Giám đốc sáng tạo Cang Nguyễn: Quyết đoán trong định hướng bền vững

Thừa hưởng nền tảng vững chãi, Cang Nguyễn bước vào lĩnh vực thiết kế đồ nội thất với sự quyết đoán trong định hướng bền vững.

 
nha thiet ke noi that eponji giam doc sang tao cang nguyen

Cang Nguyễn thành lập Éponji vào năm 2023 và hiện là Giám đốc sáng tạo của thương hiệu. Minh họa: Thanh Ngân

Một số thiết kế ưng ý: Ghế thư giãn Nemal và TAURA.

Chất liệu tâm đắc trong thiết kế: Vải tái chế, gỗ tự nhiên và các vật liệu mới làm từ thiên nhiên hoặc tái chế.

Nhà thiết kế yêu thích: Luca Nichetto

Cảm hứng sáng tạo đến từ: Vật liệu và nhu cầu của con người.

Lý do anh chọn theo đuổi ngành thiết kế sản phẩm nội thất?

Làn sóng thiết kế sản phẩm nội thất tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu nổi lên trong vài năm gần đây, nhưng tôi tin đây là lĩnh vực có tiềm năng để phát triển, về thẩm mỹ lẫn kinh doanh.

Tôi lựa chọn theo đuổi ngành này vì muốn mang đến một cái nhìn mới mẻ và gần gũi hơn đối với các sản phẩm nội thất. Tôi hy vọng những sản phẩm của mình sẽ được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao.

Giam doc sang tao Cang Nguyen Eponji 2

Kệ Kiko làm từ gỗ dẻ gai cao cấp và thép sơn tĩnh điện.

Thiết kế đầu tiên bạn từng phác thảo, và sản phẩm đầu tiên được sản xuất hàng loạt là mẫu nào? Hai thiết kế đó có gì khác nhau?

Sản phẩm đầu tiên tôi phát triển là ghế ăn và hệ tủ cho phòng khách, nhưng chưa được sản xuất hàng loạt vì quá phức tạp. Các sản phẩm đầu tiên được sản xuất hàng loạt là BST dành cho phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ ra mắt năm 2019 cho Nhà Xinh, hướng đến khách hàng trẻ.

Hai dự án này khác biệt hoàn toàn về quan điểm khi bắt đầu. Dự án đầu tiên là kết quả của sự tò mò khi tiếp cận với các thiết kế nội thất mới mẻ và hấp dẫn, nhưng thiếu tính thực tế, chỉ tập trung vào thiết kế theo sở thích và bản năng mà không quan tâm nhiều đến khía cạnh sản xuất và thương mại hóa.

Sau sáu tháng nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi  bắt đầu thiết kế một BST mang tính thực tiễn và dễ tiếp cận hơn mà vẫn mang dấu ấn cá nhân. Đây là hai BST quan trọng nhất đối với tôi vì chúng đánh dấu bước đi đầu tiên của mình trong ngành nghề này.

Anh đã trau dồi kiến thức và trải nghiệm của mình bằng cách nào?

Do gia đình hoạt động trong lĩnh vực nội thất, tôi có cơ hội tiếp xúc với các nguyên tắc thiết kế từ Ba của mình. Đồng thời, tôi cũng không ngừng nâng cao kiến thức, thẩm mỹ và xu hướng từ các nguồn trực tuyến và sách về nội thất. Tôi hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn để tham gia vào các khóa học và trường đào tạo về thiết kế nội thất ở nước ngoài.

Cang Nguyen Eponji 1

Ghế ăn Taura sử dụng vải tái chế 100%, gỗ ép và gỗ tần bì.

Thử thách lớn nhất trong ngành này đối với một NTK trẻ như anh là gì?

Có hai thách thức lớn mà các NTK trẻ phải đối mặt: Đầu tiên là muốn thể hiện sự sáng tạo trong tư duy thiết kế, nhưng lại thiếu kinh nghiệm giải quyết các vấn đề kỹ thuật và hình dáng trong sản xuất. Họ thường mong muốn tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, nhưng đôi khi lại dễ bị cuốn vào việc biến những ý tưởng này thành “tác phẩm nghệ thuật”, làm mất đi tính ứng dụng của sản phẩm.

Thứ hai, các NTK trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm hoặc kiến thức về các khía cạnh khác của ngành nội thất như định giá sản phẩm, nghiên cứu thị trường, tối ưu hóa vật liệu và các vấn đề liên quan.

Cang Nguyen Eponji 2

Ghế thư giãn và bàn phụ Éponji x PlasticPeople.

Thuận lợi hay sự hỗ trợ mà anh đang nhận được trong công việc của mình đến từ đâu?

Những bước đi đầu tiên trong lĩnh vực thiết kế và thành lập công ty của tôi đến từ sự hỗ trợ của gia đình vốn có truyền thống hoạt động trong lĩnh vực đồ nội thất.

Kế hoạch phát triển chuyên môn của bạn trong tương lai gần?

Trong thời gian tới, mục tiêu của tôi trong lĩnh vực thiết kế đồ nội thất là nắm bắt thêm kiến thức về các vật liệu “xanh” để áp dụng vào các dự án của mình. Tôi mong muốn Éponji trở thành một trong những studio thiết kế hàng đầu chú trọng vào phát triển nội thất bền vững.

Bài: Hoàng Lê | Ảnh: NVCC


Xem thêm

Nhà thiết kế Ngọc Trân với tình yêu nghệ thuật và lòng kiên định

Tùng Monkey-Tái sinh để sáng tạo

Kiến trúc sư Junya Ishigami và mối quan tâm đến tính bền vững và cân bằng trong kiến trúc