Nhà văn Trần Thùy Mai – “Tính cách Huế luôn là một thực thể khó định dạng”

Bắt đầu bước vào văn chương từ cuối thập niên 80, nhà văn Trần Thùy Mai đã có gần 4 thập niên gắn liền với nghiệp viết. Chị là nhà văn nữ điển hình xứ Huế với văn phong nhẹ nhàng, thanh đạm nhưng luôn ẩn chứa những đợt sóng ngầm. Từ hàng trăm truyện ngắn đã được in trong và ngoài nước, gần đây Trần Thùy Mai chuyển sang viết tiếu thuyết lịch sử với tác phẩm tầm vóc “Từ Dụ thái hậu” dày hơn 800 trang. Cuốn tiểu thuyết này cùng một lúc vừa đoạt giải nhất cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà văn (5 năm tổ chức một lần), vừa đoạt giải thưởng Sách hay năm 2020 (hạng mục Sách văn học). Từ San Francisco của nước Mỹ, nhà văn Trần Thùy Mai trả lời phỏng vấn Elle Decoration về con đường văn chương, đặc biệt là bối cảnh, con người và tính cách Huế luôn xuất hiện đậm đặc trong các trang viết của mình.

Một nhà văn luôn có một vùng đất của riêng mình. Không chỉ là bối cảnh nơi câu chuyện diễn ra mà còn là không gian giúp nhà văn làm nổi bật cái phông nền văn hóa, tính cách và con người nơi đó. Nhắc đến Trần Thùy Mai là nhắc đến nhà văn xứ Huế với những đặc trưng không thể trộn lẫn. Lý do chị luôn chọn Huế xưa và nay làm những bối cảnh cho tác phẩm của mình là gì?

Vì Huế là nơi tôi đã sống suốt thời tuổi trẻ của mình. Nơi đó tôi đã trải qua hạnh phúc và đau buồn, thành công và thất bại, đúng đắn và sai lầm, đã được rất nhiều yêu thương và đôi khi cũng bị ghét bỏ. Tất cả những cung bậc cảm xúc đó, đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm nội tâm để viết. Rất nhiều nhân vật, lời thoại, khung cảnh trong tác phẩm của tôi là đến từ cuộc sống có thật ở Huế.

Từ những truyện ngắn nổi tiếng thời đầu như “Gió thiên đường”, “Thập tự hoa”, “Quỷ trong trăng”, “Thương nhớ hoàng lan”, “Trăng nơi đáy giếng”… đến cuốn tiểu thuyết lịch sử tham vọng vừa xuất bản “Từ Dụ Thái hậu”, bối cảnh và con người xứ Huế đã có những sự thay đổi như thế nào? Theo chị, người Huế trong quá khứ và người Huế hiện tại có điểm gì giống nhau và khác nhau?

Tôi sống ở Huế rất lâu và đi xa Huế cũng nhiều. Cứ mỗi lần về Huế, lại thấy rất nhiều thay đổi, dù nhiều bạn vẫn kêu: Huế phát triển chậm so với các nơi khác, ví dụ như so với Đà Nẵng chẳng hạn. Nhưng tôi nghĩ, với đặc điểm của Huế, thủng thẳng mà đi đôi khi lại hay. Trong mắt tôi, thành phố nay rộng hơn, đông hơn, nhiều chỗ sang trọng hào nhoáng hơn. Huế không còn là một thành phố “nhỏ bé, ngậm ngùi” như thời tôi mới vào đời. Các nhà thơ, nghệ sĩ nay cũng không rượu chè lãng đãng như cách đây hai mươi năm. Du lịch, lễ hội đã làm Huế rực rỡ hơn, cuộc sống cũng đòi hỏi con người phải tỉnh táo, nhanh nhẹn. Mọi sự phát triển đều có mặt trái của nó, đôi khi tôi cũng thấy tiếc một không khí thâm trầm tĩnh lặng, một lối sống chậm thanh thản và hướng nội. Đôi khi ngạc nhiên thấy Huế bây giờ không yên tĩnh bằng nhiều thành phố ở Âu Mỹ. Nhưng cứ sáng sớm ra ngồi ở ven bờ sông Hương, uống một ly cà phê, nhìn cỏ cây, sương mù, nghe tiếng nhạc Trịnh Công Sơn đâu đó, và tiếng chào thưa nhỏ nhẹ xung quanh là thấy lại Huế của muôn thuở. Giống như người thân của mình, dù qua thời gian có thể biến đổi khuôn mặt dáng người, nhưng mình vẫn luôn nhận ra, vẫn luôn thấy vô cùng quen thuộc.

Trần Thùy Mai 1

NHƯNG CỨ SÁNG SỚM RA NGỒI Ở VEN BỜ SÔNG HƯƠNG, UỐNG MỘT LY CÀ PHÊ, NHÌN CỎ CÂY, SƯƠNG MÙ, NGHE TIẾNG NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN ĐÂU ĐÓ VÀ TIẾNG CHÀO THƯA NHỎ NHẸ XUNG QUANH LÀ THẤY LẠI HUẾ CỦA MUÔN THUỞ.

Những truyện ngắn của chị thường chọn các nhân vật phụ nữ Huế rất bình thường nhưng luôn đối mặt với trắc trở, lận đận trong tình duyên và thậm chí đôi khi còn cực đoan đến mức đi tìm sự cứu rỗi về mặt tâm linh như trong “Trăng nơi đáy giếng”. Các nhân vật phụ nữ Huế đó có phản chiếu phần nào cuộc đời của chị không, hay đơn giản là những cảm hứng từ cuộc sống mà chị từng chứng kiến hay trải nghiệm?

Khi cầm bút, thì những mảnh của đời mình, hay chuyện đời của người khác, đã từ lâu đi vào vô thức, trộn lẫn với nhau rồi bước vào tác phẩm trong hình ảnh mới của nhân vật. Chắc là cũng đã có rất nhiều buồn vui của riêng tôi trong những cô Hạnh, cô Mi mà tôi đã viết ra, dù đôi khi tôi cũng không nhận ra các nhân vật này thực sự là ai, từ đâu đến? Nhờ viết mà tôi đã hóa giải được rất nhiều nỗi buồn tiếc hay ân hận trong đời. Vì cuối cùng tôi nhận ra rằng, những ngông cuồng, lầm lạc, đổ vỡ trong một đời người, có khi lại là vốn sống đắt giá nhất của một nhà văn.

Tại sao trong cuốn tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu” với bối cảnh triều Nguyễn gắn liền với kinh thành Huế, chị lại chọn tái hiện chân dung của một người phụ nữ quyền uy nhưng gần gũi và giản dị với dân chúng?  Cuộc đời của bà Vương phi Phạm Thị Hằng trong bối cảnh những âm mưu, đấu đá trong cung cấm mang lại những cảm hứng gì cho chị? Theo chị, di sản lớn nhất mà bà Từ Dụ Thái hậu để lại cho Huế là gì?

Tôi đã có lần đi về Gò Công để tìm hiểu quê hương của thái hậu Từ Dụ, tôi biết người miền Nam rất tự hào về bà. Còn chuyện người Huế nhắc về bà thì nhiều lắm. Ví dụ trong văn hóa ẩm thực có chuyện bà Từ Dụ dạy cho cung nhân làm món tôm chua rồi từ đó truyền ra dân dã, thành một đặc sản Huế cho đến bây giờ. Trong thơ ca dân gian thì có bài vè Bà Từ Dụ xin xâu (Xâu là phương ngữ Huế, gốc từ chữ “sưu”, nghĩa là thuế), kể chuyện bà xin giảm thuế cho dân. Trong nghệ thuật tuồng cổ, có giai thoại bà khuyên các đào kép đừng diễn tích Phàn Lê Huê giết anh, giết cha, vì câu chuyện tàn nhẫn không hợp với tính cách của người Việt. Trong văn bia Khiêm Lăng, cũng như trong cuốn Từ huấn lục do vua Tự Đức viết (vừa được nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh dịch và cho xuất bản trong năm 2020) bà được khắc họa với hình ảnh người mẹ hiền, dạy con rất nghiêm, với tôn chỉ: trước khi làm vua phải làm một con người đúng nghĩa.

Thái hậu Từ Dụ không để lại một sự nghiệp chính trị lừng lẫy, cũng không nhúng tay vào việc xoay chuyển cơ đồ đất nước. Cái bà để lại là lòng nhân ái, tình thương, là phẩm cách lương thiện vị tha của một phụ nữ trong hoàn cảnh vô vàn thử thách. Tuy ở địa vị tôn quý cực điểm, nhưng bà không tham quyền hành, không chuộng hư danh, không xa hoa phóng túng hay cậy vào địa vị để làm ơn riêng cho người thân thích. Những điều ấy tưởng là đơn giản nhưng thực ra khó lắm khi người ta có quyền bính trong tay. Và điều đó không phải chỉ đúng với ngày xưa.

Trần Thùy Mai 2

Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử khá đồ sộ và khẳng định tầm vóc của một nhà văn. Chị đã chuẩn bị, nghiên cứu tư liệu và hoàn thành cuốn tiểu thuyết như thế nào? Trở ngại lớn nhất khi tái dựng chân dung một nhân vật nữ có nhiều đóng góp nhưng ít được biết đến trong bối cảnh triều Nguyễn ở Huế là gì? Trong quá trình viết, chị nệ vào sử nhiều hơn hay sáng tạo và hư cấu nhiều hơn?

Như đã nói trong lời tựa, tôi dựa vào cả chính sử và giai thoại dân gian. Có nhiều khi tư liệu trong chính sử và giai thoại truyền khẩu mâu thuẫn với nhau, lúc đó phải lựa chọn. Ví dụ về tính cách bà thái hậu Trần Thị Đang, sử triều Nguyễn là Đại Nam Liệt Truyện ghi bà là người hiền từ. Nhưng giai thoại vùng Thừa Thiên lại kể: Vua Minh Mạng rất yêu Hiền tần Ngô Thị Chính, đã đúc ấn phong nàng làm hoàng hậu. Nhưng do thái hậu phản đối kịch liệt, vua vì hiếu với mẹ nên đã sai phá bỏ quả ấn, suốt đời không phong hậu cho ai nữa. Giai thoại này cho thấy bà thái hậu không hiền như sử quan đã ghi. Trong trường hợp này tôi đã chọn xây dựng tính cách nhân vật theo lời truyền khẩu của dân gian, vì tôi nghĩ chẳng có sử quan nào lại dám ghi mẹ vua, bà nội vua là không hiền.

Cũng liên quan đến bà phi Ngô Thị Chính, giai thoại kể: Bà thường than với vua là dù được sang quý bao nhiêu khi chết cũng ra đi tay không. Vì vậy khi bà mất, vua đã đích thân cầm hai nén vàng đặt vào lòng tay bà. Tuy vậy tư liệu chính thức ghi bà mất năm 1843 trong khi hoàng đế Minh Mạng băng hà năm 1840, tức là khi bà qua đời thì vua Minh Mạng đã “đi” ba năm rồi. Trong trường hợp này tôi chọn viết theo tư liệu chính thức vì đáng tin cậy hơn. Dù được xây dựng với nhiều thận trọng, nhưng nhân vật trong tiểu thuyết là nhân vật của truyện, không thể (và không nên) trùng khít với nhân vật có thực. Thái hậu Từ Dụ trong các tư liệu được ghi là một thái hậu nhân từ, thương dân, khiêm tốn, cần kiệm, những đức tính này được ghi nhận khi bà đã ở ngôi mẫu nghi thiên hạ. Còn nàng Phạm Thị Hằng trong tiểu thuyết của tôi là buổi đầu đời của người phụ nữ ấy, khi chưa có vinh quang, mà chỉ có sự ngay thẳng và lòng chân thành giữa một nội cung đầy âm mưu tranh đoạt.

THỜI GIAN MƯỜI NĂM CHUYÊN SƯU TẦM VĂN HÓA DÂN GIAN CHO TÔI BIẾT THÊM RẤT NHIỀU VỀ NHỮNG KHUNG CẢNH, PHONG TỤC, CÁCH SỐNG, LỜI ĂN TIẾNG NÓI Ở NHIỀU VÙNG MIỀN.

Trước khi trở thành nhà văn, chị từng làm giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Những năm tháng này có mang lại cho chị nhiều cảm hứng khi viết các truyện ngắn và tiểu thuyết mang đậm phong vị văn hóa, lịch sử xứ Huế?

Thời gian mười năm chuyên sưu tầm văn hóa dân gian cho tôi biết thêm rất nhiều về những khung cảnh, phong tục, cách sống, lời ăn tiếng nói ở nhiều vùng miền. Trong mười năm ấy, năm nào tôi cũng ba lô đi đến các làng quê từ Đèo Ngang cho tới phía Nam đèo Hải Vân, để ghi chép ca dao, chuyện kể. Nhiều truyện ngắn đã có cảm hứng từ những chuyến đi ấy. Ví dụ truyện Dòng suối cạn nguồn (được dịch và xuất bản trong tập truyện A travers le fleuve do nhà xuất bản Philippe Picquier) là câu chuyện tình đau xót của đôi nghệ nhân hò giã gạo ở làng Vân Thê (Thừa Thiên Huế); Truyện Lửa của khoảnh khắc lấy bối cảnh từ một làng bán sơn địa dưới chân Đèo Ngang, nơi mà tôi đã được cư dân chia sẻ về kinh nghiệm săn bắn thú rừng; Truyện Nữ thần đi chân đất lấy ý tưởng từ ngôi miếu “Lang Lại nhị đại tướng quân”, một miếu thờ xây từ đời vua Gia Long tại làng Hòa Tiến thuộc tỉnh Quảng Nam. Thương nhớ hoàng lan, Trăng nơi đáy giếng, dựa trên rất nhiều tập tục tín ngưỡng ở Huế. Nếu không có những chuyến đi ấy tôi mãi chỉ biết có cuộc sống của một phụ nữ Huế trong một thành phố khi ấy đang còn rất khép kín. Về sau này, khi thôi công việc sưu tầm ca dao tục ngữ, tôi vẫn tận dụng mọi cơ hội để đi nghiên cứu.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người từng chuyển thể thành công truyện ngắn “Trăng nơi đáy giếng” thành bộ phim điện ảnh cùng tên từng nhận xét về chị rằng: “Cảm nhận của Trần Thùy Mai đầy Huế. Chất thơ là thuộc tính của người Huế từ cung cách đi đứng, nói năng đến lối sống thâm trầm, sâu sắc, tinh tế…”. Theo chị, những “thuộc tính” Huế đó có còn được lưu giữ trong bối cảnh ngày nay?

Huế trải qua nhiều thăng trầm, từ miền châu Ô thời vừa vỡ đất đến khi trở thành kinh đô vua chúa, rồi thành cố đô “ngơ ngác u hoài”, cho đến nay lại là thành phố di sản văn hóa thế giới. Nhiều thăng trầm như vậy, nên tính cách người Huế cũng đủ vẻ, có cái chắt chiu thương khó của người ở đất nghèo, có nét đài các quan cách của đất vua, có tâm hồn duy mỹ mộng mơ của thi nhân (đôi khi bị trêu là “sính thơ, sính chữ”), có cái hoài cổ rất dễ thương mà đôi khi quá đà thành ra cố chấp. Tính cách Huế luôn là một thực thể khó định dạng, vì nó biến thiên qua thời gian, hoàn cảnh và chưa bao giờ cố định để cho mình nắm bắt một cách trọn vẹn!

Hiện sinh sống và làm việc tại San Francisco, Huế giờ đây ở trong tâm thức của chị hơn là thực tại. Sự thay đổi không gian sống đó có làm thay đổi cách nhìn của chị về Huế?

Thật ra tôi hầu như sống tại hai nơi: San Francisco và Huế, vì mỗi năm tôi đều về Huế ít nhất ba lần, chỉ năm nay vì đại dịch nên không về được. Tuy ở San Francisco đã bốn năm, tôi chưa viết gì về thành phố này, trừ một vài dòng tin tức thỉnh thoảng chia sẻ trên Facebook. Với người viết văn thì kiến thức không đủ, phải có thời gian để phong vị một vùng đất thấm vào hồn cốt của mình. Nhiều bạn thấy tôi thỉnh thoảng viết vài “post” về du lịch, thường khuyến khích tôi viết truyện về những miền mình đã đi qua. Tôi nói rằng tuy có đi nhiều nước nhưng chỉ dám viết về một “nước” Huế mà thôi. Ngồi ở một góc San Francisco mà viết về thế giới cung đình của Huế, thì cảm giác cũng vui như được về quê hương đạp xe đến các di tích xưa, sống lại một phần đời rất đẹp trong quá khứ.

TÔI NÓI RẰNG TUY CÓ ĐI NHIỀU NƯỚC NHƯNG CHỈ DÁM VIẾT VỀ MỘT “NƯỚC” HUẾ MÀ THÔI. NGỒI Ở MỘT GÓC SAN FRANCISCO MÀ VIẾT VỀ THẾ GIỚI CUNG ĐÌNH CỦA HUẾ, THÌ CẢM GIÁC CŨNG VUI NHƯ ĐƯỢC VỀ QUÊ HƯƠNG ĐẠP XE ĐẾN CÁC DI TÍCH XƯA, SỐNG LẠI MỘT PHẦN ĐỜI RẤT ĐẸP TRONG QUÁ KHỨ.

Trong một bài phỏng vấn, chị từng nói rằng: “Trước mỗi trang truyện ngắn, tôi thấy mình giống như một người nặn tượng, lấy hết khả năng để làm ra một tác phẩm đẹp, có ích. Nhờ viết, cuộc đời tôi được mở rộng. Tôi vượt qua giới hạn chật hẹp của chính mình”. Với tác phẩm này, chị thấy mình có nhiều sự khác biệt không?

Ý bạn hỏi là, viết câu chuyện về một thái hậu, tôi có cảm thấy mình được sống những khoảnh khắc của một… bà hoàng không? Ôi đôi khi mình cũng “nhập vai” chứ, khi viết lời ông vua Minh Mạng thì mình cũng cảm thấy mình trở nên đanh thép và độc tài; khi viết lời của Trương Đăng Quế thì cũng phải đặt mình vào vị trí ông ấy để hiểu hết cái khổ tâm của nhân vật. Riêng về Từ Dụ Thái hậu, trong cuốn sách này bà không được nhấn mạnh ở khía cạnh quyền quý của một hoàng phi. Cái mà tôi chú tâm thể hiện ở bà là một người yêu, một người vợ, một người mẹ. Tất cả phụ nữ đều có thể hoàn thành những vai trò ấy một cách rất bình thường; Nhưng khi một người đàn bà nắm được quyền lực tột đỉnh, khi sống trong một môi trường đầy cạnh tranh và âm mưu, mà không bị méo mó biến chất, vẫn giữ được cái nhân tính lương thiện, cái nữ tính trong trẻo đó, thì tâm hồn phải có một khả năng miễn nhiễm rất lớn. Sự miễn nhiễm đó chính là điều làm cho bà được người đời yêu quý, và giải thích vì sao bà được dân gian dành cho nhiều tình yêu thương.

Xin cám ơn những chia sẻ đáng quý của chị!

Trần Thùy Mai 3


NHÀ VĂN TRẦN THÙY MAI

Trần Thùy Mai theo học tại trường Đồng Khánh trước 1975. Chị tốt nghiệp tú tài 2 Đại học Sư phạm Huế năm 1972 và tiếp tục theo học Đại học Sư phạm sau năm 1975. Sau khi tốt nghiệp năm 1977, Trần Thùy Mai được giữ lại trường thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian.

Một số tác phẩm nổi bật của nhà văn Trần Thùy Mai:

– Cỏ hát (1983)

– Thị trấn hoa quỳ vàng (1994)

– Thương nhớ Hoàng Lan (2003)

– Từ Dụ thái hậu (2019).


Bài: Lê Hồng Lâm | Minh họa: Bùi Ngân.


Xem thêm:

Antonio Citterio – Tinh hoa của thiết kế đương đại Ý

Philippe Starck – Người đi trong cõi mộng