Họa sĩ Lê Thiết Cương: Sống trọn đời nghệ thuật bằng triết lý tối giản

Sự tối giản trong nghệ thuật Lê Thiết Cương là sự tối giản tĩnh lặng nhưng đẫm ý niệm. Một sự tối giản được chắt lọc tối đa từ đời sống.

‘Tôi đi đây, từ mỗi ngón tay rút ra 1 chiếc chìa khoá

chuông lách cách tra vào ổ khoá.”

(Thơ của cố thi sĩ Đặng Định Hưng)

18h55’. Ngày 17/7. Hà Nội.

Nghệ sĩ Lê Thiết Cương qua đời.

Tin buồn lướt qua trong một buổi chiều bình thường mọi ngày. Dẫu biết đó là người nghệ sĩ tài hoa của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, nhưng sự tiếc nuối cũng chỉ vừa nhẹ thoảng như làn gió. Phải đến khi nhìn lại những tác phẩm, ngắm lại những nét dung dị và giản đơn nhưng lại chứa đựng chiều sâu tư tưởng, niềm tiếc thương mới thực sự dâng lên. Lúc ấy, ta mới thấu hiểu được sự mất mát này.

le thiet cuong hoa si viet nam

Họa sĩ Lê Thiết Cương.

“Tối giản là tôi, tôi là tối giản. Tối giản là cá tính cốt tử của tôi, là ADN, là vân tay.” 

Lê Thiết Cương sinh năm Nhâm Dần 1962. Từ thuở nhỏ, ông đã tiếp xúc với môi trường nghệ thuật bởi có cha là nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên. Dù tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội nhưng ông đã rẽ sang nghiệp vẽ chứ không theo bước cha. Giới nghệ sĩ, người thưởng tranh hay chính Lê Thiết Cương cũng luôn có một mô tả ngắn gọn và chắc nịch về nghệ thuật của ông: sự tối giản. 

le thiet cuong hoa si tranh trien lam ve ben la

Tranh vẽ từ các câu thơ trong triển lãm Về bến lạ.

Tối giản là cái tinh, cái lõi, vẽ một nét mà nhìn thấy cả trăm, cả ngàn nét khác, cả trăm, cả ngàn ý tứ. Sự tối giản chưa bao giờ dễ dàng để theo đuổi, vậy mà Lê Thiết Cương luôn giữ được hội họa cá nhân nằm trọn trong hai từ “tối giản”. Điều thú vị là chất riêng này của ông đã có sẵn tự buổi đầu ông cầm cọ đến với nghiệp vẽ. Họa sĩ từng chia sẻ: “Năm 1984, tôi rời quân ngũ, thất nghiệp nằm nhà, thỉnh thoảng sang bên hàng xóm là nhà cụ Đặng Đình Hưng làm chân phục vụ chiếu rượu của cụ. Tôi học được nhiều ở cái “trường” ấy và cụ Đặng Đình Hưng là người phát hiện ra tố chất tối giản trong tôi, đẩy một cú cuối cùng để tôi rơi vào tối giản. Thực ra là tôi gặp tối giản, chứ không thể quyết tâm là ngày mai tôi đi tìm chủ nghĩa tối giản. Gặp chủ nghĩa tối giản cũng là tôi gặp tôi”. 

tranh ho xuan nham dan

Tranh Hổ chào xuân Nhâm Dần (2022).

Tranh của Lê Thiệt Cương là một sự tối giản được diễn tả thật ngây thơ. Triết học của Osho từng luận: “Con người trải qua hai lần ngây thơ: một lần là ngây thơ của vô minh, lần kia là ngây thơ của giác ngộ.” Lần ngây thơ đầu tiên vì không hiểu mà phải ngây thơ. Lần ngây thơ tiếp vì thấu hiểu mọi sự nên chọn ngây thơ. Hội họa của Lê Thiết Cương là lần ngây thơ thứ hai, tường minh chuyện nhân thế để rồi kể chuyện nhân thế bằng nét, hình, sắc thuần chất nhất. “Không nên hiểu tối giản tức là không có gì. Tối giản là dùng ít “nguyên liệu” nhất mà lại nói được nhiều nhất. Không nên chấp vào cái phương tiện nhiều hay ít. Vì cứ chấp vào phương tiện thì làm sao “tới” được?” – Lê Thiết Cương. Sự tối giản là cốt tử nghệ thuật của Lê Thiết Cương, là cách thức cá nhân mà ông dùng để kể về cái vô biên của thế giới ngoại vi và thế giới hồn mình.

le thiet cuong tranh ho xuan nham dan

Tranh Hổ chào xuân Nhâm Dần (2022).

Tạo hình đơn giản đến mức tối giản gồm nét bút gọn ghẽ và những mảng màu đơn, phân rõ ranh giới. Khoan nhầm là một trẻ nít họa trong cơn thích thú của sự tưởng tượng, cần cặn kẽ hơn để bắt được cái trí tuệ sắc sảo ẩn tàng đầy ý nhị. Nét trong trẻo vẫn đượm thắm, tươi ngọt nhưng được chắt lọc để chọn nét thơ ngây nào được nằm trên mặt tranh, “Nếu sinh ra đã là “không” rồi thì còn chắt lọc gì nữa. Có nhiều thì mới chắt lọc và mới có cái để chắt lọc chứ. Chả cứ hội họa, chả cứ hội họa tối thiểu, mà bản thân nghệ thuật đã mang ý nghĩa chắt lọc rồi.” Nàng Kiều nghiêng nước nghiêng thành cũng chỉ cần phổ bằng vài nét thanh sạch, không chú trọng tạo rõ hình dạng, những mảng màu phân sắc ám chút trầm tối là đủ để cảm được dung nhan “Hoa xanh thua thắm, liễu hờn kém xanh” và thân phận chìm nổi, truân chuyên.

tranh kieu hoa si viet nam

Tranh Kiều từ câu thơ “Sông Tương một dải nông sờ, Bên trông đầu nọ bên chờ suối kia.”

tranh kieu hoa si le thiet cuong hoi hoa viet nam

Tranh Kiểu từ câu thơ “Chém cha cái số đào hoa, Gỡ ra nối lại buộc vào như chơi.”

Sự tối giản được Lê Thiết Cương đào sâu và phát triển ở nhiều phương cách. Không chỉ khai thác ý để diễn lại bằng hình nét mà còn dùng kết hợp những chiều không gian, hành động, nhân vật cùng đồng hiện trong tranh. Ông vẽ hổ không chỉ có hổ mà còn vẽ đồng thời luôn cả những sâu sắc của Phật tính, của mong cầu giản dị người Việt  “của ăn của để”. Hổ trong mình cả một đầm hoa sen, hổ với chìa khóa, với cái bát, cái đũa. Nét tinh giản, vạch rành mạch và khỏe khoắn. Tranh tạo bởi những mảng màu đậm đặc, đỏ cặp chung với xanh lá, đi liền với vàng tươi, bảng màu ngây thơ, vui mắt nhưng ẩn sâu là lời vọng về sự no đủ và sung túc.

“Nghệ thuật là thế. Khi bạn tìm ra được vân tay của mình, bạn có nghệ thuật. Bạn tìm thấy lòng mình là có nghệ thuật. Tất cả những bậc thầy về nghệ thuật trên thế giới, đều là những người tìm được vân tay của mình.”

“Nghệ sĩ và người tu hành Phật giáo có một điểm chung: đi tu là trở về mình, nghệ sĩ là đi tìm mình.”

Ngoài sự tối giản là định danh, nghệ thuật Lê Thiết Cương còn được nhớ về đạo tính. Triết lý của Phật thấm đầy trong tư tưởng, cũng dễ hiểu bởi thế hệ của ông là thế hệ 6x, sinh ra trong thời kỳ khó khăn, hiếm trò giải trí. Trẻ con chỉ có thể chơi với bạn cùng xóm để thấy sự vui của đồng lứa và đọc sách để vi vu khắp năm châu bốn bể bằng tri thức. Sách ở nhà của ông ngoài những tác phẩm văn học thì chủ yếu là sách Phật giáo, càng đọc nhiều mà đọc thì càng thấy thích, càng tự nhiên mà ngấm những tư tưởng minh triết của Phật.  

Mà ngẫm thì chính nhờ những năm tháng cặm cụi với “Cụ Phật, ông Phật” (cách mà ông thường gọi), cái hạt  tối giản trong nghệ thuật được ươm mầm và đạt tới độ chín hoàn hảo. Tranh ông ngoài sự tối giản thường trực thì tính tĩnh, ngưng đọng khỏi biên độ thời gian cũng thành hình cho người thưởng thức một cảm thức về thiền. 

dieu khac thuy tinh phat giao le thiet cuong

Tác phẩm Phật Kính.

“Tôi thích thiền, mà bản chất của thiền là vô ngôn, nên mỹ học của thiền ngấm vào tôi thì tôi mới làm được cái tối giản trong thiền ấy. Tôi tưởng mình một mình, nhưng không phải, mà luôn có hai mình trong một tôi. Khi thiền, là để hai mình ấy gần gụi nhau, trở về là chính mình. Tu là trở về với chính mình, quay đầu lại là bờ, buông dao thành Phật, thấy được bản lai diện mục của mình, đó là ngộ”. Phật là tu trở về mình, nghệ sĩ cũng trải qua một đời để tìm thấy tiếng nói của mình về mình và thế giới ngoài. Ông không theo đuổi đạo trong nghệ thuật, chỉ là Phật và tranh ông gần gụi nhau quá, người ta tưởng nhập một. Ông luôn khẳng định quan niệm về cái đẹp rất gần với mỹ học Thiền nhưng không hề có ý định dùng nghệ thuật minh họa tư tưởng Thiền.

le thiet cuong mat na kinh phat

Kinh Phật trên hai tác phẩm Không đặt tên 18 bằng gốm và tác phẩm Không đặt tên 19 bằng giấy bồi.

Những tưởng người họa gần gũi chất Thiền định, đạo Phật thì đời sống hẳn trầm lắng lắm. Nhưng thực ra khác nhau: “Nghệ thuật và đời sống của tôi không là một. Nghệ thuật của tôi tối giản nhưng đời sống của tôi lại nhiều, làm nhiều, chơi nhiều, thích nhiều…” Có lẽ vậy mà hội họa của Lê Thiết Cương dù tối giản nhưng đậm đặc ý niệm. Sự “nhiều” của ông hẳn vẫn thể hiện rõ trong nghệ thuật chính ông, không chỉ vẽ tối giản lên giấy, sơn mài mà còn tạo tối giản bằng nhiều phương tiện khác nhau. Trong chất gốm tạc thành vô số mặt người dùng một khuôn dạng, viết đầy nhưng câu kinh và đa sắc thái biểu cảm hay trên từng lớp kính trong veo tả người thiền định. Không chỉ vậy mà sự “nhiều” còn rõ trong vai trò khác ngoài nghệ sĩ, Lê Thiết Cương còn là nhà phê bình, giám tuyển. Ở vai trò nào cũng sống trọn và tài hoa trọn vẹn. Lê Thiết Cương thường nói: “mỗi người có một đời sống, mỗi cuộc đời là một cuốn kinh, vấn đề là có biết mở ra mà đọc hay không, tôi gọi đó là Kinh đời.” Và hẳn, Lê Thiết Cương đã luôn lật giở những trang đời mình, để tìm chính mình.

Về với đất trời, có lẽ là cách người họa sĩ tài hoa ấy bước vào cõi vô thường, gần gụi hơn với nghệ thuật ông theo đuổi. Trong những tháng năm ở nhân gian, ông đã sống trọn đời phong phú vừa tận hưởng sắc hương vị đời trần tục, vừa nghiền ngẫm trong địa hạt lặng thinh của nghệ thuật. 

Gửi người nhành sen trắng còn ấp nụ,

Để nơi cõi xa đó, tranh thấm lẫn sắc thơm.

Thực hiện: Saya Nguyễn


Xem thêm

Nhà của họa sĩ Lê Thiết Cương: Sự yên tĩnh của thời gian

Lê Thị Lựu – Dệt mộng thiên đường

Triển lãm “Nocturne” của hoạ sĩ Đặng Dương Bằng: Có một Hà Nội đẹp bởi nhớ thương