Trần Nguyễn Ưu Đàm – Dịch chuyển trong nghệ thuật đương đại

Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm chia sẻ những quan sát và trải nghiệm của anh khi thực hành nghệ thuật và tổ chức triển lãm ở những không gian nghệ thuật đương đại khắp nơi trên thế giới. Mỗi triển lãm với không gian và khán giả riêng lại đem đến một đời sống mới cho tác phẩm của anh.

Là một nghệ sĩ thị giác đương đại, các tác phẩm của Trần Nguyễn Ưu Đàm đã được triển lãm nhiều nơi trên thế giới như: Yokohama Art Museum, Orange County Museum of Art, Jewish Museum New York, The High Line Art, (Shanghai Biennale) Power Station of Art, Mori Art Museum -NAC (Tokyo), Singapore Art Museum, Bildmuseet Museum of Art, Queensland Art Gallery, Gallery of Modern Art (Úc)…

Ưu Đàm 1

Minh họa: NA MI.

Là một nghệ sĩ có bề dày hoạt động và triển lãm ở rất nhiều sự kiện nghệ thuật trên thế giới, trải nghiệm nào về không gian triển lãm đối với anh là ấn tượng và mãn nhãn nhất?

Các không gian thường rất khác nhau một cách bất ngờ. Power Station of Art (Shanghai) là một nhà máy điện chuyển hóa thành một trung tâm nghệ thuật mênh mông gồm ba tầng rộng 40.000m2. Esplanade Theater by the Bay có phần mái hình dạng như hai nửa trái sầu riêng là một phức hợp gồm trung tâm biểu diễn nghệ thuật, phòng triển lãm, sân khấu mở tam cấp Grand Concourse và không gian triển lãm dưới đường hầm. Yokohama Museum of Art đưa người xem tiến vào một sảnh ngồi rộng tỏa ra hai bên với các bậc tam cấp cao dần lên đi ngang qua các tác phẩm điêu khắc dẫn khách vào các phòng triển lãm ở tầng 2. High Line Art ở New York là con đường đi bộ trong công viên và trình diễn các tác phẩm nghệ thuật trên không nổi tiếng được chuyển hóa từ một tuyến xe điện với một màn hình chiếu phim lớn ngoài trời dưới một gầm cầu. Mọi không gian đều làm tôi bất ngờ theo một cách thú vị khác nhau. Không gian tạm của OCMA (Orange County Museum of Art) là một cửa hàng bán đồ nội thất rất lớn trong một khu thương mại với 2 cầu thang nằm ngay giữa tầng một, dẫn lên tầng 2, tạo ra một bố cục khiến tôi nghĩ ngay đến bốn góc của thế giới cho phần trình diễn của tác phẩm Time Boomerang.

Ưu Đàm 2

Tác phẩm Rồng Rắn Lên và Vũ Điệu Của Các Kỵ Sĩ Máy do nghệ sĩ Uudam Tran Nguyen thực hiện tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Việc tìm hiểu và tiếp cận không gian triển lãm đóng vai trò như thế nào đối với nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại như anh?

Mỗi không gian là một bài toán, người nghệ sĩ sẽ cùng các cộng sự và giám tuyển tìm cách giải hay nhất. Đối với tôi, rất quan trọng nếu có khả năng thăm một không gian, bảo tàng trước khi đề xuất phương án sắp đặt cho tác phẩm để có thể chuẩn bị tốt nhất cho một cuộc triển lãm. Trước khi trình bày tác phẩm Eco-ĐI cho Thailand Biennale, tôi đề nghị họ đưa tôi tới Krabi để cảm giác được không gian. Từ đó, tôi mới biết tác phẩm của mình có phù hợp với Krabi hay không. Trước một khung cảnh đẹp như Hạ Long, Nha Trang và Mũi Né cộng lại, tôi quyết định không đặt thêm gì vào không gian đó. Thay vì một sắp đặt đồ sộ, tôi tạo ra một tác phẩm dép mà mỗi bước chân đi sẽ để lại các câu chữ trên cát. Lấy cảm hứng từ một trích dẫn của Lão Tử trong tác phẩm Đạo Đức Kinh “Good traveller leaves no traces”, tôi viết lại thành câu: “Phượt Thủ Ngầu Không Lưu Dấu”. ECO-Đi là sự kết hợp giữa tiếng Anh “Eco” (Ecology) và từ “Đi” của tiếng Việt. Từ đó mà tác phẩm ECO-Đi ra đời.

Ưu Đàm 3

Tác phẩm Rồng Rắn Lên và Vũ Điệu Của Các Kỵ Sĩ Máy do nghệ sĩ Uudam Tran Nguyen thực hiện tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Với Esplanade, OCMA, YMA hay Power Station of Art (Shanghai Biennale), nếu không có dịp đến trước thì tôi có thể yêu cầu ban tổ chức gửi các file hình, file 3D và video để phần nào cảm nhận được không gian trước khi đến. Điều đó sẽ giúp tôi chuẩn bị từ nhà mọi thứ mà mình nghĩ là cần thiết để “chinh phục” không gian đó trong một khoảng thời gian ngắn nhất, từ độ cao, kích thước, vị trí và dòng lưu thông của khán giả.

Ưu Đàm 4

Tác phẩm Rồng Rắn Lên và Vũ Điệu Của Các Kỵ Sĩ Máy do nghệ sĩ Uudam Tran Nguyen thực hiện tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu.

Tôi luôn “thương lượng” với mỗi không gian. Power Station of Art tưởng như là một không gian không lý tưởng nhưng sau khi sắp xếp xong, tôi lại thấy đó là một không gian rất tốt. Yokohama Museum of Art, Esplanade Grand Concourse, đều là những thử thách riêng rất thú vị. Không gian đa dạng dạy tôi cách làm việc vượt ra ngoài không gian truyền thống (white box). Một ví dụ tốt là khi tôi thiết kế Sân chơi nỏ thần cùng Think PlayGrounds tại một không gian công cộng tại Đông Anh. Thoạt đầu, tôi có một ý khác. Sau khi thăm thành Cổ Loa, tôi nảy ra ý tưởng làm một nỏ thần khổng lồ để trẻ em khi chơi trong đó sẽ có cơ hội nghĩ về lịch sử. Nhưng tình cờ Nỏ thần này cần bị chia làm 4 phần, mục đích là để không cản trở thói quen đi lại của cư dân trên một công viên sẵn có. Điều đó lại làm cho sân chơi trở nên thú vị và ý nghĩa hơn vì nó liên quan đến sự ẩn hiện trong thực tế của các di tích thành Cổ Loa. Từ đó chúng tôi có dịp kết nối 4 phần của nỏ lại bằng hình vẽ dấu lông ngỗng và dấu chân ngựa như trong truyền thuyết Trọng Thủy, Mỵ Châu và Vua An Dương Vương. Một số trở ngại là thách thức mở ra những sáng tạo không ngờ.

Ưu Đàm 5

Tác phẩm Time Boomerang với 200 bản đồ thế giới được đập nát trong thời gian triển lãm 6 tháng ở OCMA (Orange County Museum of Art) tại Mỹ. Ảnh: Chris Bliss.

Nghệ sĩ truyền thống thường sẽ có một không gian giữa 4 bức tường trắng, và ngôn ngữ thường là tranh hoặc tượng. Tuy vậy, các họa  sĩ thuần túy cũng hiểu được tầm quan trọng của không gian bày tranh của họ. Tôi đã thấy có họa sĩ chủ động lấp một vài khung cửa sổ của một phòng trưng bày để tạo không gian cho tác phẩm của họ hợp lý hơn. Chúng ta luôn làm điều đó liên tục trong cuộc sống hằng ngày. Xê dịch đồ trên bàn, sắp xếp đồ vật trong nhà, để đồ trên kệ thế nào cho đẹp mắt và có ý nghĩa. Trong nghệ thuật, chúng ta có cơ hội đưa nó lên cao hơn.

Tôi đã thấy có họa sĩ chủ động lấp một vài khung cửa sổ của một phòng trưng bày để tạo không gian cho tác phẩm của họ hợp lý hơn.

Thử thách lớn nhất trong việc sắp đặt không gian cho tác phẩm là gì? Đó là những giới hạn vật lý hay yếu tố khác?
Thử thách lớn nhất có thể nói là thời gian. Có những triển lãm tôi mất 8 tháng chuẩn bị và cần 15 ngày để sắp đặt, nhưng khi làm thì chỉ có 10 ngày. Tất cả các không gian đều có thể sắp xếp, thời gian thì có hạn. Trái múi giờ, bay từ Việt Nam đến California, tiến hành sắp đặt và triển lãm trong 15 ngày. Khai mạc xong là ngày hôm sau lại bay về, ngủ một đêm rồi hôm sau lại tiếp tục lao vào 10 ngày sắp đặt triển lãm Rồng rắn Lên tại Quỳnh Galerie. Đây là một năm “kinh hoàng” nhất của tôi và cộng sự Ưu Đàm Studio về mặt thời gian. Sau đó còn là chuyến đi xuyên Thái Bình Dương trên tàu chở hàng chinh phục châu Mỹ.

Ưu Đàm 6

Tác phẩm Time Boomerang với 200 bản đồ thế giới được đập nát trong thời gian triển lãm 6 tháng ở OCMA (Orange County Museum of Art) tại Mỹ. Ảnh: Chris Bliss.

Có khi nào tác phẩm của anh phải nuông chiều theo một không gian cụ thể ?
Nuông chiều thì không nhưng tác phẩm cần biến chuyển về mặt sắp xếp bố cục theo một không gian cụ thể. Người nghệ sĩ phải dùng tất cả những điểm mạnh, yếu và có sẵn của một không gian. Tác phẩm Thánh Gióng tại Phúc Tân (5mx10m) và Gallery Nhỏ nhất Thế giới là một ví dụ. Kiến trúc sư Frank Gehry khi thiết kế nhà hát Walt Disney Concert Hall tại Los Angeles (Mỹ) đã để  tâm đến việc không làm cho trung tâm hòa nhạc của ông quá to đến nỗi áp đảo một công trình kiến trúc đẹp có sẵn bên cạnh. Sự tôn trọng đó là văn hóa. Tại Phúc Tân, tôi giữ lại ghế xi măng cũ để làm gallery và nối dài nó, dùng kính và inox để biến phần mới này thành một phòng trưng bày xe máy cũ và chỗ ngồi cho cư dân. Khi làm việc, tôi dựa theo mỗi không gian để tôn nó lên và trình bày tác phẩm của mình một cách hợp lý nhất.

Ưu Đàm 7

Tác phẩm Thánh Gióng Đương Đại sẽ triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia Đài Loan và bản tại Phúc Tân, và Gallery Nhỏ nhất Thế giới tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Những không gian nghệ thuật nào ở Việt Nam theo anh đã đáp ứng và nâng đỡ được cho sự sáng tạo của nghệ sĩ?
The Factory và VACC là hai không gian triển lãm trong nhà tại 2 thành phố lớn dành cho nghệ thuật. Ngoài trời và trong nhà, chúng ta có một ứng viên mới là ICISE tại Quy Nhơn. Tôi và nghệ sĩ Thế Sơn đã cùng giám tuyển triển lãm ECO-SUS tại đây với 16 nghệ sĩ. Kết hợp được thiên nhiên, sông biển, núi non và mây hồ trong cùng một không gian triển lãm, hiện giờ chỉ có thể ở ICISE. Tôi hy vọng sẽ có nhiều không gian như vậy hơn cho nghệ sĩ Việt Nam. Không gian lớn sẽ nâng trí tưởng tượng của nghệ sĩ và là một bệ phóng cần thiết chuẩn bị cho họ đi xa hơn. Ngoài ra, chúng ta còn có Art In The Forest, Goethe Institute (Hà Nội), Á Space (Hà Nội), Phố Bên Đồi (Đà Lạt), Sàn Art (Saigon), Nguyễn Art Foundation (NAF), Zero Station (Ga 0), Motplus (Sài Gòn), CAB Hội An… cũng là những không gian nghệ thuật quý giá.

Ưu Đàm 8

Tác phẩm Thánh Gióng Đương Đại sẽ triển lãm tại Bảo tàng Quốc gia Đài Loan và bản tại Phúc Tân, và Gallery Nhỏ nhất Thế giới tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Những mô hình không gian nghệ thuật, sự kiện nghệ thuật đặc sắc nào trên thế giới mà anh nhận thấy có thể phù hợp với bối cảnh Việt Nam?
Biennale là một hình thức tôi nghĩ có thể đem vềViệt Nam sau đại dịch. Anh Hiền Nguyễn với chương trình Phố Bên Đồi rất tâm huyết là một ví dụ. Tôi nghĩ đây sẽ là một trải nghiệm và thử thách tuyệt vời cho một hệ thống quản lý nghệ thuật chuyên nghiệp còn non trẻ của Việt Nam. Hy vọng nó sẽ khai mở cả hệ thống nghệ thuật và thúc đẩy du lịch văn hóa khắp Việt Nam trong thời gian diễn ra Biennale từ Sài Gòn tới Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội…

Ưu Đàm 9

Tác phẩm ECO-Đi với thông điệp “Phượt Thủ Ngầu Không Lưu Dấu”. Ảnh: Tư liệu.

Ưu Đàm 10

Tác phẩm ECO-Đi với thông điệp “Phượt Thủ Ngầu Không Lưu Dấu”. Ảnh: Tư liệu.

Theo anh thế giới nghệ thuật sẽ dịch chuyển đến nền tảng digital nhiều và nhanh như thế nào?
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn cực kỳ thú vị. Sự trưởng thành của AI (trí tuệ nhân tạo) làm cho loài người phấn khích và “chột dạ”. Gần đây chúng ta chứng kiến sự ra đời của đấu giá tranh vẽ bởi AI. Deep Mind computer có khả năng tìm kiếm ra các loại thuốc chữa COVID-19 trong vài ngày, điều lẽ ra mất 1 đến 2 năm. Cả một thế giới mới. Tôi nghĩ đến một “thần đèn” mà loài người đã mở nút chai cho thoát ra. Nhưng liệu chúng ta có kiểm soát được vị thần chúng ta đã tạo ra không? Block chain, bitcoin và NFT nữa. Tôi có thể cũng tham gia buổi đấu giá một tác phẩm NFT với một nhà đấu giá tại Tokyo năm nay. Có lẽ hơn bao giờ hết, sự tự do trao đổi đã trở nên vô cùng rộng.

Trong 2 năm nay, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 tôi vẫn có thể đưa tác phẩm tới 2 triển lãm quốc tế quan trọng tại Asia Culture Center (Hàn Quốc) và Bảo tàng Quốc gia Đài Loan.


Bài: PINK Q | Hình ảnh: NVCC | Minh họa: NAMI


Xem thêm:

Josh and Matt Design – Hiện tượng thiết kế từ TikTok

Phan Cẩm Thượng: “nghệ thuật sinh ra từ đời sống thường ngày”