đối với anh, điều quan tâm lớn nhất trong việc tạo ra một tác phẩm là làm sao để khi nhìn vào, ai cũng nhận diện được rằng đó là đồ Việt Nam, là sản phẩm của người Việt. Khi còn là sinh viên ngành Thiết kế Đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Huy cũng từng học hỏi và chịu ảnh hưởng của các xu hướng, phong cách thiết kế Tây phương. Sau này, khi có cơ hội thiết kế các cuốn sách về văn hóa Việt Nam phiên bản ngoại văn và thực hiện triển lãm “Những ngày văn hóa Việt Nam” tại các quốc gia khác, anh nhận ra rằng tính bản địa, vẻ đẹp và tinh thần Việt là điều làm nên sự khác biệt, hứng thú, gây bất ngờ và để lại ấn tượng đáng nhớ cho người xem. Từ những trải nghiệm trên, Huy quyết định theo đuổi quan điểm “làm thiết kế mà người Việt nhìn thấy bảo “Tây” nhưng người nước ngoài nhìn vào thì thấy nó rất Việt”.

Lê Huy 10

Ảnh: NVCC.

Lê Huy 9

Chất “Tây” trong các sản phẩm trang trí thủ công của Lamphong Studio được thể hiện qua tính hiện đại, logic trong tư duy và sự chỉn chu, kỹ lưỡng trong khâu hoàn thiện. Còn cảm hứng truyền thống và tinh thần Việt Nam là cốt lõi để anh tạo ra câu chuyện, tiếng nói riêng. Với Huy, đó cũng là ưu thế lớn nhất của các NTK Việt: “Văn minh phương Đông mang hơi thở huyền bí và luôn gây tò mò với thế giới. Thế giới quan và góc tiếp cận của NTK châu Á luôn hướng vào bên trong, khai thác triết lý, tư tưởng, bề dày của văn hóa bản địa, đó là lợi thế cạnh tranh lớn với phương Tây”.

Lê Huy 8

Ngựa Hoa Mai được thiết kế vào đầu năm 2020, lấy cảm hứng từ câu “Bóng câu qua khe cửa”, ám chỉ thời gian trôi nhanh như vó ngựa, giữa thời điểm dịch COVID-19 vừa bùng phát và mọi khoảnh khắc đều đáng giá hơn vàng | Ảnh: NVCC.

Lê Huy 7

Ảnh: NVCC.

Lê Huy 6

Ảnh: NVCC.

Là một người có nhiều năm sưu tầm gốm Nhật, Huy cảm nhận được tinh thần, triết lý sống, thế giới quan của người Nhật qua những sản phẩm thủ công họ làm ra. Quan điểm thẩm mỹ và văn hóa Nhật Bản – đặc biệt là “Wabi-Sabi” và “Ichigo Ichie” – ảnh hưởng khá nhiều đến tư duy thiết kế và góc nhìn của anh, đồng thời khiến anh nuôi dưỡng hy vọng kể được một câu chuyện văn hóa tương tự của riêng người Việt thông qua các sản phẩm kết hợp chất liệu từ làng nghề thủ công, kế thừa từ dân gian, truyền thống nhưng mang hơi thở của thời đại. Cảm hứng sáng tạo của Huy đến từ giá trị truyền thống và góc nhìn trẻ con, chính vì vậy mà các thiết kế của Lamphong Studio thường mang dáng dấp của một món đồ chơi hơn là vật phẩm trang trí thuần túy. Anh thích các con vật, thích ruộng đồng, làng quê và văn hóa dân gian. Anh luôn bị cuốn hút bởi những tạo hình, thông điệp mà ông cha để lại qua những mảnh hoa văn, đồ án trang trí trên phù điêu, tượng với các chất liệu truyền thống. Những dạng thức hoa văn luôn nhiều bất ngờ, dù có tồn tại cả nghìn năm nhưng vẫn mang ý nghĩa sâu sắc đến tận bây giờ. “Tôi luôn muốn mượn những câu chuyện dân gian để kể câu chuyện ngày hôm nay, câu chuyện của tôi và của mọi người”, anh chia sẻ.

Lê Huy 5

Cốt gốm của bộ sản phẩm Nhàn Ngưu, gồm tượng Trâu Hạt Mít nằm ngủ thảnh thơi trên mõ trâu cách điệu hình mái đình | Ảnh: NVCC.

“TÔI MUỐN PHẢN ÁNH NHỮNG GÌ ĐANG DIỄN RA HẰNG NGÀY, CÂU CHUYỆN CỦA NGÀY HÔM NAY TRÊN HÌNH TƯỢNG CON GIÁP CHO TỪNG NĂM, TỪNG CÂU CHUYỆN RIÊNG BIỆT. NHƯ MỘT LỜI CHÚC, NHƯ MỘT THÔNG ĐIỆP, MỘT MÓN QUÀ NĂM MỚI DÀNH CHO MỌI NGƯỜI VÀ CHO BẢN THÂN TÔI”.

Lê Huy 4

Hoa văn trên thân mõ được chuyển thể từ hệ thống đồ án hoa cúc dây trên bệ đá tượng A-di-đà chùa Phật Tích | Ảnh: NVCC.

Lê Huy 3

Ảnh: NVCC.

Lê Huy 2

Nhàn Ngưu là dự án tốn nhiều thời gian nhất và cũng là dự án thành công nhất của Lamphong Studio | Ảnh: NVCC.

Những năm gần đây, ngành Decoration Design đã có nhiều khởi sắc. Mọi người đã chú trọng hơn đến bản quyền, đến câu chuyện, đến tính chính thống, nguồn gốc của sản phẩm trước khi mang sản phẩm đó về không gian của mình. Khách hàng đã gần hơn với người chơi, với nhà sưu tập nên còn cần cả câu chuyện, ý tưởng, thông điệp đằng sau một tác phẩm. Việc các cộng đồng sáng tạo liên kết với nhau cũng là tín hiệu vui.

Bản thân Huy cũng muốn Lamphong trở thành một Studio mở, tập trung được nhiều họa sĩ, NTK, các bạn sinh viên cùng tham gia sáng tạo. Hiện anh đang thực hiện một vài dự án kết hợp các cộng sự trẻ. Huy bật mí rằng đó có thể là một món quà mà người nước ngoài nào đến Việt Nam cũng sẽ mua, giống như du khách đến Nhật đều mua búp bê Kokeshi, Daruma hay mèo vẫy tay Maneki Neko vậy.

Lê Huy 1

Nhâm Nhi Dần là một chú hổ con trong bão lửa, tay cầm bông sen đầy hạnh phúc, được làm từ chất liệu sơn mài thủ công mang dáng hình củ lạc | Ảnh: NVCC.


LÊ HUY

Họa sĩ thiết kế

– Giảng viên Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội
– Tốt nghiệp ngành Thiết kế Đồ Họa – Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp 2008
– Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Đồ Họa – Đại học Mỹ Thuật Việt Nam 2014
– Sáng lập Lamphong Studio
– Thiết kế vật phẩm trang trí thủ công lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam


Bài: Đoàn Trúc | Hình ảnh: Lê lai & NVCC.


Xem thêm:

Chiron Dương: Mạch ngầm cảm xúc tạo nên dòng chảy văn hóa

Trần Nguyễn Ưu Đàm – Dịch chuyển trong nghệ thuật đương đại