Elsie de Wolfe, một người phụ nữ Mỹ sinh vào năm 1865 với thân hình nhỏ bé và dung mạo xấu xí, theo cách mà bà tự mô tả về bản thân từ tấm bé. Ấy vậy mà người phụ nữ của hai thế kỉ, sống trong thời kì mà xã hội vẫn còn nhiều định kiến và quy củ lại dám thể hiện cái tôi của bản thân ra bên ngoài, thành công với công việc do chính mình khai sinh để rồi tạo ra những di sản mang giá trị tồn tại bền vững.
Nếu khái niệm “fashionista” hay “influencer” có ở thời đại bà đã sống, hẳn de Wolfe luôn là cái tên được nhắc đến. Bà là người phụ nữ đầu tiên dám nhuộm tóc màu xanh để hợp với màu trang phục của mình. Bà cũng thích đeo găng tay và ôm ít nhất một chú chó nhỏ bên mình ở bất cứ nơi nào bà đến. Mọi bữa tiệc bà tổ chức đều làm mọi người muốn tham dự. Hơn hết, bà là người có cái nhìn sắc bén về màu sắc và họa tiết để làm nền tảng cho sự nghiệp thiết kế nội thất của mình.
Tài năng thiên bẩm của Elsie được bộc lộ từ bé. Không phải đứa trẻ nào cũng như bà khi khi lúc còn nhỏ, Elsie đã có cảm giác tự ti về ngoại hình của mình. Có thể sự nhạy cảm đó làm cho bà bắt đầu có sự phân biệt về đẹp-xấu trong cuộc sống, nhất là với không gian sống.
Khi cha mẹ của bà trang trí phòng bằng tranh tường và đồ nội thất của William Morris, bà đã nằm giữa sàn, khóc lóc và liên hồi thét lên “Thật xấu xí!”. Trong cuốn hồi ký “After All”, bà mô tả những chiếc lá cọ xám úa trên nền màu nâu nhạt nhẽo của bức tường thật kinh khủng, tựa như những nhát dao cứa vào người bà. Có lẽ từ thời điểm đó, bà đã nhận ra chân lý cuộc đời mình là làm những thứ xung quanh mình trở nên đẹp đẽ hơn.
Nhưng sự nghiệp thiết kế nội thất không đến với bà ngay lập tức. Sinh ra trong gia đình có mẹ là người Scotland và bố người Nova Scotia, bà được gửi đến nhà họ hàng của mẹ ở Edinburgh để đi học năm 16 tuổi. Nhờ mối quan hệ với người họ hàng của bà là một giáo sĩ lỗi lạc thân cận của Nữ hoàng Victoria tại lâu đài Balmoral, bà đã được vinh dự trình diện Nữ hoàng tại cung điện vào năm 1885. Tuổi thiếu niên sống một cuộc sống phong phú mang lại cho bà một cuộc sống tươi đẹp hằng bao người mơ ước.
Một trong những sự kiện quan trọng của cuộc đời Elsie đó là khi người cha qua đời khi bà 26 tuổi, buộc bà phải tự bươn chải để kiếm sống bằng nghề diễn viên. Ở những năm cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, sân khấu là một loại hình giải trí ăn khách. Với những kinh nghiệm diễn xuất không chuyên của mình, bà đã trở thành một diễn viên, bất chấp định kiến xã hội về hình ảnh một người phụ nữ đáng kính lại gia nhập làng giải trí. Và chính trong thế giới này, bà đã gặp một người phụ nữ tên Elisabeth Marbury, người cố vấn và cũng là người tình của bà trong suốt 40 năm.
Mặc dù khả năng diễn xuất không quá xuất sắc, nhưng Elsie lại tỏa sáng nhờ gu thời trang của mình. Cứ mỗi mùa hè, bà và Marbury đều du lịch đến Paris để lựa chọn những kiểu đầm đẹp nhất của những nhà mốt Pháp lừng danh cho những vở diễn sắp tới. Những lựa chọn của bà đã tạo nên xu hướng, đến nỗi “trend-setter” Elsie de Wolfe được bình chọn là người phụ nữ mặc đẹp nhất thế giới năm 1935.
Góc nhìn thẩm mỹ của Elsie không dừng lại ở thời trang mà đã bắt đầu đến với không gian sống. Dự án đầu tiên của bà chính là tại căn nhà riêng của bà và Elisabeth. Bà đã cải tạo lại hoàn toàn nội thất của gian phòng khách, thay thế sự lộn xộn, u ám và nặng nề của những món đồ nội thất cầu kì và rèm cửa nặng trịch đặc trưng của thời Victoria. Thay vào đó là sự tươi sáng của nước sơn trắng ngà hài hòa cùng xám nhạt, rèm cửa bằng vải muslin, bàn ghế theo phong cách Louis sơn màu nhạt và bọc vải hoa. Sự nhẹ nhàng và tinh tế của căn phòng như một làn gió mới trong không gian sống, khiến những người bạn nổi tiếng của họ phải trầm trồ và đã trở thành khách hàng của Elsie, bao gồm nhà thơ Oscar Wilde, minh tinh Sarah Berhardt, kiến trúc sư Stanford White và Anne Tracy Morgan, con gái của nhà tài phiệt Mỹ J.P. Morgan.
Công trình để đời đầu tiên đánh dấu bước ngoặt sự nghiệp thiết kế nội thất của Elsie đó là The Colony Club được thiết kế bởi kiến trúc sư Stanford White vào năm 1905. Đây là câu lạc bộ đầu tiên dành cho phụ nữ tại Mỹ. Vì vậy, Elsie đã loại bỏ tất cả những yếu tố trang trí của một câu lạc bộ cho nam giới thông thường như màu sắc tối, đồ nội thất gỗ to và nặng cùng các chi tiết trang trí vải nhung xếp nếp. Không gian của Elsie được sơn tường màu nhạt, sử dụng đồ nội thất mây đan, sàn nhà lót gạch vuông, giàn gỗ trang trí trên tường và trần với dây thường xuân len lỏi. Với công trình này, Elsie không chỉ làm không gian bừng sáng khi ánh nắng chiếu xuyên qua những ô cửa sổ lớn theo nghĩa đen, mà còn mở ra những cánh cửa để luồng gió mới, ánh sáng mới chiếu rọi vào nước Mỹ.
Kể từ đó, tên tuổi của Elsie được biết đến rộng rãi với phong cách đặc trưng, kết hợp sử dụng đồ nội thất sơn trắng, ghế nghỉ chaise lounge và gương lớn. Cảm giác nhẹ nhàng, mềm mại và nữ tính trong không gian của bà mở ra một thời kì mới cho lĩnh vực trang trí nội thất. Hiển nhiên, bà đã có thêm nhiều công trình và khách hàng quan trọng như nhà riêng của nhà văn Amy Vanderbilt, vợ chồng Công tước xứ Windsor… Trong đó quan trọng nhất là tài phiệt Henry Clay Frick với dinh thự riêng 14 phòng. Ông đồng chia hoa hồng trên từng món đồ mà bà chọn để trang hoàng khắp công trình. Giao kèo “hời” đến nỗi có thể biến Elsie trở thành một phú bà ngay sau khi hoàn thành.
Sự nghiệp của bà bị gián đoạn bởi Thế Chiến I và bà đã quyết định trở lại Pháp để trở thành một y tá, đồng thời biến tư trang Villa Trianon trở thành bệnh viện. Sau khi chiến tranh kết thúc, bà được Nhà nước Pháp trao tặng huân chương chiến công. Gọi đây là một cột mốc trong sự nghiệp của bà bởi sau khi chiến tranh kết thúc, sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của bà được làm mới một lần nữa. Phong cách của bà phóng khoáng hơn, đa dạng hơn. Có thể kể đến một vài điểm mới trong cách trang trí của bà như kết hợp họa tiết lông thú với tranh tường Chinoiserie, sử dụng đồ nội thất phong cách Regency và Chippendale, và đặc biệt là sự yêu thích đến cuồng si màu beige. Từ đây, bà đã có thêm những khách hàng nổi tiếng mới là nhà soạn nhạc Cole Porter, doanh nhân Condé Nast và nữ bá tước Dorothy di Frasso.
Ngoại trừ tổ ấm đầu tiên của bà và Elisabeth Marbury, có hai căn nhà quan trọng trong cuộc đời bà đó là Villa Trianon tại Pháp và một căn nhà phong cách Hispano-Moorish tại Beverly Hill mà bà mua trong thời kì Thế Chiến II. Căn nhà toát lên vẻ sang trọng và sinh động với sự kết hợp hài hòa của đồ nội thất Baroque của Tony Duquette giữa bảng màu trắng, đen, xanh lục bảo và đỏ san hô. Khu vườn trong nhà cũng được mở rộng hết cỡ và có sự xuất hiện của những chiếc gương ngoài trời. Được bà đặt cho cái tên “After All”, căn nhà trở thành nơi tổ chức những bữa tiệc tiếp đãi các khách hàng tiềm năng.
Năm 1921, Elsie de Wolfe khi ấy đã 56 tuổi, đã phải ra tòa để kiện một người khách hàng của mình vì không trả tiền mua đồ nội thất cho mình. Luật sư bên bị đã hỏi bà về công việc của bà. Trong cuốn hồi kí của mình, bà kể lại: “Tôi nhìn hắn và trả lời với giọng điệu tự hào đầy cao quý, ‘Tôi kiến tạo cái đẹp.'” Có thể Elsie de Wolfe được biết đến như một người phụ nữ nổi loạn qua phong cách ăn mặc, hay tạo ra những không gian đẹp bằng sự tươi mới. Nhưng hơn hết, và cũng là căn bản nhất, đó là sự táo bạo và mạnh mẽ bên trong người phụ nữ dám khác biệt và thay đổi với mục đích làm cho cuộc đời trở nên tươi đẹp hơn.
Thực hiện: Hoàng Lê | Ảnh: Tư liệu
Xem thêm
Patricia Urquiola – Nữ nhân bản lĩnh trong thế giới sáng tạo