Nghệ nhân Đỗ Hữu Triết – Hồn Huế sau lớp men màu

Huế không chỉ là vùng đất “ngàn cây thắp nến lên hai hàng” với những chiều “mưa bay trên tầng tháp cổ”. Mảnh đất cố đô còn giữ trong lòng những di sản văn hóa quý giá và là cái nôi nuôi dưỡng nhiều tâm hồn nghệ sĩ, điển hình là nghệ nhân Đỗ Hữu Triết với hành trình phục chế Pháp Lam Huế – nghệ thuật cổ đã từng thất truyền hơn 200 năm.

P háp Lam Huế là kỹ thuật tráng men màu thủy tinh trên kim loại, bắt nguồn từ châu Âu, sang Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam từ thời vua Minh Mạng (1820-1841), được sử dụng rất nhiều trong trang trí nội ngoại thất cho các cung điện ở Huế. Đến thời vua Tự Đức (1848- 1883), do chiến tranh và kinh tế khó khăn, nghề làm Pháp Lam dần bị mai một và thất truyền hẳn sau thời Đồng Khánh (1885-1889). Dù chỉ tồn tại hơn nửa thế kỷ nhưng di sản Pháp Lam để lại trên mảnh đất cố đô Huế vẫn khá đồ sộ, phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và kiểu thức. Không chỉ mang trong mình giá trị về nghệ thuật, Pháp Lam còn chứa đựng giá trị lịch sử, là di sản văn hóa cần được bảo tồn và phục dựng.
Cơ duyên đến với Pháp Lam được anh Đỗ Hữu Triết gọi là “định mệnh”. Anh tốt nghiệp cử nhân Vật lý, một ngành mới nghe qua có vẻ không liên quan nhưng thật ra lại chứa đựng cốt lõi kỹ thuật của Pháp Lam Huế. Năm 1996, một phòng thí nghiệm Hóa lý được hình thành ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đó cũng là nơi anh Triết đến làm việc và bén duyên với những khối hình trang trí sắc sảo trên nền kiến trúc cổ. “Với tâm tư là người Huế, phục vụ bảo tồn văn hóa Huế, có niềm đam mê cháy bỏng và sức trẻ, tôi đã xông pha vào lĩnh vực khó nhất trong ngành Pháp Lam Huế”, anh chia sẻ.

“VỚI TÂM TƯ LÀ NGƯỜI HUẾ, PHỤC VỤ BẢO TỒN VĂN HÓA HUẾ, CÓ NIỀM ĐAM MÊ CHÁY BỎNG VÀ SỨC TRẺ, TÔI ĐÃ XÔNG PHA VÀO LĨNH VỰC KHÓ NHẤT TRONG NGÀNH PHÁP LAM HUẾ”

Thợ Pháp Lam giỏi phải khống chế được màu sắc tuyệt đối, với nhiệt lò trên 1.000 độ, chỉ xê dịch một chút là bảng màu sẽ khác biệt.

Ban đầu, Đỗ Hữu Triết muốn khôi phục lại kỹ thuật chế tác Pháp Lam Huế để phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo các di tích cổ. Khi đã có kinh nghiệm về nghề thủ công và manh nha hiểu được cách làm Pháp Lam, anh quyết định đăng ký lớp Thạc sỹ Vật lý và nghiên cứu chuyên sâu hơn bằng các phương tiện nghiên cứu khoa học. Năm 2005, đề tài nghiên cứu Pháp Lam thành công với 10 mẫu trang trí thử nghiệm, khiến Đỗ Hữu Triết trở thành người đầu tiên và duy nhất hồi sinh nghệ thuật cổ này. Tác phẩm Pháp Lam của anh mang vẻ đẹp phóng khoáng, bố cục thoáng, phong cách thể hiện ngày càng đa dạng, phong phú về màu sắc. Các họa tiết, hoa văn đều gần gũi với thiên nhiên và con người, được lấy cảm hứng từ hoa văn triều Nguyễn cùng hình ảnh đời sống hằng ngày đã ăn sâu vào tâm trí người Huế, tạo nên nét đẹp riêng cho di sản quê hương.

Mâm Long Phụng trong quá trình chế tác.

Đỗ Hữu Triết 7

Đèn Pháp Lam kết hợp cốt đồng và gốm Biên Hòa.

Với một nghệ thuật thất truyền hơn 200 năm, Đỗ Hữu Triết đã bắt đầu mà không có bất kỳ tư liệu nào trong tay. Bên cạnh các mảng trang trí Pháp Lam trên cung điện, lăng tẩm cùng những hiện vật ngự dụng hiếm hoi được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, anh đã phải bôn ba khắp nơi, từ các làng nghề gốm Bát Tràng đến các nhà máy chế men frit để học hỏi kinh nghiệm của những người thợ mà anh gọi là “tư liệu sống quý giá nhất”. Suốt 10 năm phục chế Pháp Lam, Đỗ Hữu Triết vừa phải giải quyết các vấn đề về vốn, cơ sở vật chất, điều kiện thí nghiệm, nguyên vật liệu chế tạo men… vừa phải học cách làm chủ các vật liệu như kim loại, thủy tinh, gốm; hoàn thiện đa kỹ nghệ tích hợp như kỹ nghệ kim hoàn, kỹ nghệ nung đốt, điều khiển nhiệt, kỹ năng tạo hình, kỹ thuật phối hợp họa tiết trang trí, màu sắc. Nếu không có một tình yêu sâu đậm với văn hóa và di sản cố đô, có lẽ bất cứ ai cũng khó lòng kiên tâm theo đuổi hành trình vất vả, lắm chông gai này.

Đỗ Hữu Triết 6

Chi tiết Pháp Lam trang trí trong kiến trúc.

Tuy nhiên, không dừng lại là một người “giữ lửa”, Đỗ Hữu Triết còn thành lập công ty Thái Hưng để “truyền lửa”, chiêu mộ những nghệ nhân gốm, hội họa, sơn mài… để cùng nhau vực dậy nghề thủ công, đem Pháp Lam vượt ra khỏi khuôn khổ bảo tồn và đến với đại chúng. Anh cùng các cộng sự đã không ngừng tìm tòi để mở rộng ứng dụng nghệ thuật Pháp Lam sang các lĩnh vực mới trong đời sống. Sau 20 năm gắn bó với nghề, hiện cơ sở của anh có ba dòng sản phẩm chính là đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch; tranh Pháp Lam; sản phẩm nội thất và trang trí công trình xây dựng với 4 loại hình: họa Pháp Lam, Pháp Lam chạy chỉ, Pháp Lam chạm khảm, kính Pháp Lam. Ngoài Thái Hưng, hiện không có cơ sở nào đủ sức sản xuất Pháp Lam đúng chuẩn mực ở Việt Nam. Anh Triết mong rằng sẽ có những nguồn đầu tư mới giúp phát triển và đào tạo thế hệ trẻ, để di sản độc đáo này sẽ luôn được tiếp nối về sau.

Đỗ Hữu Triết 5

Hoa sen là đề tài quen thuộc trong tranh Pháp Lam của Đỗ Hữu Triết.

Đỗ Hữu Triết 4

Chỉ là cốt đồng, sử dụng men thủy tinh để vẽ rồi sau đó đem nung, nhưng người nghệ nhân phải đảm bảo tính chính xác tuyệt đối ở mọi khâu để kim loại và men thuốc hòa quyện, bám chặt vào nhau, không rạn nứt, bong tróc hay sai lệch màu.

Đỗ Hữu Triết 3

Tác phẩm thắng giải nhất cuộc thi Thủ công Mỹ nghệ Thừa Thiên Huế 2020.


PHỎNG VẤN NGHỆ NHÂN

Có nguồn gốc từ Pháp rồi mới du nhập sang các nước châu Á, vậy sự giao thoa của các yếu tố phương Đông và phương Tây được thể hiện như thế nào trong các sản phẩm Pháp Lam?

Men Pháp Lam là dòng thủy tinh, đó là kỹ nghệ phương Tây. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam, các yếu tố Việt hóa được đưa vào ở họa tiết, màu sắc cũng như hình dáng, ứng dụng của sản phẩm. Nói Pháp Lam là một sản phẩm cổ truyền ẩn chứa văn hóa là vì vậy. Cùng một kỹ thuật nhưng mỗi dân tộc lại cho ra những sản phẩm khác nhau.

Anh có thể nói rõ hơn về giá trị văn hóa phi vật thể của nghệ thuật này không?

Bản thân Pháp Lam có một câu chuyện lịch sử của nó, đó đã là một giá trị văn hóa độc đáo. Tuy vậy, điều đặc biệt nhất vẫn là yếu tố con người, được thể hiện qua từng nhát cọ, màu sắc, nội dung trang trí… trên từng sản phẩm Pháp Lam.

Theo anh, phông nền văn hóa đặc sắc (và thường là độc nhất) của Huế có vai trò như thế nào trong việc tạo ra những con người nghệ sĩ như anh và nhiều cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực khác?

Huế có nhiều lợi thế và cũng rất nhiều yếu thế. Với lợi thế là một cố đô tích tụ nhiều ngành nghề và nhân tài từ xưa nay, các nghệ thuật cổ như Pháp Lam dễ dàng được hồi sinh. Tuy nhiên, để phát triển mạnh, người làm nghề phải tìm cách thoát được những yếu thế về kinh tế xã hội ở địa phương.

Đỗ Hữu Triết 2


ĐỖ HỮU TRIẾT

NGHỆ NHÂN PHÁP LAM

– Thạc sĩ Vật lý, Đại học Khoa học Huế.

– Giám đốc công ty TNHH Thái Hưng – Công ty duy nhất được giao thực hiện trùng tu, phục hồi những hạng mục Pháp Lam trên các di tích cung đình quan trọng ở Huế.

– Giải nhất cuộc thi Thủ công mỹ nghệ Thừa Thiên Huế 2020.

Đỗ Hữu Triết 1


Bài: Đoàn Trúc | Minh họa: Bùi Ngân | Hình ảnh: Hiếu Trương.


Xem thêm:

Nga Dương – Giữ gìn di sản của tài hoa & tinh đời

Eric Tran – Thư viện cho tín đồ mùi hương