Nhà thiết kế Huy H. Nguyen: Đề cao tính chân thực trong sản phẩm

Một nhà thiết kế tự do với kinh nghiệm dày dặn, tư duy đề cao tính chân thực trong sản phẩm, luôn có những kế hoạch cụ thể để nâng cao tay nghề và xây dựng thương hiệu cá nhân.

Nha thiet ke Huy H. Nguyen 1

Nhà thiết kế nội thất Huy H. Nguyen. Minh hoạ: Thanh Ngân

Nhà thiết kế nội thất Huy H. Nguyen đam mê nghiên cứu khả năng kết hợp ngẫu nhiên các loại vật liệu giản đơn trong cuộc sống hàng ngày để tạo ra những sản phẩm độc đáo và bắt mắt. Làm việc trong môi trường sản xuất tại nhà máy, anh có nhiều cơ hội áp dụng kiến thức và gu thẩm mỹ của mình vào thực tế.

Một số thiết kế ưng ý:

Exeter Side Table (2016): Bộ bàn trà kết hợp giữa bê-tông và kim loại/gỗ. Thiết kế đơn giản nhưng được ứng dụng rộng rãi tại các quán cafe cũng như set quay talkshow.

huy h nguyen district eight exeter ban tra

Bộ bàn Exeter

Tam Phong Lounge Chair (2018): Vật liệu gỗ là chủ đạo, kết hợp thêm mây đan mắt cáo, với lối tạo hình đương đại dựa trên một chút yếu tố Đông Dương.

Chàm shelf (2020): Thử nghiệm phương pháp nhuộm chàm của người dân tộc H’mông lên bề mặt gỗ sồi đỏ và sơn mài truyền thống điểm xuyết trên những chi tiết nhỏ.

Hồi Armchair (2023): Một sản phẩm có thời gian thiết kế lâu nhất của tôi từ trước tới giờ. Chi tiết tay nghỉ từ chiếc ghế bành này mất 1.5 năm để đi từ nhiều tạo hình khác nhau cho phù hợp với chất liệu nhôm đúc.

Ban phu Phay

Bàn phụ Phẩy làm bằng nhôm đúc, thép không gỉ và MDF.

Phẩy Side Table (2023): Đi kèm với Hồi Armchair, là một cặp đôi tuyệt vời để tôn lên đường nét nhẹ nhàng và mềm mại từ thị giác đến xúc giác.

Chất liệu tâm đắc: Tôi đặc biệt yêu thích sử dụng gỗ kết hợp với các chất liệu khác như kim loại, kính, và da tự nhiên… để tạo ra sự đối lập nhưng hài hòa trong thiết kế của mình.

Thương hiệu – Nhà thiết kế yêu thích: BDDW (do Tyler Hay sáng lập) và Nhà thiết kế Dieter Rams.

Cảm hứng sáng tạo:

Chủ yếu đến từ thiên nhiên và cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là từ các yếu tố liên quan đến nước và bề mặt của loại vật liệu khác nhau sẽ tạo cho ta cảm xúc khác nhau khi chạm vào. Cách tiếp cận là kết hợp ngẫu hứng, sử dụng các chất liệu từ thô mộc đến cao cấp. Các sản phẩm thường có dấu ấn thủ công mạnh mẽ, thể hiện qua từng chi tiết nhỏ.

Tôi nhận thấy mỗi loại vật liệu đều có một cảm giác riêng khi chạm vào. Gỗ tự nhiên mang lại sự ấm áp, kim loại là sự mát mẻ, còn đá cẩm thạch thì mịn màng và chắc chắn. Tôi muốn dùng những tính chất này để thiết kế những sản phẩm nội thất đẹp, khiến người dùng cảm nhận được những điều tinh tế thông qua việc chạm và sử dụng chúng.

do noi that ghe thu gian huy h nguyen

Ghế thư giãn Tam Phong.

Mặc dù mang nét đặc trưng của thiết kế hiện đại, các sản phẩm của tôi cũng gợi nhớ tới sự chân phương của phương pháp chế tác truyền thống, tạo ra sự cân bằng hoàn hảo. Tôi đặc biệt quan tâm đến quá trình sản xuất thủ công, thể hiện sự cẩn thận, chăm chút và tài năng của những nghệ nhân chế tác, từ đó mang lại giá trị và sự độc đáo cho mỗi sản phẩm.

Nha thiet ke Huy H. Nguyen 2

Ghế bành Thiên Ấn thiết kế cho Curator 9102, làm bằng gỗ sồi, mây đan thủ công, da bò và đồng thau.

Giuong Diem

Giường Điểm làm bằng gỗ sồi, da bò, thép sơn tĩnh điện và vải Acacia Metallia.

Lý do anh chọn theo đuổi ngành thiết kế sản phẩm nội thất:

Tôi chọn theo đuổi ngành thiết kế sản phẩm nội thất vì muốn tạo ra những không gian sống đẹp, có tính ứng dụng và phản ánh tính xác thực (authenticity) và trung thực (honest) trong từng chi tiết. Sự đam mê của tôi với việc đưa vẻ đẹp tự nhiên của các chất liệu, văn hóa, và giá trị thủ công vào trong thiết kế đồ nội thất là để mỗi sản phẩm không chỉ là một vật dụng trong nhà mà còn là một phần của câu chuyện cá nhân, một dấu ấn của bản sắc và lịch sử.

Triết lý “Honest Design” dạy tôi rằng mỗi thiết kế nên thể hiện chân thực bản chất, chức năng và quy trình sản xuất của nó, khuyến khích tôi tạo ra những sản phẩm không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ mà còn chứa đựng giá trị về mặt chức năng và bền vững. Trong khi đó, “Authenticity Design” nhấn mạnh việc tạo ra sản phẩm có bản sắc, giúp tôi hướng đến việc phản ánh đúng cá tính và giá trị thực sự của người sử dụng qua thiết kế.

Nhưng trên hết, lý do sâu xa khiến tôi chọn theo đuổi lĩnh vực này chính là khao khát được thể hiện sự tôn trọng và yêu mến đối với cuộc sống qua mỗi sản phẩm thiết kế. Tôi tin rằng, thông qua thiết kế nội thất, tôi có thể góp phần tạo nên không gian sống đầy ý nghĩa, nơi mỗi vật dụng không chỉ tiện ích mà còn mang lại cảm xúc và cảm hứng cho người sử dụng, làm cho cuộc sống hằng ngày trở nên phong phú và đầy màu sắc hơn.

Ghe banh Hoi

Ghế bành Hồi làm bằng khung gỗ, nhôm đúc và vải Acacia metallica (trong BST Chấm (2023), thiết kế cho AREUS Atelier).

Nha thiet ke Huy H. Nguyen 3

Bàn phụ Sơn Chà, làm bằng gỗ sồi, mây đan thủ công, đồng thau, thiết kế cho Curator 9102.

Thiết kế đầu tiên anh từng phác thảo và sản phẩm đầu tiên được sản xuất hàng loạt là mẫu nào? Hai thiết kế đó có gì khác nhau?

Thiết kế đầu tiên là S01 – Bộ bàn ghế kết hợp hai loại vật liệu gỗ sồi và thép tấm hoàn thành vào năm 2013 khi tôi còn là sinh viên. Vào thời điểm đó, nỗi ám ảnh lớn nhất của những người thuê nhà như tôi là “chuyển nhà”, mất rất nhiều thời gian và công sức để sắp xếp và đóng gói đồ đạc. Ngoài ra, tôi còn phải nhờ vả người khác khi di chuyển những vật dụng có kích thước lớn và nặng, khiến chi phí cho việc này luôn tăng lên. Từ đó, tôi có ý tưởng tạo ra một sản phẩm có thể lắp ráp nhanh chóng và gọn gàng (Flatpack Design). Tôi đã đặt tên cho sản phẩm đó dưới mã “S001” (Set 1st).

Ở sản phẩm này, tôi chưa thực sự suy nghĩ kỹ lưỡng về khả năng sản xuất hàng loạt hay người dùng lắp ráp như thế nào, mà chủ yếu tập trung vào tính năng và thẩm mỹ của sản phẩm. Tuy nhiên, tôi đã cố gắng kết hợp nhiều loại vật liệu như gỗ, kim loại và cao su, mỗi loại đều phục vụ một chức năng riêng biệt và tạo nên một tổng thể thống nhất.

Sản phẩm đầu tiên được sản xuất hàng loạt là Salk Desk cho District 8, đánh dấu lần đầu tiên tiếp cận với bê-tông trong thiết kế. Thử thách ở đây là dùng vật liệu nặng về chất nhưng tạo nên đường nét mềm mại về thị giác và vẫn có thể chuyển tiếp mượt mà với các loại vật liệu khác nhau. Tôi đã áp dụng bài học từ thiết kế đầu tiên của mình để suy nghĩ thấu đáo hơn về quy trình sản xuất và đóng gói. Sự vững chắc là ưu tiên hàng đầu khi thiết kế chiếc bàn này, đảm bảo có thể dễ dàng sản xuất hàng loạt và đóng gói một cách gọn gàng, tiết kiệm chi phí. Tôi đã kỹ lưỡng cân nhắc đến trải nghiệm của người dùng cuối, từ cách ngồi thoải mái đến tính linh hoạt và khả năng kết hợp giữa các phụ kiện đi theo. Bàn được kết hợp với nhiều loại vật liệu khác nhau: gỗ cho phần bề mặt, bê-tông cho phần chân và phụ kiện, đồng thau cho một số chi tiết nhỏ như móc dây. Mỗi loại đều được chọn lọc kỹ càng để đảm bảo chất lượng và tính năng chuyên biệt của sản phẩm.

Anh đã trau dồi kiến thức và trải nghiệm của mình bằng cách nào?

Những kiến thức và trải nghiệm của tôi được thu nạp qua sách, tạp chí chuyên ngành và blog về thiết kế nội thất; Tham gia các workshop, triển lãm, và sự kiện ngành nghề; Thực hành các dự án thực tế; Kết nối và học hỏi từ cộng đồng và tìm kiếm cơ hội thực tập.

Thử thách lớn nhất trong ngành này đối với một NTK trẻ như anh là gì?

Thử thách lớn nhất mà một nhà thiết kế trẻ như tôi phải đối mặt trong ngành thiết kế nội thất, đặc biệt trong một thị trường đa dạng và phát triển nhanh chóng như hiện nay, có lẽ là việc tìm ra vị trí và tiếng nói riêng trong ngành, bao gồm: 

Phát triển phong cách cá nhân: Trong một ngành có vô số tài năng và sự cạnh tranh, việc tạo dựng và duy trì một phong cách thiết kế độc đáo, phản ánh cá tính và triết lý thiết kế của bản thân là một thách thức lớn. Mỗi nhà thiết kế cần có một “chữ ký” riêng để nổi bật và tạo ra dấu ấn trong tâm trí khách hàng và đồng nghiệp.

Tiếp cận thị trường và khách hàng: Thách thức khác là việc tiếp cận thị trường và xây dựng một cơ sở khách hàng ổn định. Điều này đòi hỏi nhà thiết kế vừa phải giỏi về mặt sáng tạo, vừa phải có kỹ năng marketing, bán hàng, và quản lý dự án.

Đổi mới và duy trì sự sáng tạo: Trong một ngành luôn thay đổi với những xu hướng mới mẻ, việc liên tục đổi mới và duy trì được nguồn cảm hứng sáng tạo là một thách thức. Nhà thiết kế cần phải luôn cập nhật với xu hướng, công nghệ mới, và tìm cách áp dụng chúng một cách sáng tạo vào các dự án của mình.

Kỹ Năng Quản Lý Dự Án: Quản lý dự án, từ khâu lên ý tưởng đến việc thực thi và giám sát sản xuất, cũng là một thách thức lớn, đặc biệt khi phải làm việc với các đội ngũ từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này đòi hỏi nhà thiết kế phải có kỹ năng giao tiếp, tổ chức, và giải quyết vấn đề tốt.

Vượt qua những thách thức này đòi hỏi sự kiên nhẫn, đam mê, và không ngừng học hỏi. Mỗi thử thách đều là cơ hội để phát triển bản thân, mở rộng kỹ năng và kiến thức, đồng thời xác định rõ ràng hướng đi trong sự nghiệp của mình.

Ghe sofa Cham

Ghế sofa Chàm làm bằng gỗ sồi đỏ sơn màu chàm tự nhiên, vải lanh nhuộm chàm thủ công của dân tộc H’mong và khay đá vôi Moca.

Nha thiet ke Huy H. Nguyen 5

Kệ Chàm làm bằng gỗ sồi đỏ phủ màu chàm tự nhiên và sơn mài truyền thống.

Nha thiet ke Huy H. Nguyen 6

Kệ Chàm

Thuận lợi hay sự hỗ trợ mà anh đang nhận được trong công việc của mình đến từ đâu?

Gia đình và bạn bè: Sự ủng hộ từ gia đình và bạn bè vô cùng quan trọng, tạo nguồn động viên tinh thần không thể thiếu. Họ có thể không hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực thiết kế nhưng sẵn lòng hỗ trợ tôi qua những khoảng thời gian mất định hướng, giúp tôi giữ vững niềm tin và tiếp tục theo đuổi đam mê.

Cơ hội học tập và phát triển: Các khóa học, workshop, và chương trình đào tạo cũng là nguồn hỗ trợ quan trọng, giúp tôi nâng cao kiến thức và kỹ năng. Ngoài ra, việc tham gia các cuộc thi thiết kế (Ví dụ: Hoa Mai Competition) có thể mở ra cơ hội được công nhận và phát triển sự nghiệp.

Nền tảng trực tuyến và công nghệ: Sự phát triển của công nghệ và nền tảng trực tuyến cung cấp công cụ mạnh mẽ cho việc thiết kế, quảng bá, và kết nối với khách hàng cũng như đồng nghiệp. Các phần mềm thiết kế, mạng xã hội, và website cá nhân đóng vai trò là cầu nối giữa nhà thiết kế với thế giới bên ngoài.

Thị trường và xu hướng: Sự phát triển của thị trường và xu hướng tiêu dùng cũng tạo thuận lợi cho nhà thiết kế trong việc định hình sản phẩm và dịch vụ. Việc nắm bắt được xu hướng tại các kỳ hội trợ và triển lãm giúp tôi thiết kế những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng.

Cơ hội thực tập và làm việc: Cơ hội làm việc tại các studio thiết kế hoặc công ty sản xuất nội thất, dù là dưới hình thức thực tập hay làm việc toàn thời gian, cung cấp kinh nghiệm thực tiễn, giúp tôi hiểu rõ hơn về ngành nghề và thách thức mà một nhà thiết kế cần đối mặt.

Kế hoạch phát triển chuyên môn của anh trong thời gian tới?

Mục tiêu quan trọng nhất của tôi trong thời điểm hiện tại là mở rộng ra ngoài khu vực, về địa lý lẫn tư duy. Sử dụng các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, cũng như thiết lập mối quan hệ đối tác với các nhà thiết kế và các thương hiệu nội thất ở các quốc gia khác.

Về thiết kế, tôi muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với các NTK khác, các nghệ nhân và thợ thủ công nhằm khám phá và áp dụng các kỹ thuật truyền thống vào thiết kế hiện đại, tạo ra sản phẩm độc đáo và có bản sắc.

Bên cạnh đó, tôi sẽ tiếp tục đầu tư phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng thiết kế, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào thiết kế và sản xuất. Cuối cùng, mục tiêu dài hạn của tôi là xây dựng và phát triển thương hiệu cá nhân trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Điều này bao gồm việc thiết lập một trang web chuyên nghiệp hơn, phát triển portfolio rộng hơn, và tích cực tham gia các sự kiện ngành nghề để tăng cường hình ảnh và uy tín của mình.

Bài: Hoàng Lê | Ảnh: NVCC


Xem thêm

Kiến trúc sư – Nhà thiết kế Phạm Thọ Nhân: Hài hòa giữa tinh thần hiện đại và hoài cổ

Giám đốc sáng tạo Cang Nguyễn: Quyết đoán trong định hướng bền vững

AREUS Atelier đối thoại với văn hóa bằng nội thất