Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright và những công trình mang tính lịch sử

Kiến trúc sư Frank Lloyd Wright đã cách mạng hóa kiến ​​trúc hiện đại bằng những công trình sáng tạo gắn liền với triết lý hữu cơ và những ý tưởng tiên phong.

Frank Lloyd Wright là một trong những kiến trúc sư huyền thoại sở hữu di sản thiết kế khổng lồ được tích lũy trong hơn 70 năm sự nghiệp. Ông đã để lại cho nhân loại hơn 500 công trình xây dựng, hơn 1000 thiết kế ý tưởng và nguồn cảm hứng bất tận dựa trên tôn chỉ sáng tạo độc đáo. 

chan dung kien truc su Frank Lloyd Wright My kien truc huu co

Chân dung kiến trúc sư Frank Lloyd Wright. Ảnh: New York World Telegram and the Sun staff photographer

Ông cũng được xem là kiến trúc sư nổi tiếng và có tầm nhìn bậc nhất bởi những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển phong cách kiến trúc đầu tiên của Mỹ – Prairie (tạm dịch: Thảo nguyên). Phong cách này được phát triển theo chiều ngang thay vì chiều cao của kiến trúc cổ điển châu Âu, kết hợp cùng các đường nét phóng khoáng, gợi liên tưởng đến vùng đất thảo nguyên bằng phẳng và rộng lớn của khu vực Trung Tây nước Mỹ.

Bên cạnh việc giữ vai trò chủ chốt trong công cuộc quảng bá phong cách Prairie, triết lý thiết kế của Frank Lloyd Wright còn hướng tới sự hòa hợp giữa kiến trúc, con người và tự nhiên, hay còn được gọi là Kiến trúc Hữu cơ (Organic Architecture). Các công trình do ông thiết kế hầu hết đều có kết cấu mở, không xuất hiện ranh giới rõ ràng giữa nội thất và ngoại thất, chú trọng sử dụng các vật liệu xây dựng mới như: thép và bê tông. 

Suốt sự nghiệp lâu dài của mình, kiến trúc sư Frank Lloyd Wright đã chạm đến nhiều loại hình, từ nhà ở đến văn phòng, các tòa nhà chọc trời cũng như tòa nhà công nghiệp, tôn giáo và giáo dục. Cho đến ngày nay, thế giới vẫn ghi nhận những tác phẩm tiêu biểu của ông là một trong những công trình kiến trúc bền vững và phù hợp thẩm mỹ đại chúng. 

tem buu chinh in hinh Frank Lloyd Wright 1966 Hoa Ky

Nhờ những đóng góp to lớn trong suốt cuộc đời của mình, kiến trúc sư Frank Lloyd Wright đã được vinh danh trên tem bưu chính Hoa Kỳ vào năm 1966. Ảnh: Tư liệu

Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist (Đền Unity)

Di sản Tòa thánh tôn giáo Unitarian Universalist (Đền Unity) nằm tại Oak Park, tiểu bang Illinois. Được hoàn thành vào năm 1908, công trình sử dụng vật liệu theo cách vô cùng mới lạ, tạo ra một không gian tràn ngập ánh sáng với màu sắc của thiên nhiên bằng những bức tường bê tông cốt thép dày. 

Unitarian Universalist Unity Temple Oak Park, Illinois kien truc su Frank Lloyd Wright 1908

Đền Unity được đánh giá là tòa nhà hiện đại đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Andrew Pielage

Công trình đền Unity là một bước nhảy vọt trong thiết kế kiến trúc của Frank Lloyd Wright bởi từ đây, ông rút ra nhận định rằng: “Trái tim thực sự của một tòa nhà là không gian của nó, chứ không phải là những bức tường trang trí”. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng, kiến trúc sư chia công trình thành 3 khối: khu vực thờ; khu vực sinh hoạt cộng đồng và sảnh đón tiếp nằm giữa. Cách sử dụng không gian sáng tạo và hiệu quả đã giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các khu vực, trước hết là ngăn cách tiếng ồn và tạo ra hình khối độc đáo cho công trình. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả cách âm từ phía đường phố, cửa sổ của công trình được bố trí chủ yếu trên mái nhà. 

noi that toa thanh ton giao Unitarian Universalist noi that Unity Temple

Nội thất bên trong tòa thánh chú trọng sự đơn giản, được nhấn mạnh bằng các hình khối, kết cấu và những mảng trang trí bổ sung làm từ thanh ốp gỗ. Ảnh: Andrew Pielage

Biệt thự Frederick C. Robie

Biệt thự Frederick C. Robie (Frederick C. Robie House) được ví như cấu trúc phát triển tự nhiên từ mặt đất, là ví dụ tiêu biểu cho thiết kế nhà ở theo đuổi phong cách Prairie. Công trình cao 3 tầng với hệ thống các phân vị ngang kéo dài, bao gồm: ban công, sân thượng và những bức tường kính lớn. Phần mái thấp kết hợp cùng sân hiên nhô ra cũng là một trong những đặc trưng của phong cách kiến trúc này. Nhờ vẻ đẹp thanh lịch trường tồn qua nhiều năm, biệt thự Frederick C. Robie hiện là một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Frederick C. Robie house kien truc su Frank Lloyd Wright

Phối cảnh di sản Biệt thự Frederick C. Robie. Ảnh: Tim Long

Tòa nhà Taliesin East

Tòa nhà Taliesin (Taliesin House/Studio), còn gọi là Taliesin East (để phân biệt với Taliesin West) là nhà ở tích hợp chức năng xưởng vẽ và trường học của Frank Lloyd Wright, nằm tại khu đất rộng 800 mẫu Anh ở Spring Green, Wisconsin. Nơi đây hoạt động như một trung tâm thử nghiệm cho các ý tưởng của ông và cũng là nơi để các học trò của Frank học hỏi phương pháp thực hành kiến trúc độc đáo.

toa nha Taliesin East Spring Green Wisconsin

Tòa nhà Taliesin East. Ảnh: Sam Cochran

cay xanh kien truc huu co

Phối cảnh môi trường xung quanh công trình. Ảnh: Sam Cochran

Taliesin East là công trình thử nghiệm lâu dài và được xây lại nhiều lần nhất. Ngôi nhà đầu tiên (Taliesin I) được hoàn thành vào năm 1911, sau đó bị cháy và được xây dựng lại với quy mô tiết kiệm hơn vào năm 1914. Tuy nhiên, không lâu sau khi Taliesin II hoàn thành, ngôi nhà lại chìm vào hỏa hoạn, mang đến tiếc nuối lớn nhất trong đời của kiến trúc sư Frank Lloyd Wright khi các thực tập sinh, sinh viên, tình nhân Mamah Cheney và cả hai đứa con của ông đã ra đi trong tai nạn này. 

Cuối cùng, Taliesin III được tái thiết vào năm 1925 với bảng vật liệu mang đậm tính địa phương, ví dụ như đá vôi lấy từ một mỏ đá gần đó hay các tấm tường thạch cao màu vàng tương tự như màu cát của bờ sông kề liền công trình…

noi that Taliesin East ghe Barrel kien truc su Frank Lloyd Wright

Nội thất bên trong tòa nhà Taliesin East, có thể dễ dàng nhận ra chiếc ghế Barrel biểu tượng do chính tay kiến trúc sư Frank Lloyd Wright tạo ra vào năm 1937. Ảnh: Sam Cochran

Hollyhock House

Ngôi nhà Hollyhock do Frank Lloyd Wright thiết kế cho người thừa kế doanh nghiệp dầu khí nổi tiếng Louise Aline Barnsdall vào năm 1921, là ví dụ tuyệt vời cho phong cách kiến ​​trúc Mayan Revival. Đặc điểm của phong cách này gồm: các bức tường bên ngoài nghiêng về phía sau năm độ và họa tiết trang trí trên kính, tường bê tông là hình ảnh trừu tượng của cây thục quỳ – loài cây tượng trưng cho người Maya.

Hollyhock House Louise Aline Barnsdall phong cach kien truc Mayan Revival

Ảnh: hollyhockhouse.org

ngoi nha Hollyhock kien truc su Frank Lloyd Wright 1921

Ảnh: hollyhockhouse.org

Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, ngôi nhà bị đánh giá là thiếu tính bền vững khi nước mưa từ các trận mưa lớn của Los Angeles chảy qua bãi cỏ và tràn vào phòng khách hay cấu trúc đặc biệt của tường bê tông sụp đổ trong các trận động đất. Song, biệt thự Hollyhock vẫn được xem là một trong những công trình kiến trúc sở hữu vẻ đẹp thẩm mỹ hàng đầu mọi thời đại.

noi that Hollyhock House phong cach kien truc Mayan Revival

Nội thất ấn tượng bên trong ngôi nhà Hollyhock. Ảnh: hollyhockhouse.org

Fallingwater

Công trình biệt thự trên thác Fallingwater được xem là kiệt tác vĩ đại nhất của cố kiến trúc sư Frank Lloyd Wright, thể hiện sự chuyển dịch và hòa nhập giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên. Nó rất nổi tiếng trong văn hóa đại chúng Mỹ, được sử dụng làm bối cảnh trong nhiều bộ phim, tranh, sách, thậm chí còn được chế tác thành bộ đồ chơi lego và trở thành cảm hứng cho âm nhạc. Hằng năm, công trình thu hút hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan.

Fallingwater Frank Lloyd Wright

Ảnh: The Western Pennsylvania Conservancy

Biệt thự nổi bật bởi nhiều yếu tố, nhìn từ xa, Fallingwater như nổi trên thác nước nhờ thiết kế kết cấu đúc hẫng. Các khối tường bằng bê tông màu nâu nhạt và thép đỏ khiến cho tòa nhà như hòa quyện với các vách đá tự nhiên xung quanh.

noi that ben trong Fallingwater kien truc su Frank Lloyd Wright

Ảnh: The Western Pennsylvania Conservancy

Fallingwater Frank Lloyd Wright

Ảnh: The Western Pennsylvania Conservancy

Tòa nhà Taliesin West

Tòa nhà Taliesin West nằm ở Scottsdale, Arizona là nơi cư trú của Frank Lloyd Wright vào mùa đông. Được xây dựng trên cảnh quan hoang mạc độc đáo, công trình này là thử nghiệm tâm đắc nhất của cố kiến trúc sư với thiết kế hình khối bao phủ không gian, chẳng hạn như: khu vườn hình tam giác với các loài thực vật bản địa và hồ bơi hình tam giác.

toa nha Taliesin West Scottsdale Arizona Frank Lloyd Wright

Ảnh: The Frank Lloyd Wright Foundation

Tại đây, Frank Lloyd Wright cũng thực hiện nhiều phương pháp để lấy tối đa lượng ánh sáng tự nhiên từ trên mái nhà mà vẫn giữ cho không khí trong nhà không bị nóng bức. Ví dụ, trong phòng ăn hướng về phía Nam, ông đã sử dụng các tấm chắn để ngăn ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, song vẫn đảm bảo góc độ tán xạ của ánh sáng trong phòng.

kien truc su Frank Lloyd Wright noi that Taliesin West

Ảnh: The Frank Lloyd Wright Foundation

Bảo tàng Solomon R. Guggenheim

Năm 1959, sáu tháng sau khi kiến trúc sư Frank Lloyd Wright qua đời, công trình Bảo tàng Solomon R. Guggenheim được hoàn thiện và chính thức mở cửa đón khách tại quận Manhattan sầm uất của thành phố New York. Ông mất 15 năm, vẽ hơn 700 bản phác thảo để tạo ra thiết kế bảo tàng thỏa mãn mong muốn ứng dụng phong cách Kiến trúc Hữu cơ trong bối cảnh đô thị.

Tổ hợp công trình gồm 2 khối chính: khối trưng bày và khối văn phòng, lưu trữ. Cả hai tòa nhà đều có mặt tiền hình tròn làm từ bê tông. Cố kiến trúc sư đã sử dụng vẻ đẹp hữu cơ của những đường xoắn ốc để mang đến sự tương phản giữa đô thị New York cứng nhắc và Guggenheim uyển chuyển, trở thành một trong những yếu tố đại diện cho công trình. 

bao tang Solomon R. Guggenheim kien truc su Frank Lloyd Wright 1959

Ảnh: Jean Christophe

Các đường cong hoạt động như một khoảng dốc, cho phép du khách đi vòng quanh và từ từ tiến lên đỉnh của tòa nhà. Tuy mới lạ và cuốn hút nhưng kết cấu này cũng mang đến nhiều tranh cãi khi các tác phẩm của nghệ sĩ sẽ không được treo ngay ngắn và tâm điểm chú ý sẽ không còn tập trung vào các tác phẩm ấy nữa. Song, chính việc đặt vật thể thẳng đứng trong một không gian nghiêng có khả năng tạo ra ảo ảnh quang học độc đáo mà bảo tàng Solomon R. Guggenheim đã thoát khỏi tranh cãi và được nhiều người đánh giá cao. 

thiet ke xoan oc bao tang Solomon R. Guggenheim Manhattan New York

Ảnh: Jean Christophe

Thính phòng tưởng niệm Grady Gammage

Grady Gammage Memorial Auditorium (tạm dịch: Thính phòng tưởng niệm Grady Gammage) ở Arizona được xem là cơ hội để Frank Lloyd Wright hiện thực hóa thiết kế cuối cùng trong sự nghiệp của mình. Phần lớn kết cấu của công trình này nằm trong dự án hợp tác giữa ông và vua Faisal II, Iraq. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi không lâu sau đó, vua Faisal II đã bị ám sát và bản thiết kế tưởng chừng như mãi mãi dừng lại trên giấy. 

Grady Gammage Memorial Auditorium Arizona Frank Lloyd Wright

Ảnh: Richard Cummins

Sau này, Frank Lloyd Wright phải điều chỉnh một vài thông số của thiết kế ban đầu để phù hợp với yêu cầu dành cho một thính phòng thay vì nhà hát opera. Ông đã qua đời trong quá trình xây dựng dự án và tòa nhà sau đó được hoàn thành bởi học trò của ông, William Wesley Peters.

Frank Lloyd Wright thiet ke William Wesley Peters hoan thien xay dung

Ảnh: Richard Cummins

Thực hiện: Thùy Như 


Xem thêm: 

Kiến trúc sư Frank Gehry: Biểu tượng của kiến trúc đương đại

Beatrix Farrand: Cái nhìn nhạy cảm với cảnh quan và tình yêu thực vật

Những nữ kiến trúc sư có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử