Beatrix Farrand: Cái nhìn nhạy cảm với cảnh quan và tình yêu thực vật

Sử dụng những kiến thức sâu rộng và mắt nhìn nhạy bén trong thiết kế cảnh quan, Beatrix Farrrand được xem là một trong những kiến trúc sư cảnh quan quan trọng nhất thế kỉ 20 với phương châm “Intellectum da mihi et vivam”. (Tạm dịch: Trao cho tôi sự thông tuệ, tôi sẽ sống)

Khu vườn của những ngày thơ ấu

Beatrix Cadwalader Jones sinh ra tại New York vào ngày 19 tháng 6 năm 1872, là người con duy nhất của Frederick Rhinelander Jones và Mary Cadwalader Rawle, và là cháu gái của tiểu thuyết gia Edith Wharton. Beatrix bắt đầu có những nhận thức đầu đời về thực vật từ khi còn nhỏ khi được bà của mình đưa vào vườn hoa hồng ở Newport, Rhode Island. Beatrix đã được bà của mình dạy cách cắt bỏ những bông hoa tàn. Cô bé Beatrix đã đem hết tên của các loài hoa hồng xinh đẹp thời ấy in sâu vào trí nhớ. Cho đến vài năm sau khi trò chuyện với bạn bè, Beatrix luôn thích nói về các loài hoa hồng như Baroness Rothschild, Marie Van Houtte và Bon Silène với sự thích thú.

Từ năm 8 tuổi, Beatrix đã tận hưởng những kỳ nghỉ dài tại ngôi nhà nghỉ hè của gia đình ở Bar Harbor, khu vực nghỉ mát ở Maine, Mỹ. Tại đây, bà đã nhìn thấy và ghi nhớ về quá trình xây dựng khu vườn Reef Point, thiết kế các khúc cong trên đường đi và cắt các vị trí trong khu vườn để có tầm nhìn đẹp. Sống dưới mái nhà có đến 5 thế hệ yêu thích việc làm vườn cùng thời gian cùng người bà trong vườn hồng, Beatrix đã dần hình thành niềm đam mê với kiến trúc cảnh quan.

kien truc su beatrix farrand

Bức vẽ chân dung Beatrix Cadwalader Jones

Năm 20 tuổi, Beatrix được gặp phu nhân Charles Sprague Sargent, một nữ nghệ sĩ tài năng với các các tác phẩm về gỗ Mỹ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kì. Đây cũng là người phụ nữ làm thay đổi cuộc đời của Beatrix. Qua lời giới thiệu của bà, Beatrix được gặp giáo sư Charles, giám đốc sáng lập vườn ươm Arnold và bắt đầu sống tại nhà của ông, Holm Lea ở Brookline, Massachusetts vào năm 1893. Vị giáo sư này bắt đầu để ý đến tình yêu cây cỏ của Beatrix Jones và khuyến khích bà theo đuổi nghiên cứu về lĩnh vực vườn cảnh quan (ngành học mà vào thời điểm đó không có trường dạy chuyên biệt). Ông đề nghị mở cửa cơ sở vật chất của vườn ươm cho bà. Beatrix đã dành thời gian để học cùng với Charles, và trở thành cô học trò chăm chỉ tại vườn ươm. Giáo sư Charles từng khuyên Beatrix hãy quan sát và phân tích vẻ đẹp tuyệt vời của những bức tranh tự nhiên, đi du lịch nhiều nơi ở châu Âu và quan sát nhiều khu vườn nhất có thể. Theo gợi ý của ông, Beatrix đã dành 4 tháng để đi cùng mẹ, học hỏi thêm từ nhiều kiến trúc sư và nhà thiết kế cảnh quan ở châu Âu. Khi trở về, Beatrix tiếp tục theo học ngành xây dựng kỹ thuật dân dụng với các gia sư từ Đại học Columbia để hoàn thiện trình độ học vấn và có được các kỹ năng hữu ích cho công việc.

Vào ngày 17 tháng 12 năm 1913, Beatrix Cadwalader Jones kết hôn với Max Farrand, nhà sử học thành đạt tại các Đại học Stanford và Yale, đồng thời cũng là giám đốc đầu tiên của Thư viện Huntington.

Sự nghiệp kiến trúc cảnh quan bắt đầu và nở rộ

Beatrix Farrand bắt đầu hành nghề kiến trúc sư cảnh quan vào năm 1895 và làm việc tại tầng trên của căn nhà đá nâu mà mẹ bà sở hữu ở Phố East Eleventh, New York. Vì phụ nữ không được tham gia vào các dự án công cộng nên những thiết kế đầu tiên của bà là các khu vườn dành cho các gia đình xung quanh Bar Harbor. Nhờ sự giúp đỡ của mẹ và các mối quan hệ xã hội của dì Edith Wharton, bà được giới thiệu với các nhân vật nổi tiếng, từng bước tham gia vào các dự án quan trọng. Chỉ trong ba năm, bà đã trở nên nổi tiếng và là người phụ nữ duy nhất trong số các nhà sáng lập của ASLA (Hội Kiến trúc sư Cảnh quan Hoa Kỳ) – mặc dù bà thích thuật ngữ nhà làm vườn cảnh quan (landscape gardener) của Anh hơn.

Beatrix Farrand đã chứng tỏ sự xuất sắc qua những đóng góp của bà trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan tại Mỹ. Kiến trúc sư cảnh quan Diane K. Maguire nhận định về Beatrix trong trích dẫn trên tờ New York Times: “Beatrix Farrand là nhà thiết kế xuất sắc. Bà có khả năng cân bằng tỷ lệ và tạo nên sức mạnh trong thiết kế của mình. Nhưng vì là phụ nữ nên bà không có những cơ hội như nam giới. Họ được thiết kế các công viên công cộng, còn công việc của Beatrix thì lại tập trung vào các khu vườn và không gian cảnh quan tư nhân”.

Năm 1899, Beatrix lên kế hoạch cho địa điểm trồng cây ban đầu cho Nhà thờ Quốc gia ở Washington, D.C.. Năm 1912, bà thiết kế khu vườn Bellefield có tường rào yên tĩnh cho ông bà Thomas Newbold ở Hyde Park, New York (nay là một phần của Khu di tích lịch sử quốc gia Franklin D. Roosevelt). Trong quá trình xây dựng các tòa nhà dịch vụ tại Dumbarton Oaks, Beatrix đã hợp tác với hai nhà thiết kế lỗi lạc thời đó: McKim, Mead & White – người đã sửa sang lại ngôi nhà thế kỷ 18 của gia đình Newbold.

beatrix farrand canh quan vuon nha trang

Khu vườn phía tây (vườn hồng) của Nhà Trắng tháng 4 năm 1963. Ảnh: Bettmann

Vào năm 1913, phu nhân Ellen Loise Axson Wilson, người vợ đầu của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã thuê Beatrix thiết kế Khu vườn Đông (nay được thiết kế lại thành vườn Jacqueline Kennedy) và Khu vườn Tây (nay là vườn hoa hồng) ở Nhà Trắng. Tuy nhiên, sau khi phu nhân Ellen qua đời vào tháng 8 năm 1914, dự án đã bị đình trệ cho đến khi phu nhân Edith Bolling Galt Wilson, người vợ thứ hai của Tổng thống Wilson khởi động lại dự án và hoàn thành vào năm 1916. Beatrix cũng đã thiết kế khuôn viên dinh thự của J. Pierpont Morgan tại thành phố New York (địa điểm này sau đó đã trở thành nơi đặt Thư viện & Bảo tàng Morgan).

Một trong những công trình đáng chú ý nhất của Beatrix Farrand là khu vườn bậc thang trang trọng đan xen giữa môi trường tự nhiên nằm tại Dumbarton Oaks ở quận Georgetown, Washington, D.C., được làm cho Mildred và Robert Woods Bliss (1922-1940). Thiết kế của bà lấy cảm hứng từ chuyến đi tới châu Âu, đặc biệt là từ các khu vườn Phục Hưng Italia. Khu vườn được xây dựng trên một sườn dốc và ngả phong cách mang hơi thở của thiên nhiên hơn khi tiếp cận con lạch.

kien truc su canh quanh beatrix farrand bumbsrton oaks vuon

Khu vườn Dumbarton Oaks. Ảnh: Karl Gercens.

beatrix farrand canh quan vuon dumbarton oaks ban ve kien truc

Toàn cảnh bản vẽ khu vườn tại Dumbarton Oaks. Ảnh: Dumbarton Oaks Gardens as Archives

Năm 1928, vợ chồng Beatrix Farrand chuyển đến California sau khi chồng của bà nhận chức vụ giám đốc Thư viện Huntington. Tại thành phố mới, Beatrix gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng do sự cạnh tranh từ những NTK cảnh quan đã nổi tiếng tại đây như Florence Yoch, Louise Council, hay Lockwood DeForest Jr.  Các dự án của bà đa số đến từ bạn bè, chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng mùa đông Casa Dorinda của gia đình Bliss tại Montecito, California hay dự án vườn bách thảo Santa Barbara gần đó. Ở Los Angeles, bà có một vài dự án với nhà thiên văn học George Ellery Hale và kiến trúc sư Myron Hunt. Sau đó, bà làm việc trong các dự án tại Đại học Occidental và Viện Công nghệ California.

Beatrix thường đi xuyên quốc gia bằng tàu hỏa để thực hiện các dự án ở phía đông, chẳng hạn như thiết kế và giám sát khu vườn được lấy cảm hứng Trung Quốc tại “The Eyrie” cho Abby Aldrich Rockefeller trên đảo Mount Desert, Seal Harbor, Maine. Trong thời đại của ô tô, Beatrix đã thích nghi với sự thay đổi của xã hội và cảnh quan, tạo ra các thiết kế phù hợp với phương tiện di chuyển mới. Trong thiết kế của mình, Beatrix đã áp dụng các nguyên tắc học được từ Frederick Law Olmsted trong chuyến tham quan vườn ươm Arnold và từ khu vườn tại dinh thự Biltmore Estate của George Washington Vanderbilt II. Vị tỷ phú John D. Rockefeller Jr. đã tìm kiếm và tài trợ cho Beatrix để bà thiết kế kế hoạch trồng cây cho các con đường xe ngựa tại Công viên Quốc gia Acadia trên đảo Mount Desert. Ngày nay, các con đường này vẫn được tiếp tục sử dụng.

kien truc su canh quan beatrix farrand vuon hill stead

Khu vườn Hill-Stead chụp từ trên cao. Ảnh: Jerry L. Thompson

kien truc su canh quan vuon hoa hong beatrix farrand peggy rockerfeller

Khu vườn hoa hồng Peggy Rockefeller được Beatrix Farrand thiết kế năm 1916 và hoàn thành vào năm 1988, như một món quà từ David Rockefeller gửi đến vợ ông. Năm 2006-2007, các công trình cải tạo được tiến hành khi quản lý Peter Kukielski quyết định tạo ra một khu vườn hoa hồng bền vững. Hiện có 4.032 cây hoa hồng trong khu vườn, đại diện cho 687 loài khác nhau.

Trong suốt 50 năm sự nghiệp của mình, Beatrix Farrand đã nhận được hơn hai trăm yêu cầu thiết kế, chủ yếu từ các gia đình giàu có và quý tộc từ New York, Philadelphia và Boston. Ngoài dự án cho các khách hàng tư nhân, Beatrix cũng đã thành lập một trung tâm nghiên cứu cảnh quan tại Reef Point, Maine, nơi có khu vườn, phòng trưng bày thực vật, và thư viện tham khảo rộng lớn mà bà đã thu thập trong nhiều năm. Việc Beatrix tặng các các giấy tờ và bộ sưu tập chuyên môn của bà cho Đại học California, Berkeley vào năm 1955 đã tạo ra tiền đề cho các kiến ​​trúc sư cảnh quan khác coi trọng giá trị công việc của mình. Chính bộ sưu tập tài liệu đó đã giúp bà tiếp tục nghiên cứu về sự nghiệp của mình và truyền cảm hứng cho việc khôi phục một số khu vườn.

Các khu vườn tư nhân của Beatrix Farrand ở miền đông Hoa Kỳ còn tồn tại đến ngày nay bao gồm: khu vườn Dumbarton Oaks của gia đình Bliss tại ở Georgetown, Washington, D.C., ngôi nhà mùa hè của Harkness tại Waterford, Connecticut  – hiện được bảo tồn; ngôi nhà ‘The Eyrie’ của gia đình Rockefeller ở Seal Harbor, Maine.

beatrix farrand vuon canh quan harkness waterford

Khu vườn phía Đông của Harkness tại Waterford. Ảnh: ctinsider

Trong sự nghiệp của mình, Beatrix Farrand cũng có một số công trình công cộng tại các khuôn viên trường đại học. Các thiết kế của Beatrix Farrand cho các khuôn viên trường học dựa trên ba khái niệm: sử dụng các loài thực vật có hoa nở quanh năm, nhấn mạnh vào kiến trúc để che giấu những thiếu sót, và sử dụng các loài thực vật mọc thẳng cũng như dây leo để giúp các khoảng trống giữa các tòa nhà không bị co hẹp tỷ lệ so với các tòa xung quanh. Các thiết kế của bà được chú ý vì tính thực tế, đơn giản và dễ bảo trì. Bà là kiến trúc sư cảnh quan tư vấn đầu tiên cho Đại học Princeton tại Princeton, New Jersey.

Hiện nay, khi xây dựng các tòa nhà mới tại Đại học Princeton, các kiến trúc sư thường tham khảo các tài liệu của Beatrix Farrand tại Trường Đại học California, Berkeley. Bà là kiến trúc sư cảnh quan tư vấn tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut trong 23 năm, với các dự án như vườn bách thảo Marsh. Sau đó, bà tiếp tục cải thiện hàng chục khuôn viên khác, trong đó có Đại học Chicago, cùng với Đại học Occidental và Viện Công nghệ California. Beatrix đã hoàn thành công việc thiết kế cho Trường nữ sinh nông nghiệp Pennsylvania. Sau đó, bà trở thành cố vấn cảnh quan cho vườn ươm Arnold của Đại học Harvard.

kien truc su canh quan beatrix farrand vuon bach thao marsh yale university

Khu vườn với hơn 1.000 loài thực vật tại vườn bách thảo Marsh, Đại học Yale. Hiện tại nơi đây đã không còn tồn tại.

Cống hiến không ngừng nghỉ đến những năm cuối đời

Vào năm 1945 sau cái chết của chồng, Beatrix Farrand đã dành cả cuộc đời để thực hiện các kế hoạch mà hai vợ chồng từng thảo luận. Để tưởng nhớ người chồng quá cố, bà đã thành lập Quỹ Tưởng niệm Max Farrand để thực hiện công việc tại Reef Point. Beatrix tiếp tục công việc của mình tại Reef Point nhưng quyết định đóng cửa trung tâm mười năm sau đó, tặng toàn bộ bộ sưu tập tài liệu của mình cho Đại học California-Berkeley, với hy vọng sẽ giúp ích cho thế hệ trẻ. Beatrix đã chuyển đến sống và dành ba năm cuối đời tại Trang trại Garland để dễ bề quản lý công việc. Đây là ngôi nhà của Lewis và Amy Magdalene Garland – những người bạn của bà – trên Đảo Mount Desert, Maine. Chính tại mảnh đất này, Beatrix đã tạo ra khu vườn cuối cùng của cuộc đời mình, và qua đời tại Bệnh viện Mount Desert Island ở tuổi 86 – ngày 28 tháng 2 năm 1959.

beatrix farrand canh quan vuon garland

Năm 2003, Hiệp hội Beatrix Farrand đã mua lại Trang trại Garland và khôi phục lại khu vườn cuối cùng của Beatrix về nguyên bản. Ảnh: Sue Ann Hodges

Trong suốt cuộc đời của mình, Beatrix đã nhận được vô số danh hiệu mà bà vô cùng trân trọng, bao gồm: bằng Thạc sĩ Nghệ thuật và đạt cấp bậc giáo sư tư vấn cảnh quan cho Đại học Yale, bằng Tiến sĩ Văn học Danh dự do Đại học Smith trao, Viện Kiến ​​trúc sư Mỹ đã công nhận bà là thành viên danh dự, và Hội Làm vườn (Garden Club) Hoa Kỳ đã trao tặng cho bà Huy chương Thành tích. Ngoài ra, vườn bách thảo New York cũng đã trao tặng giải Distinguished Service Award và Large Gold Medal cho Hiệp hội Làm vườn Massachusetts. Đó là những vinh dự lớn trong sự nghiệp của Beatrix, cho thấy sự đóng góp của bà cho sự phát triển của nghệ thuật tạo vườn và cảnh quan.

kien truc su canh quan beatrix farrand chan dung

Beatrix vào năm 1943. Ảnh: The Cultural Landscape Foundation

Thực hiện: Khánh Quỳnh


Xem thêm

Victor Horta: Kiến trúc sư tiên phong cho phong trào Art Nouveau

Elsie de Wolfe-Người phụ nữ tiên phong với sứ mệnh làm đẹp cho đời

Không gian sống sinh động qua nét cọ của Jeremiah Goodman