Phan Cẩm Thượng: “nghệ thuật sinh ra từ đời sống thường ngày”

Tựa sách của nhà phê bình nghệ thuật, họa sĩ Phan Cẩm Thượng luôn là một trong những sách khảo cứu về nghệ thuật được mong đợi nhất. Ở cuộc trò chuyện này, ELLE Decoration mong mỏi tìm hiểu từ ông những kiến giải về cách bài trí không gian sống của người Việt, mà rộng hơn cũng chính là nền văn minh Việt.

Phan Cẩm Thượng 1

Nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng. Ảnh: NVCC.

“NỀN VĂN MINH CÓ GIÁ TRỊ NHÂN VĂN, NGHỆ THUẬT
ĐỀU ĐƯỢC SINH RA TỪ ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY.”

Sách khảo cứu “Tập tục đời người” và “ Văn minh vật chất của người Việt” là một nửa trong chặng đường hoàn thành bộ sách về nền văn minh Việt Nam, xin ông cho biết về kế hoạch của hai
quyển tiếp theo?

Ban đầu tôi dự định năm 2020 sẽ kết thúc cả 4 cuốn sách, nhưng sau khi hoàn thành cuốn Tập tục đời người, tôi bị đau đầu nặng, không đọc, viết được gì, cho đến năm nay cũng đã đỡ, thì bắt đầu lại, dù đã mất nhịp. Chắc cần 3, 4 năm để hoàn thành. Thật là có lỗi với bạn đọc.

Điều gì là thử thách lớn nhất của dự án này?

Viết và nghiên cứu về Văn minh Việt Nam, tôi đã làm từ lâu, những năm 1980, 1990, dưới dạng nghiên cứu nhỏ và chủ yếu khu vực mỹ thuật truyền thống. Cuốn dự định đầu tiên Mày là kẻ nào, hóa ra đến nay vẫn chưa xong. Còn cuốn định làm sau cùng là Văn minh Vật chất của người Việt thì lại xong đầu tiên, năm 2008 và xuất bản năm 2011. Mọi công việc, nhất là nghiên cứu, luôn có nhiều khó khăn. Thực ra khó khăn thường gặp là tư liệu, những kiến giải, thì tôi lại làm xong từ lâu, không có vấn đề gì, mà cái khó là sức khỏe có đủ cho một việc dài hơi như vậy không,
tiền bạc có đủ để ngồi chơi viết trong vòng 2 năm không? (mỗi cuốn cần 2 năm viết). Quá trình này kéo dài, nhiều sách khảo cứu xã hội của nhiều người, có liên quan lần lượt ra đời, khiến tôi cũng cần bổ sung nhiều kiến thức. Cái may là so với các tài liệu đó, tôi không bị rơi vào tình trạng ấu trĩ, và còn giải thích được nhiều cái mà các học giả khác bỏ qua.

Phan Cẩm Thượng 2

Bìa sách khảo cứu Văn minh vật chất của Người Việt. Ảnh chụp: DU.T Studio.

“NHỮNG GÌ PHỤC VỤ CHO ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY
NHƯ CƠM GẠO, XE CỘ, THUYỀN BÈ, QUẦN ÁO…
HÓA RA ĐỀU CÓ MỘT LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN NÀO ĐÓ,
CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TIẾN TRÌNH CỦA LOÀI NGƯỜI,
ĐƠN CỬ NHƯ CÂY BÚT CHÌ, GÓI MÌ TÔM
THỰC SỰ LÀ MỘT PHẦN QUAN TRỌNG CỦA CON NGƯỜI,
DÙ RẰNG NGƯỜI LÀM RA NÓ KHÔNG NGHĨ THẾ.”

Phan Cẩm Thượng 3

Là một họa sĩ, tác giả Phan Cẩm Thượng chủ động trong quá trình ghi chép tư liệu hình ảnh và chú giải cho sách của mình. Ảnh chụp: DU.T Studio.

Đời sống hằng ngày chính là nguồn cảm hứng lớn nhất, cũng là quan điểm tiếp cận về nền văn hóa, văn minh Việt. Có thể rút ra điều cốt lõi gì trong tâm thức, quan niệm của người nông dân Việt khiến cho họ rất khác với những dân tộc, quốc gia khác trong khu vực?

Đời sống hằng ngày là một cách nói của khoa nghiên cứu văn minh, ví dụ sách về đời sống hằng ngày (ngày thường) của người Hy Lạp, người La Mã, người Phục hưng… Ý nói là toàn bộ sinh hoạt thông thường của những con người đã sinh ra những nền văn minh nổi tiếng đó. Những gì mà một nền văn minh để lại thường có giá trị nhân văn, nghệ thuật lớn, được sinh ra từ cuộc sống thông thường, hằng ngày. Ví dụ cuộc sống thường nhật của Leonardo da Vinci sinh ra sáng tác của ông. Những gì phục vụ cho đời sống hàng ngày như cơm gạo, xe cộ, thuyền bè, quần áo… hóa ra đều có một lịch sử phát triển nào đó, có ảnh hưởng đến tiến trình của loài người, đơn cử như cây bút chì, gói mì tôm thực sự là một phần quan trọng của con người, dù rằng người nghĩ ra nó không nghĩ thế.

Văn minh Việt Nam là văn minh lúa nước, đời sống của người nông dân Việt quyết định cái văn minh này, nó có những điểm chung với những dân tộc nông nghiệp cùng trồng lúa nước khác, nhất là trong khu vực, lại có những đặc điểm riêng với lịch sử phát triển, địa lý khí hậu, dòng tộc, ngôn ngữ. Ta lấy ba đặc điểm của người nông dân đi Nam tiến trong 300 năm trước là: người nông dân, người chiến binh, người mở đất làm ví dụ cho sự khác biệt với những người nông dân của nước khác ở Đông Nam Á.

Phan Cẩm Thượng 4

Ảnh chụp: DU.T Studio.

Một không gian sống đặc thù của người nông dân Việt sẽ bao gồm những phương thức tổ chức, sắp xếp bất biến nào thưa ông?

Làng và gia đình là hai không gian sống quan trọng, có tính cố định (tương đối) của người nông dân Việt Nam từ thế kỷ 15 – 20. Quá trình đô thị hóa và chiến tranh đã làm thay đổi mô hình này nhưng tính cách nông dân và tính chất làng vẫn tồn tại dường như bất biến trong những thị dân, mà có lần tôi trả lời phỏng vấn Hà Nội vẫn chỉ giống như cái làng to, người dân Hà Nội vẫn là nông dân ra phố.

Muốn biết sự định cư, tổ chức sống của người Việt thì nhìn vào cái làng và từng ngôi nhà – gia đình sinh sống trong làng đó. Mỗi làng chính là một Kẻ – Kẻ Lủ, Kẻ Sặt, Kẻ Ngo, Kẻ Chuông, Kẻ Thú… Hà Nội là Kẻ Chợ. Tính cát cứ địa phương làng với phong tục tập quán riêng và chung với dân tộc, đất nước chính là những đặc điểm văn minh Việt Nam. Cụ thể từ đồ vật, nồi, niêu, xoong, chảo, thúng, mủng, dần sàng, cầy bừa, cấy hái… chính là những cái thường ngày do con người chế tác ra, thực hiện trong quá trình sinh tồn với đất đai và làng xã.

“TÔI LÀ NGƯỜI CỦA GIỚI MỸ THUẬT,
NÊN VIẾT VÀ VẼ THƯỜNG SONG SONG
VÀ CŨNG THÍCH DÙNG HÌNH ẢNH MINH HỌA CHO LỜI VIẾT.”

Phan Cẩm Thượng 5

Ảnh chụp: DU.T Studio.

Bằng một lối viết văn nhuần nhị, giàu thông tin và dữ liệu nhưng vẫn rất nhịp nhàng lôi cuốn, ông đã điều hòa được một mạch kể chuyện vừa khoa học nhưng dễ nắm bắt. Để làm chủ được kỹ thuật kể chuyện như vậy, phải chăng do ông viết ở thể loại tùy bút trong nhiều năm đã góp dần những cấu tứ và “nguyên liệu” cho bộ sách này?

Khi viết tôi thường làm ba lần: tư liệu, viết thô có tính cấu trúc cho toàn bộ, viết lại lần cuối (có tính diễn giải, đơn giản, thường là giọng kể chuyện). Việc này hóa ra rất công phu, phức tạp vì phải quản lý quá nhiều chi tiết, sao cho chính mình đọc thấy ổn đã, rồi căn cứ vào một đối tượng đọc thông thường mà hoàn thiện. Tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc của tinh thần Phật giáo, không bài bác, không thị phi, và hướng thiện – những điều này đều được quán xuyến trong khi viết.

Những hình vẽ minh họa cũng là linh hồn của bộ sách này. Việc thực hành phác thảo lại những đồ vật, tạo tác trong dòng chảy lịch sử của văn hóa Việt có nằm trong phương pháp nghiên cứu của ông từ bấy lâu nay?

Tôi là người của giới mỹ thuật, nên viết và vẽ thường song song và cũng thích dùng hình ảnh minh họa cho lời viết. Ban đầu cũng định nhờ vài họa sĩ làm cho mình, nhưng thấy họ chủ yếu vẽ đẹp, đúng không gian ba chiều, mà lại không đúng với công năng tinh thần đồ vật, nên tôi tự vẽ lấy. Tôi cũng nghiên cứu kỹ cách vẽ minh họa nghiên cứu phương Tây và phương Đông, sao cho sáng rõ vấn đề viết trong sách, cái cách nào tiện thì dùng, đôi khi tôi kết hợp cả hai. Tôi còn hàng ngàn bản vẽ đồ vật chưa sử dụng, nên cũng có dự định làm một cuốn sách kiểu như từ điển hình vẽ về văn minh Việt.

Di sản giá trị nhất của văn minh Việt là gì và làm thế nào để lưu trữ, thậm chí tiếp nối nó thưa ông?

Văn minh truyền thống tồn tại dưới dạng vật chất và phi vật thể ở nước ta là một kho tàng cực kỳ phong phú, không thua kém bất cứ dân tộc phồn vinh nào trong lịch sử. Có điều nó bị chiến tranh che phủ, sự mặc cảm thua kém phương Tây, Trung Hoa, Ấn Độ, tự đánh giá thấp mình, không coi trọng gia tài của mình, nên chúng ta cứ hướng ra ngoài, học bên ngoài nhiều hơn là trong nhà. Lớp trẻ bây giờ càng như vậy. Về khoa học tự nhiên thì đúng là nên học phương Tây, nhưng còn lại chỉ cần khai thác từ cha ông là đủ.


PHAN CẨM THƯỢNG

Phan Cẩm Thượng (sinh năm 1957), là họa sĩ, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và phê bình văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam.

Ông từng giảng dạy tại Khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (1984 – 2002). Là một nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật có ảnh hưởng bậc nhất trong khoảng 20 năm từ sau Đổi Mới (1990 – 2010), Phan Cẩm Thượng viết báo, viết phê bình triển lãm, nghiên cứu văn hóa cổ, biên soạn sách về nghệ thuật cổ và nghệ thuật, nghệ sĩ hiện đại. Ông từng xuất bản các sách Mỹ thuật của người Việt và Mỹ thuật ở Làng (viết chung với Nguyễn Quân), Điêu khắc cổ Việt Nam, Họa sĩ trẻ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Nghệ thuật ngày thường, Văn minh vật chất của Người Việt, Tập tục đời người.


Bài: Pink Q | Minh họa: DU.T Studio.


Xem thêm:

Nhà văn Trần Thùy Mai – “Tính cách Huế luôn là một thực thể khó định dạng”

Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết – Hồn Huế sau lớp men màu