Trong lĩnh vực sân khấu kịch của Mỹ, tên tuổi của Robert Wilson được biết đến với nhiều vai trò khác nhau như: đạo diễn, nhà thiết kế bối cảnh, người vẽ phối cảnh, nhà thiết kế ánh sáng và kiến trúc sư. Được công nhận là người tiên phong về cách sử dụng ánh sáng trong trình diễn và nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm Sư tử vàng của Venice Biennale và Praemium Imperiale. Người nghệ sĩ này dù đã ở độ tuổi bát tuần nhưng vẫn lao động hăng say, chu du đến nhiều nơi trên thế giới để mang đến những màn biểu diễn ấn tượng.
Việc sử dụng ánh sáng và màu sắc của ông nổi tiếng với độ chính xác và tối giản, tạo ra những cảnh dao động khéo léo giữa tĩnh lặng và kịch tính. Trong các buổi diễn tập tại nhà hát Düsseldorf Schauspielhaus, ông đã trình bày chi tiết về sự tương tác giữa sân khấu và kiến trúc, quá trình sáng tạo của mình và tác động sâu sắc của ánh sáng lên bóng tối.
Robert Wilson từng học tại Đại học Texas và Viện Prat tại Brooklyn, nơi ông bắt đầu có niềm đam mê với kiến trúc và thiết kế. Khi chuyển đến New York vào giữa những năm 1960, ông bị thu hút bởi các tác phẩm mang tính đột phá của các biên đạo múa như Merce Cunningham và Martha Graham. Sự hợp tác của ông với nhà soạn nhạc Philip Glass đã tạo nên vở opera mang tính bước ngoặt “Einstein on the Beach”, đánh dấu khởi đầu sự nghiệp quốc tế của Robert vào cuối những năm 1970. Những lần hợp tác sau đó với Lady Gaga và nghệ sĩ biểu diễn Marina Abramović càng chứng tỏ sự quan tâm của ông đối với các dự án xuyên ngành (transdisciplinary).
“Chiếu sáng sân khấu hay kiến trúc, tất cả đều như nhau.” Khẳng định có cơ sở này đến từ các nghiên cứu kiến trúc của Robert Wilson và kinh nghiệm dày dặn trên sân khấu của ông. Ông chia sẻ: “Louis Khan đã nói trong một bài giảng khi tôi còn là sinh viên năm thứ nhất tại Pratt Instate rằng ông luôn bắt đầu với ánh sáng. Thông thường, người ta chỉ tính toán về ánh sáng sau cùng nhưng lẽ ra nó phải được nghĩ đến đầu tiên.” Tuy nhiên, ông cũng nhận xét rằng nguyên tắc này hiếm khi được thực hiện trong thực tế. Hầu hết các kiến trúc sư đều chỉ tạo nên những tòa nhà mà hiếm có ai như Tadao Ando hay Louis Kahn.
Robert Wilson là bậc thầy trong việc xây dựng không gian có ánh sáng và tạo ra các bầu không khí bằng cách sử dụng nguồn lực tối thiểu. Độ sáng và độ chuyển màu được hiệu chỉnh tinh tế và tỉ mỉ, chủ yếu có màu xanh lam và xám, chiếm ưu thế trên phông nền mở rộng, mang lại cảm giác về chiều rộng và chiều sâu cho sân khấu. Để nâng cao hiệu ứng kịch tính, thỉnh thoảng ông cho chuyển nền sang màu đỏ hoặc xanh lục rực rỡ. Những cảnh có chuyển màu nhạt tương phản với màu sắc phong phú, bão hòa. Với ông, khi thiết kế ánh sáng sân khấu, ông làm sáng tạo trên cả một bảng màu đa sắc.
Những khuôn mặt của các nhân vật thường xuyên được hóa trang bằng màu trắng, được tạo điểm nhấn bằng những chùm ánh sáng hẹp, giống như những chiếc mặt nạ tinh xảo trên phông nền tĩnh mịch trong các vở diễn như “The Sandman”, “The Jungle Book”, “Dorian” hay “Moby Dick” tại Düsseldorf Schauspielhaus. Hình bóng nổi bật của các diễn viên ở tiền cảnh được đặt trên một chân trời dường như phi vật chất – gợi lên ký ức về tác phẩm Ganzfeld của James Turrell với bối cảnh tan biến. Các vệt sáng trắng đặc biệt của Robert Wilson phân định các vùng trên sân khấu, biểu thị các bước, xác định sự chuyển tiếp và tạo chiều sâu một cách tinh tế trong môi trường tối xung quanh.
Robert Wilson từ lâu đã coi ánh sáng là phương tiện giao tiếp cơ bản, như ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn năm 1995 với Dance Ink: “Tôi đánh giá cao cách những bức chân dung được thể hiện tại Hollywood đầu những năm 30 hay ở Đức vào những năm 20, nơi ánh sáng cũng đóng vai trò quan trọng như một diễn viên, làm cho mọi chuyển động trong từng giây phút như được định hình rõ nét, cho phép chúng ta nghe và nhìn dễ dàng và mãnh liệt hơn. Ánh sáng trong tác phẩm của tôi là một phần của tổng thể kiến trúc, là cách chính chúng ta giao tiếp. Không có ánh sáng thì không có không gian.”
Cách tiếp cận ánh sáng của Robert Wilson bắt đầu bằng bóng tối và việc che giấu các nguồn sáng, đảm bảo rằng hiệu ứng ánh sáng chứ không phải đèn chiếu sáng, chiếm vị trí trung tâm. Ông giải thích: “Đầu tiên, bạn cần có không gian sân khấu tối và những vật liệu hấp thụ ánh sáng, không phản quang. Sau đó, tôi sẽ luôn đi đến điểm sáng nhất. Tôi thích bất cứ dụng cụ chiếu sáng nào tôi có mà khán giả không thể nhìn thấy. Tôi ưa chuộng các kỹ thuật cổ điển hơn khi tôi có thể giấu mọi thứ trong khung hình.”
Robert Wilson thường bố cục ánh sáng và không gian dựa trên các bản phác thảo ý tưởng tối giản. Ông nắm bắt tỷ lệ không gian và độ tương phản về độ sáng thông qua các sơ đồ nhỏ và phát triển bảng phân cảnh trực quan thông qua một chuỗi hình ảnh. Ông suy nghĩ bằng cách vẽ mọi thứ ra giấy. Đối với ông, vẽ là một phương tiện để hiểu rõ hơn chứ không chỉ đơn thuần là minh họa. Ông giải thích: “Ánh sáng trên sân khấu khác với ánh sáng tôi vẽ bằng bút, nhưng đây là những bức vẽ tư duy và tôi không thử với sân khấu. Đó là một cách cấu trúc và suy nghĩ về thời gian và không gian.”
Sự phát triển của công nghệ chiếu sáng tác động mạnh mẽ đến công việc của Robert Wilson. Một mặt, những tiến bộ trong điều khiển ánh sáng đã hợp lý hóa các quy trình. Mặt khác, chúng chưa đáp ứng được ý đồ thiết kế của đạo diễn. Các nguồn sáng mới như HMI và LED đã mang lại những thay đổi so với các đặc tính của đèn sợi đốt vốn được sử dụng rộng rãi trong chiếu sáng sân khấu và được ngưỡng mộ vì màu sắc ánh sáng ấm áp khi giảm dần cường độ. Ông chỉ ra rằng những loại đèn mới này mang lại ánh sáng lạnh, làm thay đổi đáng kể toàn bộ bảng màu. Hiện nay, nhiều người đang phát triển các kỹ thuật với những ngọn đèn lạnh để làm chúng ấm hơn.
Năm nay, lần đầu tiên, Robert Wilson trình bày một dự án trình chiếu loạt tranh của Claude Monet trên mặt tiền nhà thờ Notre-Dame de Rouen để kỷ niệm 150 năm Chủ nghĩa Ấn tượng. Tác phẩm sắp đặt “Star and Stone: a kind of love … some say” của ông dựa trên niềm đam mê với ánh sáng, chồng lên các tác phẩm của Monet bằng những bức tranh trừu tượng. Với tác phẩm sắp đặt này, ông tạo ra những hình ảnh về sự nhất thời và thay đổi, đồng thời sử dụng phương tiện ánh sáng để truyền tải thông điệp về hy vọng trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh.
Thực hiện: Hoàng Lê | Theo: Archdaily
Xem thêm
Nhà thiết kế Luca Guadagnino: “Thẩm mỹ được định hướng bởi kinh nghiệm”
Kiến trúc sư Frank Gehry: Biểu tượng của kiến trúc đương đại